Đã nguội rồi mâm cơm, bếp lửa?

Thứ Ba, 12/02/2008, 10:00
Bếp củi, bếp mùn cưa, rồi tiến đến bếp dầu, bếp điện, bếp ga. Phải chăng, càng hiện đại, càng tiện lợi, ngọn lửa càng chóng tắt, chóng tàn...?

Có cách nào đi ngược thời gian tìm lại quá khứ của một thời? Nhất là khi nó chưa phải là “thời xa vắng”? Có thể tìm gặp những người và những sản phẩm của thời ấy.

Thời bao cấp “đẻ” ra con người bao cấp. Đến lượt con người lại “đẻ” ra những sản phẩm bao cấp: Tem phiếu, xếp hàng thâu đêm suốt sáng, phân phối, bốc thăm từ bánh xà phòng, chiếc khăn mặt cho tới cái xe đạp Thống Nhất.

Hôm qua đã trở thành quá khứ, nhưng có khi quá khứ vẫn sống trong hiện tại và còn “thượng thọ” trong tương lai. Còn đó con người bao cấp, còn đó tư tưởng bao cấp. Chỉ có những cơ chế bao cấp thì đã tàn lụi và chết theo thời gian.

Duy có một sản phẩm vẫn sống dai dẳng, sống ký sinh ở các thành phố, đô thị suốt mấy chục năm nay, “vắt” từ thời bao cấp sang thời kinh tế thị trường. Ấy là cơm “bụi”.

Hoa thường nở theo mùa. Sắc cúc vàng, vạt cải ửng vàng ven sông là tiết trời đã quá thu chớm đông. Cành đào Nhật Tân, chậu mai Nghi Tàm e ấp năm nào “tiếu đông phong” (cười gió đông). Thấp thoáng sắc hoa, phảng phất hương hoa là gợi nhớ cả một mùa, cả một thời ký ức buồn vui.

Hoa nở trái mùa, quả ra trái vụ là theo ý muốn của con người. Bắt tự nhiên ra hoa kết trái trái khoáy thật là ngược đời. Cái sự nghịch cảnh ấy rồi cũng dần thành quen mắt thiên hạ và người ta mặc nhiên coi như hiện tượng tự nhiên, thậm chí còn là một phần tất yếu của cuộc sống.

Không biết nên gọi cơm “bụi” là... hoa dại, cỏ dại hay loại nấm lành ít độc nhiều, mọc chen chúc như rừng trên mọi nẻo đường, con phố, ngõ hẻm ở Hà Nội, TP HCM và các đô thị, thị trấn, thị xã và thị tứ. Chúng mọc quanh năm bốn mùa, chẳng kể thời tiết nắng mưa.

Đất càng cằn cỗi, dân cư càng hỗn độn, trật tự càng nhộn nhạo, cơm “bụi” càng bám rễ sâu, rất khó nhổ. Rất may là nó chưa đủ sức “tấn công” về nông thôn, nơi mà bếp cơm, cái lửa vẫn sưởi ấm những mái nhà nghèo, nơi mà ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu vẫn quây quần bên mâm cơm gia đình sau một ngày làm việc quần quật, tối mắt tối mũi nhặt nhạnh từng hạt thóc, củ khoai, con cá, cọng rau.

Ai đó đã có lần đặt câu hỏi: Cơm “bụi” có từ thời nào? Ai gán cho nó cái tên “cúng cơm” thô thiển chẳng văn vẻ gì mà lại hợp đến thế?

Ngày xưa, các cụ thường sinh con rồi mới đặt tên. “Xem mặt đặt tên”. Đứa trẻ lọt lòng cả tháng trời, các cụ mới mời thầy tướng về nhà ở vài ngày. Thầy xem mặt, quan sát đứa trẻ khóc cười, không bỏ qua bất kể hành vi nào của nó. Cuối cùng, ông thầy mới quyết định đặt tên cho đứa trẻ.

Cái tên ấy nói lên cốt cách, nhân cách, tư chất con người. Cái tên ấy vận vào người suốt cả cuộc đời như một định mệnh trói chặt vào số phận. Tên và chữ đệm không phải thật kêu, thật hay mà phải đúng cốt chất con người.

Tuy thế, cổ nhân lại cho rằng, để cho dễ nuôi, để con trẻ hay ăn chóng lớn, cần đặt cho nó một cái tên thật cục mịch, quê mùa: Tý, Tèo, Kèo, Cột hay Cua, Cáy, Ốc, Hến gì cũng được.

Suy diễn theo kiểu dân gian ấy, cơm “bụi” dứt khoát không có tên trong từ điển, khỏi phải mất công tra cứu, tìm kiếm. Cũng giống những cái tên thời bao cấp: Phở “ngó”, mì “không người lái”, bánh “nắp hầm” hoặc thời kinh tế thị trường như xe “ôm”, bia “ôm”, quán “cóc”, bò “tùng xẻo”...

Cơm “bụi” có lẽ có dây mơ rễ má, có cùng huyết thống với “bụi” đời, sống “bụi”. Những đứa trẻ “bụi” đời sống vất vưởng trên vỉa hè, đường phố, ngõ hẻm, gầm cầu, bến xe. Chúng không gia đình, không nơi nương tựa, màn trời chiếu đất vật vờ qua ngày đoạn tháng như cát bụi trên đường phố.

Chúng là nỗi đau của một xã hội và xã hội đã mở rộng vòng tay yêu thương, đùm bọc. Nhà nước và các tổ chức đoàn thể xã hội, các tổ chức nhân đạo, các nhà từ thiện hảo tâm đã gom nhặt những hạt “bụi” đời vào các trung tâm nuôi dưỡng, các làng SOS, cho chúng cơm ăn, áo mặc, cho học hành và cho một nghề để có thể mưu sinh, trở thành những con người có ích cho xã hội.

Ngược lại, cơm “bụi” thì chẳng có ai nhòm ngó tới. Một khi không để mắt tới, để mặc cho cơm “bụi” phủ bụi khắp mọi phố xá, nẻo đường thì cũng đồng nghĩa với việc khuyến khích, “tiếp tay” cho nó.

“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi trở về cát bụi...”. Một kiếp người dù giàu sang, dù quyền lực đầy mình hay thân cô thế cô, nghèo hèn rồi cũng trở về cát bụi. Nhưng đã là phận cát bụi thì trở về đâu hay cứ vơ vẩn, vất vưởng giữa cuộc đời, phủ một bụi dày trên những nếp nhà?

Cơm “bụi” lúc khởi thủy vốn là cách gọi dân gian chứ chẳng có quán nào lại trương lên tấm biển “cơm bụi”. Hồi ấy chỉ có quán cơm bình dân lác đác mọc lên ở trước cửa nhà ga, bến tàu, góc chợ tạm, chợ cóc. Dần dà, cơm “bụi” lấn sân chiếm chỗ và bành trướng khắp mọi vỉa hè, mặt phố. Có hẳn ngõ cơm “bụi”, phố cơm “bụi”.

Tới nay nó đã “biến tướng” đến mức khó nhận mặt gọi tên. Cao cấp thì có cơm văn phòng, cơm suất. Thấp hơn một cấp là cơm hộp, cơm gọi điện thoại mang đến tận bàn làm việc, vào tận giường bệnh, len lách vào các sạp chợ, cửa hàng, cửa hiệu. Thật là quá tiện lợi!

Chỉ một cú điện thoại, chỉ ít phút đã có cơm hộp đặt trước mặt. Ăn xong quẳng hộp là xong, chả phải động tay động chân. Còn gì sướng hơn!

Chẳng bù cho cái thời cơm “cặp lồng” lỉnh kỉnh, cách rách khổ sở. Ăn dấm ăn dúi chỉ sợ đồng nghiệp, “đồng chí” nhìn vào ngăn thức ăn “phát giác” miếng thịt nạc, miếng trứng tráng hay mấy miếng chả giấu dưới cơm.

Luồng gió đổi mới may làm sao đã cuốn đi cảnh “cơm niêu nước lọ” ấy. Cuốn theo chiều gió một thời khốn khó, nhưng gió cũng mang đến cả bụi bặm, rải rác khắp phố phường, thành thị.

Cơm “bụi” là một thứ bụi như thế. Người ta có thể bao biện và bao che cho nó với rất nhiều lý lẽ nghe có vẻ “tâm phục, khẩu phục”. Cuộc sống gấp gáp, nhịp sống hối hả, thời gian dường như đang co ngắn lại từng ngày, cơm bụi thật là… đại tiện lợi.

Khỏi phải lo chuyện chợ búa, cơm nước, nấu nướng tốn thời gian, tốn công sức. Sẵn có cơm bụi chả thiếu món gì, tha hồ lựa chọn. Tiện đâu ăn đó, “tùy nghi di tản”, chả ai phụ thuộc vào ai, chẳng phải chờ đợi bên mâm cơm gia đình. “Người đi không bực bằng người trực nồi cơm”.

Vả lại, mỗi người một sở thích, một khẩu vị, chiều làm sao được. Chi bằng kéo nhau ra quán, muốn ăn gì, muốn gọi thứ gì tùy thích. Lại sẵn rượu đủ loại “bổ ngang bổ dọc” bia chai, bia lon, nước giải khát, trà đá… chỉ sợ không đủ sức mà uống.--PageBreak--

Xơi cơm “bụi” còn có một sự sung sướng mà bữa cơm gia đình không thể sánh được, đó là “không khí” ăn nhậu, là sự hưởng thụ thoải mái của người được quyền ngồi mát ăn bát cơm “bụi”, được cúc cung phục vụ “tận răng”.

Sướng nhất là không phải bưng bát cơm lên miệng lại phải nghe bên tai những chuyện bực mình mà chỉ có bữa cơm quây quần cả nhà mới được dịp trút xả ra. Đến nỗi miếng cơm trong mồm tắc nghẹn, nuốt không trôi, trệu trạo như nhai… rơm.

Gia đình là thế. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, phải chấp nhận một cách vui vẻ, không thể phủi tay rũ bỏ. Sống giữa thời buổi này, ai chẳng ngổn ngang trong lòng  bao nỗi lo toan và ai chẳng ít nhiều bị dính vào “stress”.

Cuộc sống tưởng chừng mỗi ngày cứ căng lên như sợi dây đàn. Người vợ, người mẹ, người chồng, người cha có thể ví như người cầm chèo lèo lái con thuyền “gia đình” giữa sóng gió thị trường. Nhu cầu vật chất ngày càng cao thì sợi dây thần kinh và cơ bắp cũng ngày thêm căng ra đến mức không còn sức đàn hồi và phục hồi.

Nhiều lúc chợt thấy buồn tê tái. Hình như cuộc sống vật chất càng cao lên, đầy đủ hơn, tiện nghi hơn thì cuộc sống tinh thần càng xuống dần, trống trải hơn và lạnh hơn.

Ngày xưa một gian nhà nhỏ đi về. Mẹ thường ngồi chong đèn bên mâm cơm chờ các con về. Bóng mẹ lấp sau ngọn đèn dầu hiu hắt, lửa đèn không đủ sáng soi gương mặt mẹ hao gầy nỗi mong con.

Sớm hay khuya mẹ cũng chờ đủ mặt các con rồi mới lụi hụi xuống bếp bắc nồi cơm ủ vùi trong trấu, hai tay gầy guộc bưng bát canh dưa khú nấu khúc cá trê nghi ngút hơi nóng. Khói nước như sương mù bảng lảng che mờ khuôn mặt mẹ, chỉ còn nhìn thấy đôi mắt mẹ cười nhìn con.

Mẹ giờ đã khuất xa, chúng con đã khôn lớn nên người, đã có một gia đình, một tổ ấm riêng, nhưng mỗi chiều tối trở về nhà vẫn cồn cào nhớ hơi cơm nóng, mùi canh dưa ngào ngạt đã thấm ngấm vào ký ức. Có phải vì bếp lửa gia đình giờ đây đã nguội lạnh đi ít nhiều?

Bếp củi, bếp mùn cưa, rồi tiến đến bếp dầu, bếp điện, bếp ga. Phải chăng, càng hiện đại, càng tiện lợi, ngọn lửa càng chóng tắt, chóng tàn. Căn bếp, góc bếp ở thành phố được thiết kế trang bị và trang trí không thua kém gì bên Tây, bên Tàu.

Bàn ghế, tủ kệ, đồ dùng, dụng cụ không chê vào đâu được. Nấu nướng trong bếp, ăn ngay trong bếp, trò chuyện, sum họp gia đình cũng ngay trong bếp. Còn ước muốn gì hơn? Còn đòi hỏi gì nữa.

Thật là một cuộc “đổi đời” cho những người làm vợ, làm mẹ. Từ nay không còn cảnh mặt mũi lấm lem, tay chân nhem nhuốc. Từ nay mâm cơm không còn là chiếc mâm gỗ tróc sơn nhỏ như cái sàng, cái sẩy, ngồi bên nào cũng lệch hay cái mâm nhôm hẹp lòng.

Bếp rộng rãi, mâm cơm là cả mặt bàn tròn không đến nỗi phải “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Nồi cơm điện quá nhanh, quá tiện chẳng còn lo “trên sống dưới khê, tứ bề nát bét”.

Vậy mà sao bữa cơm gia đình thời “mở cửa” vẫn trống trải, nguội ngắt. Có bao nhiêu người vợ, người mẹ đang bó gối bên mâm cơm nguội tanh, mỏi mắt trông ra cửa, giật mình thảng thốt chợt nghe tiếng xe máy, tiếng bước chân thân quen.

Mỗi ngày mỗi người sống cho gia đình, sống cho nhau được bao nhiêu giờ và phút? Ai cũng phải kiếm sống, ai cũng muốn kiếm được nhiều tiền trong thời buổi “người khôn của khó”. Đòi hỏi vật chất là vô cùng, vô tận. Biết thế nào là đủ, là thừa?

Người giàu thì vô hạn, chỉ có ngưỡng nghèo là có giới hạn. Vật chất, của cải dù phải trầy vẩy mới kiếm nổi, song một khi vật chất là những thứ nhìn thấy, sờ thấy đã viên mãn, lúc ấy mới giật mình nhìn lại và  chợt ngộ ra rằng, tinh thần là thứ thật lớn lao, ngay cả tiền bạc, quyền lực không thể mua nổi.

Ngộ ra thì đã muộn. Bếp lửa gia đình chỉ còn lại tro tàn nguội lạnh. Bữa cơm quây quần vợ chồng con cái  sau một ngày làm việc căng sức giờ đã rã rời ra từng mảng như… bèo dạt, không làm sao gắn kết lại được.

Xin đừng đổ tội cho “ngọn gió” thị trường phũ phàng đang luồn lách vào mọi ngóc ngách xã hội, lùa vào từng nếp nhà. Gió có gió lành, trái gió trở trời.

Cơm “bụi” là nơi nuôi nấng những người lao động từ mọi vùng nông thôn nghèo khó kéo nhau lên thành phố bán mồ hôi nhặt nhạnh từng đồng... “Cơm bụi” là nơi những đứa trẻ đánh giày, bán báo, những người sa cơ lỡ bước, “sảy nhà ra thất nghiệp”, “ấm bụng” những tháng ngày tha phương cầu thực.

Cơm “bụi” làm sao thay được bữa cơm gia đình đầm ấm. Ai nhen nhóm và giữ hơi ấm bếp lửa gia đình nếu không là anh, là tôi, là chúng ta?

Xã hội nào chẳng trân trọng, nâng niu gia đình, những “tế bào”, những “hồng cầu” âm thầm nuôi dưỡng “cơ thể” xã hội...

Ngay cả những siêu sao, những nghệ sĩ, ca sĩ danh tiếng đích thực trên thế giới cũng coi gia đình là bến đỗ, nơi trú náu bình yên, an toàn nhất của cuộc đời. Đấy là nơi chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, nơi băng lành những vết thương, nơi bám víu cuối cùng của con người trước những mất mát, đau đớn, tuyệt vọng.

Kìa trông những con chim mỏi cánh kiếm mồi. Chiều tắt nắng, màn đêm buông dần, những cánh chim hối hả tìm về tổ ấm. Chim có tổ, người có nhà. Lang thang phiêu bạt chân trời góc bể rồi cũng đến lúc trở về mái ấm gia đình.

Mỗi người trong gia đình tựa như những cây củi chụm lại, nhóm lên ngọn lửa nồng ấm. Người đã nếm đủ vị ngọt, vị đắng cay, mặn chát của cuộc đời đều ngẫm rằng không ở đâu bằng nhà mình.

Mâm cao cỗ đầy, đặc sản, hải sản đầy bàn, bia rượu tràn lan, thừa mứa mà vẫn thèm, vẫn nhớ bát canh cua mẹ nấu, bát mắm tép đỏ au mẹ ủ bên bếp lửa chiều đông se sắt cơn gió lạnh tê tái.

Gia đình không thể là quán trọ. Bếp lửa, mâm cơm là nơi ông bà, vợ chồng, con cháu sum vầy san sẻ niềm vui, nỗi buồn. Một ngày chỉ có những giờ phút ấy, nhìn gương mặt người thân, một ánh mắt, một nụ cười cũng đủ ấm lòng. Xin đừng để nguội lạnh mâm cơm, bếp lửa gia đình

Hồng Hạc
.
.