Danh hài Xuân Hinh: Vui thì làm, không vui thì thôi...

Thứ Hai, 10/10/2011, 08:20

Xuân Hinh được Tổ đãi cho làm nghề, vừa chạm ngõ nghệ thuật đã nhanh chóng được người đời thuộc mặt, biết tên. Ở khắp hang cùng ngõ hẻm, từ miền ngược cho tới dưới xuôi, từ con trẻ đến cụ già, ai ai cũng chẳng thể lạ lẫm gì cái anh hài tếu táo duyên dáng và có giọng tưng tửng đặc biệt ấy.

Xuân Hinh lên truyền hình không nhiều như những danh hài đất Bắc khác quá quen mặt trong những chương trình cố định thường kỳ ở VTV. Nào “Gặp nhau cuối tuần”, “Gặp gỡ cuối năm”, ngay cả “Gala cười” của nhà đài cũng thấy vắng bóng Xuân Hinh. Ấy nhưng, danh hài này lại có một chỗ đứng riêng biệt không ai so bì và thay thế được. Cho đến tận giờ người ta vẫn trìu mến gọi anh bằng tên “Vua hài đất Bắc”…

Phóng viên (PV): Vừa rồi, người ta lên báo cãi nhau ỏm tỏi vì vị trí số 1, số 2 trong làng hài. Thật tức cười. Danh xưng "Vua hài đất Bắc" của anh do khán giả tự phong cho không biết có khi nào bị nhòm ngó và gây khó dễ không nhỉ?

Xuân Hinh: Tôi có nhận tôi là vua hay là quan gì đâu, chỉ gọi là hề chèo Xuân Hinh là được rồi. Có cần phải oai, oách để làm cái gì. Mình là nghệ sĩ diễn hài, nghề làm vui cho khán giả mà không có khán giả xem, giống như làm mâm cơm không có người ăn thì chán lắm.

PV: Thế anh vui khi nào?

Xuân Hinh: Tôi diễn ở đâu mà cả nhà, cả họ, cả làng đều rủ nhau đi xem. Cả làng kéo mình xuống uống rượu thì thích lắm. Mình đá tí hơi men thì cứ lê-tê-phê hết. Một lần đi diễn ở làng, có người chạy đến nói với tôi: "Chả cần phải xem anh diễn, chỉ cần nhìn thấy anh là vui rồi". Nghe thế mình cũng thấy thật là sung sướng…

PV: Nghe người ta đồn anh đi hát hầu đồng, nơi nào mời được Xuân Hinh thì sang phải biết?

Xuân Hinh: Nhưng mà lại không mời được… Bây giờ mình tuổi già như lá mùa thu/ Cái răng thì rụng, cái chân thì mềm. Bây giờ không có sức để mà làm nhiều nữa. Ngay cả yêu vợ: Ngày xưa bất kể sớm trưa/ Giờ thì đủng đỉnh lưa thưa gọi là. Vậy thì, lấy sức khỏe đâu mà ngồi hát 7, 8 tiếng đồng hồ. Chỉ trừ những canh vui thì mình mới hát. Cách đây 7, 8 ngày mình về quê, dân làng người ta yêu cầu hát giá Cô Bé trên sân khấu. Mình lên hát. Vui thì hát chứ chẳng phải vì tiền bạc gì cả.

PV: Sao anh không tăng tốc, cố làm, tuổi thọ của nghề diễn chẳng dài gì.

Xuân Hinh: Mà để cho người khác làm chứ cái gì mình cũng làm à? Mình đi bộ còn mệt. Lấy sức đâu mà chạy?! Giờ thấy ăn khỏe ra, mà mình hay đóng vai nghèo khổ, đại diện cho tầng lớp thiếu đói của xã hội mà béo tốt thì không ổn. Bây giờ hơi béo lên một chút rồi phải bảo vợ nấu ăn, mình ăn chế độ của hoa hậu. Hoa hậu ăn thế nào thì mình ăn thế nấy.

PV: Anh cứ một mình một sân cũng khiến lắm người sinh ghét đấy. Người yêu cũng lắm, mà ghét thì cũng có chứ… ngay kể cả trong giới…

Xuân Hinh: Cuộc sống sinh ra là biết phải sống chung với lũ rồi. Xã hội nào cũng đều có cạnh tranh. Có cạnh tranh thì mới có phát triển. Cạnh tranh mình nghĩ cũng là bình thường. Có người nói xấu mình cũng như các cụ bảo trâu buộc ghét trâu ăn. Một trâu buộc ở sân bê tông, một trâu thì đang ăn cỏ. Trâu buộc ghét trâu ăn là cái chuyện bình thường rồi. Nhiều khi thả cho trâu buộc ăn cỏ nhưng vật mãi không ăn được…

PV: Diễn hài anh cứ tưng tửng như thế, nhưng có nguyên tắc gì về nghề không?

Xuân Hinh: Nghệ thuật nếu anh không làm hay thì tự khán giả đào thải. Nghệ sĩ mà đi lừa người ta. Vì khán giả bỏ ra 50 nghìn đồng mua vé mà bị lừa, người ta nhớ lâu lắm. Bạn bị ai lừa chưa, có nhớ lâu không?  Người ta in sâu đậm ở trong óc đó. Thế thì bây giờ không thể lừa ai được. Bây giờ như bánh đúc bầy sàng.

PV: Có điều gì mà khán giả ít biết về người diễn viên diễn hề chèo như anh?

Xuân Hinh: Nghệ sĩ thì không như các ngành khác. Đào tạo thì anh ít nhất cũng phải có một chất giọng hay. Giọng hay rồi thì anh biết múa đẹp. Múa đẹp rồi thì anh phải diễn giỏi. Nhất là bộ môn dân tộc này có diễn giỏi mà không có sức khỏe thì cũng không diễn được. Môn nghệ thuật khác thì không phải múa, phải nhảy, không cần phải đúng nhịp đúng phách, chứ làm anh hề chèo mà lằng nhằng, sức khỏe yếu, phều phào thì không làm được gì.

PV: Muốn có sức khỏe tốt thì không thể bị căng thẳng. Thế nhưng cuộc sống này lắm chuyện dễ khiến người ta stress lắm. Anh làm thế nào để cân bằng?

Xuân Hinh: Ở truyền hình nước ngoài có hẳn cả một kênh cười. Còn Việt Nam thì có câu "Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ". Cười còn tăng thêm cả tuổi thọ thì tội gì mà không cười. Cuộc sống bây giờ ở đâu cũng thế, cần đến sự thoải mái. Ăn uống không quan trọng, chỉ cần vừa mức thôi, còn tư tưởng, tinh thần mới quan trọng. Có thể nhịn ăn 5 ngày không chết nhưng mà chỉ nghĩ nửa tiếng là chết. Trong gia đình hết lo cái nọ lại sọ sang cái kia còn tư tưởng gì mà làm ăn nữa.

Cần phải có tư tưởng thoải mái. Đầu mình cũng giống như ngăn kéo, rác rưởi phải tống ra ngoài chứ mình cứ nghĩ hết là mình chết à? Mà ai chê bai, ai nói gì, mình cứ xác định ngay cuộc sống là như thế rồi. Không có gì phải đau đầu buốt óc cả. Chuyện ấy quá bình thường.

PV: Thì ai chẳng biết vậy. Nhưng đã là con người ai cũng có những lúc buồn, lúc chán chứ tránh làm sao được…

Xuân Hinh: Mình phải chỉ đạo được cái buồn, cái chán của mình. Như cuộc sống biết là sống chung với lũ. Và được hoặc mất mình cũng nghĩ là bình thường vì cuộc sống của mình còn nhiều điều, còn gia đình, còn niềm an ủi, còn nhiều vấn đề cuộc sống nên không phải vì một cái chuyện gì mà mình chán nản. Không có chuyện đấy được. Có khi không phải mình dở chứng mà do đối tác khác nó dở chứng thì biết làm thế nào.

Không có thì đi chơi, nhảy đầm. Chiều đi thể dục 6 vòng. Thế  thôi, bao nhiêu uất ức bệnh tật phải trút ngay thôi. Có những lúc nói ngay, có những lúc khinh không thèm nói gì nữa. Coi như không thèm dây cho nó đỡ mệt.

PV: Người ta bảo nghệ sĩ tính trên mây, trên gió nhưng nói chuyện với anh mới thấy anh thực tế? Thế thì mơ mộng ở đâu?

Xuân Hinh: Khi bước chân lên sàn diễn lúc đấy ở bên dưới là khán giả đang trông chờ ở mình, mình phải quên tất cả mọi chuyện khác đi, và phải tỉnh táo chứ vì không tỉnh thì giẫm dính đinh, giẫm vào giây điện mà chết. Diễn phải say, hết mình nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo vì khán giả bỏ tiền ra mua vé để xim, mình không thể diễn lăng nhăng, xí xộ, qua quýt được.

PV: Có thể làm cho người ta khóc, nhưng khó có thể làm cho người ta cười.

Xuân Hinh: Đúng! Đúng! Tất cả các nước trên thế giới đều giống nhau ở tiếng khóc nhưng tiếng cười thì mỗi một dân tộc, một quốc gia lại khác. Miền Bắc cười kiểu này, miền Nam cười kiểu khác và miền Trung cười kiểu khác nữa. Mỗi vùng miền phải có tiếng cười khác nhau. Nhưng mà tiếng khóc thì lại có thủ thuật. Đã là hài anh phải làm cho người ta cười, nếu không cười anh chuyển sang sân khấu bi rồi.

PV: Anh yêu hài như thế là vì lẽ gì?

Xuân Hinh: Tiếng cười giáo dục con người mạnh hơn tiếng khóc. Bạn có thấy có đất nước nào mà như ở Việt Nam có nhiều chuyện tiếu lâm như thế không? Cuộc sống của chúng ta còn khó khăn, cho nên Việt Nam mới nhiều chuyện tiếu lâm như thế. Tiếng cười rất quan trọng. Tiếng cười nâng đỡ, an ủi tâm hồn con người qua những thăng trầm cay đắng.

Không có chuyện vui, không có tiếu lâm, không có đố tục giảng thanh, cuộc sống tinh thần sẽ ra sao? Tiếng cười đi theo cả dân tộc Việt Nam qua chiều dài lịch sử dân tộc. Tiếng cười là thứ vũ khí công kích đả phá tệ nạn xã hội. Tiếng  cười của các cụ ngày xưa trong hề chèo rất thâm thúy. Hề chèo đả phá những lệch chuẩn của cả một xã hội phong kiến khi xưa.

PV: Hai con anh, anh có hướng cho con theo nghiệp diễn như cha chúng không?

Xuân Hinh: Không, tôi muốn các con tôi phát triển tự nhiên. Mình chẳng ép buộc gì cả.  Cô con gái đầu lòng đang học lớp 11, còn cậu út đang học lớp 7. Con trai tôi rất tự giác học, không bao giờ phải để nhắc. Từ bé đến lớn đều là học sinh giỏi.

PV: Thế cũng là điều may mắn, vì chí ít con anh còn tự giác học. Nhưng có nhiều gia đình khác, họ ép con em mình học khủng khiếp và kỳ vọng…

Xuân Hinh: Tôi chúa ghét cái cảnh ép buộc trẻ con. Cứ bắt là con phải học giỏi. Học giỏi hay không còn do tố chất nữa. Biết tìm cách cho con, thấy con học văn hóa kém này, không mắng nhưng sẽ tìm cách để hướng xem con có năng khiếu gì.

Lắm lúc tôi nói vui với mấy cậu bạn đang có con đi học là con nó học giỏi thì cho sang Mỹ, sang Tây, sang Tàu làm ăn. Hai là đi bán thịt lợn chợ Hôm. Làm phản thịt ngày cũng được triệu bạc. Đúng không? Tháng có 30 triệu. Người thực, việc thực có phải dễ hơn không. Chứ cãi nhau ỏm tỏi, quát nạt học hành làm gì?! Mệt người. Con nó bán thịt, bố mẹ ngày cũng được một, hai lạng thịt. Còn có thời gian đi ra, đi vào trông nom được bố mẹ. Hay làm việc gì đấy, nếu khéo tay, lại có tí hội họa thì may áo dài chẳng hạn. Cắt may xoèn xoẹt này. Về  quê tuyển mấy chục nhân viên ra mỗi ngày làm mấy chục cái áo dài. Thế không được khối tiền à? Chứ cứ trên mây trên gió, hái cà bắt bướm, vặt lúa bắt chim ở đâu. Đúng không?

Đấy! Mình phải nhìn thấy ngay con có năng khiếu gì thì hướng cho chứ không phải là con không học được cứ bắt nó học. Thế chỉ có nhiều tiền ra nước ngoài mà đi thay não. Con nó đã cố rồi nhưng chỉ đến thế thôi. Cũng không nên cố. Cố không cố được thì cố làm gì. Ngay kể cả đi học ở Tây, ở Tàu, lắm anh đi thì nhiều anh chưa chắc đã ra cái gì. Chưa phải đã khoe là tôi đi Tây cho oách, cho sang, quan trọng là mình phải biết con mình như thế nào?

Mà có cố thì cũng phải có lúc học, lúc chơi chứ không phải cố rồi đến lúc ốm đau suốt ngày vào bệnh viện.  Thế là con đi viện, mình cũng đi viện. Con nằm bên trong, mình nằm bên ngoài… 

PV: Anh hát chèo, hát xẩm, hát văn, hát quan họ, diễn tấu hài, còn điều gì mà tôi và khán giả chưa được biết không?

Xuân Hinh: (Hát) Họ hàng nhà tôi, mỗi năm một vài lần mọi người về gặp nhau. Thường những khi có chuyện buồn, một vài lần là chuyện vui. Mọi người về ngồi bên nhau cùng sẻ chia những chuyện buồn. Đấy là tôi hát trong dịp gặp mặt gia tộc, họ hàng.

PV: Ôi! trời! Một nghề lạ nhỉ?

Xuân Hinh: Còn cả hát mừng thọ thì nhiều. Mừng thọ bố khác, mừng thọ mẹ khác. (Hát) Mừng xuân đến tiết xuân rạo rực. Mừng mẹ nay thọ được trăm xuân. Cháu con nội ngoại xa gần, dâng câu chúc mẹ mười phân vẹn mười. Mừng thọ cụ ông khác, mừng thọ cụ bà lại phải khác. Có nơi bảo tới đây mừng thọ cho các cụ, mời bác Hinh về làm cho một chương trình. Bảo: "Thế cụ năm nay cửu thập, bát thập hay lục thập?". Người ta bảo: "Không phải riêng một cụ nào. Mừng thọ cả làng 65 cụ từ 70 đến 90 tuổi. Mừng thọ thập cẩm. Mừng thọ đông…". Nơi nào người ta quý mến, mình đi. Tuổi này vui thì làm, không vui thì thôi, chứ chả còn ham hố gì nữa. Túc tắc thôi, cuộc sống khó khăn, mệt mỏi làm vui cho đời thôi

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.