Đâu phải cứ sư tử mới là oai

Thứ Tư, 08/10/2014, 09:55

Số phận con sư tử đá ngoại lai tại các chùa, cơ sở tự viện, có thể coi như đã được giải quyết xong. Suy cho cùng, những con sư tử bằng đá vô tri vô giác ấy chẳng có tội. Người làm ra nó, những người thợ đá, cũng chẳng có lỗi gì. Kể cả, những người bởi lòng thành kính vô điều kiện của mình mà gián tiếp chấp nhận những “linh vật” ấy, để mà lần sờ cho thín bóng, cũng đâu có thể trút lên đầu được? Thôi thì thế cũng là may…

Rằng vô hình nhưng thật hữu hình

Khi câu chuyện về những con sư tử đá kiểu Âu, kiểu Trung Quốc trở thành chủ đề nóng, tôi chợt nhớ tới hai hàng thú linh trước sân chùa Phật Tích.

Nói về hàng thú linh này, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), trụ trì chùa Phật Tích cho biết, chùa hiện bảo tồn 2 hàng linh thú được tạc bằng đá nguyên khối, mỗi hàng có 5 linh thú: sư tử, ngựa, voi, trâu, tê giác. Hai hàng linh thú này được bài trí đối xứng đứng ở trước cửa ngôi Tam Bảo. Được các nhà nghiên cứu cho rằng các tượng linh thú này có từ thời Lý.

Và lịch sử ghi rằng tháp Phật Tích được Vua Lý Thánh Tông xây dựng vào năm 1057. Như vậy là hàng linh thú này được bài trí trước ngôi tháp Phật trong hệ thống kiến trúc chùa tháp thời Lý. Về mặt nghệ thuật điêu khắc của các tượng linh thú này thì được các nhà nghiên cứu cho là mang phong cách nghệ thuật thời Lý.

Thực tình nếu ai lần đầu nhìn thấy những pho tượng này sẽ không khỏi thấy lạ mắt. Bởi lẽ có thể nói, 10 pho tượng linh thú tại chùa Phật Tích là duy nhất, không đâu có. Không đâu có có thể là từ sự ưu ái đặc biệt từ xa xưa đã dành cho. Không đâu có, cũng có thể là do xưa nay không ai có ý định nhân bản những hình mẫu đó lên… Cùng thời gian, qua bom đạn, hai hàng linh thú vẫn sừng sững như minh chứng cho sự trường tồn của văn hóa dân tộc, với bản sắc riêng biệt vốn có không thể hòa lẫn.

Giải thích thêm về điều này, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho rằng trong kiến trúc Phật giáo không quy định nhất thiết là các ngôi chùa, cổng chùa đều phải bài trí sư tử đá và các linh vật. Tuy nhiên, là có một số di tích có bài trí tùy theo tầng địa hình cũng như không gian kiến trúc ở từng ngôi chùa và nơi thờ tự khác nhau. Hiện nay ở một số di tích chúng ta còn bảo tồn được các hình tượng của các linh thú và được coi là  hình mẫu truyền thống của cha ông chẳng hạn như tượng sư tử thời Lý, hay tượng thời kỳ nhà Trần, thời kỳ Hậu Lê… đặc biệt là thế kỷ XVII một số tượng còn nguyên hình mẫu. Vậy nên nếu thực sự có nhu cầu bài trí thì nên theo đó tạo tác để gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc.

Nói như vậy, không có nghĩa là chúng ta chủ trương bài ngoại, mà chúng ta nhấn mạnh đến việc gìn giữ bản sắc văn hóa trong các di tích và bàn đến việc tiếp thu có chọn lọc vốn đã xảy ra trong quá trình tiếp biến văn hóa giữa văn hóa Việt Nam và các văn hóa khác trong tiến trình lịch sử của nhân loại.

Bứng ra khỏi chùa

Mới đây, Hội đồng Trị sự GHPGVN đã có Công văn số: 197/CV-HĐTS ngày 3/9/2014 gửi Ban Văn hóa TƯ GHPGVN, Ban trị sự GHPGVN các tỉnh, thành yêu cầu trụ trì các chùa, cơ sở tự viện (đặc biệt là các di tích lịch sử, văn hóa đã xếp hạng) chủ động tổ chức di dời và không bài trí các tượng sư tử đá và các linh vật khác không phù hợp với mỹ thuật truyền thống Việt Nam ra khỏi cơ sở thờ tự, tự viện, phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh để có nơi di chuyển đến và xử lý. Đây là sự đồng thuận của Giáo hội với nội dung công văn 2662 của Bộ VHTT&DL, đồng thời cũng là thể hiện tinh thần của Giáo hội trong việc gìn giữ truyền thống văn hóa bản sắc Việt Nam.

Nói một cách công bằng, việc lạm dụng sư tử đá, đá phong thủy tại các chùa chiền, cơ sở thờ tự không phải bây giờ mới được nói đến mà chỉ đến bây giờ mới trở nên riết róng đến thế này. Chỉ mới cách đây ít lâu, câu chuyện "hòn đá kỳ lạ" ở Đền Hùng đã tốn không ít giấy mực của các nhà chuyên môn và giới truyền thông. Sự việc xảy ra công khai, nhiều người biết và thậm chí, nói không quá rằng chúng phải được chính các vị trụ trì cho phép mới được đưa vào chùa như thế. Và nó đã để lại hậu quả nhất định. Vậy tại sao mãi đến tận bây giờ mới có phản ứng chính thức?

Giải thích về điều này, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho rằng không thể nói hiện tượng sư tử đá không phù hợp với truyền thống mỹ thuật Việt Nam xuất hiện ở các di tích lịch sử văn hóa hoàn toàn là lỗi của trụ trì di tích. Mà để hiện tượng này xảy ra thể hiện sự hạn chế của nhiều chủ thể: trong đó có phần trách nhiệm của người trụ trì di tích, và phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý về văn hóa. Trách nhiệm của toàn xã hội về ý thức văn hóa dân tộc và vai trò, giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế.

Ở đây chúng ta nhấn mạnh đến cụm từ: “không phù hợp với truyền thống mỹ thuật Việt Nam” chứ không chỉ là câu chuyện về sự hiện diện của các linh vật. Thực chất là chúng ta đang bàn đến ý thức chủ quyền quốc gia trên lĩnh vực văn hóa, tránh một sự “đồng hóa”, một sự “nô dịch” văn hóa mà vô hình trung chính chúng ta là người gây ra, làm sai lệch văn hóa của cha ông ta.

Tượng nghê đá, thế kỷ XVIII, lăng Dinh Hương, Nam Định (ảnh trái); tượng nghê gốm thế kỷ XVII (ảnh giữa) và tượng nghê đá, thế kỷ XVII, đền Hoa Lư, Ninh Bình.

"Ở đây không có cái gì gọi là sự chậm trễ của Giáo hội cả. Giáo hội ra văn bản như đã nói ở trên là sự đồng thuận của Giáo hội với nội dung Công văn 2662 của Bộ VHTT&DL. Hơn nữa, hiện tượng sư tử đá không phù hợp với truyền thống mỹ thuật Việt Nam xuất hiện đâu chỉ có ở các chùa di tích mà nhiều nhất là các hệ thống đền thờ (không thuộc quản lý của Giáo hội), các công sở của các cơ quan nhà nước, các trụ sở các doanh nghiệp, nhà máy…" - Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.

Cũng bàn về "nạn" sư tử đá ngoại lai, PGS. TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học từng cho rằng sư tử đá đến và tràn ngập như thời gian qua là bởi 3 yếu tố. Một là nguồn đi ra nước ngoài du lịch, rồi mua đồ kỷ niệm, nghe thuyết trình viên tuyên truyền ghê gớm về phát tài, phát lộc, bảo vệ, trấn giữ và cái luồng đó cứ thế lan truyền, dân ta đem về sử dụng một cách vô thức.

Trong phân tích của mình, PGS. TS Tống Trung Tín cho biết chưa từng đọc sách nào nói rằng đặt sư tử đá trước nhà là đem lại tài lộc, thịnh vượng, may mắn. Nếu như vậy có mấy tỉ người thì mua mấy tỉ con sư tử là giàu có cả thế giới, xóa sạch đói nghèo rồi chăng?

Thứ hai, theo ông Tín, là do quản lý các cấp chưa có sự nhanh nhạy trước các hiện tượng lạ làm băng hoại phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của ta. Hiện tượng này ngấm ngầm đã lâu nhưng rất ít cơ quan hay nhà khoa học lên tiếng kịp thời. Rồi tiếp theo khi phát hiện, khoa học báo động thì nhà quản lý cũng chưa khẩn trương ngay lập tức rung chuông vào cuộc quyết liệt, kịp thời ngăn chặn việc tự phát tự động cho sư tử đá ngoại lai "xâm lăng" vào không gian văn hóa của ta với tộc độ chóng mặt.

Thứ nữa là ngay cả các nhà khoa học cũng chưa nhất quán cao trong việc phát hiện và lên tiếng mạnh mẽ để kiến nghị với các cấp quản lý. Cũng chưa dày công nghiên cứu để đưa các mẫu mã sư tử của ta cùng những linh vật đẹp, phù hợp với điều kiện xã hội và truyền thống văn hiến Việt để tuyên truyền, vận động cho các nhu cầu cần thiết trong xã hội?

Phù hợp

Tiếp theo những phân tích đó, PGS. TS. Tống Trung Tín cho rằng sư tử là linh vật của toàn nhân loại, nhưng mỗi nước có một truyền thống riêng, phong cách riêng, phù hợp với điều kiện lịch sử và xã hội của mỗi một nước. Ở nước ta, sư tử bắt đầu xuất hiện trong các di tích từ thời Lý trở đi và tồn tại cho đến tận ngày nay, qua suốt thời Trần, thời Lê Sơ, Lê Trung Hưng rồi thời Nguyễn.

Hàng thú linh trước sân chùa Phật Tích (cũ).

Việt Nam ta có truyền thống văn hiến riêng, nên sư tử của ta cũng có cách biểu hiện riêng. Nói về biểu trưng, hình tượng sư tử Việt Nam luôn luôn biểu trưng cho sức mạnh của thần quyền kết hợp với vương quyền, mặc dù mỗi thời kỳ các ý nghĩa biểu trưng có thể có sự thay đổi nhất định về mặt này hay mặt kia. Ngoài ra, về đại thể ý nghĩa biểu trưng của sư tử Việt Nam đề cao tính hướng thiện, hướng tới những điều tốt đẹp.

Về mặt nghệ thuật, sư tử mỗi thời đều mang đặc điểm riêng của thời đại. Thời Lý sư tử đá có dáng hình to khỏe được trau chuốt nuột nà, các chi tiết trang sức hết sức công phu và tinh mỹ. Sư tử thời Lý chủ yếu là đội tòa sen nâng bệ tượng Phật, đặt ở giữa Phật điện biểu trưng cho sức mạnh của Phật pháp. Thời Trần sư tử cũng có dáng hình tương tự nhưng bớt trau chuốt và bớt tỉa tót hơn. Cuối thời Trần, sư tử thường chạm trang trí trên bệ tượng Phật với nhiều tư thế vờn cầu vô cùng vui nhộn. Sang thời Lê Sơ, thì sư tử xuất hiện tràn ngập trên các trang trí đồ gốm sứ với muôn hình vạn trạng.

Những con sư tử thời Lê Sơ tiếp nối thời Trần, nhưng dáng hình sinh động hơn, đa dạng hơn, cầu kỳ hơn và luôn thể hiện sức mạnh vẻ đẹp trong vô số các động tác chạy nhảy. Vào các thời muộn hơn, như thời Lê Trung Hưng hay thời Nguyễn, hình tượng sư tử đôi khi ở một số vị trí cũng có các động tác chạy nhảy nối tiếp thời Lê Sơ nhưng cơ bản là đi vào động thái trang nghiêm chứ không còn muôn hình vạn trạng như trước…

Từ xưa đến nay, việc đưa các linh vật vào khuôn viên thờ tự, ngoài việc thể hiện sự đề cao, khao khát, ước vọng thì mỗi một loại linh vật đều có vị trí và có thể nói là nhiệm vụ riêng của nó. Bàn về điều này, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho rằng trong các nơi thờ tự tâm linh, người Việt Nam chúng ta thường dùng các hình tượng: long, ly, quy, phượng được chạm khắc trong kiến trúc đình, chùa. Ngoài ra còn có các hình tượng: nghê, sấu…trong các kiến trúc các di tích đình chùa mà chúng ta vẫn thấy. Hình tượng chó đá được sử dụng nhiều cả ở nơi thờ tự và cả nơi sinh hoạt nhà ở…

Nhìn chung việc thờ tự linh vật đều chứa đựng ý nghĩa triết lý do con người gửi gắm mà chúng ta thấy trong hình nhi thượng học. Với người Việt thì các linh vật vừa mang ý nghĩa tâm linh linh thiêng, nửa thực, nửa ảo và gần gũi với đời sống con người.

Vấn đề còn lại là làm thế nào cho đúng?

Một cách khá kịp thời, mới đây, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thuộc Bộ VHTT&DL đã có Công văn số 352/MTNATL về việc giới thiệu các mẫu linh vật của Việt Nam tới Sở VHTT&DL các tỉnh, thành phố, Thanh tra văn hóa như là một cách để thống nhất quan điểm về biểu tượng linh vật thuần Việt. Kèm theo công văn là tập tư liệu hình ảnh một số mẫu tượng linh vật hiện được sử dụng tại các di tích hoặc đang được lưu giữ tại bảo tàng. Theo đó, khẳng định con sấu, sư tử đá, con nghê là linh vật phổ biến trong văn hóa truyền thống Việt Nam

Việt Ba
.
.