Đàm phán thương mại Trung Quốc - Mỹ: Hy vọng và hoài nghi!

Thứ Năm, 10/05/2018, 20:40
“Không có đột phá lớn, thậm chí còn tồn tại khá nhiều bất đồng trong các vấn đề thương mại” là kết quả đã được dự báo trước giữa Trung Quốc và Mỹ trong cuộc tham vấn song phương đầu tiên diễn ra tại Bắc Kinh tuần qua.

Việc Mỹ đề xuất một danh sách đòi hỏi mà Trung Quốc sẽ không bao giờ làm và Bắc Kinh cũng đưa ra một loạt đề nghị mà Washington không bao giờ thực hiện, khiến giới phân tích hoài nghi về mục đích của cuộc gặp. Song, việc hai bên cuối cùng đạt được sự đồng thuận trong một số vấn đề và quyết định thành lập một cơ chế làm việc nhằm duy trì liên lạc chặt chẽ với nhau cùng cam kết giải quyết tranh cãi thông qua đối thoại vẫn được xem là một tiến bộ trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới có nguy châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Động lực thúc đẩy hai bên gặp nhau      

Trước đó, quyết định của Tổng thống Donald Trump cử phái đoàn Mỹ gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer cùng một số quan chức khác tới Trung Quốc trong 2 ngày (3 và 4-5) để đối thoại về các vấn đề thương mại theo yêu cầu của Bắc Kinh được xem là thiện trí tích cực trong bối cảnh cả Washington và Bắc Kinh đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc tranh chấp thương mại hiện nay.

Với quan điểm “rất nghiêm túc” trong việc tìm kiếm giải pháp chung, dựa trên tinh thần “công bằng và đôi bên cùng có lợi”, người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định hai bên đã “có cơ hội rất tốt” để đạt được một thỏa thuận. Kết quả tham vấn dù chưa cụ thể, nhưng việc các bên sẵn sàng tiếp tục đối thoại, cố gắng giải quyết những khác biệt, cho thấy hai chính phủ không muốn đẩy sự việc đi quá xa.

Với Bắc Kinh, kể từ khi nhận được thông tin các quan chức Mỹ muốn đến Trung Quốc để tiến hành tham vấn về các vấn đề kinh tế và thương mại, Bắc Kinh hoan nghênh điều này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lục Khảng thừa nhận rằng mối quan hệ kinh tế Trung - Mỹ về bản chất đều mang lại lợi ích cho cả hai bên cũng như cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân hai nước.

Một thỏa thuận mang tính đột phá nhằm thay đổi căn bản các chính sách kinh tế của Trung Quốc dù được dự báo là khó có thể đạt được trong cuộc tham vấn 2 ngày, song gói các biện pháp ngắn hạn của nước này, với một số thay đổi trong chính sách như chấm dứt yêu cầu liên doanh đối với một số ngành, giảm thuế đối với mặt hàng ô tô và tăng việc mua các mặt hàng của Mỹ, có thể sẽ khiến Washington hoãn lại quyết định áp các mức thuế trị giá lên tới 50 tỷ USD đối với các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Trong nhiều tuần qua, việc Mỹ và Trung Quốc liên tục đưa ra chính sách thuế đối đầu đã làm dấy lên quan ngại về một cuộc chiến thương mại. Washington đã công bố danh sách các mặt hàng nhập từ Trung Quốc với tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn. Bắc Kinh cũng đáp trả với một danh mục các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Mỹ như đậu nành, ôtô và máy bay hạng nhẹ tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn khi vào thị trường Trung Quốc.

Không dừng lại, Tổng thống Donald Trump hôm 5/4 tiếp tục cảnh báo sẽ nâng gấp đôi (lên 100 tỷ USD) tổng giá trị các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc phải chịu các mức thuế bổ sung.

Thế nhưng, trong lúc những biện pháp “ăn miếng trả miếng” liên tục được tung ra, bất ngờ Mỹ đồng ý cử phái đoàn tham vấn với Trung Quốc. Quyết định đưa ra ngay trước thời điểm Washington tuyên bố lùi việc áp đặt thuế lần lượt là 25% và 10% đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) thêm 30 ngày (cho tới ngày 1-6), đồng thời đề xuất với các đồng minh chủ chốt khả năng hoãn thực thi quyết định trong các cuộc đàm phán sắp tới, không phải ngẫu nhiên.

Có thể “cử chỉ thiện chí” này xuất phát từ việc ông Donald Trump nhận thức được rằng khối kinh tế này đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh Washington đang có các cuộc đàm phán khá căng thẳng với Bắc Kinh. Tầm quan trọng của EU đối với Mỹ còn lớn hơn nhiều vấn đề thương mại hay những gì liên quan tới thép và nhôm.

Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc.

Thậm chí Brussels còn có ảnh hưởng không thể phủ nhận về mặt chiến lược và ngoại giao, thực tế mà Washington không thể phớt lờ. Chính vì điều này mà Tổng thống Trump không dại gì “đơn thương độc mã” trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Hơn thế nữa, nếu các khoản thuế nhằm vào các mặt hàng thép và nhôm của EU có hiệu lực từ ngày 1-5, những đòn trả đũa của EU sau đó “sẽ càng khiến Mỹ bị cô lập”.

Đó là chưa kể, nếu tranh chấp thương mại Washington và Bắc Kinh không thể giải quyết, kinh tế Mỹ nói chung và ngành nông nghiệp của nước này nói riêng cũng sẽ phải gánh chịu tổn thất nặng. Nếu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể xoa dịu căng thẳng thương mại leo thang với Trung Quốc trong “cuộc chiến” thuế quan, Mỹ sẽ để mất gần 455.000 việc làm và khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm giảm 49,2 tỷ USD trong 2 năm tới. Nông nghiệp được cho là ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất, với người nông dân sẽ mất 15% tổng thu nhập từ nông trại và khoảng 181.000 người mất việc làm.

Ngay cả khi Trung Quốc không có hành động đáp trả, riêng việc Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD sẽ khiến Washington để mất 76.000 việc làm và khiến GDP tổn thất 1,6 tỷ USD. Giới phân tích cho rằng mọi chi phí gia tăng đổ lên đầu người nông dân, nhà máy sản xuất và các nhà cung cấp dịch vụ, cho thấy “chủ nghĩa bảo hộ sẽ làm suy yếu nước Mỹ”.

Không có người thắng cuộc

Việc  Mỹ và Trung Quốc đạt được sự đồng thuận trong một số vấn đề và cam kết giải quyết tranh cãi thông qua đối thoại trong cuộc đàm phán vừa qua tại Bắc Kinh, trên thực tế được xem là một hành động cụ thể sau tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) 2018 rằng Trung Quốc sẽ mở cửa hơn nữa nền kinh tế nhằm thu hút đầu tư, tăng sở hữu vốn của các doanh nghiệp nước ngoài trong các công ty liên doanh hoạt động trong lĩnh vực ô tô, đóng tàu và máy bay trên lãnh thổ Trung Quốc, đồng thời cam kết trong năm 2018 xem xét hạ mức thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng trong đó có ô tô, công bố các biện pháp mở cửa thị trường tài chính cũng như siết chặt các quy định pháp lý đối với quyền sở hữu trí tuệ.

Còn Tổng thống Donald Trump cam kết Washington sẽ cùng Bắc Kinh đạt được “tiến bộ to lớn” trong nỗ lực giải quyết căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Rõ ràng cả Bắc Kinh và Washington đều nhận thức được rằng nếu “kích hoạt” một cuộc chiến thương mại giữa hai nước, thiệt hại không chỉ là song phương, mà sản lượng hàng hóa toàn cầu có thể sụt giảm 1% chỉ trong vòng 1 năm. Thậm chí, theo tính toán của các chuyên gia Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), trao đổi hàng hóa trên toàn thế giới có thể sụt giảm tới 3% trong năm đầu tiên sau khi có sự thay đổi về các loại thuế quan, trong khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu cũng giảm 1%.

Riêng Mỹ, GDP có thể sẽ thấp hơn 2,5% sau một năm so với việc nước này không đưa ra các loại thuế mới trong khi GDP của châu Âu dù ít hơn Mỹ, song cũng ghi nhận sự sụt giảm không nhỏ.

Giới chức  ECB còn cảnh báo việc đi ngược lại tiến trình toàn cầu hóa lại là “một giải pháp sai lầm” vốn sẽ “chỉ làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng khi giá hàng hóa nhập khẩu tăng, hàng hóa trở nên đắt đỏ và thu nhập thực tế giảm”, điều này cũng sẽ làm lung lay sự tin tưởng giữa các quốc gia, kéo theo nguy cơ dẫn đến một trật tự quốc tế bất ổn hơn. Vì vậy, thay vì khiến căng thẳng thương mại gia tăng, chính phủ các nước nên vạch ra những chính sách giúp mang lại “những kết quả công bằng hơn” cho các công dân của mình.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến nhận định rằng diễn biến mới nhất trong cuộc đối đầu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ tác động hạn chế cả về trung hạn và dài hạn. Cụ thể, đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với việc Mỹ tăng thuế khiến kim ngạch xuất khẩu ròng của Trung Quốc vào Mỹ giảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2018 có thể sẽ giảm không đáng kể từ 0,1-0,3%. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đánh thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng giá trị khoảng 60 tỷ USD, trong khi tổng kim ngạch thương mại Trung-Mỹ năm 2017 là 636 tỷ USD.

Vì thế, danh sách đánh thuế này cơ bản chỉ bằng khoảng 10% lượng hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Thực tế trong 10 năm qua cho thấy giữa Trung Quốc và Mỹ cũng đã nhiều lần xảy ra xung đột thương mại, nhưng kết quả vẫn là thặng dư thương mại Trung - Mỹ ngày càng gia tăng.

Thậm chí một số nhận định còn đánh giá chiến tranh thương mại Trung - Mỹ thực chất chỉ là một “vở kịch” và mỗi bên đều có những toan tính riêng trong vở kịch này. Nói cách khác, những đe dọa thuế quan liên tiếp của cả Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa đến mức dẫn đến một cuộc chiến thương mại toàn diện. Những đòn đáp trả liên tiếp giữa hai bên mang mục đích chính trị nhiều hơn kinh tế, tuyên truyền nhiều hơn thực tế.

Nếu tính tới thời điểm sắp diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, những tuyên bố về đánh thuế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ được hiểu là biện pháp để bảo vệ ngành công nghiệp của Mỹ và bảo vệ người lao động Mỹ. Các chuyên gia cho rằng mục đích chính của việc Mỹ nổ phát súng khơi mào cuộc chiến thương mại là buộc Trung Quốc cởi mở hơn nữa với bên ngoài, đặc biệt là nới lỏng hạn chế nhập khẩu của một số ngành nghề.

Có thể nhận thấy thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có sự phụ thuộc lẫn nhau quá lớn. Do đó, xét những diễn biến đã qua, cuộc đấu thương mại này khó có khả năng mất kiểm soát và “ván bài” giữa 2 nước cuối cùng sẽ vẫn được chốt bằng một thỏa hiệp song phương. Một cuộc đối đầu thương mại như vậy chỉ mang tính chất “trình diễn” mà không có người thắng.

Vậy nên mọi toan tính đằng sau những nỗ lực ngoại giao có thể được xem là nguyên nhân khiến cho đến nay tất cả các biện pháp trả đũa thuế quan của cả Washington và Bắc Kinh đều chưa có hiệu lực. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng, giới phân tích cho rằng kết quả cuộc đàm phán lần đầu tiên vừa diễn ra là một tín hiệu tích cực khi hai bên có thể tìm được không gian để thỏa hiệp.

Không có mục tiêu rõ ràng!

Dù cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc cuối tuần qua khép lại với những tín hiệu tích cực, song khoảng cách bất đồng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang đặt ra mối đe dọa về cuộc chiến thương mại không có hồi kết. Nhà Trắng trước đó không tổ chức họp báo đưa tin về chuyến đi của phái đoàn cấp cao Mỹ và các quan chức rời khỏi Bắc Kinh một cách lặng lẽ với bất đồng chủ yếu xoay quanh yêu cầu của Washington muốn Bắc Kinh cắt giảm thặng dư thương mại với Mỹ 200 tỷ USD vào năm 2020, giảm thuế nhập khẩu đối với mọi hàng hóa của Mỹ xuống mức không cao hơn mức thuế Mỹ áp đặt cho các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh hạn chế các động thái trả đũa - như đề ra quy định kiểm soát chặt chẽ hơn và áp mức thuế cao hơn.

Phái đoàn Mỹ còn hối thúc Bắc Kinh ngưng trợ cấp cho các ngành công nghiệp gắn liền với chiến lược “Made in China năm 2025” của Chủ tịch Tập Cận Bình. Truyền thông Mỹ tiết lộ một quan chức của Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng yêu cầu này là hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Đáp lại, phía Bắc Kinh yêu cầu Washington nới lỏng hạn chế đối với các sản phẩm công nghệ cao xuất khẩu của Trung Quốc như chất bán dẫn. Trung Quốc ước tính chỉ riêng điều này có thể giúp giảm thâm hụt thương mại hơn 30%. Bắc Kinh cũng đòi Mỹ mở cửa thị trường thiết bị hàng không đối với Trung Quốc bằng cách chấm dứt việc phân biệt đối xử trong quá trình kiểm tra an toàn.

Bên cạnh đó, nền kinh tế thứ hai thế giới đề nghị giảm thuế 25% đối với mặt hàng ôtô nếu Mỹ dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu, song song đó yêu cầu Mỹ công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường trong Tổ chức Thương mại thế giới - động thái khiến việc duy trì thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa Trung Quốc trở nên khó khăn hơn.

Hiện giới phân tích vẫn hoài nghi về những tiến bộ không đủ mạnh để hóa giải được những bất đồng, tránh nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thương mại mà không bên nào mong muốn.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.