Đào liễu hắt hiu

Thứ Tư, 11/12/2019, 09:06
Xin mượn câu hát theo điệu Đào liễu để nói về cảnh buồn tẻ của chiếu Chèo đương đại. Có một thực tế rất "đau" nhưng mà là cách để các nghệ sĩ Chèo yêu nghề sống được với nghiệp, đó là đi hát Văn trong các buổi lễ hầu đồng Đạo Mẫu...

“Xin mượn câu hát theo điệu Đào liễu để nói về cảnh buồn tẻ của chiếu Chèo đương đại. Có một thực tế rất "đau" nhưng mà là cách để các nghệ sĩ Chèo yêu nghề sống được với nghiệp, đó là đi hát Văn trong các buổi lễ hầu đồng Đạo Mẫu. Ở đó giọng hát của họ được trân trọng, lại có thêm thu nhập. Bằng cách đó, họ vẫn sống được để theo nghề hát" - Nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Thắng đã kể như vậy về nỗi niềm của người nghệ sĩ khi sân khấu nghệ thuật dân tộc bước vào cảnh “chợ chiều” trong kỷ nguyên số hóa.

Vang bóng một thời

“Ngày hai lượt đi về qua rạp Đại Nam, “thánh đường” khi xưa của sân khấu hát kịch Thủ đô thập niên 80- 90, trong tôi lại hiện về ký ức những tháng ngày cũ “mê mệt” với các vở chèo kinh điển như “Quan Âm Thị Kính”, “Lưu Bình - Dương Lễ”, hay vở mới như “Bài ca giữ nước”, “Ngọc Hân công chúa”... do nghệ sĩ Tào Mạt, Doãn Hoàng Giang biên dựng. Hồi ấy các rạp như Đại Nam, Công Nhân, Chuông Vàng, Kinh Đô, Bắc Đô, Bạch Mai... đèn đuốc sáng rực hằng tối. 

Đã thành lệ, cứ vào cuối tuần, gia đình tôi lại sửa soạn tươm tất từ chiều, cơm tối thật sớm để còn kịp làm cuốc xích lô đến rạp, hòa vào dòng người xem kịch đông như trẩy hội. Đó là một nhu cầu sinh hoạt không thể thiếu của nhiều gia đình Hà Nội lúc bấy giờ. 

Trong cảnh nghèo khó thời hậu chiến nhưng người dân Thủ đô vẫn dành sự đam mê cuồng nhiệt cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này” - ông Nguyễn Mạnh Thắng (nhà nghiên cứu văn hóa dân gian) mở đầu câu chuyện.

Cảnh diễn trong một vở chèo.

Ông Thắng cho biết đó là thời “hoàng kim” của chèo, bắt nguồn từ nhu cầu thực tế về văn hóa thuần phác, chưa đa dạng và biến động như ngày nay. Cũng bởi phong trào văn hóa văn nghệ thời bao cấp được phát triển rộng tới từng cơ sở hành chính. Chèo là một loại hình nghệ thuật để đi biểu diễn và thi thố ở khắp các tỉnh, thành phía Bắc lúc bấy giờ. 

Tính đơn giản, sự mộc mạc của chèo thấm sâu vào đời sống tinh thần ở các làng xã, địa phương. Ở khắp vùng Đồng bằng Bắc Bộ, nơi đâu cũng có đội văn nghệ mà nòng cốt là chèo. Từ đó hình thành đoàn chèo các tỉnh như Đoàn chèo Ninh Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Bắc Giang, Hưng Yên. Trong đó, mạnh nhất phải kể tới Đoàn chèo Thái Bình, vùng đất vốn là cái nôi của nghệ thuật chèo Việt Nam. Một thế hệ các nghệ sĩ, nhà biên kịch cũng từ thời kỳ này mà xuất hiện và tỏa sáng. 

Về biên kịch, các cụ Trùm Thịnh (tức cụ Nguyễn Văn Thịnh), cụ Cả Tam (tức cụ Trịnh Thị Lan), cụ Cả Mược ở Ninh Bình, nghệ sĩ Trần Bảng của Đoàn chèo Hải Phòng, cụ Tào Mạt ở Đoàn chèo Tổng cục Chính trị... là những nghệ nhân đóng vai trò tiếp dẫn truyền nối chèo cổ tới thời đó. Về nghệ sĩ, có các bậc tài danh như cụ Vũ Thị Tý trong các vở “Quan Âm Thị Kính”, “Tuần ty đào Huế”; nghệ nhân Kiều Bạch Tuyết trong vai “Thị Mầu lên chùa”... cùng thế hệ nghệ sĩ tiếp nối cho đến ngày nay, như NSND Thanh Hoài, NSƯT Thu Hiền (Nhà hát Chèo Hà Nội), NSƯT Thanh Loan (Nhà hát Chèo Việt Nam), NSƯT Mạnh Thắng (Nhà hát Chèo Hải Dương), các nghệ sĩ Thúy Ngần, Thanh Ngoan...

Trong sự thịnh hành của chèo những năm tháng ấy, có “công” rất lớn của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông Thắng kể: “Trong chuyên mục "30 phút dân ca và nhạc cổ truyền" trên sóng phát thanh Tiếng nói Việt Nam, chèo luôn là loại hình chính. 

Nhờ độ “phủ sóng” qua hệ thống loa truyền thanh mà làn điệu chèo len lỏi vào mọi ngóc ngách làng quê Việt Nam suốt những năm ròng chiến tranh và thời kỳ hậu chiến. Đồng thời khai sinh ra lối chèo hiện đại. Dựa trên các làn điệu cũ nhưng lời thơ ý hát được làm mới, bám sát nhiệm vụ chính trị, văn hóa đương thời. Nhiều bài chèo mới như “Bài ca năm tấn”, “Mùa xuân ơn Đảng”, thậm chí có cả bài chèo ca ngợi anh Yuri Gagarin bay vào vũ trụ của Liên Xô”.

Hát như nói, nói như hát

Phân tích về tính dân tộc đặc sắc của chèo, NSND Thanh Hoài nói: “Chèo là loại hình nghệ thuật thấm sâu vào đời sống dân dã, đặc trưng của nền văn hóa nông nghiệp thời vụ. Đó thực chất là một loại hình hát - nói rất gần gũi với đời sống của người Việt. Hát như nói, nói như hát, bởi thế mà nghệ thuật chèo có tính phổ biến rộng trong đời sống nhân dân. Có thể nói, không một xóm làng nào ở Đồng bằng Bắc Bộ lại không có tiếng hát chèo”.

Theo NSND Thanh Hoài, chỉ cần đôi chiếu hoa trải giữa sân đình, mấy ngọn đuốc, dăm mành liếp thưa, vài nhạc cụ, như nhị, sáo, trống, đàn thập lục, đàn tranh hay đàn bầu... là đã thành sân khấu chèo. Tính ước lệ của chèo thật tinh diệu vô cùng. 

Trên chiếu chèo đôi khi hiện ra là cảnh sông nước núi non qua lời hát tự sự, lúc là bến thuyền, gốc đa mái đình xa vắng hiện ra qua cử chỉ điệu bộ khi hát. Sân khấu chèo chuyển cảnh biến ảo, lúc nhịp phách đảo lên, khi trống dồn cảnh đổi. Âm thanh nhạc cụ tạo cảm giác chuyển. Đôi lúc là điệu bộ diễn xuất tạo nên tính đồng hiện về không gian, tình cảm đa chiều. Làn điệu chèo có khoảng 150 lối hát từ cổ tới nay nhưng biến thể của chèo thì thật vô cùng.

Nhà nghiên cứu nghệ thuật dân gian Đàm Minh cho biết, cái hay của chèo là vẫn những câu chuyện đó, tích cũ đó nhưng lối hát, lối diễn của từng nghệ sĩ lại làm nên sự phong phú đặc biệt riêng nên đi xem chèo, nghe chèo cũng là xem các đào, các kép diễn xuất. Nó cho thấy một thẩm mỹ vô cùng tinh tế và thuần hậu với nghệ thuật thưởng thức đặc trưng của một vùng văn minh lúa nước Việt Nam. 

Nghệ thuật chèo cũng tạo nên các tích trò khiến người xem khoái hoạt, gần gũi với đời sống thực vô cùng nên không nhàm chán. Các tích trò hề, thầy bói, thầy cúng với tính trào lộng, hài hước và bất quy ước gây nên những ngạc nhiên thú vị, kể cả về nội dung và hình thái biểu diễn. 

Nghệ thuật chèo đã phản ánh toàn bộ cuộc sống, các giai tầng cũng như khái quát hóa toàn bộ xã hội với các giá trị của xã hội ấy trong nghệ thuật trình diễn của chèo. Vì thế chèo có đủ sức chứa và tồn tại như một trong nhiều loại hình biểu diễn của người Việt một cách thật sinh động và biểu cảm. 

Ông Minh kể hiện nay ông vẫn đi xem và nghe chèo, đặc biệt thích thú với sự diễn xuất điêu luyện và sáng tạo ở các vai hề chèo, phù thủy hay sứt môi. Chèo đưa tới sự đa dạng cá tính đó, ngân nga hát nó với các cung bậc từ tự sự, kể chuyện giãi bày tới ca ngợi hào hùng. 

Xem một vở chèo, nếu chỉ nói tới tính nhạc điệu hay các cung bậc nghệ thuật thuần túy là thanh âm thì quả là một bữa tiệc cho thính giác. Như thường lệ, các vở chèo ở thập niên 80, 90 diễn trong sân khấu có cấu trúc kiểu Pháp xây thì nhạc công chèo ngồi ngay dưới nhìn diễn viên và chơi nhạc. Thật là một đặc ân nếu được ngồi ở các hàng ghế đầu, nhìn thấy nhạc công, nghe thấy nhạc thật gần và xem diễn viên ngay sát mình.

Vốn cổ “thoi thóp”

Nghệ sĩ chèo Khắc Tư lý giải: "Giờ thì mấy ai còn tới sân khấu nghe hay xem một vở chèo nữa. Hình như nghệ thuật biểu diễn khó quá, kỳ công quá nên cũng cần mất nhiều thời gian để thưởng thức nó”. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Thắng cho biết sân khấu chèo hiện nay cũng chưa đến mức “tắt đèn” đêm diễn. Nhưng biểu diễn chèo cũng chỉ còn lác đác ở vài điểm nhà hát chính thống. Người xem giờ thưa thớt lắm, chủ yếu là diễn cho khách Tây du lịch xem các trích đoạn chèo, chỉ là lướt qua các mảng miếng của nghệ thuật truyền thống đồ sộ này. Khách Tây xem chèo đa phần vì tò mò, chứ đòi hỏi sự thẩm thấu cái độc đáo, tinh túy của chèo thì không thể có. 

“Ngày nay, nhiều lúc tôi chỉ ước mong được nghe lại tiếng khóc sụt sùi hay những ngón tay len lén quệt nước mắt trên má của khán giả khi xem các vở chèo. Cái xúc động thuần hậu, vô tư, trong sáng và  rất người ấy, dường như đã không còn nữa trong một xã hội xô bồ, vội vã hiện nay. Khán giả còn đâu, sự hậu thuẫn của xã hội với một loại hình nghệ thuật dân tộc còn đâu. Đó là nỗi trăn trở không chỉ của những nghệ sĩ chèo mà còn day dứt trong chúng tôi - những người yêu chèo, yêu nghệ thuật cổ truyền dân tộc” - ông Thắng buồn rầu nói.

Lý giải về cơn “bĩ cực” của chèo, ông Thắng cho biết trong khoảng 15 năm trở lại đây, nhiều sân khấu nghệ thuật truyền thống ở Thủ đô đã bị “bức tử”, khi nhà hát kịch biến thành nơi cho thuê tổ chức tiệc cưới. Dân số cơ học tăng nhanh ở đô thị lớn. Vậy là các “thánh đường” của nghệ thuật cổ truyền được cải tạo để có thể kê 100 mâm tiệc, có đường dắt cô dâu chú rể lên sân khấu trao hoa. Và thế là sân khấu nghệ thuật tan tành. 

Chỗ ngồi của nhạc công bị san phẳng, chỗ ngồi khán giả bị dỡ bỏ đi, chỗ diễn của nghệ sĩ trở thành sân khấu chật hẹp đủ cho cô dâu chú rể và nội ngoại hai bên đứng. Sân khấu vẫn “đỏ đèn” 3 ca một ngày nhưng mà là dành cho lễ kết hôn. Bên cạnh đó, chèo ngày nay sống nhờ... ngân sách, tức từ nguồn kinh phí “rót” từ ngành văn hóa nên rất “èo uột”, cảm tính và thiếu bền vững. Khác hẳn với các gánh chèo thuở xưa sống được nhờ có khán giả bỏ tiền mua vé xem. 

Hiện nay, ở các tỉnh như Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình... vẫn duy trì các đoàn chèo, hoạt động một cách cầm chừng, lấy nhiệm vụ phục vụ chính trị là cốt yếu. Tức là các buổi diễn chèo bị đẩy tới hình thức ca múa phục vụ hội nghị, sự kiện... chứ không còn được xem là một hình thái nghệ thuật, được thưởng thức trân trọng như vốn có nữa. 

“Chẳng ai có thể diễn một vở dài với các cung bậc chèo vi diệu, trong một bữa trưa của các vị đại biểu tụ về họp tại tỉnh nhà. Việc này dẫn tới tình trạng các nhà hát chèo mạnh mẽ khi xưa, nay chỉ dựng các miếng - chiêu trò để diễn phục vụ hội nghị và dựng các vở chèo mới để tham gia hội thi nghệ thuật sân khấu chèo toàn quốc. Do đó, yếu tố quan trọng nhất của sân khấu là khán giả đã bị cắt đứt và triệt tiêu” - ông Thắng phân tích.

Ở cách tiếp cận khác, nhà nghiên cứu Đàm Minh cho rằng, chèo nay “thoi thóp” bởi sự quay lưng từ phía người xem. Ông đặt câu hỏi: “Đã bao giờ bạn bỏ tiền ra mua một tấm vé coi vở chèo truyền thống? Người ta khi nói thì ai cũng bảo gìn giữ nghệ thuật của dân tộc là vô cùng cấp thiết. Nhưng không thể giữ chỉ bằng mồm, bằng sự hời hợt mà được. Việc cần kíp là phải bỏ tiền ra mua một tấm vé thưởng ngoạn. Tình yêu và ý thức giữ gìn vốn cổ nghệ thuật truyền thống dân tộc cần phải bắt đầu theo cách đó”.

Tuy nhiên, ông Minh thừa nhận cũng thật khó để yêu cầu mọi người như thế. Bởi vì thưởng thức nghệ thuật dân tộc truyền thống là thứ không thể ép uổng mà được nếu người ta không thực sự yêu thích nó. Phải có một nền tảng văn hóa thế nào đó, thì người ta mới có thể “thẩm" được cái hay, cái đẹp của chèo nói riêng, của nghệ thuật dân gian nói chung, từ đó mới dẫn tới sự yêu thích say mê. 

Và lúc này đây, nghệ thuật chèo vẫn hoạt động ngầm kín với nhau, như một dòng nghệ thuật underground (không chính thống - chưa được công nhận), tức là nó không dừng hẳn mà đang thoi thóp bí ẩn.

Trung Hiếu - Đại Lâm
.
.