Đạo diễn Lê Thụy: …Như nắng… như mưa…

Thứ Tư, 01/08/2012, 22:55

Hãy nghĩ đó là nỗi an nhiên. Đừng xem là sự thất thường. Napoly là quán cà phê nằm ngay trung tâm Sài Gòn. Cà phê uống tàm tạm, quán hào nhoáng. Gần như bất cứ thứ gì ngay trung tâm Sài Gòn đều hào nhoáng, thứ hào nhoáng đủ sức choáng ngợp gốc tích quê, của bạn, của tôi.

Năm 1976, Lê Thụy vào Sài Gòn. Sài Gòn vẫn vẹn nguyên, thứ vẹn nguyên ẩn chứa nhiều hoang hoải. Dòng người lũ lượt kéo nhau tìm về miền hồi ức vàng son quá vãng. Chỉ có Lê Thụy, chầm chậm tuổi hai mươi, đúng tuổi hai mươi, cảm nhận Sài Gòn ẩn giấu cái lạnh lẽo sau những dịu dàng.

Sài Gòn tháng 7/2012… mưa nắng rây rây. Tôi ngồi với Lê Thụy ở Napoly.

1. Lê Thụy tóc lòa xòa, khuôn mặt nghệ sĩ, áo thun không cổ, quần jeans, giày thể thao, kính cận… Lê Thụy là một nghệ sĩ có dáng vẻ bề ngoài rất nghệ sĩ. Năm nay, Lê Thụy 56 tuổi. Năm mươi sáu tuổi giữ được dáng vóc ấy, sức khỏe ấy, nhiệt huyết ấy… không phải là điều dễ dàng.

Năm mươi sáu tuổi, vẫn nhả khói thuốc mù trời, băn khoăn: "Ta là ai? Ta làm được gì?"... rồi bật cười: "Dẫu là ai, ta vẫn giữ được chính ta"… là điều rất khó.

Năm mươi sáu tuổi, vẫn vung tay dứt khoát, vẫn ăn sóng nói gió, vẫn ầm ầm ào ào bất kể thân sơ… là điều không phải ai cũng làm được.

Năm mươi sáu tuổi, đặt trên bàn cái máy tính bảng Galaxy Tap. Trên cái máy tính bảng ấy là cái điện thoại iPhone thời thượng… biết là Lê Thụy vẫn chưa già.

Tôi hỏi Lê Thụy: "Bạn bè nhiều kỷ niệm, bất chợt thì anh nhớ đến ai nhất, ngay lúc này?". Lê Thụy trả lời: "Là Hồng Thanh Quang của những ngày vào những năm 1990 - 1991".

Thời điểm ấy, Lê Thụy vừa bước qua tuổi 30, Hồng Thanh Quang trẻ hơn. Hồng Thanh Quang mang theo thứ bùa yêu mê mải vào Sài Gòn, gặp nhau Lê Thụy mời Hồng Thanh Quang về nhà uống rượu.

Rượu trong như tuổi trẻ. Có tuổi trẻ nào mà lại không trong vắt như rượu đâu. Lê Thụy hồi tưởng: “Anh với Hồng Thanh Quang ngồi uống rượu đế trước cửa nhà, nghe thơ Quang và anh nhận biết được rằng thấp thoáng đâu đó, phía sau  sự trải lòng của một nhà thơ  là những tín hiệu phát quang của một tài năng đang bị đọa đày trong một thân phận hiu hắt cô đơn". Hồng Thanh Quang đọc thơ và kể, Lê Thụy ủi an bằng những câu thơ của cụ Lê Đại Thanh "Ú tim... Em đi tìm... Tôi đi nấp... Chân lý bên này, Bên kia trái đất... Trò chơi ngây thơ như một cuộc săn đuổi... Mặt trời ở trên... Ta đi ở dưới".

Những câu thơ cho nhau, đến tận giờ, vẫn nhớ không sai sót.

Không chỉ Hồng Thanh Quang đến nhà Lê Thụy, rất nhiều văn nghệ sĩ khác cũng đến nhà Lê Thụy.

Căn nhà dường như luôn để trống cửa, ai thích thì vào.

Nghiêm Đa Văn, muốn rong chơi phương Nam, xách quần áo từ Hà Nội vào Sài Gòn, quẳng mình ở nhà Lê Thụy.

Minh Thái, từ nước ngoài về, buông vali nghỉ ngơi ở nhà Lê Thụy.

Trần Tiến, mỏi mệt gác chân ở nhà Lê Thụy.

… Rất nhiều, rất nhiều những văn nghệ sĩ lừng danh đã ở nhà Lê Thụy.

Hữu Nghĩa, Hữu Châu, Phước Sang… nằm xếp lớp trên cái sàn nhà đã được lau sạch bóng của Lê Thụy.

Thời đói kém, Lê Thụy mua gạo, để sẵn trong khạp. Có tiền, mua thêm đồ ăn. Hết tiền, cứ đổ gạo ra nấu.

Ai Lê Thụy cũng chiều chuộng… Từ thành danh cho đến đang tìm danh, từ có tên tuổi cho đến chưa tên tuổi… cửa nhà Lê Thụy vẫn rộng mở.

Tôi nhớ cố nhà văn Phùng Quán từng nói câu bất hủ: "Con bọ hung bay ngang cửa nhà tôi, cũng là khách của tôi".

Người ngang nhà Lê Thụy là khách của Lê Thụy. Người bước vào nhà Lê Thụy là bạn của Lê Thụy.

Lê Thụy chơi nhiều, giao du rộng… Bạn bè của Lê Thụy đông đến mức nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng bảo: "Có lẽ, do chơi nhiều nên trong mỗi tác phẩm sân khấu truyền hình mà Lê Thụy dàn dựng luôn đong đầy tính nghệ thuật".

Còn với Lê Thụy, đơn giản chỉ là, góp nhặt được những chống chếnh thân phận của từng nghệ sĩ thành bài học cho mình.

Như cái thuở anh "bám càng" (chữ của Lê Thụy - NNH) cùng Lưu Quang Vũ, Nghiêm Đa Văn, Nguyễn Khắc Phục, Chu Lai…

Chơi với văn nghệ sĩ cực lắm, chơi với văn nghệ sĩ thành danh lại càng cực hơn… Có điều, Lê Thụy chơi được cả. "Vì tính anh hay chiều bạn. Chiều lắm, chiều đến mức đôi khi quên cả gia đình", Lê Thụy bảo vậy.

Thật ra, thì bạn cũng chiều Lê Thụy đấy chứ. Như những lần say “vác xác” Lê Thụy về bao giờ cũng là Trịnh Lê Văn.

Nếu tôi nhớ không nhầm, thì nhà văn Ma Văn Kháng đã viết đại khái "Tình bạn là sợi dây thòng lọng mà chúng ta thường chui đầu vào"… Với tôi, không hẳn là vậy. Mà cũng có thể, tôi còn trẻ và nhìn mọi thứ thường hay khác biệt.

Mà dẫu cho, bạn bè là dây thòng lọng, hẳn Lê Thụy không ngại ngần chui đầu vào. Một người đã đọc được “Sống là khách qua đường - Chết là về cố hương - Trời đất là quán trọ - Bụi muôn đời xót thương”, thì hẳn đã ngộ ra ít nhiều điều của sự trúc trắc đời sống.

Đạo diễn Lê Thụy.

2. Khoảng năm 1987 hay 1988 gì đó, Câu lạc bộ Sân khấu nhỏ 5B (Về sau, quen gọi là Sân khấu 5B) được thành lập, với thành phần đạo diễn trẻ nòng cốt là Minh Ngọc, Quang Minh, Đăng Nhân, Hoa Hạ, Mai Trần, Mai Thanh Dung, Việt Anh… và Lê Thụy.      

Bốn tay vỗ nên tiếng, những đạo diễn trẻ dựng vở "Dư luận quần chúng", một vở hài kịch gốc Hungary. Có nội dung đả kích thói quan liêu, bao cấp. Vở diễn thành công vang dội, mỗi ngày diễn đến 4 suất mà công chúng vẫn kéo đến chật rạp.

Sau "Dư luận quần chúng", lãnh đạo Hội Sân khấu gọi Lê Thụy và Lưu Trọng Văn đến, giao nhiệm vụ làm tiếp một vở kịch thuần Việt. Với yêu cầu, phải thành công như "Dư luận quần chúng".

Tuổi trẻ máu nóng, Lưu Trọng Văn viết "Có một điều đáng sợ", Lê Thụy dựng.

Tiền cát-sê cho vở diễn ấy là… gạo. Gạo được lãnh theo tiêu chuẩn, ngoài gạo không còn gì khác.

Vậy mà vẫn xắn tay làm như ngày mai sẽ không còn cơ hội nữa. Tâm huyết, công sức, hy vọng… đều gieo vào "Có một điều đáng sợ" cả. Tiếc rằng, vở kịch vẫn không thể xuất hiện trước công chúng.

Có một thời như vậy, một thời với méo - ngắn - tròn - dài đều suy diễn được. Một thời chạm cái này, va cái kia… tựu trung đều là nhạy cảm.

Lê Thụy buồn đến mức, nhìn bạn hữu ngại mắt, nói câu chuyện nhạt mồm. Thế nhưng, qua giai đoạn ấy, Đài Truyền hình TP HCM (HTV) mang "Có một điều đáng sợ" đi thi Liên hoan Truyền hình toàn quốc thì đoạt ngay Huy chương Vàng.

Đương nhiên, đối với một nghệ sĩ, giải thưởng không phải là thước đo của nghề nghiệp. Nhưng không ít thì nhiều, giải thưởng chính là sự ghi nhận dành cho tài năng lẫn công sức mà nghệ sĩ đã bỏ ra, đã đầu tư, chăm chút cho tác phẩm của mình.

Theo quan điểm cá nhân, tôi thấy điều buồn cười nhất của nhiều nghệ sĩ chính là việc… từ chối giải thưởng. Điều này, như là một hội chứng. Ai không từ chối giải thưởng sẽ bị mắng là "tham sang phụ khó", là "đã nghệ sĩ còn hèn"… Gì mà nghiêm trọng vậy. Không trao giải thưởng cho họ, họ gào lên bất công. Trao giải thưởng cho họ, họ lắc đầu xua tay quầy quậy y như là, nếu nhận giải thưởng ấy họ không còn là họ nữa.

Năm 1985, Lê Thụy tốt nghiệp Trường Sân khấu Điện ảnh, chuyên ngành Đạo diễn Sân khấu. Tức là, ngày Lê Thụy gầy dựng được tiếng vang với "Dư luận quần chúng" và cả "Có một điều đáng sợ", anh chỉ mới ra trường được 2 năm. Lê Thụy gặt hái được danh vọng rất sớm so với lớp bạn bè cùng lứa.

Chi tiết vẫn nhiều người nhớ, ngày còn ở trường, Lê Thụy đã vang danh bởi vở "Cuộc chia tay tháng 6", một vở kịch kinh điển của Alex Vampilov - 1 trong 100 tác phẩm sân khấu lừng danh thế giới. "Cuộc chia tay tháng 6" biến Lê Thụy thành một hiện tượng. Lê Thụy dựng vở ấy, vì Lê Thụy thích. "Vở kịch viết về sinh viên, và khi đó, anh đang là sinh viên", Lê Thụy nói.

Không có gì thích bằng tạo được chút tên tuổi khi đang là sinh viên. Khi người ta trẻ và được tán tụng, người ta dễ say, cơn say cực kỳ dễ chịu.

Tôi hỏi Lê Thụy: “Thời sinh viên, đã là ngôi sao, chắc thích lắm anh nhỉ?". "Ơ, anh có là ngôi sao đâu. Anh chưa bao giờ ý thức điều đó khi anh là sinh viên. Anh chỉ sống theo cái cách của anh, theo đúng cá tính của mình. Nên có lẽ vậy, rất nhiều người yêu anh và cũng có rất nhiều người không yêu anh", Lê Thụy cười.

Ngay cả cái quần jean rách te tua, ngay cả mái tóc rũ rượi, ngay cả cái xe đạp không có yên… cũng khiến Lê Thụy nằm giữa lằn ranh yêu - không yêu.

Không phải là cố tình lập dị, mà cái tính tự nhiên nó vậy. Mặc quần jeans rách, vì thích mặc quần jeans rách. Để tóc rũ rượi, là thích để tóc rũ rượi. Còn cái xe đạp mất yên, là bởi… bị người ta ăn cắp mất cái yên.

Nghĩa là, vô tình hay hữu ý, những thứ ấy vận vào Lê Thụy, tạo nên một cá tính nghệ sĩ.

3. Giờ thì, Lê Thụy đã thành một tên tuổi lớn. Không cần nhắc đến những tác phẩm kịch truyền hình của anh. Không cần nghe văn nghệ sĩ kể về cái chơi được của anh, mà theo tôi, chỉ cần mang hai món trang sức thương hiệu, Lê Thụy đủ sức ngồi vào chiếu rượu của bất cứ cuộc vui nào.

Thứ nhất, chương trình Cầu truyền hình.

Thứ hai, chương trình Chuông vàng vọng cổ.

Lê Thụy là một trong những người đầu tiên của HTV nằm trong ê-kip làm Cầu truyền hình, tạo nên một thương hiệu cực kỳ đặc biệt cho HTV.

Làm cầu truyền hình khó, rất khó. Vì cầu truyền hình đòi hỏi tư duy không gian, sự giao thoa thời gian. Phải làm thế nào để kết nối gữa diễn viên và khán giả, giữa những con người ở nhiều địa điểm khác nhau, giữa sân khấu và người xem truyền hình… làm sao để tổng thể phải hài hòa, cùng chung một cảm xúc, cùng nhận được một thông điệp qua nội dung sự kiện mà nội dung chương trình muốn truyền tải.

Lê Thụy có trong tay, một danh sách dài dằng dặc những chương trình cầu truyền hình lớn mà anh làm tổng đạo diễn, như "Việt Nam đất nước tôi", "Sự lựa chọn lịch sử", "Linh thiêng Việt Nam", "Mãi mãi vững niềm tin", "Hồ Chí Minh - Cuộc hành trình thời đại"…

Những chương trình gắn liền với các sự kiện trọng đại của dân tộc, các cột mốc hào hùng của lịch sử.

Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 năm nay, anh cũng sẽ làm tổng đạo diễn một chương trình cầu truyền hình đặc biệt.

Sẽ là một chương trình chuyển tải được hào khí anh hùng của dân tộc đến người xem. Anh muốn sau khi xem xong chương trình, mọi người phải trả lời được câu hỏi "Ngày xưa, ông cha ta như thế, thì ngày nay, chúng ta phải như thế nào?". Như lời Bác dạy "Dân ta có một lòng yêu nước nồng nàn", Lê Thụy cho biết.

Ngồi với nhau không lâu, nhưng điện thoại của Lê Thụy reo liên tục, anh bận, cực kỳ bận.

Tối ấy, Lê Thụy phải ra Hà Nội có việc.

Năm mươi sáu tuổi, ba mươi sáu năm ở Sài Gòn. Hai mươi năm ở Hà Nội, Hà Nội trong Lê Thụy ra sao…

Là những phố phường xao xác bóng người, là những rêu phong, những căn hầm trú bom, những tiếng cười bè bạn trong vắt. Những chiều lêu nghêu phố xá, rượu ngập đêm, chuyện ngập ngày, là những buổi loạn ly tuổi thơ in hằn khắp những nơi sơ tán…

Hà Nội, là nơi Lê Thụy thương người con gái ấy. Thương chưa một lần nói. Để nhiều năm sau, gặp lại nhau, kịp giãi bày "Ngày ấy, anh yêu em". "Em cũng yêu anh, ngày ấy", người con gái trả lời.

Tiếc là không ai nói với nhau vài từ đơn giản đó.  Biết đâu, không thành là do duyên phận. Nhưng biết đâu, dở dang lại là kỷ niệm tuyệt vời.

Người con gái ngày xưa, đã trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng. Còn Lê Thụy, đã trở thành Nghệ sĩ ưu tú, Phó ban Văn nghệ Đài Truyền hình HTV.

Hà Nội ngày về, Lê Thụy sẽ gặp lại tất cả bạn bè quen, tất cả những đàn anh, những chiến hữu… Gặp để nói lời thương nhớ, nâng rượu mềm môi. Bởi ngày mai, Lê Thụy còn ngập mặt trong công việc.

"Như em, như anh… làm sao mà mình nghỉ ngơi được. Cái nghiệp nó vận vào mình mất rồi", nói xong bắt tay chặt, quay lưng bỏ đi…

...Dáng đi còn nhiều tất tả…

Ngô Nguyệt Hữu
.
.