Vụ hỏa hoạn tại khu nhà gỗ ở phường Chương Dương (Hà Nội):

Đám cháy đã được báo trước

Thứ Bảy, 01/09/2012, 21:40

Vụ cháy khu nhà gỗ C8 phường Chương Dương sáng 26/8 vừa qua khiến hàng chục hộ dân lâm vào cảnh trắng tay. Sống trong nguy cơ cháy luôn rình rập và đã được cảnh báo nhưng vì hoàn cảnh nên người dân đành chấp nhận mối nguy hiểm luôn treo lơ lửng trên đầu…

1. Sáng 27/8, một ngày sau khi xảy ra vụ cháy khu nhà gỗ C8 phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm. Hiện trường chỉ còn là một đống tan hoang, đổ nát và đen ngòm. Hỏa hoạn đến quá nhanh khiến hầu hết người dân trắng tay. Thật chua chát khi phần lớn hộ dân là người lao động nghèo, người già, người có hoàn cảnh khó khăn. 

Mặc cho cái nắng gay gắt, oi nồng dội vào đầu, ông Đặng Thế Quý, 58 tuổi, một cư dân của khu nhà gỗ C8, đứng như hóa đá  trên nóc nhà kế bên suốt buổi trưa, trân trân nhìn về gian nhà, nơi ông từng sinh sống.  Thần hỏa đã thiêu tất cả, chẳng chừa lại cho ông đồ vật gì trong gian nhà ấy. Khi cháy xảy ra, ông chỉ kịp vơ vội tờ giấy mua bán nhà viết tay rồi cõng mẹ  già 88 tuổi chạy thật nhanh ra đường. Quay lại thì cả khu nhà gỗ đã ngập trong biển lửa. Ông Quý chua xót: "Tài sản giờ chỉ còn hai bàn tay trắng. Người trẻ còn có cơ hội làm lại, chứ tôi tuổi cao sức kiệt, lại nuôi mẹ già. Bao nhiêu tài sản cháy sạch cả, không biết sẽ lấy gì mà sống".

Đau xót nhất là gia đình ông Vũ Văn Tuy, ở phòng 21 gác 2 nhà C8. Nhà ông Tuy nằm ở cuối khu nhà gỗ. Khi cháy xảy ra, mẹ ông Tuy là cụ Hoàng Thị Răm (SN 1921) bị ốm nằm liệt giường trên tầng 2, vợ và con gái đang làm việc vặt. Khói và lửa ngùn ngụt nhanh chóng bịt kín lối vào duy nhất vốn chật chội của cả khu nhà. Ông Tuy chỉ còn nước trèo lên mái nhà, giật tung cửa gió trên nóc nhà, kéo vợ con ra ngoài trong tiếng gào thét náo loạn của người dân. Nhìn ngọn lửa đang hoành hành rồi ập tới nhà, vợ chồng ông Tuy chỉ biết đứng nhìn và khóc. Họ đã không thể làm gì hơn để cứu mẹ mình.

Không phủ nhận sự tích cực của chính quyền địa phương trong việc khắc phục hậu quả vụ cháy, giúp đỡ những người gặp nạn sớm ổn định cuộc sống. Sau khi vụ cháy xảy ra, UBND phường Chương Dương đã hỗ trợ trực tiếp 2 bữa ăn trưa và tối cùng nước uống cho người dân trong khu nhà bị cháy và lực lượng bảo vệ. Đến tối 26/8, 19 hộ dân đã được bàn giao nhà tạm cư tại khu tái định cư A2 phường Phú Thượng, quận Tây Hồ.

Tính đến cuối giờ chiều ngày 27/8, theo thống kê của UBND phường Chương Dương, 31 hộ dân nhà C8 bị thiệt hại nặng nề sau hỏa hoạn đã nhận được số tiền hỗ trợ ban đầu là 6 triệu đồng/hộ và 2 hộ dân diện ở trọ tại khu nhà trên cũng đã nhận số tiền hỗ trợ là 1 triệu đồng/hộ. Riêng gia đình có người thiệt mạng do cháy, UBND phường thống nhất sẽ cùng gia đình nạn nhân lo chu tất công việc hậu sự với số tiền ước tính ban đầu là 35 triệu đồng. Ngoài sự hỗ trợ của chính quyền, UBND phường đã vận động các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân trong phường quyên góp, giúp đỡ các gia đình gặp nạn, nhất là với gia đình có người tử vong.

Ông Đặng Thế Quý bần thần nhìn gian nhà nay chỉ còn một đống đổ nát.

2. Với 17 khu nhà gỗ (trong đó có nhà C8) được xây dựng từ những năm 50 - 60 của thế kỷ trước, phường Chương Dương luôn được “điểm danh” trong số  địa bàn trọng điểm về nguy cơ cháy trên địa bàn Thủ đô. Chính vì vậy, vụ cháy khu nhà gỗ C8  có lẽ không khiến người dân, chính quyền và các cơ quan chức năng ngạc nhiên, bởi nguy cơ cháy luôn rình rập ở những khu nhà gỗ này là điều tất cả đều biết. Báo chí thì tốn không biết bao nhiêu giấy mực để phản ánh. Chỉ có điều chưa ai dự đoán chính xác "bà hỏa" sẽ đến viếng thăm lúc nào mà thôi. Tính trong vòng 10 năm trở lại đây, đã có ít nhất 3 vụ cháy xảy ra tại các khu nhà gỗ. Trận nào cũng cháy to khiến người dân không kịp trở tay.

Theo bà Phạm Thị Xuân Mai, Chủ tịch UBND phường Chương Dương, tính đến năm 2006, đã giải quyết di dời 274 hộ dân thuộc 7 khu nhà gỗ đến các khu tái định cư tại Xuân La, Xuân Đỉnh (Từ Liêm), Nghĩa Đô (Cầu Giấy). Năm 2007, 22 hộ dân thuộc một khu nhà gỗ bị hỏa hoạn cũng đã được bố trí nhà tạm cư. Sau vụ cháy "xóa sổ" nhà C8, giờ đây trên địa bàn phường còn lại 8 khu nhà gỗ  vẫn trong vòng nguy hiểm. Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ cháy mà vấn đề an toàn đối với người dân ở những khu nhà gỗ này  mỗi mùa mưa bão luôn là nỗi lo thường trực.

Từ nhiều năm trước, bài toán giải quyết 17 khu nhà gỗ của phường Chương Dương không chỉ là vấn đề của TP Hà Nội mà đã được đặt lên bàn "nghị sự" quốc gia. Trong kỳ họp HĐND TP Hà Nội từ vài năm trước, trả lời chất vấn của cử tri thành phố về nguyên nhân chậm thực hiện các giải pháp đối với nhà chung cư nguy hiểm, trong đó có khu nhà gỗ ở phường Chương Dương, lãnh đạo TP Hà Nội đã giải trình rằng mặc dù thành phố đã chủ động tiếp nhận trình Chính phủ phương án xử lý 17 nhà gỗ 2 tầng nguy hiểm ngoài đê thuộc phường Chương Dương do các bộ, ngành Trung ương quản lý nhưng do vướng mắc về Pháp lệnh Đê điều nên đến nay chưa được giải quyết.

Cảnh tan hoang sau vụ cháy nhà gỗ C8, phường Chương Dương.

3. Cũng vì vướng mắc trên, những khu nhà gỗ ở phường Chương Dương ngày càng xuống cấp trầm trọng và trở thành những khu ổ chuột ngay giữa trung tâm Thủ đô. Ngay sau dãy nhà C8 vừa bị cháy, 2 khu nhà gỗ khác là B7, A9 với hàng trăm con người đang sinh sống tại đây đang nơm nớp lo sợ "thần hỏa" viếng thăm. Anh Mạch Duy Huyến, một người dân sống tại nhà B7 cho biết, số hộ dân ở trong những nhà gỗ chính thức chỉ khoảng trên dưới 40 hộ/khu nhà gỗ.

Tuy nhiên theo thời gian, xảy ra hiện tượng người dân lấn chiếm, xây dựng trên diện tích phụ xung quanh nhà gỗ khiến lối ra vào của các khu nhà này ngày càng hẹp lại. Các hộ trên tầng hai cũng tìm cách cơi nới ra xung quanh khiến các khu nhà gỗ này bị bao vây bốn phía và vô tình trở thành chảo lửa khi hỏa hoạn xảy ra. Thế nên mỗi lần xảy ra cháy, người dân chỉ còn cách tìm đường thoát thân để bảo toàn tính mạng, còn tài sản thì mặc cho “bà hỏa”... xử lý. 

Nhà xuống cấp, muốn cải tạo lại cũng không được phép, trừ số ít hộ dân do cuộc sống mưu sinh muốn ở lại khu nhà gỗ, còn đa phần mọi người đều mong muốn được di dời đến nơi ở mới khang trang hơn, sạch sẽ và rộng rãi hơn. Thế nhưng trong lúc chờ đợi phương án giải quyết di dời của thành phố thì hàng trăm hộ dân của 8 khu nhà gỗ còn lại vẫn phải chờ đợi, sống chung với nguy hiểm.

Theo bà Phạm Thị Đạm Nga, ở phòng 37 nhà B7, một cư dân bám trụ khu nhà gỗ này từ năm 1967 thì toàn bộ người dân ở các khu nhà gỗ, dù có giấy tờ hợp pháp nhưng hàng chục năm nay vẫn không được cấp chủ quyền "sổ đỏ", cũng không được phép cải tạo, xây dựng lại khi nhà đã xuống cấp trầm trọng. Trong khi đó, những công trình xây dựng nhà ở cao tầng dọc theo đường Hồng Hà có sau khu nhà gỗ không hiểu vì sao lại được phép xây dựng, thậm chí nhiều nhà còn được cấp "sổ đỏ". Đáng buồn thay, chính những công trình xây dựng này dần dần đã bịt hết lối đi của khu nhà gỗ.

Việc sử dụng diện tích đất tại các khu nhà gỗ sau khi di dời dân cũng là một vấn đề được nhiều người dân quan tâm. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì sau vụ cháy khu nhà gỗ tập thể Ngân hàng tại đầu phố Hàm Tử Quan năm 2005, đến nay trên nền khu nhà cháy này, công trình xây dựng chợ - trung tâm thương mại Hàng Bè (số 2 - 4A Vọng Hà) đã hoàn thiện phần xây thô 5 tầng.

Chợ xây chưa xong nhưng trên một số trang mạng thông tin  nhà đất đã đăng tải giao dịch nhượng bán ki-ốt. Điều này khiến nhiều người dân không khỏi băn khoăn bởi chủ trương di dời chợ trong trung tâm phố cổ là hoàn toàn cần thiết, nhưng trong tình trạng một số chợ - trung tâm thương mại mới đã "thất bại" như chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam… thì việc xây dựng thêm một chợ - trung tâm thương mại Hàng Bè tại phường Chương Dương, một địa điểm ngoài đê, mức sống của người dân chưa cao, liệu có đáp ứng yêu cầu "phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch, thể thao theo quy định của pháp luật về đầu tư và xây dựng" theo quy định của Luật Đê điều có hiệu lực từ năm 2007?

Thông tin giao dịch nhượng bán ki-ốt chợ Hàng Bè mới đăng trên mạng.

"Nguyện vọng của chúng tôi là mong mỏi có được nơi an cư lạc nghiệp để nhanh chóng ổn định cuộc sống. Bà con đã từ lâu cũng mong muốn được di dân khỏi nơi ở lụp xụp tại khu nhà gỗ để ổn định cuộc sống mà còn vướng mắc nhiều chỗ nên chưa thể thực hiện ước mơ đó được. Giờ thì không muốn cũng phải đi nhưng chúng tôi chỉ mong khu nhà cũ sẽ được hoán đổi thành khu vực công cộng theo đúng những gì chính quyền đã hứa để không tủi cho hoàn cảnh bà con" -  chị Đỗ Thị Ước, một người dân bị trắng tay sau vụ cháy nhà C8 bày tỏ.

Theo báo cáo của Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, hồi  8 giờ 11 phút ngày 26/8, Trung tâm Thông tin của Sở nhận được tin báo cháy tại khu nhà gỗ C8 thuộc tổ dân phố số 5, cụm dân cư số 1 phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Khu nhà này do Xí nghiệp Quản lý và phát triển nhà quận Hoàn Kiếm quản lý, nhà kết cấu khung vì kèo cột gỗ, sắt, 2 tầng, lợp ngói và tôn, diện tích mặt bằng khoảng 500m2, cầu thang và sàn bằng gỗ. Khu nhà gỗ bị lửa và nhiệt tác động mạnh bị sập hoàn toàn, trơ khung cột sắt. Ngoài ra lửa còn cháy lan một phần tường, mái các hộ dân ở xung quanh.

Lực lượng Cảnh sát PCCC đã huy động 18 xe chữa cháy và xe chuyên dùng cùng 250 CBCS phối hợp  các lực lượng CSGT, CSTT, Công an quận Hoàn Kiếm, Công an phường Chương Dương, Ban chỉ huy Quân sự quận, Y tế 115 và  dân phòng, môi trường… tổ chức nhiều mũi chữa cháy, cứu người,  tài sản. Tuy nhiên do địa hình giao thông chật hẹp, tiếp cận vị trí chữa cháy không thuận lợi trong khi lửa cháy dữ dội nên đến 9 giờ 20 phút mới khống chế được ngọn lửa. Lực lượng chữa cháy đã cứu được một người bị ốm mắc kẹt trong đám cháy, không để cháy lan rộng sang các khu vực khác.

Vụ cháy đã khiến cụ Hoàng Thị Răm (SN 1921) do mắc kẹt ở tầng 2, trong khi già yếu, bị liệt nên đã tử vong. Nguyên nhân và thiệt hại do cháy gây ra đang được cơ quan chức năng thống kê. Theo nhận định ban đầu thì  nhiều khả năng do bất cẩn của một hộ dân tại tầng 2  khi đun nấu bằng bếp gas, để khí gas rò rỉ  bùng phát thành đám cháy.

Hương Vũ
.
.