Đâu rồi sự trong sáng của Tiếng Việt?

Thứ Hai, 31/12/2007, 10:30
Sinh thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng thường kêu gọi chúng ta cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đáng tiếc, có nhiều hiện tượng cho thấy chúng ta còn chưa thực hiện được thật tốt lời kêu gọi đó. Qua theo dõi báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng tôi xin nêu ra một vài ví dụ  sau:

Về dùng từ: Gần đây nhiều người rất thích dùng từ “hy hữu”, một từ Hán - Việt không phổ biến và xa lạ với quảng đại quần chúng. Tại sao không nói “hiếm có, hiếm thấy” có phải ai cũng hiểu được không!

Từ “tồn tại” không có nghĩa là “khuyết điểm, nhược điểm, thiếu sót hay điểm yếu” mà nghĩa chính của từ này là “hiện hữu, có thật, còn lại chưa biến mất”. Vậy mà nhiều người cứ nói “khắc phục những tồn tại” là sao: “Chúng ta tuy đạt được nhiều thành tích, nhưng cũng còn nhiều tồn tại”???

Các từ như “tối đa, tối thiểu, tối ưu, tối tân...” bản thân nó đã hàm nghĩa “nhất” rồi. Thế mà nhiều người cứ thêm vào chữ “nhất” cho ý mình thật “nặng ký” như: Tối ưu nhất, tối tân nhất, v.v...

Hiện nay mới xuất hiện các từ “bức xúc và bất cập” được dùng tràn lan. Không hiểu trước khi dùng các từ này thì thay vào đó ta đã phải dùng từ nào?

Nên biết dùng tràn lan hai từ này vào bất cứ ngữ cảnh nào cũng là làm nghèo đi kho từ hội tiếng Việt vốn rất phong phú và đa dạng. Trong trường hợp nghĩa “bức xúc” tùy ngữ cảnh ta có các từ: bức thiết, cấp thiết, bức bách, cấp bách, v.v... Nhiều người dùng từ này vào ngữ cảnh không thích hợp với nghĩa là “bực bội, bực dọc, bực tức”...

"Bất cập" thường được đi với thái quá: “Lúc thái quá, khi bất cập”, “lợi bất cập hại”. Bất cập mang nghĩa chính là không đủ mức cần thiết.

Trên báo chí nhất là báo chí ngành An ninh từ đối tượng được dùng tràn lan. Ví như: “Trong đợt cao điểm phòng chống ma túy bắt 106 vụ 152 đối tượng”. Nên chăng: “Có hay trong 106 vụ bắt được 152 tên tội phạm hoặc kẻ tình nghi” hay “dũng cảm truy đuổi đối tượng (tên) cướp giật”, “Bắt giữ nhiều đối tượng (tên, người, thanh niên, v.v...) đua xe trái phép” và có thể nêu ra vô vàn dẫn chứng về việc dùng không chính xác từ “đối tượng” này. Hội chứng “đối tượng”: “Không thể tin được là giữa Hà Nội mà vẫn có những đối tượng (?) ngược đãi trẻ vậy” (1 đại biểu QH, Internet 9/11/2007).

Theo tôi tùy ngữ cảnh mà ta có thể thay “đối tượng” bằng các từ thích hợp như: tên, kẻ, người, tên tội phạm, kẻ phạm pháp, v.v...

Ngoài ra còn những từ được dùng một cách tùy tiện như: “Bắt giữ 5 trường hợp...”, “tuyển dụng 200 vị trí...”, “Đối thoại trực tiếp với các trường hợp vi phạm đất đai...” (chuyện ở Đồ Sơn). Các từ “trường hợp, vị trí” là những danh từ trừu tượng làm sao có thể bắt giữ, tuyển dụng hoặc đối thoại được!

Về chính tả: Trong sách, báo có nhan nhản những lỗi sai chính tả. Từ nhà văn, nhà báo đến các tầng lớp dân cư khác đều mắc phải. Ta biết rằng lỗi nói sai là do thói quen từ bé, nhưng viết phải theo luật chính tả mà ai cũng đã được trang bị cẩn thận ở các trường phổ thông, không được lẫn lộn “tr và ch, s và x”, lỗi chính tả phổ biến nhất là “s và x”.

Nhiều người viết “san xẻ” thay vì “san sẻ”, “mặt sưng, mày xỉa (sỉa)”. Sai ngay ở đầu đề “Xa (sa) mạc tuổi thơ”, sai trong các câu thơ (không biết do lỗi của tác giả hay của nhà in):

Chè hái xuống ủ xanh nhiều trắc ẩn

Chót (trót) hứa hôn với mây trắng

xa nhà”

Hay

Còn xót (sót) lại trên bàn bông

hoa trắng

Bốn cánh tàn, ba cánh sắp sửa rơi...”

Sách giáo khoa là nơi không có chỗ cho lỗi sai chính tả, thì ở đó rải rác ta vẫn bắt gặp nó.

Ở đây chưa kể đến vô số từ sai chính tả trên các biển quảng cáo ở các cửa hàng, cửa hiệu. Những điều trông thấy tuy không "đau đớn lòng", nhưng không vui!

Về cách đọc chữ cái: Các chữ cái có 2 mặt là âm chữ và tên chữ. Âm chữ dùng để ghép vần EM -> E mờ Em, BA -> Bờ A Ba, v.v... còn tên chữ dùng nêu tên các chữ cái: A, B (bê), C (xê), v.v... tên các chữ cái của cụm từ viết tắt như: GDP (Giê Đê Pê), ADN (A ĐÊ EN), ACB (A XÊ BÊ), v.v... nhiều người dùng tùy tiện, tùy hứng, lúc dùng tên chữ, lúc dùng âm chữ hoặc dùng lẫn lộn cả hai. Những nơi cần gương mẫu thể hiện luật này như trường học, phát thanh và truyền hình cũng dùng tùy tiện

Giảng viên trên TV nói NM là “Lờ mờ”, ở trường học gọi tên các lớp M, L... G là “Mờ, Lờ, Gờ” v.v... các phát thanh viên nói G7 là "Gờ 7", có lúc nói "Giê 7".

MC và những người chơi trò “Chiếc nón kỳ diệu” lúng túng không biết gọi các chữ cái H là “Hát” hay “Hờ”, G là “Giê” hay “Gờ”.v.v...

Vài dòng thành thực nôm na

Nêu lên thiện ý để mà sửa sai

Lê Thiện Sỡi
.
.