Đằng sau cuộc chiến dầu mỏ

Thứ Năm, 17/01/2019, 16:15
Các cường quốc về năng lượng đóng vai trò quan trọng trong địa chính trị thế giới. Trong bối cảnh bất ổn khu vực kéo dài, họ cũng tranh giành nhau vai trò lãnh đạo khu vực và tìm cách đa dạng hóa các nền kinh tế, vốn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tài nguyên dầu mỏ.

Cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1990 và sự can thiệp của Mỹ vào Iraq năm 2003 đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự cân bằng địa chính trị của khu vực. Năm 2011, các cuộc cách mạng màu tại các nước Arab gây mất ổn định cho khu vực này trong một thời gian dài. Năm 2016, một ván bài năng lượng mới đã hình thành khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận Iran.

Với ưu thế nổi bật so với các nước thuộc OPEC, vào năm 2025, Saudi Arabia được cho là một trong 3 nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới, cùng với Mỹ và Nga. Tuy nhiên, Iraq và Iran cũng sẽ lấy lại vai trò quan trọng trên thị trường dầu mỏ. Hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của các nước vùng Vịnh vẫn vấp phải một rào cản lớn. Hầu hết các sản phẩm dầu mỏ và khí đốt đều đi qua eo biển Hormuz. 

Đường ống dẫn dầu Kirkuk-Ceyhan có khả năng hạn chế và việc sử dụng nó cũng bị cản trở bởi cuộc xung đột Syria. Trong khi đó chỉ một phần nhỏ sản lượng dầu của Saudi Arabia đi qua Biển Đỏ, và toàn bộ khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Qatar và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đều được vận chuyển qua eo biển Hormuz.

Xung đột nội bộ OPEC

Ban đầu, cuộc xung đột với các công ty dầu mỏ quốc tế đã dẫn đến sự đoàn kết mạnh mẽ giữa các nước thành viên của OPEC. Nhưng không lâu sau đó, OPEC đã trở thành nơi đối đầu giữa các nước sản xuất dầu mỏ, đặc biệt là giữa Saudi Arabia và Iran. Một động thái dễ dàng để nhận thấy rằng chức Tổng thư ký OPEC có vai trò chiến lược đã không được trao cho bất cứ một nhân vật nào của Saudi Arabia hay Iran kể từ năm 1968.

Các đại diện của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC).

Những xung đột đầu tiên xuất hiện vào những năm 1970, Bắt đầu từ những khác biệt về lợi ích giữa các nước “diều hâu” và các nước “bồ câu”. Thuật ngữ “diều hâu” được dùng cho những quốc gia có nguồn tài nguyên dầu mỏ hạn chế và dân số đông như Iran, Algeria… Còn “bồ câu” để ám chỉ các nước có nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào và dân số ít như Saudi Arabia, Kuwait, UAE. Các nước “diều hâu” ủng hộ việc nâng giá dầu để phục vụ những mục đích của họ trong ngắn hạn, còn các nước “bồ câu” thì lựa chọn một giá dầu hợp lý để đảm bảo sự phát triển của họ trong dài hạn. Một yếu tố khác là quan hệ ngoại giao với Mỹ cũng đóng một vai trò gây rạn nứt trong những xung đột.

Cuộc chiến về hạn ngạch sau cú sốc giảm giá dầu năm 1986 là khoảng thời gian căng thẳng giữa các nước thành viên của OPEC. Vào thời điểm đó, hạn ngạch sản xuất được tính theo trữ lượng dầu mỏ của mỗi nước. Do vậy, vào năm 1987, trữ lượng dầu mỏ các nước thuộc OPEC được đánh giá lại, không vì lý do kỹ thuật hay kinh tế. Vấn đề hạn ngạch cũng là một thách thức lớn trong việc giải quyết xung đột giữa Iraq và Iran. Sau cuộc chiến tranh Iran – Iraq, kể từ năm 1999, khái niệm hạn ngạch không còn tồn tại. Tuy nhiên, mức sản lượng vẫn luôn là một vấn đề lớn giữa các nước OPEC.

Thêm vào đó, sự xuất hiện dầu khí đá phiến ở Mỹ kể từ năm 2010 cũng đã tác động tới thị phần của các nước OPEC. Tại Hội nghị OPEC vào tháng 11-2014, Saudi Arabia, nước được các chế độ quân chủ vùng Vịnh ủng hộ, đã quyết định ngừng bảo vệ giá dầu, áp đặt chính sách duy trì thị phần dầu mỏ. Trước nguy cơ giá dầu sụp đổ vào đầu năm 2016, Saudi Arabia đã cùng các đồng minh trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) tiến hành các cuộc thảo luận với các nước sản xuất dầu mỏ không thuộc OPEC, đặc biệt là Nga. Các cuộc thảo luận này đã vấp phải thái độ kiên quyết của Iran với yêu cầu đòi tăng sản lượng khai thác.

Trong bối cảnh bất ổn nghiêm trọng ở Trung Đông, tranh chấp dầu mỏ đi kèm với xung đột ngoại giao sau khi Saudi Arabia và Iran cắt đứt quan hệ. Quyết định can thiệp quân sự của Saudi Arabia tại Bahrain vào năm 2011 và gần đây hơn là vào Yemen, cho thấy sự thay đổi chiến lược của quốc gia này. Saudi Arabia đã huy động các nước Arab Hồi giáo dòng Sunni, từ Morocco đến Pakistan, đứng về phía mình. Về phần mình, Iran nỗ lực tạo ra một “vòng cung Shiite” cùng với Iraq, chính quyền Alawite ở Syria và lực lượng Hamas ở Lebanon. Sự đoàn kết chính trị và tôn giáo rõ ràng trở nên quan trọng hơn tình đoàn kết chung giữa các nước OPEC. Sự đoạn tuyệt mới đây trong quan hệ ngoại giao giữa các nước GCC với Qatar tiếp tục làm phức tạp thêm tình hình chính trị trong khu vực.

Eo biển Hormuz là huyết mạch hàng hải quan trọng của nhiều nước thuộc OPEC.

Tháng 11-2016, tại Vienna, OPEC đã ký thỏa thuận cắt giảm 4,8% sản lượng khai thác dầu mỏ kể từ năm 2017. Nga cũng đồng ý tham gia. Tuy nhiên, như một ứng xử đặc biệt, tổ chức này đã cho phép Iran duy trì sản lượng khai thác. Và nhờ thỏa thuận này (được gia hạn trong cuộc họp OPEC tháng 11-2017), giá dầu đã tăng trở lại, tất nhiên không bằng mức trước đó.

Thị trường luôn quan tâm tới việc các nước sản xuất dầu mỏ có tôn trọng các cam kết của họ hay không. Cho đến nay, người ta chưa nhận thấy những bất ổn, nhưng sự cân bằng thị trường vẫn còn mong manh. Tuy nhiên, OPEC đã mất đi phần nào đòn bẩy ảnh hưởng đối với các thị trường. Bất kỳ sự hạn chế nào về sản lượng khai thác đều dẫn đến sự tăng giá dầu quá mức, do vậy sẽ lại nhanh chóng khiến Mỹ, giờ đã vươn lên như một nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, tăng sản lượng của mình để giảm giá dầu.

Thách thức về khí đốt

Có một thực tế rằng Iran có nguồn khí đốt lớn ở cấp độ toàn cầu. Việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt sẽ cho phép Iran phát huy tiềm năng khai thác khí đốt của họ. Điều này đặc biệt đúng với mỏ khí đốt khổng lồ South Pars/North Dome, phát hiện vào năm 1990 nằm chồng lấn giữa Iran và Qatar. Tiềm năng khai thác của mỏ khí này tương đối lớn: 30 tỷ feet khối khí mỗi ngày và 1,2 triệu thùng khí ngưng tụ mỗi ngày (theo số liệu của IEA, tháng 6-2015).

Một người lính Iraq đứng trước ống dẫn dầu bốc cháy gần Kirkuk, cách Baghdad 290km về phía Bắc năm 2005. Được thiên nhiên ưu đãi về dầu mỏ, song Trung Đông chưa bao giờ bình yên.

Hiện nay, hầu hết khí được sản xuất ở Iran được sử dụng cho tiêu dùng trong nước. Một phần đáng kể được giữ lại để duy trì áp lực trong các mỏ dầu, phần còn lại bị đốt bỏ. Xuất khẩu dầu khí chủ yếu sang Thổ Nhĩ Kỳ. Sự gia tăng sản lượng khí đốt sẽ vấp phải những hạn chế tương tự như đối với dầu mỏ, cả về mức độ đầu tư và huy động các công nghệ. Đối với nhiều quốc gia, sản lượng dầu khí trước tiên cần đáp ứng những nhu cầu trong nước. Sản lượng dư thừa có thể được xuất khẩu qua đường ống hoặc dưới dạng khí thiên nhiên hóa lỏng. Khi nhu cầu trong nước đã được đáp ứng, Iran có thể trở thành nước cung cấp khí đốt lớn, trước hết là trong khu vực và sau đó là trên thị trường toàn cầu.

Về phần mình, Qatar đã phát triển từ rất sớm tiềm năng to lớn về nguồn khí đốt. Qatar đã trở thành nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới, đồng thời cũng xuất khẩu khí đốt sang UAE. Sau khi hủy bỏ các dự án mở rộng quy mô khai thác, Qatar quyết định tăng 30% công suất khai thác trong bối cảnh khôi phục quan hệ ngoại giao với Iran.

Các nước vùng Vịnh khác thì lại đang thiếu khí đốt. Tại Saudi Arabia, Kuwait hay UAE, khí đốt và dầu mỏ khai thác được không đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong lĩnh vực sản xuất điện và khử mặn nước biển. Dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt với Iraq đã được triển khai thành công. Các cuộc đàm phán đã được bắt đầu với Oman và UAE, cũng như với Pakistan và Ấn Độ, nhưng việc thực hiện các nội dung đàm phán sẽ phải mất thời gian. Cần huy động những khoản đầu tư đáng kể từ cả hai bên, sự thống nhất về giá và giải quyết những mâu thuẫn địa chính trị. Các nước thiếu khí đốt cũng đang cạnh tranh với các dự án xuất khẩu khí đốt sang châu Âu qua đường ống dẫn khí hoặc trên thị trường thế giới dưới dạng LNG.

Hai nước giàu nguồn khí đốt là Qatar và Iran và các chế độ quân chủ vùng Vịnh thiếu nguồn khí đốt có thể bổ sung cho nhau. Tuy nhiên, điều này chắc chắn cần có thời gian trong một khu vực bất ổn từ nhiều thập kỷ qua do các cuộc xung đột tôn giáo – chính trị ngày càng nghiêm trọng trong bối cảnh của cuộc xung đột Syria hiện nay.

Đa dạng hóa các nền kinh tế phụ thuộc dầu mỏ

Cũng như các nền kinh tế khác phụ thuộc vào dầu mỏ thì các nước vùng Vịnh hiện lại đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến mức độ phụ thuộc của nền kinh tế của chính họ vào nguồn tài nguyên dầu mỏ.

Thành phố xanh Masdar trong tham vọng của UAE.

Trong số đó, Iran được cho là có nền kinh tế tương đối đa dạng, mặc dù dầu mỏ đóng góp tới 50% doanh thu của nước này. Trong năm tài chính 2016 – 2017, lượng hàng xuất khẩu phi dầu mỏ vượt quá lượng hàng nhập khẩu. Iran đã thực hiện các biện pháp để khôi phục nền kinh tế bị tàn phá bởi lệnh cấm vận. Đó là các biện pháp như tư nhân hóa, khôi phục các hoạt động đầu tư nước ngoài.

Chính phủ Iran cũng xem xét sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong nước do dân số và lượng xe hơi ngày càng gia tăng. Iran đã đưa ra các quyết định cắt giảm trợ giá năng lượng nhằm hạn chế tiêu thụ năng lượng nội địa.

Các nước vùng Vịnh khác thì được cho là phụ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu dầu mỏ. Chẳng hạn, doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ chiếm 90% tổng doanh thu của Saudi Arabia. Từ nhiều năm qua, Chính phủ Saudi Arabia đã dành ưu tiên cho việc đa dạng hóa nền kinh tế. Ali al-Naimi, Bộ trưởng Năng lượng dưới thời Quốc vương Abdullah từng nói rằng ông phải tận dụng tiền thu được từ dầu mỏ để chuẩn bị cho thời kỳ hậu dầu mỏ.

Tương tự, Khalid al-Falih, cựu Giám đốc điều hành của Công ty dầu mỏ và khí đốt quốc gia Aramco và hiện ông này là Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, đã tuyên bố rằng nếu không đảo ngược các xu hướng tiêu thụ năng lượng trong nước thì trong vòng 2 thập kỷ tới, nước này sẽ trở thành một nước nhập khẩu dầu mỏ!?

Và người hùng mới của Saudi Arabia, Mohammed bin Salmane đã tạo ra động lực mới cho chính sách cắt giảm tiêu thụ năng lượng trong khuôn khổ dự án “Tầm nhìn 2030”. Chính sách này dựa vào việc cắt giảm trợ giá năng lượng nhằm hạn chế lượng năng lượng tiêu thụ. Chính phủ Iran đã triển khai một chương trình đầy tham vọng – phát triển năng lượng quang điện và thậm chí cả năng lượng hạt nhân. Cuối cùng, để thực hiện dự án “tầm nhìn 2030”, Saudi Arabia dự kiến mở bán 5% cổ phần Tập đoàn Aramco. Tuy nhiên, còn quá sớm để đo lường được tác động của những quyết định lớn này.

Là nước phải đối mặt với tình trạng khai thác tối đa sản lượng dầu mỏ, năm 2008, UAE đã triển khai dự án xây dựng “Thành phố xanh Masdar” nhằm đẩy mạnh việc phát triển, thương mại hóa và triển khai năng lượng tái tạo và các công nghệ sạch. Thành phố sinh thái này, sau khi hoàn thành, dự kiến sẽ tiếp nhận 50.000 cư dân và 1.500 doanh nghiệp. UAE cũng quyết định xây dựng các nhà máy điện hạt nhân thay vì nhiệt điện dùng dầu như hiện nay.

Như vậy, các nước có nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ đều đã thực hiện chính sách nhằm đa dạng hóa nền kinh tế của họ và giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Tuy nhiên, còn quá sớm để khẳng định các chính sách này của họ có thành công hay không. Và trên thực tế, sự thành công ấy chưa hẳn đã do những nước này quyết định hoàn toàn, bởi điều này sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ định hướng nền kinh tế, tiêu dùng toàn cầu.

Ngọc Lan (tổng hợp)
.
.