Đấu giá huy chương vàng Nobel

Thứ Ba, 12/03/2013, 10:40

Theo kế hoạch kinh doanh của nhà bán đấu giá nổi tiếng Heritage Auction Galleries, với trụ sở đặt tại thành phố Dallas (tiểu bang Texas, Mỹ), thì trong tháng 3 và 4 tới đây sẽ diễn ra các phiên đấu giá những hiện vật từng thuộc sở hữu của nhà sinh học phân tử lừng danh người Anh Francis Crick (1916-2004), trong đó có tấm huy chương của giải Nobel Sinh lý học và Y khoa. Đây là lần đầu tiên kể từ hơn 7 thập niên qua, một phần thưởng tầm cỡ hàng đầu thế giới là giải Nobel được đem bán đấu giá.

Cùng với 2 đồng nghiệp cự phách là James Dewey Watson người Mỹ và Maurice Wilkins (1916-2004) người New Zealand, Tiến sĩ F. Crick đã được đồng trao tặng giải Nobel Y Sinh năm 1962 về kỳ tích khám phá ra cấu trúc chuỗi phân tử di truyền (ADN), khởi sự cho việc thiết lập các bộ gien di truyền mã hóa của nhiều loài vật thể sống trong đó có con người.

Theo đề xuất của giới chuyên viên thẩm định thuộc Heritage Auction Galleries, nơi chuyên đấu giá các kỷ vật liên quan đến những người nổi tiếng, thì chiếc huy chương Nobel bằng vàng nguyên chất 23K của F. Crick sẽ có giá khởi điểm là 250.000 USD. Ngoài ra là bộ sưu tập sách quý, nhiều đồ dùng cá nhân của nhà khoa học lỗi lạc lúc sinh thời, kể cả chiếc áo choàng ông mặc trong phòng thí nghiệm ở thời điểm phát hiện ra ADN cũng được đem đấu giá lần này.

Thể theo di nguyện của F. Crick lúc tạ thế, rằng sau khi ông mất chừng một thập niên thân quyến có thể đem bán đấu giá huy chương Nobel cho mục đích khoa học. Rồi gia đình của nhà bác học kỳ cựu quyết định bán kỷ vật nổi tiếng bổ sung thêm kinh phí cho Viện Nghiên cứu sinh học phân tử mang tên ông, được khởi công từ tháng 7/2011 trên khoảng diện tích rộng 79.000m2 tại quận Camden ngay trung tâm thủ đô London của Vương quốc Anh. Với tổng kinh phí 600 triệu bảng Anh từ Chính phủ Hoàng gia kết hợp với nhiều tổ chức khác nhau trên khắp thế giới tự nguyện quyên góp, Viện Francis Crick theo dự kiến sẽ được khánh thành vào năm 2015, với tổng số nhân viên là 1.500 người trong đó có 1.250 nhà khoa học cùng khoản ngân sách thường niên là 100 triệu bảng.

Trong tương lai gần, Viện Francis Crick sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển y sinh học lớn nhất châu Âu, quy tụ các nhà y học, thần kinh học và sinh học phân tử hàng đầu nước Anh,  cũng như giới cộng sự viên khoa học ngoại quốc tên tuổi nhất.

Tiến sĩ F. Crick - "cha đẻ" của chuỗi phân tử ADN.

Bà Kindra Crick, cháu nội của cố Tiến sĩ F. Crick, cũng là người đại diện cho các hậu duệ của nhà bác học tài năng thổ lộ, rằng lúc sinh thời ông nội của bà sống rất khiêm tốn. Trong căn phòng làm việc giản dị của người đã khám phá ra cấu trúc ADN, mở đường cho cuộc cách mạng khoa học biến đổi nhận thức của nhân loại về sự sống muôn loài, không trưng bày các phần thưởng đầy trọng vọng như mọi người vẫn tưởng, mà chỉ treo một tấm bảng đen lớn cùng chân dung của nhà khoa học đồng hương kiêm "cha đẻ của Thuyết Tiến hóa" Charles Darwin (1809-1882).

Đồng thời K. Crick cũng bày tỏ niềm hy vọng của gia đình, là tấm huy chương Nobel sẽ được một cơ sở bảo tàng hay viện nghiên cứu nào đó mua lại để có cơ hội trưng bày công khai, góp phần khích lệ các ý tưởng sáng tạo đối với thế hệ nhà khoa học kế tiếp

Q.Phú (theo Bloomberg News)
.
.