“Dấu ấn hòa bình” ở Olympic Pyeongchang 2018

Thứ Ba, 06/03/2018, 12:30
Kết thúc Thế vận hội Mùa đông lần thứ 23 - Olympic Pyeongchang 2018 dù các vận động viên Triều Tiên không đạt được tấm huy chương nào, nhưng sự tham gia của họ đã đem lại ý nghĩa rất lớn cho hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Nhờ “hiệu ứng hòa bình” của những bước “xích lại gần nhau” giữa hai miền Triều Tiên trong suốt kỳ Olympic Mùa đông 2018, những tia hy vọng mối quan hệ Mỹ - Triều Tiên và cách thức tìm kiếm hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên lại có cơ hội “lóe” lên.

Trong tất cả các cuộc đối thoại hòa giải, cả Seoul lẫn Bình Nhưỡng đều thể hiện mong muốn không xảy ra cuộc chiến tranh mang tính hủy diệt. Điều mà hai nước muốn là đẩy lùi nguy cơ tiềm tàng liên quan đến việc Mỹ đơn phương tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng. Sự kiện thể thao ở Pyeongchang đã đem lại niềm hy vọng tốt đẹp nhất trong nhiều năm qua rằng các bên sẽ đẩy lùi chu kỳ leo thang căng thẳng hiện nay.

Hiệu quả của việc này chưa thể thấy rõ trong “một sớm một chiều”, song rõ ràng nó giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra chiến tranh. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nỗ lực tận dụng tối đa kỳ Olympic mà Hàn Quốc làm chủ nhà để làm “tan băng” mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên, đồng thời tạo tiền đề không thể thuận lợi hơn cho một cuộc đối thoại Mỹ - Triều nhằm mở lối thoát cho vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên vốn bế tắc nhiều năm nay.

Hàng loạt cuộc tiếp xúc giữa ông Moon Jae-in với các quan chức cấp cao Triều Tiên tới Hàn Quốc tham dự các sự kiện của Olympic, đã tạo bầu không khí hòa giải hiếm hoi giữa hai miền, bao gồm cả khả năng tiến hành một cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, làm dấy lên hy vọng “điểm nóng” Bán đảo Triều Tiên có thể hạ nhiệt.

Mặc dù lợi ích mà Thế vận hội này đem lại là rõ ràng nhưng có thể chỉ mang tính tạm thời. Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa thể xích lại gần nhau khi lòng tin của hai bên vẫn còn khoảng cách lớn. Thế nên, sẽ là sai lầm khi xem mối quan hệ xích lại gần nhau của hai miền trong dịp Thế vận hội này là nhân tố làm thay đổi tình hình Bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, các nỗ lực của Hàn Quốc có vẻ không nhận được sự hưởng ứng của đồng minh quan trọng nhất là Mỹ. Nguy cơ Mỹ hành động quân sự chưa thực sự mất đi bởi nhiều ý kiến cho rằng Tổng thống Donal Trump và các quan chức hàng đầu khác trong chính quyền Mỹ vẫn thiên về giải pháp quân sự. Và rồi vòng luẩn quẩn lại trở lại với việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho rằng sở hữu vũ khí hạt nhân vẫn là cách tốt nhất để bảo vệ Triều Tiên.

Nhưng nhìn chung, Olympic Pyeongchang 2018 đã mở ra một cơ hội thực sự, dù mong manh, đó là làm đảo ngược, hoặc chí ít là làm chậm lại nguy cơ chiến tranh trong khu vực. Và đó là sự thành công “kép” đối với sự kiện thể thao này. Chẳng vậy mà ngày 26-2, phái đoàn cấp cao Triều Tiên đã tái khẳng định thiện chí đàm phán với Mỹ và nhấn mạnh rằng cánh cửa đối thoại vẫn để ngỏ.

Đoàn thể thao Triều Tiên - Hàn Quốc diễu hành trong lá cờ chung có hình Bán đảo Triều Tiên. Ảnh: InsideTheGames.

Trưởng ban Mặt trận Thống nhất đảng Lao động Triều Tiên và hiện phụ trách các vấn đề về quan hệ liên Triều Kim Yong-chol nhân dịp ông dẫn đầu phái đoàn cấp cao Triều Tiên thăm Hàn Quốc dự lễ bế mạc Olympic Mùa đông Pyeongchang 2018 đã bất ngờ thông báo Triều Tiên sẵn sàng tiến hành đàm phán song phương với Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn tỏ ra thận trọng.

Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết Washington sẽ xem liệu thông điệp của ông Kim Yong-chol có phải là bước đi đầu tiên của Triều Tiên hướng tới phi hạt nhân hóa hay không trước khi tiến hành bất cứ cuộc đàm phán nào. Tổng thống Hàn Quốc ngay lập tức nắm lấy cơ hội và kêu gọi Mỹ hạ thấp yêu cầu để tiến hành đối thoại với Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh điều quan trọng hiện nay là một cuộc đối thoại như vậy phải được diễn ra.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 26-2 cũng đã đưa ra tuyên bố: “Cốt lõi của vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên phụ thuộc vào cách giải quyết giữa Triều Tiên và Mỹ”.

Thực tế cho thấy, để giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, rất cần cách ứng xử mang tính đột phá. Tính đến nay, Mỹ đã áp đặt hơn 450 biện pháp trừng phạt CHDCND Triều Tiên, với khoảng một nửa số trong đó được áp dụng trong năm 2017. Tuy nhiên những gì xảy ra trong những năm qua cho thấy, mỗi lần vòng quay các cuộc đấu khẩu, các cuộc tập trận, các vụ thử hạt nhân hay phóng tên lửa và các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng như của Mỹ diễn ra là một lần Bán đảo Triều Tiên lại tiến sát hơn tới bờ vực chiến tranh.

Các nhà phân tích cho rằng, nếu không có cách ứng xử mang tính đột phá, sẵn sàng chấp nhận một tư duy mới của các bên thì việc giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên sẽ vẫn trở nên nan giải. Những dấu hiệu đen tối luôn đi kèm những đốm sáng vừa lóe lên.

Ngọn lửa có thể sẽ tắt dần theo ngọn lửa trên đài đuốc Olympic ở sân vận động thành phố Pyeongchang khi Mỹ tiếp tục chiến lược gây sức ép tối đa với những biện pháp trừng phạt mới mạnh nhất từ trước tới nay mà Mỹ áp đặt đối với Bình Nhưỡng tiếp tục có nguy cơ phản tác dụng. Căng thẳng và đối đầu Mỹ-Triều rõ ràng chưa thể hóa giải.

Hoa Huyền
.
.