Đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc: Thành ý mới thành việc

Thứ Hai, 21/05/2018, 18:27
Từ ngày 17 đến 19-5, Mỹ và Trung Quốc tiến hành cuộc đàm phán về thương mại với nỗ lực thu hẹp bất đồng, vốn được coi là nguy cơ châm ngòi một cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế có thể gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế toàn cầu.

Với những tín hiệu tích cực đạt được từ cả hai phía, giới phân tích kỳ vọng cuộc gặp lần này sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn so với cuộc tham vấn đầu tiên diễn ra tại Bắc Kinh với kết quả chỉ dừng lại ở mức duy trì liên lạc chặt chẽ và cam kết giải quyết tranh cãi thương mại thông qua đối thoại.

Trước đó, những nỗ lực nhằm chuẩn bị cho vòng đàm phán thương mại diễn ra tại Washington đã được khởi động ngay sau khi cuộc tham vấn đầu tiên kết thúc. Cụ thể, cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump, chỉ diễn ra 3 ngày sau khi giới chức hai bên rời khỏi bàn đàm phán tại Bắc Kinh.

Các nhà lãnh đạo Mỹ - Trung đã tuyên bố hai nước cần nỗ lực tìm cách giải quyết thỏa đáng các tranh cãi thương mại. Ông chủ Nhà Trắng khẳng định cam kết đảm bảo mối quan hệ thương mại và đầu tư của Mỹ với Trung Quốc "công bằng và có lợi cho các công nhân cũng như doanh nghiệp Mỹ" trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc và Mỹ cần duy trì liên lạc nhằm nỗ lực tìm ra một biện pháp giải quyết thỏa đáng vấn đề thương mại giữa hai nước và đạt được những kết quả đôi bên cùng có lợi và cùng thắng.

Sau cuộc điện đàm giữa ông Tập Cận Bình và ông Donald Trump, việc ông Lưu Hạc tới Mỹ với tư cách là "đặc phái viên của Chủ tịch nước", cho thấy tầm quan trọng của cuộc đàm phán lần này cũng như thái độ tích cực của phía Bắc Kinh. Việc đội ngũ phụ trách thương mại của Tổng thống Mỹ với đại diện là Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin trải qua một tuần lễ gấp rút để chuẩn bị cho các cuộc thảo luận về hàng loạt vấn đề nhạy cảm có giá trị thương mại hàng trăm tỷ USD trong bối cảnh các thời hạn chót đang đến gần, đã được đánh giá cao.

Việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hãng sản xuất thiết bị viễn thông (ZTE) của Trung Quốc, khiến hãng này ngừng hoạt động và đứng trước nguy cơ phá sản, bất ngờ xuất hiện những tình tiết mới. Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross ngày 14-5 đã tuyên bố cân nhắc "các giải pháp thay thế" những biện pháp trừng phạt với ZTE.

Cùng với đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định Washington và Bắc Kinh đang phối hợp để đưa ZTE nhanh chóng trở lại hoạt động kinh doanh. Dù chưa cụ thể, song lập trường của Mỹ trước thềm cuộc đàm phán thương mại cấp cao trên được phía Trung Quốc đánh giá cao, coi đây là thiện ý tích cực từ phía Chính phủ Mỹ.

Vẫn còn nhiều khác biệt đằng sau đàm phán thương mại Mỹ – Trung.

Động thái này được xem là giúp làm dịu căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong bối cảnh nảy sinh lo ngại bùng phát một cuộc chiến tranh thương mại khi phía Mỹ đe dọa áp thuế nhập khẩu tới 150 tỷ USD đối với hàng hóa từ Trung Quốc, còn Bắc Kinh cảnh báo đánh thuế 50 tỷ USD với hàng nhập Mỹ.

Nếu chỉ nhìn những yếu tố tích cực, cuộc đàm phán Mỹ - Trung lần này được xem là thuận lợi hơn nhiều so với cuộc gặp trước. Tuy nhiên, nhìn vào bản chất những khác biệt về quan điểm giữa hai bên vẫn là quá lớn.

Tuyên bố trước đó của Bộ trưởng Thương mại Mỹ sẽ xem xét các giải pháp thay thế cho các biện pháp trừng phạt hiện hành đối với ZTE lúc này cũng bị hoài nghi. Nói là vậy, song Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross mặt khác vẫn khẳng định bảo vệ quyết định của Washington áp đặt trừng phạt ZTE vì "những việc làm không thích hợp" của hãng này.

Tại cuộc gặp với phái đoàn Trung Quốc ngày 16/5, hai bên thậm chí còn không đề cập gì tới tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 13-5 vừa qua về việc “cứu” tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc.

Về thương mại, cho đến nay, Mỹ và Trung Quốc cũng chưa đạt được nhất trí trong một loạt vấn đề mà hai bên đưa ra. Tổng thống Trump muốn Trung Quốc cắt giảm thặng dư thương mại hằng năm với Mỹ ít nhất là 200 tỷ USD vào cuối năm 2020 và không có hành động trả đũa việc Washington áp thuế quan mới với hàng hóa Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc muốn Mỹ ngừng điều tra việc doanh nghiệp Trung Quốc mua lại những công nghệ "nhạy cảm" của Mỹ. Bộ trưởng Thương mại Mỹ thậm chí còn cho biết giới chức nước này đã lập một danh sách chi tiết yêu cầu Trung Quốc thay đổi chính sách thương mại theo từng sản phẩm và số lượng. Trong khi Trung Quốc cũng khẳng định lập trường của nước này trong các cuộc đàm phán thương mại song phương với Mỹ là không thay đổi, theo đó Bắc Kinh phản đối chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương trong quan hệ thương mại.

Thượng nghị sỹ Orrin Hatch - Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện, một thành viên của đảng Cộng hòa - nhấn mạnh ông hoài nghi khả năng Trung Quốc sẽ chấp nhận các yêu cầu của Mỹ để đổi lại việc xóa bỏ những đe dọa về thuế. 

Khả năng không tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề thương mại đã khiến Trung Quốc tính đến việc cử Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn sang Mỹ cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 với hy vọng tiếp tục đàm phán để đạt được sự đồng thuận với Washington. Mặc dù Ủy viên Quốc vụ kiêm Phó Thủ tướng Lưu Hạc đang có chuyến thăm Mỹ từ ngày 15 đến 19-5 để triển khai cuộc đàm phán thương mại Trung - Mỹ vòng 2, các nhà quan sát cho rằng ông Vương Kỳ Sơn, với biệt tài “cứu hỏa”, có thể làm thay đổi cục diện nếu cuộc gặp này chưa có kết quả cụ thể.

Dù vậy, Cố vấn Chính phủ Trung Quốc, giáo sư Thời Ân Hoằng thuộc Khoa Quan hệ quốc tế - Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định ông Vương Kỳ Sơn tuy có biệt tài, nhưng "sứ mệnh" tới Mỹ lần này cũng không hề đơn giản. Theo Giáo sư Thời Ân Hoằng, cho dù ai tham gia đàm phán cũng khó có thể đạt được "bước đột phá" mang tính thực chất, nhiều khả năng chỉ có thể là "thỏa hiệp một phần" để giảm thiểu quy mô của cuộc xung đột thương mại.

Có thể bầu không khí đàm phán lần này mang nhiều lợi thế hơn lần trước, nhưng giới phân tích cho rằng để tìm được tiếng nói chung mấu chốt của vấn đề vẫn là hai bên cần phải có thêm "thành ý", mới có thể phá vỡ thế bế tắc có nguy cơ đẩy quan hệ thương mại song phương Mỹ - Trung vào một cuộc chiến thương mại.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.