Đà Nẵng: Bí quyết sống lâu của cụ già 102 tuổi

Thứ Ba, 15/05/2007, 15:30
Thật khó có thể tin, lão Lương y Hồ Thắng đã 102 tuổi, một người đã phải trải qua bao gian nan, khổ cực; chịu đủ thứ cực hình tra tấn dã man trong các nhà tù của giặc Pháp và Mỹ - ngụy, vẫn có một sức sống dẻo dai, bền bỉ đến thế.

Thầy thuốc Đông Y 102 tuổi

Người Đà Nẵng quen gọi cụ với danh xưng kính trọng: Lão Lương y Hồ Thắng. Vì, cụ là một thầy thuốc đông y duy nhất có tuổi đời đại thọ đến 102, tuổi nghề thì cũng đã tròm trèm 84 năm. Và cho đến nay, dù đã ngoài trăm tuổi, cụ Thắng vẫn còn làm chủ một phòng chẩn trị đông y mang tên Vạn Phúc, chuyên bắt mạch, kê đơn thuốc, trị bệnh cho thiên hạ. Tài trị lành nhiều căn bệnh thuộc loại... “độc”, của lão lương y lan xa khắp vùng xứ Quảng.

Tôi tìm đến nhà cụ Hồ Thắng tại phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng vào một ngày cuối tháng 4 trên đường Lý Thái Tổ. Qua tìm hiểu được biết cụ Hồ Thắng có 4 đời vợ, 11 người con; còn cháu, chắt, chít cũng đã trên 50 người. Bốn bà vợ đều kế nhau hết. Có nghĩa, bà lớn không may bị bệnh tật, hoặc tai nạn mà qua đời, cụ không thể sống cảnh “gà trống nuôi con” nên buộc lòng phải đi bước nữa. Cứ thế, cụ bước "bốn bước" và người cuối cùng có tên là bà Biết...         

Một đời cách mạng kiên trung

Tài liệu, lịch sử Đảng bộ huyện Điện Bàn, Quảng Nam, cũng đã xác định: Cụ Thắng là một trong số người đầu tiên ở huyện Điện Bàn đi theo Đảng làm cách mạng. Giờ đây, ngồi trò chuyện với tôi, cụ vẫn còn nhớ như in về cái ngày ấy. “Sau khi tổ chức Đảng Cộng sản Quảng Nam ra đời, làng Châu Bí (nay là xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn) có các anh Nguyễn Xuân Sách, Nguyễn Xuân Nhĩ... về hoạt động. Tui theo các anh làm cách mạng và được đặt cho biệt danh: Hồ Cổn Minh.

Tết Tân Mùi năm 1931, anh Sách bảo tui vận động anh, chị em thanh niên trong làng, cũng như các làng lân cận lên đỉnh đồi Bồ Bồ để kết nạp vào các hội do Đảng lãnh đạo. Mọi người đồng lòng cắt máu ăn thề, quyết tâm đi theo Đảng. Ngay sau tết, nghe ngóng được thông tin thanh niên Châu Bí tụ tập trên đỉnh Bồ Bồ, Tổng đốc Quảng Nam là Ngô Đình Khôi đã cho lính lệ bắt tui nhốt ở nhà lao thành La Qua, Vĩnh Điện...”.

Hớp một ngụm trà, cụ Thắng nói tiếp: “Chúng tra tấn tui rất dã man, song tui vẫn không hé răng nửa lời về chuyện uống máu ăn thề đồng tâm làm cách mạng, mà một mực kêu oan là đi du xuân, vãn cảnh, nên cuối cùng chúng phải thả ra. Tới năm 1939, tui được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Bước sang đầu thập niên 40, do nằm trong danh sách hiềm nghi của giặc nên chúng đã hai lần bắt giam tui tại nhà lao Hội An”.

Bước sang giai đoạn chống Mỹ, cụ Thắng là một trong số cán bộ tích cực của Ban Kinh tài tỉnh Quảng Đà; vận động, gom góp lương thực, tiền bạc từ những cơ sở cách mạng chuyển lên chiến khu. Và cụ cũng nằm trong “sổ đen” của địch và nhiều lần bị chúng bắt giam, tra tấn đủ thứ cực hình.

Lần bị bắt cuối cùng vào năm 1974, bị cầm cố tại xà lim Thanh Bình. Cụ Thắng thoát khỏi nhà tù đúng vào ngày 29/3/1975, ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng. Những người mở xà lim giải thoát cho cụ thoát cảnh gông cùm là các anh bộ đội Cụ Hồ, các anh chiến sĩ giải phóng quân.       

Bí quyết sống lâu

Sau ngày giải phóng miền Nam, cụ Thắng lại quay về nghề làm thuốc đông y, được bầu vào Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Tỉnh hội Y học Cổ truyền Dân tộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Kể từ đó cụ chuyên tâm vào nghiên cứu và đến nay cụ đã viết được 10 tập sách về phương pháp xem bệnh, bắt mạch, kê toa...

Tôi hỏi về bí quyết sống lâu, cụ Thắng cười móm mém: “Rất đơn giản! Tui nghĩ ai cũng có thể sống lâu được cả, nếu biết giữ gìn sức khỏe!”. Với cụ Thắng, bí quyết đầu tiên là phải hăng say lao động. Tuổi càng cao thì công việc lao động thường nhật phải nhẹ lại, nhưng phải luôn động chân, tay và luôn vận động não.

Bí quyết thứ hai để sống lâu, theo cụ Thắng là ăn uống phải thanh đạm, nên ăn nhiều rau, củ, cá hơn là thịt. Đặc biệt, từ nhỏ đến giờ, cụ Thắng không đụng tới một giọt rượu, bia, cà phê và những thức ăn quá mặn, cay, chua... Cụ Thắng cũng rất ít khi dùng tới thuốc tây.

Điều làm tôi ngạc nhiên nữa là cụ Thắng rất thích làm thơ, nhất là thơ tình. Tới nay, cụ vẫn sáng tác thơ đều đều. Trong nhiều bài thơ của cụ Thắng, hình bóng cô thôn nữ hiện ra tha thướt như cành liễu bên bờ hồ, thỏ thẻ giọng oanh vàng làm mê hồn tao nhân mặc khách. Và có lẽ vì thế nên đã ngoài trăm tuổi, trong thơ cụ Thắng vẫn ước mơ mùa xuân còn mãi

Long Vân
.
.