Đại nhạc hội “Bác Hồ với Đại đoàn kết dân tộc”: Nghệ thuật nhiều xúc cảm

Thứ Ba, 27/11/2012, 14:05

Đây là chương trình Đại nhạc hội được tổ chức nhân kỷ niệm 66 năm Báo CAND, 40 năm Truyền hình CAND, 1 năm phát sóng ANTV và Truyền hình CAND đón nhận Huân chương Quân công hạng Nhì diễn ra vào 20 giờ ngày 10/12/2012, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Chương trình gồm 3 phần: "Hồ Chí Minh với sự nghiệp dựng nước", “Hồ Chí Minh với Đại đoàn kết dân tộc” và “Bác Hồ với thế hệ trẻ” sẽ là đêm nghệ thuật có quy mô hoành tráng quy tụ những sáng tác hay nhất về Hồ Chí Minh, Cha già dân tộc, là biểu tượng, là niềm tin của ý chí và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nền tảng làm nên thời đại Hồ Chí Minh.

Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Thượng tá, nhạc sĩ Nguyễn Đức Tuyết, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao Kênh truyền hình ANTV nhân kỷ niệm 1 năm phát sóng.

Thượng tá, nhạc sĩ Đức Tuyết: Dành mọi tâm huyết cho mỗi chương trình

PV: Thưa Thượng tá, nhạc sĩ Đức Tuyết, qua một năm phát sóng Kênh truyền hình ANTV, Phòng Văn hóa - Thể thao, một trong những đầu mối quan trọng của đơn vị đã có những đóng góp lớn trên phương diện văn hóa - thể thao đưa Kênh truyền hình ANTV đến gần hơn với khán giả xem đài. Ông có thể chia sẻ đôi điều về những thuận lợi, khó khăn và những thành tích đã đạt được sau hơn một năm Kênh truyền hình ANTV phát sóng số đầu tiên?

Nhạc sĩ Đức Tuyết: Kênh truyền hình ANTV dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Đảng ủy và lãnh đạo Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND và đặc biệt là đồng chí Phó Tổng cục trưởng, Tổng biên tập, Trung tướng, nhà văn Hữu Ước cũng như lãnh đạo Trung tâm Phát thanh Truyền hình Điện ảnh CAND đã luôn sát sao chỉ đạo cũng như tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ, phóng viên phối hợp tác nghiệp một cách thuận lợi nhất, đạt hiệu quả cao nhất nên Phòng Văn hóa - Thể thao do tôi phụ trách cũng đã đạt nhiều kết quả tốt trong vòng một năm phát sóng vừa qua.

Phòng Văn hóa - Thể thao với các chuyên mục hấp dẫn như: Chương trình ca nhạc, Văn hóa thể thao CAND trên VTV, tổ chức các sự kiện nghệ thuật, Giọng ca vàng qua các thế hệ, Sân khấu CAND, Góc bình yên, Chuyện đời - chuyện nghề, Hình tượng người chiến sĩ CAND, Gương người tốt việc tốt… đã có lượng lớn khán giả xem truyền hình theo dõi, ủng hộ và khen ngợi với tinh thần Nhân văn - Tin cậy - Kịp thời. Đặc biệt, chúng tôi có nhiều chuyên mục văn hóa - văn nghệ là những điểm nhấn quan trọng đã làm nên thương hiệu cho riêng mình như chuyên mục Góc bình yên, Chuyện đời chuyện nghề khai thác những tấm gương điển hình trong Lực lượng CAND, các nhân vật nổi tiếng và cả những góc khuất số phận của nhân vật đã trở thành những tấm gương điển hình vượt qua tội lỗi và sự sám hối để tự vươn lên trong cuộc sống…

Ngoài ra, một trong những chương trình xuyên suốt từ ngày phát sóng đầu tiên đến nay được cả những người trong cuộc là các nhân vật lẫn khán giả xem đài đánh giá là một chương trình hay là chuyên mục Giọng ca vàng qua các thế hệ, tổng kết một đời làm nghề và cống hiến của những nhân vật đã dành cả cuộc đời cho nghệ thuật. Đây là chương trình được chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của đồng chí Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, Tổng biên tập với Phòng Văn hóa - Thể thao. Ông đã xây dựng format chương trình với tiêu chí "Chương trình Giọng ca vàng thì đích thực phải là vàng".

Chúng tôi đã làm được 9 nhân vật là các ca sĩ, NSND nổi tiếng trên cả nước như: NSND Trần Hiếu, NSND Quang Thọ, NSND Trung Kiên, NSND Quốc Hương, NSND Quý Dương, NSND Lê Dung, NSND Thanh Hoa… Chương trình đã khiến cho không chỉ công chúng xem đài mà cả bản thân nhiều nghệ sĩ phải thừa nhận rằng, đây là một chương trình hay nhất về họ.

Thiết kế sân khấu đêm Đại nhạc hội “Bác Hồ với Đại đoàn kết dân tộc”.

PV: Theo dõi đều đặn các chương trình truyền hình ANTV, tôi nhận thấy rằng, các chuyên mục của Phòng Văn hóa - Thể thao đưa ra đều hấp dẫn. Các anh đã tìm tòi, khám phá nhiều nhân vật có hoàn cảnh đặc biệt trong đời sống, xã hội, từ đó làm toát lên được tinh thần nhân văn của chuyên mục. Có kỷ niệm nào sâu sắc trong quá trình biên tập, thực hiện mà ông cảm thấy tâm đắc?

Nhạc sĩ Đức Tuyết: Một năm qua điều tâm huyết lớn nhất của chúng tôi là được làm việc dưới sự chỉ đạo sắc sảo, bản lĩnh, sáng tạo và nhạy bén của đồng chí Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, Tổng biên tập. Chúng tôi rất hạnh phúc vì truyền hình ANTV đã để lại nhiều ấn tượng đẹp đẽ trong lòng khán giả xem truyền hình, bởi đi đến đâu chúng tôi cũng thấy khán giả xem Kênh truyền hình ANTV như một sự gửi gắm niềm tin hướng đến Lực lượng CAND. Chính vì thế, chúng tôi đã có những nhân vật, kịch bản có chất lượng để mang đến cho khán giả những thước phim chân thực, sống động nhất.

Kỷ niệm buồn vui trong quá trình thực hiện thì nhiều lắm, những khó khăn vất vả trong quá trình thực hiện chương trình cũng không ít nhưng chúng tôi được sự khích lệ của lãnh đạo đơn vị cùng sự thống nhất, đoàn kết của cán bộ, phóng viên nên mọi khó khăn đã đi qua. Trong đó, nhiều phóng viên trẻ của chúng tôi rất nhiệt tình đi khắp trong Nam ngoài Bắc để tìm hiểu nhân vật, lấy tư liệu để có thể có những mảnh đời, số phận hay để cống hiến cho khán giả, điển hình như tác phẩm "Ánh sáng từ bóng tối số phận" (thực hiện Hà Hường, Thế Phong) trên chương trình "Góc bình yên" (phát sóng trên Kênh ANTV). Câu chuyện về cuộc đời bà Bùi Thị Đông (Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội), một người mẹ trĩu nặng ưu tư, bán máu nuôi con nghiện ma túy, 5 lần quyên sinh vì tuyệt vọng, chồng bỏ đi, các con nghiện ngập và chết vì căn bệnh thế kỷ, bà tự nguyện chăm sóc, làm bạn với những người có HIV và hơn 10 năm  khâm liệm cho hàng trăm người chết vì AIDS mà không nhận một đồng thù lao…

Bà Đông từng là tình nguyện viên cho Tổ chức Phòng chống AIDS toàn cầu. Hiện bà là thành viên tích cực của câu lạc bộ "Hãy đến bên nhau" ở phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội.  Đây là một phóng sự lấy được nước mắt của khán giả vì niềm tin vào tình nhân ái của con người và có tác động lớn đến xã hội. Hiện tác phẩm đang được gửi đi dự thi Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội. Ngoài ra, những tác phẩm khác về hình tượng người chiến sĩ CAND như: "Danh tướng một thời", "27 năm và 3.000 tử thi", "Nỗi đau còn đó"… cũng là một trong những chương trình hay, nhận được nhiều phản hồi tốt từ phía khán giả xem đài.

Có những chương trình chúng tôi thực hiện mà nhân vật chính là những người đã mất như NSND Quốc Hương, NSND Quý Dương, NSND Lê Dung như chương trình "Giọng ca vàng qua các thế hệ"  nên vì thế mà những hình ảnh về họ cũng không nhiều, chúng tôi đã bằng mọi cách tìm hiểu, mời người thân của họ đến trường quay để ôn lại kỷ niệm một thời vang bóng và chính những câu chuyện, những giọt nước mắt nhớ thương mà người thân yêu dành cho họ là những khoảnh khắc đẹp mà tôi tin rằng, bất cứ ai xem chương trình cũng sẽ đồng cảm. Chẳng hạn chương trình về NSND Lê Dung phát sóng vào thứ Bảy (ngày 24/11) tới đây là một chương trình như thế.

PV: Xin cảm ơn Thượng tá, nhạc sĩ Đức Tuyết!

Thiên Kim
.
.