“Đại nạn” đầu độc cá nuôi ở đồng bằng sông cửu long

Thứ Hai, 09/06/2008, 13:45
Vài năm trở lại đây, tòa án các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có những bản án thích đáng dành cho kẻ xem hầm cá tra trị giá bạc tỉ của người khác như cỏ rác. Tuy nhiên, số vụ cá tra nuôi bị thuốc, chết trắng cả hầm nuôi vẫn xảy ra. Sau những vụ việc ấy, nhiều gia đình phải trắng tay, lao đao vì nợ nần chồng chất. Người nuôi cá tra ở ĐBSCL đang bị ám ảnh vì hầm cá mình bị kẻ xấu phá hoại.

Tiền tỉ mất trong tích tắc

Đã hơn 10 ngày trôi qua nhưng gia đình anh Nguyễn Văn Năm, còn gọi là Năm Ne, ở cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) vẫn như người mất hồn. Trong căn nhà nhỏ nằm dưới chân đê bao quanh cồn, tôi nghe câu chuyện mà cảm nhận được nỗi đau mà gia đình anh chịu đựng suốt mấy ngày qua.

Giàu – con trai út của Năm Ne kể: “Khoảng 2h 30’ sáng 18/5.  Em đang ngủ trong chòi canh bỗng giật mình vì tiếng quậy bất thường của đàn cá dưới hầm. Ngồi bật dậy, soi đèn xuống mặt nước thì em không tin vào mắt mình nữa. Có rất nhiều cá bỗng tấp vào mé bờ rồi trân mình giống như bị thiếu ôxy; vài giây sau thì thả ngửa và bắt đầu chết”.

Anh Năm Ne cho biết, hầm cá này có khoảng 75 tấn đã hơn 6 tháng tuổi; theo hợp đồng đã ký với nhà máy chế biến, chiều 18/5, người ta sẽ đến để cân cá với giá 16.400 đồng/kg. Vậy mà... bỗng dưng mất trắng cả tỉ bạc. Tôi hỏi về kẻ đã nhẫn tâm phá hoại chuyện làm ăn của gia đình, chẳng ai nói được điều gì cả. Giàu là người trực tiếp trông hầm cá cũng vậy: “Làm sao biết ai đã phá mình!”.

Cá nhà ông Năm Ne chết do trúng thuốc.

Trong mấy năm gần đây, con cá tra đã làm đổi đời rất nhiều hộ nông dân vùng sông nước miền Tây này. Ở xã cù lao Tân Lộc (Cần Thơ), hàng chục nông dân nhờ nuôi cá mà xây được biệt thự, mua canô để thay thế chiếc xuồng cũ nát, đặc biệt là “tậu” được xe ôtô đắt tiền và chấp nhận mỗi tháng tốn vài ba trăm ngàn tiền gửi xe do cù lao chưa có cầu bắc qua.

Nhiều địa phương như An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long..., con cá tra đã khiến cho chính quyền phải... suy nghĩ và điều chỉnh lại quy hoạch chung. Tại thị xã Châu Đốc – cái nôi của nghề nuôi cá tra, cá ba sa chính quyền tỉnh An Giang đã đầu tư xây dựng hẳn tượng con cá da trơn này thay lời tri ân đối với loại cá đã giúp nông dân thoát khỏi cảnh nghèo khó.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đạt được khát khao đổi đời nhờ sản vật này.  Anh Bảy, người nuôi cá ở Ô Môn (Cần Thơ) nói: “Tụi tui canh cá còn hơn trực chiến. Cá chuẩn bị thu hoạch thì gần như chủ và người làm thức sáng đêm... vì sợ kẻ xấu dùng thuốc độc hại cá”.

Còn anh Hoàng - dân nuôi cá chuyên nghiệp ở Thốt Nốt - bộc bạch với tôi: “Mỗi ngày đối với dân nuôi cá dài dằng dặc. Cứ mỗi sáng thức dậy, gặp nhau bên quán cà phê gần hầm cá của mình, câu đầu tiên các chủ hầm cá hỏi thăm nhau là “Hồi hôm êm hôn?”. Câu hỏi này ẩn chứa cả một câu chuyện dài... và nó xuất phát từ việc kẻ xấu phá hoại người nuôi cá.

“Điểm nóng” đầu tiên nảy sinh tệ nạn thuốc cá có thể kể đến là ấp Quy Lân 6, xã Thạnh Quới (huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ). Từ năm 1997 đến nay ở đây đã xảy ra hàng chục vụ thuốc cá. Những vụ việc này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn gây hoang mang trong dư luận.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hồng trong vòng 5 năm (1996 - 2001) đã 2 lần bị kẻ xấu dùng thuốc trừ sâu bỏ xuống ao cá khiến hoàn cảnh kinh tế của gia đình lao đao, hàng chục triệu đồng tiền vốn mất trắng. Điều đáng nói cả hai lần ra tay thuốc cá, kẻ xấu đều chọn thời điểm trước khi gia đình ông Hồng thu hoạch cá đúng một ngày.

Hộ anh Bảy gần đó cũng từng 2 lần bị kẻ xấu thuốc cá. Còn bà Chín thì dẫn chúng tôi ra hầm cá rộng gần 1.000m2 cạnh nhà, nhớ lại chuyện 5 năm trước thở dài: “Cái hầm này thằng Tám Đặng con tôi cực khổ lắm mới nạo vét để nuôi cá. Vậy mà người ta lợi dụng đêm tối bỏ thuốc trừ sâu vô bịch nylon rồi thảy xuống. Nghe tin cá chết lên tới 3-4 tấn, bữa đó, vợ thằng Tám ngất xỉu luôn”.

Ở ngay xã Thạnh Lộc bên cạnh, mới cách nay chưa lâu, ao cá nhà anh Lương Văn Nhứt cũng xảy ra hiện tượng cá tự dưng nhảy lên dữ dội, sau đó chết trắng bụng. Theo lời anh Nhứt, để nuôi 100.000 con cá tra giống, anh đã bỏ ra khoảng 1 tỉ đồng tiền thức ăn, tiền thuốc chữa bệnh cho cá và chi phí nhân công. Trước đó 3 – 4 ngày, anh đã ký hợp đồng bán toàn bộ 120 tấn cá trị giá 1,6 tỉ đồng cho Công ty TNHH Cửu Long (An Giang). Tuy nhiên, vì chưa có người đến thu mua cá kịp nên công ty đã gửi anh trông hộ vài ngày.

Lúc 2h sáng ngày 30/3, vợ anh - chị Hạnh phát hiện cá dưới hầm “thi nhau” ngửa bụng ra chết. Nghi hầm cá đã bị kẻ gian bỏ thuốc độc, anh Nhứt cho bơm nước liên tục vào xúc xả ao, rồi tạt thuốc xuống cấp cứu cá... Anh Nhứt phát hiện ở mép ao có một bịch nylon màu đen bên trong sặc mùi thuốc trừ sâu. “Lần đó, tôi bị thiệt hại hơn 23 tấn”.

Ở huyện Thốt Nốt, vào thời điểm tháng 4/2006, liên tiếp xảy ra 2 vụ thuốc cá ở cù lao Tân Lộc và xã Thới Thuận. Anh Đỗ Bá Trường ở Tân Lộc sau khi phát hiện cá tra chết khoảng 10 tấn và nghi ngờ ao cá của mình bị kẻ xấu bỏ thuốc độc nên anh cho người làm lấy 6 chai Yoka (thuốc chữa bệnh cho cá) tạt xuống giải độc cho cá, nhưng vẫn không ăn thua. Cá tiếp tục chết. Một lúc sau, có người phát hiện dưới đáy ao cá có một chai nhựa màu trắng dù nước đã vào đầy nhưng vẫn  còn nồng nặc mùi thuốc trừ sâu.

Để hành vi phá hoại không xảy ra...

Trở lại vụ hầm cá 75 tấn của anh Năm Ne đang vào thời điểm trước khi thu hoạch, bán vài tiếng đồng hồ bỗng bị trúng thuốc độc, Thượng tá Bùi Văn Hai – Trưởng Công an quận Bình Thủy - cho biết, ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng Công an quận đã khẩn trương xuống hiện trường, nắm tình hình, tiến hành xác minh vụ việc. Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP Cần Thơ cho biết đã gửi mẫu nước và mẫu cá thu được cho Viện Khoa học hình sự Bộ Công an tại TP HCM; kết quả sẽ có trong một ngày gần nhất. --PageBreak--

Gần 3 tháng trước khi xảy ra sự việc đau lòng này, ngày 28/2/2008, Tòa án nhân dân TP Cần Thơ đã mở phiên tòa hình sự xét xử vụ án “thuốc cá” hầm nuôi của ông Lê Hữu Thiết (ngụ ấp Long Thạnh A, xã Tân Lộc, Thốt Nốt) khiến hàng chục tấn cá tra bị chết. Trong số 6 bị cáo có mặt tại tòa hôm đó, có tên Nguyễn Văn Luốt và Trần Văn Thuận.

Do thù ghét cá nhân, chiều 16/6/2005, Luốt đưa cho Thuận 100.000 đồng để đi mua thuốc trừ sâu; sau khi cả hai chở nhau đến ao cá của vợ chồng bà Bảo Ngọc (thuộc địa bàn xã Tân Lộc), ném chai thuốc trừ sâu xuống ao cá, làm chết 35 tấn cá tra, thiệt hại trên 367 triệu đồng. HĐXX đã tuyên phạt Luốt 15 năm tù về tội “Hủy hoại tài sản”; Thuận 9 năm 6 tháng tù về 2 tội “Hủy hoạt tài sản” và “Trộm cắp tài sản”. Ngoài ra, Luốt và Thuận phải liên đới bồi thường cho gia đình bà Bảo Ngọc trên 695 triệu đồng.

Trước đó, năm 2005, TAND huyện Vĩnh Thạnh cũng đã đưa ra xét xử 1 vụ cưỡng đoạt tài sản với thủ đoạn viết thư yêu cầu chủ hầm cá phải đưa tiền nếu không sẽ thuốc chết cá. Thủ phạm là Trần Trọng Nhân (20 tuổi) và Võ Ngọc Hiền (21 tuổi) - cùng ngụ xã Vĩnh Trinh, Vĩnh Thạnh.

Theo tài liệu của Cơ quan CSĐT Công an Vĩnh Thạnh, Nhân biết ông T (ngụ cùng xã) có nuôi hầm cá nên đã viết thư đe dọa buộc ông T phải đưa 2 triệu đồng. Sau đó, 22h đêm 7/1/2005, Nhân gặp Hiền để  bàn bạc và Nhân đề nghị Hiền viết lại nội dung thư tống tiền vì chữ Nhân quá xấu. Hiền không đồng ý mà chỉ nhận nhiệm vụ vào 24h đêm hôm sau, Hiền sẽ đến cột mốc km 59 QL 80 thuộc ấp Vĩnh Quy, xã Vĩnh Trinh lấy tiền đem về và nhận tiền công do Nhân trả là 200.000 đồng.

Sáng sớm ngày 8/1, Nhân đến trại nuôi cá của ông T,  quan sát không thấy ai nên đi vào và bỏ lá thư tống tiền trên bàn. Ông T. sau đó phát hiện lá thư nên mang đến Công an trình báo. Khoảng 22h đêm đó, Hiền đến địa điểm đã hẹn trong thư để lấy tiền thì ngay lập tức bị Công an xã Vĩnh Trinh ập đến bắt quả tang.

Tại Cơ quan Công an, Nhân còn khai nhận trước đó từng cùng Hiền viết thư nặc danh tống tiền L. – cũng là người nuôi cá ở xã Vĩnh Trinh để "xin" 2.000.000 đồng, điểm giao tiền là các miếu thờ nhỏ trên QL80 gần cây xăng số 3, kinh 17. Lo sợ hầm cá trị giá hơn 100 triệu đồng sẽ bị thuốc chết nên ông L. không trình báo công an mà đem tiền đến đúng điểm hẹn để giao... Nhân và Hiền cũng đã phải trả giá đắt vì tội "Cưỡng đoạt tài sản".

Tuy nhiên, không phải vụ việc nào, lực lượng chức năng cũng tìm ra được thủ phạm. Trung tá Nguyễn Phú Thương - Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTXH CATP Cần Thơ - cho biết, đa số các vụ thả thuốc độc xuống hầm cá tra là do tư thù cá nhân hoặc cạnh tranh không lành mạnh trong việc làm ăn. Kẻ xấu thường lợi dụng đêm tối, trực tiếp hoặc thuê người mang thuốc trừ sâu ném xuống ao...

Tuy nhiên, các vụ thuốc cá tra đều khó truy tìm thủ phạm bởi khi xảy ra sự việc thường là ban đêm. Khi cơ quan chức năng xuống hiện trường lấy mẫu nước thì nguồn nước nhiễm độc đã bị tháo đi hết hoặc bị pha loãng. Vì vậy, hiện trường luôn bị xáo trộn. Cũng từ lý do trên mà thời gian qua, dù các vụ thuốc cá xảy ra liên tục nhưng rất khó điều tra, tìm ra thủ phạm.

Vì thế các chủ hầm cá giờ cũng phải tự tìm mọi cách để tránh họa. Anh Phương - một “đại gia” nuôi cá ở cù lao Tân Lộc (Cần Thơ)  kể: “Dân nuôi cá và người dân quanh hầm bây giờ đoàn kết nhau lắm. Có tiệc tùng hay giỗ chạp, thậm chí du lịch gì là kéo nhau đi hết. Không bao giờ để xảy ra chuyện gì phiền phức, khó chịu cho bà con chòm xóm với nhau. Trong quá trình nuôi cá, chẳng may có kẻ nào đến xin xỏ gì cũng chiều, chẳng dám từ chối. Vậy mà, chuyện gì tới nó vẫn tới...”.

Các chủ hầm, ao nuôi cá ở miền Tây giờ đây đều rất cảnh giác và tăng cường nhân công để canh giữ cá bất kể ngày đêm, mưa nắng. Có trại dựng hàng rào kẽm gai, mắc hàng chục bóng điện chung quanh ao nuôi để bảo vệ cá; thậm chí có chủ hầm cá trang bị cả đèn pha để dễ quan sát vào ban đêm và đàn chó được tận dụng để làm lực lượng bảo vệ vòng ngoài.

Anh Thịnh, chủ hầm cá ở Vĩnh Thạnh, cho biết, diện tích ao nuôi của anh chỉ 3.000m2  nhưng phải thuê thêm 3 người, đó là chưa kể hai người nhà luôn túc trực 24/24 giờ canh phòng. Lo lắng cẩn thận đến thế nhưng vào tháng 4/2006, khoảng 60.000 con cá đã đạt trọng lượng bình quân 1kg/con đã bị chết hàng loạt do trúng thuốc trừ sâu của kẻ xấu. Sau vụ này, anh Thịnh cải tạo lại hầm cá và thả tiếp 200.000 con cá tra. Lần này, anh tăng cường thêm 6 chú chó bẹc-giê, cất thêm hàng loạt chòi gác ở chung quanh hầm cá. Hiện có rất nhiều chủ hầm cũng làm theo anh.

Trong những ngày tìm hiểu nỗi lòng của người nuôi cá, đã có người kể cho tôi ý tưởng bảo vệ hầm cá của mình rất táo bạo. Một chủ hầm ở huyện Long Hồ (Vĩnh Long) kể rằng ông định căng dây kẽm mấy vòng quanh hầm cá và cài điện vào ban đêm. Nghe tôi kể bao nhiêu người đã phải vào tù do cài điện như thế chống trộm đột nhập vào vườn cây ăn trái, thậm chí bẫy chuột cho ruộng lúa gây chết người, ông đã bỏ ngay ý định.

Một chủ doanh nghiệp giàu có tiếng ở Cần Thơ đã thuê cùng lúc hàng chục người thức đêm canh hầm cá. Tuy nhiên, sau khi nghe phân tích của một người quen rằng, chỉ cần người làm công của mình ghét mình thôi, cũng... ôm nạn, chủ doanh nghiệp này đành chuyển hướng xử trí khác.

Những người làm công liên quan đến hầm cá bỗng được chủ doanh nghiệp này chăm sóc đặc biệt. Có người thì huy động người thân vào cuộc, phụ giúp những khâu quan trọng nhằm bảo vệ hầm cá. Một chủ hầm ở Thốt Nốt dự kiến lắp đặt camera an ninh giống như các ngân hàng, tiệm vàng đang làm. Dù tốn tiền nhưng chắc chắn sẽ có hiệu quả đối với hầm cá trị giá bạc tỉ.

Tuy nhiên, cũng có người lại lo “mình làm quá sợ người ta lại ghét” nên chủ trương “sống tốt, thân thiện với bà con chòm xóm mình”. Giống như lời anh Hoàng ở Thốt Nốt bộc bạch với tôi: “Mình mà sống tốt với bà con thì không đến nỗi nào. Cả chủ đất và những người lân cận đó mới là hàng rào an ninh vững chắc nhất, giúp mình bảo vệ hầm cá”

Binh Huyền
.
.