Đằng sau tấm huy chương của nghệ sĩ: Vất vả mưu sinh, hành xác kiếm sống

Thứ Hai, 07/04/2014, 17:35

Hơn 20 năm bám trụ ở Nhà hát vẫn chưa có biên chế chính thức, vẫn ăn lương hợp đồng. Tiền thù lao một đêm diễn của nhà hát diễn viên chính thường chỉ được có 50 nghìn đồng, “kịch kim” là 100 nghìn đồng. Nhà hát nào khấm khá, ăn nên làm ra diễn viên chính được trả 200 nghìn. Tiền lương chỉ đủ tiền đi thuê nhà dạng khu ở cho dân nghèo đô thị. Có lên đến nghệ sĩ nhân dân, huy chương vàng, bạc ở các Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc rơi rụng lả tả như lá vàng mùa thu, cống hiến mấy chục năm trong nhà hát tiền lương vỏn vẹn được gói tròn trong 5 triệu đồng đã là sang lắm.

Thực trạng đó diễn ra trong nhiều nhà hát tại trung tâm thủ đô Hà Nội. Để tồn tại, người nghệ sĩ phải vất vả mưu sinh, xoay sở đủ nhiều nghề để kiếm sống.

Nghệ sĩ đời là thực, phim ảnh sân khấu là ảo mộng, phù du

Trong một buổi chiều muộn, giữa cái lạnh se sắt của mùa đông Hà Nội, trời sầm sì, nhớp nháp mưa phùn lất phất bay, nghệ sĩ Tiến Mộc ngồi trầm ngâm trong quán cà phê nhỏ trên đường Xuân Đỉnh, nói chuyện về nghề diễn, về mức thù lao, chế độ đãi ngộ cho người nghệ sĩ, ông thở dài não nề. Chỉ bảo là: "Thương lắm".

Tôi đã nghe "thương lắm" từ nhiều người, người nghệ sĩ gần cả trọn đời mấy chục năm gắn bó trong nghề. Người hơn 20 năm cống hiến với nghề. Và kể cả diễn viên trẻ khi chạm vào cánh cổng linh thiêng của nghệ thuật biểu diễn sân khấu và điện ảnh. Nghệ sĩ vẫn được cho là người có trái tim mong manh đa cảm, sinh ra là phải được yêu chiều, ve vuốt, vậy mà họ cũng phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh, cật lực kiếm tiền khi chế độ đãi ngộ không được trả với mức thù lao xứng đáng.

NSƯT Tiến Mộc ở Đoàn Nghệ thuật Quân đội, quân hàm đại tá, ông nhận quyết định về hưu được 2 năm nay. Năm ngoái, ông vừa đảm nhận vai lãnh tụ Hồ Chí Minh trên sân khấu, công chúng biết đến ông qua hàng trăm vai diễn lớn nhỏ trên truyền hình. Ông từng kinh qua hàng chục vai chủ tịch xã, cán bộ huyện, giám đốc tham nhũng, ăn chơi chân dài, gái tuyển, vậy mà bên ngoài từ con người ông toát lên sự giản dị. Ông nói nghệ sĩ trên sân khấu, trong điện ảnh là một con người khác, ngoài đời mới là con người thực của mình. Cái hay của người nghệ sĩ là được biến hóa, đóng nhiều vai, đóng vai của người khác, còn ngoài cuộc sống thì cũng đủ nỗi khổ, lo cơm áo gạo tiền như ai. 

Cả hai vợ chồng ông trước đây đều biên chế trong Nhà hát kịch Quân đội. Thập niên 90, vì kinh tế khó khăn, vợ ông - một diễn viên thuộc hàng solist trong đoàn kịch, xin thôi không làm trong nhà hát, ra ngoài để vật lộn mưu sinh, tình yêu nghệ thuật dồn cả vào cho chồng. Bà kinh doanh quán cà phê nhỏ trong con ngõ Phan Đình Phùng mở ra được hơn một năm thì sập tiệm. Tiền thuê địa điểm quá đắt mà khách đến lèo tèo vài ba người. Chị lại đóng cửa đi làm thêm nhiều công việc nhì nhằng khác. Nghệ sĩ Tiến Mộc say sưa rong ruổi theo đoàn làm phim. Ông bảo cả tập phim lúc đó quay trong 10 ngày hoặc nửa tháng cũng chỉ được 1 triệu đồng. Số tiền ấy lĩnh về đóng tiền học cho con, tiền điện, tiền gạo, tiền ga... là hết nhẵn.

Mà đấy là tùng tiệm cơm hộp, quần áo lưu cữu mặc đi mặc lại suốt mấy năm. Dăm năm mới dám có bộ quần áo mới.  Tích cóp mãi mà kinh tế cũng chẳng dư giả gì. Đóng vai giám đốc tham nhũng, lên xe sang, ở biệt thự, ăn nhà hàng, bên cạnh chân dài mát mẻ, nhưng ở ngoài đời hai vợ chồng ở cái nhà nhỏ không đến nỗi như chuồng chim thì cũng chỉ đủ chỗ chui ra chui vào chứ không hoành tráng như những gì người ta mường tượng về đời sống nghệ sĩ. Bao nhiêu năm ông vẫn trung thành với cái xe máy cà tàng rong ruổi đến phim trường.

Mấy năm trở lại đây, thời phim truyền hình bung ra nhiều, tiền cát sê cũng có tăng lên chút đỉnh nhưng không đáng là bao bởi vì như ông nói, thế hệ của ông là thế hệ của người già, người đi trước nên vào phim chỉ đóng vai phụ, vai thứ. Vai chính nhường cả lại cho lớp trẻ. Lao động nghệ thuật nghiêm túc như ông, cả năm có đắt sô đến mấy giỏi lắm là 40 ngày đi quay, có hôm từ tờ mờ sáng, có hôm đến giữa khuya mới về đến nhà. Cả năm tiền công quay mang về 40 triệu đồng, đã được gọi là bội thu. NSƯT buồn bảo: "Chẳng biết đến bao giờ nghệ sĩ mới hết nghèo, hết khổ".

Ông kể chuyện nghệ sĩ Quang Tèo, một diễn viên hài quen mặt trên truyền hình vất vả vì mưu sinh, vợ làm thợ may của một xí nghiệp bên quân đội không đi làm nữa. Quang Tèo phải cáng đáng cả gia đình, nên cơm áo gạo tiền đổ lên vai, bây giờ cứ tối ngày chạy show diễn, ai gọi cũng đi, chẳng câu nệ thù lao cao thấp, cứ gom nhặt chặt bị để dặt dẹo sống qua ngày. Tôi nhớ cách đây một vài năm, khi trò chuyện với diễn viên Thu Quế, lúc đấy chị vừa lên hàm thiếu tá của Đoàn kịch Quân đội.

Thu Quế bảo chị hay đi lại bằng ôtô buýt, một hôm anh tài xế bảo: "Chị diễn viên đóng trên truyền hình nhiều phim được nhiều người hâm mộ mà ngoài đời giản dị nhỉ, vẫn đi lại bằng xe buýt, không ngại ngần gì". Anh tài xế còn cho biết thêm anh chạy xe buýt hay gặp diễn viên Thu Quế và Quang Tèo chứ nhiều nghệ sĩ họ giữ ý tứ chả đi bằng xe buýt.

Đấy là chuyện của Nhà hát Quân đội, một nhà hát được bao cấp, được liệt vào dạng lương cao trong các nhà hát. Còn với các đơn vị nghệ thuật khác thì nghệ sĩ được trả lương thấp hơn nhiều. Tình trạng sân khấu khán giả thưa thớt, ở nhiều nhà hát, người ta "lùa" nghệ sĩ có tên tuổi đi bán vé. Nghệ sĩ có thương hiệu như một tấm giấy giới thiệu, để hút khách.

Nhiều nghệ sĩ thành danh, rạng rỡ trên truyền hình là minh tinh màn bạc, đạt danh hiệu NSND, NSƯT vẫn phải đến các doanh nghiệp, tổng công ty tư nhân hoặc nhà nước câu kéo, mời chào để họ mua vé cho đoàn nghệ thuật. Tiền phần trăm cátsê chả là bao. Ở nhiều đoàn nghệ thuật, các diễn viên trẻ chăm chút đi quan hệ giao tiếp để mong bán được vé cho đoàn.

Nhiều nghệ sĩ vì không chịu được đồng lương và cátsê eo hẹp, hay vì một lý do tế nhị nào khác nên đã giữa đường đứt gánh, đành chia tay với nghệ thuật. Cả một dàn diễn viên được gọi là sáng giá như Mai Huê, Hoàng Hường, Quách Thu Phương… (Nhà hát Tuổi Trẻ một nhà hát có tiếng là năng động), bước sang con đường khác, thi thoảng quay trở lại với nghề cũng chỉ là làm cho đỡ nhớ.  

Sân khấu kịch nói còn được coi là khá giả hơn chứ ở sân khấu kịch hát thì coi như là đói dài ngày. Có biết bao diễn viên tuồng của Nhà hát Tuồng Việt Nam phải lao ra đường kiếm ăn bằng nghề lao động chân tay, làm xe ôm để kiếm sống. Ngay kể cả cho đến giờ, ai sung sướng ở đâu không biết chứ nghệ sĩ thành danh, lời ca được gọi là giọng ca vàng, một trong số kép chính của nhà hát, hơn 20 năm gắn bó cùng nghiệp Tổ, nghệ sĩ Hồng Tuyến (Nhà hát Cải lương Hà Nội) đợt vừa qua vừa được Nhà nước phong tặng NSƯT. Danh hiệu đấy cũng không đủ để anh vượt qua cái nghèo, cái khổ. Để bám trụ với nghề, ngoài giờ tập, giờ diễn trên sân khấu, cho đến giờ anh vẫn chạy xe ôm để có thêm thu nhập.

Nhà hát Cải lương Hà Nội còn có nghệ sĩ Trọng Vinh đã 17 năm gắn bó với nghề, cho đến giờ vẫn chưa được chân biên chế. Hai vợ chồng vẫn phải đi thuê nhà để ở. Trên sân khấu là vua quan, áo mão, cờ lọng tung hô đón rước, khi cánh màn nhung khép lại là anh lại trở về với đời thường, với nỗi lo thường nhật... Có nhiều hôm vừa mới xong xuất diễn, tẩy trang bộ mặt nhòe nhoẹt phấn son anh lại quần áo giản dị đời thường, cưỡi xe máy ra góc ngã tư tranh thủ kiếm khách. Nhưng, nếu còn có ngày mai, người nghệ sĩ như các anh vẫn chọn nghiệp Tổ.

Nghệ sĩ ưu tú Tiến Mộc.

Tâm sự của một diễn viên hài: "Não nề nghệ sĩ vất vả mưu sinh"

Xuất hiện vai Táo Kinh tế 2014 trên Truyền hình VTC khá ấn tượng và duyên dáng, Hiệp "vịt" là diễn viên hơn 20 năm bám trụ ở Nhà hát Cải lương Hà Nội. Từ những năm đầu thập niên 90 đến giờ, vậy mà anh vẫn chưa có biên chế chính thức trong nhà hát. Vì tự trọng nghề nghiệp, anh giấu giếm bạn bè chuyện biên chế nên chẳng mấy ai biết.  Năm 2011, anh đoạt Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu Hài toàn quốc. Nghe anh trải lòng về nỗi khổ cơm áo gạo tiền đè nặng trên vai người nghệ sĩ: 

Trong những năm gần đây kinh tế thị trường rất khó khăn, cuộc sống lương bổng của người nghệ sĩ rất thấp không được bao nhiêu. Mức cátsê có giới hạn,  chỉ làm vì yêu nghề nên mình và các nghệ sĩ khác mới đắm đuối theo thôi. Nghề này như một nghiệp đã đeo mang thì khó có thể dứt tình. Mình phải vừa hoàn thành công việc của nhà hát, lại vừa làm thêm ở ngoài như chạy các show diễn. Mình không biết buôn bán, chỉ biết sống bằng nghề. Nhiều người bảo, chắc đóng nhiều vai như thế thì vừa nổi tiếng lại được nhiều tiền lắm, nhưng người ta có biết đâu là vì yêu nghề mà mình phải làm để mang lại tiếng cười cho khán giả. Mình là người nghệ sĩ thì cũng như một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, được đóng góp tham gia với chương trình kịch mục mang tiếng cười đến cho khán giả mình cảm thấy rất vui. Mọi người cứ nghĩ đã là một nghệ sĩ được nhiều người biết đến thì cuộc sống phải no đủ, khá giả chứ đâu có biết rằng mình hằng ngày phải vật lộn với cơm áo gạo tiền.

Người nghệ sĩ phải chân trong chân ngoài, ai phát huy được khả năng buôn bán còn đỡ chứ trông vào đồng lương thì tình trạng chung là rất khổ. Như tôi làm chân trong chân ngoài mà còn khổ, nhiều anh em trong đoàn còn khổ hơn. Nghệ sĩ cống hiến được nhiều năm trong nghề là do yêu nghề, bỏ thì thương mà vương thì tội. Nghề như một cái nghiệp người ta đã trót yêu rồi.

Như tôi hơn 20 năm làm diễn viên trong Nhà hát nhưng cho đến giờ vẫn chưa được xét vào biên chế chính thức. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch "hứa" với mọi người trong nhà hát ai đóng góp gần 20 năm thì đều được biên chế, thế mà 2 năm qua rồi cũng không thấy  động tĩnh gì?! Làm nghệ sĩ hy vọng rồi lại thất vọng.

Mọi người cứ nghĩ nghệ sĩ có tiếng tăm tên tuổi, cuộc sống phải xông xênh lắm, ai không biết chứ như tôi làm ra đồng nào cần kiệm lắm cũng chỉ đủ ăn, đủ tiêu trong giới hạn. Tôi vẫn đang thuê nhà để sống. Đồng lương nghệ sĩ chỉ đủ trả tiền thuê nhà, còn tiền để sinh hoạt thì mình bắt buộc phải vật lộn, lúc tham gia đóng phim, lúc chạy "show" kiếm tiền. Lãnh đạo ở nhà hát cũng hiểu nỗi khổ của nghệ sĩ là anh em ai cũng đi làm thêm nên lãnh đạo không ngăn cấm, thậm chí còn tạo điều kiện để kiếm thêm thu nhập.

Những người làm việc trong nhà hát có cuộc sống khá giả là do người ta giàu vì nguồn gốc ông bà bố mẹ để lại, hoặc do người ta đi làm kiếm thêm bên ngoài, người ta nhờ vợ, nhờ chồng chứ không ai giàu bằng đồng lương hoặc thù lao nghệ thuật. Lao động nghệ thuật đồng lương lĩnh về còn chả đủ tiền thuê nhà, tiền đổ xăng đi làm, lấy đâu mà giàu được.

Một buổi diễn trên sân khấu ở Nhà hát Cải lương tiền thù lao của nghệ sĩ chỉ được 50 nghìn đồng. Hôm nào xông xênh cải thiện cho anh em thì còn được nhân đôi lên, vai chính ưu ái lắm mới được 100 nghìn. Khung cátsê của Nhà nước rất thấp. Bây giờ sân khấu truyền thống, tuồng, chèo, cải lương có mấy khán giả đến xem, nhiều khi khách đến rạp chỉ lèo tèo vài ba người, nhưng nhà hát vẫn duy trì đỏ đèn để biết rằng người nghệ sĩ đang sống, đang tồn tại.

Như mình tham gia các show bên ngoài, nhiều khi đi diễn về cầm đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình cũng đau lòng lắm. Hôm nào may, khán giả đến đông  thù lao người ta trả đủ, hôm nào vắng thì bị bớt, bị xén có khi còn bị quỵt. Bầu sô có khi còn nợ diễn viên, chứ có phải diễn viên cứ đi diễn là được cầm đồng tiền chính đáng đâu. Lắm khi đau lòng lắm, nhưng biết làm thế nào được?

Trần Mỹ Hiền
.
.