Đào tạo tiếng Anh bậc Tiểu học: Khó đạt hiệu quả cao!

Chủ Nhật, 05/12/2010, 15:45
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội, tính đến đầu năm nay, trong tổng số 689 trường tiểu học trên địa bàn thủ đô Hà Nội, chỉ có 10 trường không đào tạo tiếng Anh cho học sinh. Riêng học sinh lớp 1 mặc dù vừa bắt đầu học tiếng Việt, thế mà đã có tới 1/3 trong tổng số 104.000 học sinh lớp 1 học tiếng Anh.

Lớp 2 còn nhiều hơn nữa khi số học sinh học tiếng Anh chiếm tới gần 50% tức là 37/80 nghìn học sinh. Và lớp 3 thì gần như trọn vẹn cả 100% với số học sinh học tiếng Anh là 82 nghìn/86 nghìn học sinh.

Với số lượng học sinh học tiếng Anh lớn như vậy, vậy mà những điều kiện căn bản để bảo đảm việc giảng dạy, học tập tốt của giáo viên và học sinh lại thiếu trầm trọng, nhất là khi mới đây Bộ GD-ĐT thực hiện triển khai chủ trương dạy thí điểm tiếng Anh ở bậc tiểu học.

Cái gì cũng thiếu!

Một trong những điều kiện khó khăn đầu tiên phải nhắc đến là giáo viên. Bởi đây là điều kiện tiên quyết quyết định chất lượng giảng dạy và học tập tiếng Anh ở bậc tiểu học. Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, tính đến đầu năm 2010, số giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học chỉ có 1.271 giáo viên trong khi số lượng học sinh học tiếng Anh ở thủ đô "khổng lồ" như đã nói.

Theo ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội, với lực lượng giảng dạy như vậy là quá ít ỏi, khó mà bảo đảm được chất lượng đào tạo tiếng Anh như mong muốn. Chưa nói đến số giáo viên ấy lại dao động liên tục do nhiều giáo viên chỉ giảng dạy theo hợp đồng thời vụ. Còn giáo viên biên chế  rất ít chỉ tiêu. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn cả là trong đội ngũ giảng dạy tiếng Anh ấy, chỉ có hơn 700 người có trình độ đại học và trên đại học (trên đại học chỉ có 6 giáo viên). Còn lại là nhiều trình độ cập kênh khác nhau.

Đối với khó khăn này, ông Tiến cũng giải thích đối với giáo viên dạy ngoại ngữ ở bậc tiểu học do ưu đãi hạn chế như không có chỉ tiêu biên chế hoặc thu nhập thấp nên nếu đã có trình độ thì giáo viên không đi dạy ở tiểu học mà sẽ làm một nơi khác có thu nhập và ưu đãi nhiều hơn.  Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất khiến cho giáo viên dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học trình độ không cao đồng đều chính là do quan niệm rất đơn giản của nhiều lãnh đạo trường tiểu học rằng, là cấp học "sơ khai", chỉ làm quen với tiếng Anh nên chẳng cần phải tuyển dụng giáo viên tiếng Anh dạy cấp tiểu học một cách quá cầu kỳ mà miễn sao cứ có bằng là được, bằng gì không quan trọng.

Bởi vậy, ở nhiều trường mới có chuyện giáo viên tiểu học kiêm nhiệm luôn dạy tiếng Anh, nếu cô này biết ngoại ngữ. Và có lẽ cũng bởi vậy, sau khi kiểm tra trình độ của 148 giáo viên tham gia dạy thí điểm, chỉ có 28 giáo viên đạt chuẩn với số điểm đạt được là 550 điểm TOEFL hoặc 6.0 điểm đối với chương trình IELTS.

Còn nhiều khó khăn thì việc triển khai dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học sẽ rất lúng túng.

Giáo viên và trình độ giáo viên đã khó khăn như vậy, giáo trình giảng dạy lại là một khó khăn nữa trong chương trình đào tạo tiếng Anh ở tiểu học. Mặc dù số lượng học sinh lớn như đã đề cập ở trên, thế nhưng chương trình giảng dạy hiện nay vẫn không thống nhất trong các trường. Trường nào thích sách gì thì dạy sách đấy, giáo viên "thuộc" chương trình nào hơn thì dạy học sinh chương trình đó. Có 2 chương trình để họ lựa chọn: hoặc là  Let’s Go của  Oxford - xuất xứ hoàn toàn của nước ngoài hoặc là Let’s Learning English của Nhà xuất bản Giáo dục biên soạn với nhiều hình ảnh trong nước. Và rõ ràng với 2 chương trình đào tạo khác nhau như vậy, thì "sản phẩm" mà họ tạo nên là học sinh cũng khác nhau về trình độ, tư duy.

Bên cạnh tất cả những khó khăn kể trên thì cơ sở vật chất cũng đang là "vấn đề" đối với các trường tiểu học dạy tiếng Anh. Nếu như đối với một lớp học tiếng Anh, cơ sở vật chất căn bản cần phải có là phòng máy, đầu đĩa hình, máy cassette, giáo cụ trực quan... Thế nhưng hiện nay ở nhiều lớp học tiếng Anh tại các trường tiểu học, kể cả những trường dân lập được coi là có điều kiện kinh tế thuận lợi hơn so với các trường công lập, cơ sở vật chất xem ra cũng chưa được bảo đảm.

Vào mỗi giờ học, điều kiện thuận lợi nhất mà học sinh được học tập chỉ là nghe một máy cassette nhỏ được đặt trên bàn giáo viên và nghe ngay tại lớp học chứ không phải trong phòng máy chuyên dụng. Còn giáo cụ trực quan hay hình ảnh minh họa, đồ chơi v.v... phục vụ cho bài giảng  duy nhất chỉ là những thứ đã có sẵn in trong sách giáo khoa hoặc là chính những đồ dùng học tập của các em, ngoài ra không có gì thêm. Sáng tạo lại càng không nữa vì như đã nói lãnh đạo nhiều trường quan niệm giáo viên dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học không quan trọng và hơn nữa thời gian 45 phút mỗi tiết cùng sĩ số lớp lúc nào cũng từ 40 đến 60 học sinh/lớp đã là hạn chế bó buộc phương pháp học mà chơi, chơi mà học được chú trọng trong phương pháp đào tạo ngoại ngữ ở bậc tiểu học. Đó là chưa kể đến, có khi một số giáo viên phải "chạy sô" nhiều lớp do thiếu giáo viên trầm trọng thì lấy sức đâu mà sáng tạo!

Một nguyên nhân nữa cũng cần nói đến vì vô tình nó đã trở thành trở ngại cho việc dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học, ấy là chương trình học tập của học sinh. Phải nói rằng, chương trình này ôm đồm quá nhiều kiến thức và buộc học sinh phải nhớ quá nhiều. Trong khi tư duy của các em vẫn chỉ là của một đứa trẻ non nớt, không thể tiếp thu, lĩnh hội cùng lúc nhiều kiến thức, lại còn của nhiều môn khác nhau.

Đặc biệt là ở môn ngoại ngữ, hình thức diễn đạt, ngữ pháp của nó và tiếng Việt hoàn toàn trái ngược nhau, một bên diễn đạt ngược, một bên diễn đạt xuôi. Cho nên trong khi tiếng mẹ đẻ chưa sõi như các em thì việc học ngoại ngữ vô cùng khó khăn. Bởi vậy, hầu hết các vị phụ huynh của học sinh tiểu học khi về nhà nếu như các môn chính thống như Toán, Văn... chăm chăm bắt con học, thì tiếng Anh gần như họ thả lỏng, học sinh thích thì học, không thì thôi. Mà "văn ôn võ luyện" theo kiểu thích thì học không thì thôi thì học thế, học nữa, kết quả cuối cùng vẫn chỉ là con số 0.

Tiếng "Lào" sang tiếng "Ý"

 Học tập trong hoàn cảnh mà điều kiện cơ sở vật chất nào cũng khó khăn, thiếu trầm trọng như vậy, thì tất yếu kết quả sẽ không như mong muốn nếu như không muốn nói là "què cụt". Đấy, bao nhiêu chuyện trước mắt về kết quả học tiếng Anh ở trong nước mà bằng cấp trình độ cao hẳn hoi cuối cùng sang những quốc gia nói tiếng Anh nhất là những nước bản ngữ nói tiếng Anh người ta tưởng nói tiếng... Ý.

Còn học sinh tiểu học học tiếng Anh thế nào?

Một học sinh lớp 3 của một trường điểm ở thủ đô Hà Nội, học tiếng Anh đến nay đã là năm thứ 3 theo chương trình đào tạo mà trường của em lựa chọn là Let’s Go. Vậy mà, khi đọc lại những từ đã được học, em không đọc được hay nói đúng hơn là đọc theo cách đánh vần của người Việt. Cụ thể như từ "cat" (con mèo) thay vì phát âm chuẩn như tiếng Anh, em lại đọc đúng như cách viết của nó. Hay từ: "ant" (con kiến), em đọc rõ mồn một là "an-tờ" chứ không bật "âm gió" ở chữ "t" như cách phát âm của người bản ngữ.

Buồn cười nữa là khi thấy một người nước ngoài đi qua, với sự vô tư và hồn nhiên của trẻ thơ và cũng là thích giao tiếp để thực hành tiếng Anh, vừa vẫy tay, học sinh nói trên vừa chào to "Hi, hi" một cách hồ hởi. Vì vẫn tư duy theo tiếng Việt, em phát âm sai nên khi chào như vậy, do không hiểu gì, ông "Tây" thản nhiên, lạnh lùng đi qua em cứ như em đang nói gì với ai đó chứ không phải chào ông.

Và điều đáng buồn là không chỉ một mình học sinh trên phát âm như vậy mà có nhiều học sinh tiểu học khác cũng giống em. Cũng cần nói thêm, tất cả những học sinh ấy đều là học sinh khá trở lên chứ không phải học sinh có học lực yếu kém để rồi việc tiếp thu kiến thức, nhất là kiến thức sơ đẳng rất khó khăn, trầy trật.

Việc dạy ngoại ngữ ở bậc tiểu học còn nan giải.

Dẫu phát âm chưa chuẩn hoặc sai nhưng các em còn "đánh vần" được như vậy, chứ có những từ mặc dù học rồi mà còn được học nhiều lần hẳn hoi, thế mà khi hỏi lại, vẫn không thể đọc được, nhất là những từ không thể dựa trên nền tảng tiếng Việt để "suy" ra như: "elbow" (khuỷu tay); "igloo"; "octpus" (con bạch tuộc); "jump rope" (dây để nhảy)...

Phát âm không chuẩn hoặc sai đã là chuyện "biết rồi khổ lắm nói mãi" trong học sinh tiểu học, nhưng hiểu nghĩa của từ thì đối với các em còn là chuyện tệ hại nữa. Nếu chỉ cần che hình vẽ minh họa nhằm giải nghĩa cho từ ngữ được viết bên cạnh, thì nhiều em không hiểu nổi từ ấy nghĩa là gì. Mà nếu hiểu cũng dễ bị lẫn lộn "râu ông nọ cắm cằm bà kia", đặc biệt là những từ có cách phát âm na ná nhau.

Một học sinh năm nay cũng đã học tiếng Anh 3 năm nhưng trong hai từ "pen" và "pencil" vẫn chưa phân định rạch ròi từ nào mang nghĩa bút chì và từ nào mang nghĩa bút mực. Em chỉ trả lời: "Hình như là...". Hay 7 ngày trong tuần, các em còn khó nhớ nữa, không biết thứ 2, thứ 3.... là từ nào thì đúng. Thế nên mới có chuyện, để giúp con mình ghi nhớ, một phụ huynh đã nghĩ ra cách đọc "lái" theo tiếng Việt các ngày trong tuần, dẫu cách đọc này khiên cưỡng và hài hước. Nhưng vị phụ huynh này quan niệm thà chấp nhận cách đọc này còn hơn là con mình không  nhớ gì. Cụ thể như: "Monday" (thứ Hai) đọc là "mâm đây" "Tuesday" (thứ Ba) đọc là "Tiu (đấm) đây", "Thursday" (thứ Năm) là: "Thớt đây", "Friday" (thứ Sáu) là "phay đây"...

Nhưng so với các kỹ năng đọc, nghe, hiểu trên đây thì khó khăn nhất với học sinh vẫn là viết. Thì đúng thôi, đang học tiếng Việt, viết còn chưa xong thì viết một ngôn ngữ khác hẳn tiếng Việt, không viết nổi cũng là chuyện dễ hiểu. Nhiều học sinh tiểu học khi được hỏi đều không viết được trọn vẹn những từ tiếng Anh các em đã học, nhất là những từ gồm ba chữ cái trở lên. Một học sinh, sau khi không viết nổi từ "ruler" (cái thước kẻ) đã chán chường đặt cái bút xuống bàn và phụng phịu: "Con viết chính tả còn sai be bét đến nỗi cô giáo và mẹ con ở nhà còn sửa chi chít trong vở thì làm sao con viết tiếng Anh được. Con không viết nữa đâu".

Đừng biến học sinh thành "nơi thí nghiệm"

Tình trạng học tiếng Anh mà như không ở trên đây đáng buồn để nói rằng, không phải xảy ra cá biệt ở một học sinh nào hay một trường tiểu học nào ở Hà Nội mà lại khá phổ biến ở các trường tiểu học. Ở những trường ngoại thành, kết quả này còn tệ hại hơn. Và hệ lụy của việc học tập trong điều kiện mà cái gì cũng thiếu, chưa đạt chuẩn không phải không ai biết mà thậm chí phần lớn người nào cũng nhìn thấy, biết trước. Dẫu không nói thẳng ra nhưng ông Phạm Xuân Tiến cũng nhận định: "Học tập trong hoàn cảnh giáo viên thiếu, trình độ chưa đạt chuẩn, sĩ số lớp đông... thì kết quả  học tập của học sinh cũng...".

Ngay trong Hội thảo thí điểm thực hiện dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học diễn ra gần đây nhất do Bộ GD-ĐT tổ chức nhằm triển khai đề án dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học, trước mắt sẽ dạy thí điểm năm học này đối với học sinh lớp 3 còn sang năm sẽ dạy đại trà, nhiều hiệu trưởng cũng đồng quan điểm với ông Tiến. Như bà Võ Thị Lan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đằng Giang, Hải Phòng đã phát biểu với báo giới: "Nếu thực hiện dạy thí điểm tiếng Anh ở tiểu học, khó khăn nhất của trường chúng tôi là thiếu giáo viên trầm trọng".

Còn Hiệu trưởng Trường tiểu học Phả Lại 2, thị xã Chí Linh, Hải Dương - bà Nguyễn Thị Minh Tâm than phiền: "Để dạy chương trình tiếng Anh đạt kết quả cao nhất, phải có phòng nghe nói riêng. Nhưng hiện tại nhà trường dù đã nỗ lực rất lớn, đến nay phòng này vẫn chưa có"...

Nói tất cả những chuyện trên đây để thấy, khi tiếng Anh chưa phải là môn bắt buộc mà vẫn đang đào tạo theo hình thức trường nào thấy có điều kiện thì dạy, một chủ trương ra đời sau khi quy định môn tiếng Anh là môn chính thống như Toán, Văn bị "phá sản" bởi ý kiến của nhiều chuyên gia và dư luận mà kết quả đã không khả quan như vậy thì việc dạy tiếng Anh đại trà vào sang năm với tham vọng mỗi học sinh tiểu học phải biết từ 500 đến 700 từ tiếng Anh hay học hết THPT, học sinh sẽ đi du học được  là khó thành hiện thực. Đây là một dự án đúng đắn, nhất là trong thời kỳ giao lưu, hội nhập kinh tế toàn cầu như hiện nay.

Nhưng để thực hiện nó và để có hiệu quả trong đào tạo, chúng ta cần phải chuẩn bị kỹ càng cả về nhân lực và cơ sở vật chất. Nếu không, việc đào tạo mà biết trước sẽ không hiệu quả thì học sinh sẽ trở thành... "nơi thử nghiệm"?!

Duy Hưng
.
.