Đất Đông Anh (Hà Nội) trước ngày cầu Nhật Tân thông xe

Thứ Năm, 16/10/2014, 16:20

Sau hơn 4 năm đóng băng, thời điểm này, khi cầu Nhật Tân sắp hoàn thành, lại rộ lên tin đồn đất tại một số xã huyện Đông Anh tăng giá trở lại. Tuy nhiên, tăng giá hoàn toàn do người bán phát ra mà thôi.

Mất nhà vì ôm đất

Bốn năm trước, đầu năm 2011, có hơn 1 tỉ mà “không biết làm gì”, anh Hoàng quyết định sang Đông Anh đầu tư đất. Thời điểm ấy, cơn sốt đất ở Đông Anh đang lên đỉnh điểm khi mà đất tại các xã Vĩnh Ngọc, Hải Bối, thị trấn Đông Anh được rất nhiều người từ nội thành sang săn lùng. Có thời điểm, giá đất bị đẩy lên 80 - 90 triệu đồng/m2, ở vị trí mặt đường dẫn lên chân cầu Nhật Tân. Đất trong làng, ngõ rộng, chào bán khoảng 60 triệu đồng/m2, ngõ nhỏ hơn 50 triệu đồng/m2. Đầu năm 2011, giá đất ở huyện Đông Anh tăng chóng mặt, lên đến 50 - 60% so với năm 2009.

Tại xã Vĩnh Ngọc, mảnh đất bám mặt đường ôtô vào được giá khoảng 80 triệu đồng/m2. Còn với những mảnh đất gần đường dẫn lên cầu Nhật Tân, giá đã ở ngưỡng 100 triệu đồng/m2. Loay hoay rồi anh Hoàng quyết định “xuống tiền” một mảnh 60m2 ở Hải Bối với giá 1,4 tỉ đồng. Nhưng do không kịp “rút chạy”, anh Hoàng và nhiều người đã “ôm hận” khi bỗng nhiên bỏ cả đống tiền ôm “của nợ”.

Những mảnh đất được phân lô giờ để cho cỏ mọc.

Từng kiếm tiền tỉ vì “làm đất”, nên năm 2011, khi thấy giá đất tăng vùn vụt, anh Tuấn quyết định vay 1,5 tỉ đồng để ôm đất. Thời điểm ấy, vay ngân hàng rất khó nên anh Tuấn quyết định đi vay ngoài và chấp nhận “cắm” ngôi nhà 3 tầng trên mảnh đất hơn 200m2. Người cho vay đã yêu cầu anh phải làm hợp đồng chuyển nhượng nhà đất với điều kiện sau 10 tháng, sau khi trả hết khoản nợ 1,5 tỉ đồng và tiền lãi thì sẽ được chuộc lại nhà.

Đang cơn say làm ăn nên anh Tuấn ký luôn vì tính rằng chỉ sau vài vụ làm ăn sẽ có tiền chuộc lại nhà. Nhưng người tính không bằng… trời tính, cơn sốt đất nhanh chóng qua đi, đất đai đóng băng trong khi thời hạn phải chuộc nhà đã đến. Không có tiền chuộc nhà, giờ đây anh Tuấn đang phải hầu tòa vì người cho vay kiện ra tòa để đòi nhà. Nhìn lại mớ giấy tờ đã ký với chủ nợ, anh Tuấn tá hỏa vì vào thời điểm đang cần tiền đầu tư, anh đã ký tất cả giấy tờ mà không để ý các điều khoản bất lợi đều thuộc về mình.      

Bao giờ “sốt” lại?

Nằm ngay phía sau Trưởng tiểu học xã Vĩnh Ngọc, cách đầu cầu Nhật Tân chừng 500m là khu đất tái định cư thôn Ngọc Giang được quy hoạch phân lô theo ô bàn cờ, mặt đường rộng 6-10m. Bên cạnh 20 ngôi nhà mới xây xong vẫn còn những ô đất cỏ mọc um tùm. Vừa thấy tôi hỏi có biết ai bán đất không, bà chủ hàng tạp hóa nói ngay: “Khối người đang muốn bán đây này, chú muốn mua thì cứ gặp ông Sen”, rồi chỉ ngôi nhà 3 tầng cách đó không xa.

Tiếp tôi trong phòng khách ở ngay tầng 1, vừa uống nước chè, vừa vẩy tàn thuốc lá ra sàn nhà, ông Sen tự giới thiệu nhà ông trước kia ở trong làng nhưng giờ nằm giữa tim đường dẫn lên cầu rồi, ngôi nhà này ông mới xây cách đây 2 năm sau khi nhận đất tái định cư. Đây là nhà thằng con cả, thằng út ông cũng xây cho một cái nhưng ở lô đằng sau; chỗ này để làm văn phòng cho tiện giao dịch chứ còn hai ông bà già thì ở chỗ khác.

Rồi ông “quảng cáo” rằng ông là cán bộ về hưu, “làm đất” chỉ là làm thêm kiếm “đồng ra đồng vào” nên ông làm đàng hoàng, không gửi giá như những chỗ khác nên nhiều người mua rồi lại giới thiệu anh em bạn bè nhờ ông tìm mua giúp, “từ đầu năm tới giờ tôi cũng mua cho chục người”.

Ông bảo làm nghề này, ông phải vừa như công an xã lại vừa như cán bộ địa chính, nghĩa là phải biết cái mảnh đất của người cần bán giấy tờ thế nào, có bị cắm ngân hàng không, nếu cắm thì tiền vay có quá giá trị mảnh đất không để tư vấn cho khách chứ không thì rắc rối lắm. Năm ngoái, ông dính phải một vụ khách mua đất, rắc rối mãi không làm được sổ đỏ vì đấy là đất thừa kế, chủ nhà có 6 anh em, 5 người ký giấy đồng ý bán, nhưng một người dứt khoát không ký, “tôi vận động mãi mà không được cuối cùng phải có cách khác mới làm được sổ đỏ cho khách”.   

Nghe tôi nói muốn tìm một mảnh đất ở khu này vì gần trường học, đường sá thoáng đãng lại ngay gần cầu, ông Sen nói rằng đất ở đây thì còn rất nhiều, riêng khu này đang có cả chục người muốn bán, trong tủ ông có cả tập sổ đỏ photo của các chủ đất nhờ ông bán hộ nên từ đất ở tới đất ruộng cần vài nghìn mét cũng có, thời điểm này mua rồi xây luôn thì rất dễ vì không cần phải xin phép xây dựng, có xây 10 tầng cũng được “quan trọng là chú có bao nhiêu tiền thôi”; rồi ông chỉ mảnh đất rộng gần 200m2 cạnh ngôi nhà 3 tầng trước mặt: “Con bé này nó cũng đang muốn bán, nhưng nó đòi tới 50 triệu/m2 cơ. Tôi bảo nó giá 34 - 35 triệu thì may ra còn có khách chứ mày đòi thế thì bán làm sao được”.

Theo lời ông Sen thì so với đầu năm, thời điểm này giá đất ở những vị trí đẹp đã tăng từ 1 - 2 triệu đồng/m2, tuy nhiên giao dịch không nhiều; cũng có nhiều người sang ngắm nghía nhưng chưa “xuống tiền”.

Thực tế, khi thông cầu Nhật Tân, từ đây sang hồ Tây khá gần so với những mảnh đất ở trong làng đường ngõ ngoắt ngoéo thì khu vực này thuộc loại đẹp nhất.

Tuy nhiên, với mức giá 25 - 40 triệu đồng/m2 thì lại không hề rẻ khi hiện tại, hạ tầng xã hội ở đây còn thua xa khu vực Hà Đông, Hoàng Mai. Không những thế, sau cơn sốt đất cuối năm 2010 đầu năm 2011, nhiều nhà đầu tư đang “chết kỹ” vì ôm đất Đông Anh.

Theo kế hoạch, đầu năm 2015, cầu Nhật Tân sẽ thông xe cũng là dịp để các nhà đầu tư đang “ôm của nợ” muốn đẩy hàng. Để kích cầu, nhiều người đã chấp nhận tăng chi phí cho cò với mức giao dịch từ 1 tỉ đồng trở xuống, phí là 10 triệu đồng, còn với giao dịch từ 2 tỉ đồng trở lên phí là 17 - 20 triệu đồng. Tuy nhiên, có quá nhiều nhà đầu tư muốn bán đất nhưng khách thì hầu như không có nên thị trường bất động sản tại Đông Anh những ngày này đang thực sự là một cơn ác mộng với rất nhiều nhà đầu tư.

Với nhiều người đang ôm đất ở khu vực này đang hy vọng giá đất sẽ tăng trở lại vì cuối tháng 8/2014, UBND TP Hà Nội đã có phương án quy hoạch cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư các dự án thành Khu vực phát triển đô thị hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài với tổng kinh phí dự kiến khoảng 20.000 tỉ đồng.

Dự án nghiên cứu trên 2.000 ha, tổng mặt bằng sử dụng đất là trên 1.500ha, trải dài gần 12km trên địa bàn huyện Đông Anh và Sóc Sơn. Quy mô dân số trong vùng quy hoạch trên 14 vạn người. Tại đây sẽ hình thành và phát triển các trung tâm quy mô lớn về văn hóa, kinh tế, giao lưu quốc tế như Trung tâm triển lãm - Làng văn hóa ASEAN, Trung tâm Tài chính - Tháp tài chính gắn với mặt nước...

Sơ đồ tổ chức không gian tại đây gồm 4 đoạn. Đoạn 1 - Đô thị cửa ngõ với định hướng công nghiệp - thương mại - nông nghiệp với gần 250ha; Đoạn 2 - Đô thị quốc tế ASEAN City trên 370ha; Đoạn 3 - Đô thị biểu tượng bên sông gần 700ha; Đô thị sinh thái - Đô thị nước gần 225 ha…

Theo quy hoạch này việc xây dựng Khu vực phát triển đô thị hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài phấn đấu hoàn thành trong vòng 10 năm. Năm 2014 hoàn tất công tác chuẩn bị và sẽ triển khai thực hiện từ năm 2015…

Tương lai sẽ là như vậy, nhưng hiện thị trường bất động sản ở khu vực xa trung tâm, nhất là các huyện ngoại thành vẫn ít được nhà đầu tư quan tâm bởi nhu cầu lớn hiện nay vẫn là nhà chung cư ở các quận nội thành, nơi có hạ tầng xã hội thuận lợi. Vì vậy, hy vọng về một cơn sốt đất mới ở Đông Anh xem ra chỉ là “giấc mơ” còn xa?

Tân Lương
.
.