Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội lần thứ XI: Nhanh gọn và… kịch tính

Thứ Tư, 01/12/2010, 16:10
Khác với ĐH Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra cách đây ít tháng, ĐH Hội Nhà văn Hà Nội lần thứ XI (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đã đến với các hội viên một cách khá bất ngờ (hầu như mọi người chỉ biết trước đó vài ba ngày) và diễn ra thật... chóng vánh (chỉ gói gọn trong buổi chiều ngày 22 và sáng 23/11). Mặc dầu vậy, với đặc thù là nơi tập trung tiếng nói của những con người "giàu chữ nghĩa" nhất của vùng đất ngàn năm văn hiến, đại hội đã diễn ra không hề phẳng bằng và không kém phần... kịch tính!

Cái khó bó cái khôn

Nếu như ở Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra cách đây ít tháng, hầu hết các nhà văn được mời lên phát biểu đều đọc văn bản viết sẵn (mà trước đó họ đã nộp cho Đoàn Chủ tịch) thì tại Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội lần này, số nhà văn đăng ký phát biểu bằng văn bản chỉ vẻn vẹn có... 4 người, còn lại đều ngẫu hứng phát biểu... vo. Có lẽ vì thế mà không khí đại hội cũng "bốc" hơn? Vả chăng, với một hội trường không quá rộng (của Nhà Văn hóa Học sinh, sinh viên Hà Nội ở đảo hồ Thiền Quang), micro "bắt sóng" tốt nên các ý kiến phát biểu nghe chừng cũng rổn rảng hơn. Kết cục là, nếu như ở Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII, có tới 90% ý kiến tham luận bị đại hội vỗ tay... mời xuống thì tại Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội lần này, số đại biểu rơi vào tình trạng nói trên - không nhiều.

Có trường hợp, như phát biểu của nhà thơ Phạm Đông Hưng, dài dòng, rất dài dòng, nhiều người đã vỗ tay mời... xuống, song ngẫm ông nói dài mà đúng, mọi người lại vỗ tay cổ vũ để ông nói tiếp. Có trường hợp, như phát biểu của nhà thơ Hoàng Huy Phách, mọi người thấy hơi lạc đề, đã vỗ tay mời xuống, song ông nhà thơ này lầm tưởng mọi người vỗ tay động viên nên càng phát biểu say sưa. Sợ vỗ tay nữa ông Phách hiểu lầm, mọi người đành để yên cho ông đọc nốt bài tham luận của mình.

Lại có trường hợp như nhà thơ Chử Văn Long: Ông xin đăng ký phát biểu và khi ông  phát biểu được tới 5-7 phút, nhiều người mới phát hiện ra là ông đang... đọc thơ (một bài thơ dạng văn xuôi). Nhưng rồi các đại biểu cũng "cho qua" vì bài thơ tuy không hợp với tính chất đại hội, song dẫu sao trước đấy nhà thơ cũng đã "có nhời": "Là hội viên gần 30 năm nay nhưng chưa bao giờ tôi phát biểu ở Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam. Bây giờ xin phát biểu với Hội Nhà văn Hà Nội, sợ đại hội sau không dự được".

"So với nhiều Hội trong cả nước, Hội Nhà văn Hà Nội là một hội lớn, nhưng rất nghèo" - Đây là một nhận xét không phải không có căn cứ của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. Theo như báo cáo của nhà văn Hồ Anh Thái - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội nhiệm kỳ 2005- 2010 thì kinh phí dành cho mọi hoạt động của Hội trong 5 năm qua, "năm nhiều nhất chỉ là 130 triệu đồng" (nghĩa là số tiền dành cho các hoạt động phục vụ hơn 500 hội viên của Hội chưa chắc bằng lương của một phóng viên ở một tờ báo lớn). Đây chính là lý do khiến trong các tài liệu gửi tới toàn thể hội viên, mặc dù lãnh đạo Hội không có báo cáo tài chính, song hầu như không ai đặt vấn đề (ngoại trừ một trường hợp khi kết thúc đại hội có nêu ý kiến thắc mắc, song ngay lập tức bị mọi người... phủi bỏ vì với số tiền ít ỏi như vậy, ai đó có muốn "xơ múi" cũng không dễ). Tại đại hội, Ban lãnh đạo khóa cũ của Hội Nhà văn Hà Nội được khen nhiều hơn chê. Và nếu có chê thì cũng là chê không biết cách "xin tiền" chứ không phải chê vì có gì đó khuất tất trong việc "tiêu tiền".

Đúng là - như các cụ ta vẫn nói "cái khó bó cái khôn". Chỉ nội một việc làm sao mỗi hội viên Hội Nhà văn Hà Nội có được một tờ báo Người Hà Nội (tờ báo của Hội) để đọc mỗi tuần (nghĩa là có nguồn kinh phí khoảng 20 nghìn đồng mỗi tháng cho một hội viên) mà có tới 6 đại biểu phải lên tiếng luận bàn về vấn đề này, mất thời gian tới hơn nửa giờ, để rồi kết cục là - như ý kiến của nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội - "việc rất khó, đã từng đặt ra từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn không có cách gì tháo gỡ".

Nhân nhắc tới vấn đề kinh phí, xin kể lại một đôi tình tiết để bạn đọc hiểu thêm về "cái nghèo" của Hội Nhà văn Hà Nội. Cách đây 5 năm, tại Đại hội lần thứ X của Hội, trước khi vào hội trường, mỗi đại biểu được phát phong bì... 50 nghìn đồng, và phải ký vào... 3 tờ giấy để "hợp lý hóa chứng từ". Lần này, các đại biểu cũng vẫn phải ký vào 3 tờ giấy như vậy, nhưng chắc là do Ban tổ chức tính đến yếu tố trượt giá nên phong bì cũng "nặng" hơn (được tới... 120 nghìn đồng). Thôi thì, đối với đại hội, vui là chính. Song với số tiền như vậy, quả là "khó" cho không ít hội viên đến từ các vùng đất của Hà Tây cũ. Đã có đại biểu không dám thuê nhà nghỉ, phải ở nhờ nhà bạn tại nội đô để hôm sau dự đại hội tiếp. Cũng có đại biểu đi xe ca về và... ở nhà luôn. Có lẽ vì thế mà số hội viên Hội Nhà văn Hà Nội dù đã lên tới 558 người song tham dự đại hội chỉ có 277 người (chiếm tỉ lệ chưa đến 50%) chăng?

Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội khóa XI.

Kết quả chưa "cân đối"

Bao giờ cũng vậy, phần được xem là gay cấn nhất của đại hội chính là phần nhân sự. Khác với mấy kỳ đại hội Hội Nhà văn Việt Nam gần đây, là các hội viên đề cử người tham gia Ban Chấp hành (BCH) bằng phương thức bỏ phiếu kín, ở Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội lần này (và cả mấy kỳ trước nữa), các nhà văn thoải mái xướng tên người mà mình tín nhiệm tham gia BCH Hội. Cách này có cái hay là nhanh gọn, tránh trường hợp một người được nhiều người cùng giới thiệu. Và chính cách làm công khai này cũng tránh được việc giới thiệu vô trách nhiệm, đầy bỡn cợt như đã từng xảy ra ở Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam vừa qua (có người giới thiệu cả những nhà văn đã... mất từ hàng chục năm trước vào BCH).

Để giúp cho Tổ thư ký không bỏ lọt tên các nhà văn được đề cử, Ban tổ chức đã đưa lên sân khấu một tấm bảng mica và giao cho nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái trực tiếp cầm bút ghi tên từng người. Ở dưới hội trường, các đại biểu thay nhau đứng lên giới thiệu tên của những người mình tín nhiệm. Đã có những ý kiến mới mẻ về vấn đề lựa chọn lãnh đạo Hội, như ý kiến của nhà văn Y Ban: "Nếu bầu một BCH "lá ngọc cành vàng" quá thì không làm được gì đâu". Từ yêu cầu trên, bên cạnh những cái tên "thuần túy" mang tính chất văn chương, người ta còn thấy những cái tên gắn với cương vị lãnh đạo ở các cơ quan "lắm của nhiều tiền". Thậm chí, có ứng cử viên được ai đó giới thiệu một cách trịnh trọng là "nhà thơ - nhà doanh nghiệp".

Phải nói, việc đề cử các thành viên tham gia BCH Hội Nhà văn Hà Nội lần thứ XI đã diễn ra khá suôn sẻ, ngoại trừ một sự cố nhỏ: Trong khi ghi tên những nhà văn đầu tiên được đề cử để bỏ phiếu bầu BCH, nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Minh Thái đã tiện tay ghi tên mấy người, trong đó có Trần Chiến và Nguyễn Thị Minh Thái. Đây là một việc làm không có gì phạm luật, bởi bất kỳ hội viên nào cũng có quyền đề cử và ứng cử, song vì các đại biểu đang thực hiện việc giới thiệu... miệng, nên việc nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái ghi lại tên người từ mẩu giấy do một thành viên Đoàn Chủ tịch đại hội chuyển đến (một việc hết sức bình thường diễn ra ở Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam vừa qua) đã khiến các đại biểu rộ lên, yêu cầu "giải thích".

Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái nói "rắn": "Đoàn Chủ tịch chuyển cho tôi thế nào thì tôi ghi thế ấy". Như thể "gà mất trứng", nhiều người đứng lên, xua tay: "Không được, làm thế không được. Ai muốn giới thiệu ai thì phải nói to lên cho mọi người được biết". Nhà văn Hồ Anh Thái đã đứng lên giải thích, mấy người mà chị Nguyễn Thị Minh Thái ghi là do anh giới thiệu. Nhân đây, anh cũng xin cảm ơn đại hội tín nhiệm giới thiệu, song anh xin rút không tham gia vào danh sách bầu BCH nhiệm kỳ này.

Cùng với nhà văn Hồ Anh Thái, đã có 12 nhà văn xin được rút tên khỏi danh sách đề cử. Mỗi người một lý do nhưng tất cả đều tâm nguyện dồn phiếu cho những người thực sự có tâm huyết với công tác Hội. Có một số đại biểu muốn nhà văn  Hồ Anh Thái tiếp tục tham gia BCH khiến anh phải một lần nữa đứng lên cám ơn và nói rõ lý do là anh đã 3 khóa tham gia BCH và 2 nhiệm kỳ làm Chủ tịch Hội nên muốn để dành vị trí này cho những đại biểu khác mới hơn, năng nổ hơn.

Theo biểu quyết của đại hội, số lượng ủy viên BCH Hội Nhà văn Hà Nội khóa XI sẽ là 11 người. Song cũng như điều từng xảy ra nhiều lần ở cả Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội trước đây, khi mà số ứng cử viên quá đông thì để có được số đại biểu đạt số phiếu quá bán như dự kiến là rất khó. Và lịch sử đã lặp lại. Sau khi kiểm phiếu, trong danh sách 24 đại biểu được đề cử (không tính 13 đại biểu đã rút), chỉ có 6 đại biểu đạt quá bán. Thứ tự từ cao xuống: Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, các nhà thơ: Bùi Việt Mỹ, Bằng Việt, Nguyễn Việt Chiến, Dương Kiều Minh, Nguyễn Sĩ Đại. Và đại hội đã biểu quyết chốt danh sách ở đây, không bầu bổ sung.

Nhiều người lấy làm tiếc không có lấy một đại biểu nữ tham gia BCH. Họ tiếc cho Nguyễn Thị Mai, cho Y Ban (người thiếu một phiếu, người thiếu hai phiếu là quá bán). Riêng tôi, tôi còn tiếc cho trường hợp của nhà phê bình văn học, TS Nguyễn Thị Minh Thái. Theo một số người nhìn nhận thì chị phần nào bị "mất điểm" khi nói "rắn" với các hội viên, mặc dù việc làm của chị là hoàn toàn đúng luật. Giá như chị xử sự mềm mại hơn một chút. Và giá như các đại biểu đừng nghi kị nhau một cách vô lối như thế...

Như vậy, với một BCH mới gồm 6 người, trong đó có 1 nhà phê bình và tới 5 nhà thơ (không có nhà văn, không có đại diện nữ), Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội đã kết thúc với một kết quả không được "cân đối, tròn trịa" như nhiều người trông đợi. Song dù thế nào thì nó cũng đã đem tới những thay đổi nhất định: Chỉ còn lại 3 (trên tổng số 8) vị Ủy viên BCH khóa trước tiếp tục tham gia BCH khóa mới (nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà thơ Bằng Việt và nhà thơ Bùi Việt Mỹ). Và đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Hội Nhà văn Hà Nội: Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, người được bầu là Chủ tịch một hội có tới 221 người là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam lại không phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (nghe đâu Phạm Xuân Nguyên chưa bao giờ làm đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam).

Hậu đại hội và đôi điều góp ý

Ngay tại đại hội lần này, một số đại biểu đã lên tiếng phê phán cách tổ chức luộm thuộm, thiếu chuyên nghiệp của Hội Nhà văn Hà Nội. Nhà thơ Nguyễn Thành Phong, Tổng biên tập Báo Lao động Xã hội còn nói thẳng: "Đoàn Chủ tịch đã xin ý kiến đại hội biểu quyết phải bầu được BCH gồm 11 thành viên nhưng không có cách tổ chức để bầu được đủ trong khi lại dễ dàng thông qua việc chốt ở con số 6 là chưa hoàn thành nhiệm vụ". Anh cũng cho rằng, việc ai đó nói thành phố thiếu quan tâm tới Hội, nhưng "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", hãy xem lại mình xử sự thế nào.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Nguyệt, nguyên Phó Văn phòng Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đã cung cấp một thông tin mà ai nấy đều... ngỡ ngàng (vì trước đấy không để ý): Giấy mời các đại biểu tham dự đại hội không hề có dòng chữ "Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam" ở trên; không hề có tên cơ quan chủ quản của Hội Nhà văn Hà Nội (là Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội); cũng không hề có chữ "Kính gửi" và kèm đó là tên của các nhà văn. Bà Nguyệt cho rằng, đây là một thái độ coi thường hội viên (tôi thì cho rằng đây chỉ là một sơ suất do người soạn thảo không quen với cách làm văn bản phổ thông, hoặc do muốn có một sự "khác thường" nào đó?).

Liên quan đến thời gian gửi giấy mời, theo ông Nguyễn Khả Hùng - Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội - vị đại diện cao nhất của thành phố tới dự đại hội thì "Tới chiều thứ sáu vừa rồi, chúng tôi mới nhận được giấy mời. Muốn bàn với các đồng chí kỹ hơn về công tác tổ chức đại hội và vấn đề nhân sự cũng không kịp. Sáng thứ hai (buổi chiều khai mạc đại hội - PK) chúng tôi đề nghị các đồng chí gửi cho chúng tôi bản báo cáo bổ sung nhưng các đồng chí cũng không gửi. Chúng tôi muốn hoãn đại hội thì các đồng chí bảo mấy trăm giấy mời đã gửi đi hết rồi. Chúng tôi muốn đến dự với các đồng chí từ hôm qua nhưng chỉ nhận được giấy mời đề ngày hôm nay".

Một sơ suất nữa không thể không nói: Nhà thơ Nguyễn Trọng Văn được đề cử vào BCH, nhưng trong phiếu bầu lại ghi tên là Lê Trọng Văn. May mà nhà thơ Nguyễn Trọng Văn chịu "nhún", không lên tiếng yêu cầu cải chính, chứ không việc bầu bán hẳn phải kéo dài thêm ít nhất vài tiếng đồng hồ nữa.

Nói chung, Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội diễn ra vui vẻ, nhanh gọn nhưng cũng còn nhiều điều cần rút kinh nghiệm

Phạm Khải
.
.