Đầu xuân nghĩ về văn hóa

Thứ Sáu, 04/02/2011, 15:30
Những ngày đầu Xuân người ta hay nghĩ về văn hóa.
Năm vừa qua là năm có rất nhiều Ngày kỷ niệm quan trọng vào năm chẵn trong đó có các Ngày kỷ niệm thành lập Đảng, thành lập nước Việt Nam mới, kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngày kết thúc thắng lợi 35 năm kháng chiến giữ vững nền độc lập và thống nhất nước nhà…

Trong cuộc chiến đấu toàn dân, toàn diện giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước chắc chắn phải đề cập nhiều mặt đặc biệt là chiến lược, chiến thuật, những chiến công nhưng trong dịp này, trước thềm Đại hội lần thứ XI của Đảng nhiều người muốn nói tới sức mạnh văn hóa tư tưởng Hồ Chí Minh trong cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ đó để hiểu thêm về những ngày chúng ta đang sống.

Văn hóa Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa là một đề tài lớn trong công trình nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh. Nghiên cứu về "sức mạnh văn hóa trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc" là một bộ phận trong công trình nghiên cứu đó nhưng là bộ phận rất quan trọng.

Khi nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh nhiều tác giả thường đề cập "Mục đọc sách" ở phần cuối tập "Nhật ký trong tù" viết theo thể văn xuôi để giới thiệu ý kiến của Người về khái niệm và những nội dung cơ bản của văn hóa. "Nhật ký trong tù" là tập thơ gồm những bài thơ của Hồ Chí Minh viết trong nhà lao khi bị bọn phản động Quốc dân đảng Trung Hoa giam giữ từ tháng 8/1942 tới tháng 9/1943 gồm những bài thơ thể hiện ý chí chiến đấu, tinh thần lạc quan của người chiến sĩ cách mạng, trong lao tù vẫn nghĩ tới ngày tự do, vẫn nghĩ tới ngày cách mạng thắng lợi "sao vàng năm cánh mộng hồn quanh".

Bối cảnh ra đời "Mục đọc sách" này, cho tới nay theo tôi vẫn chưa thấy tác giả nào đưa ra lời giải thỏa đáng. Phải chăng, khi nghĩ tới ngày được tự do, khi cách mạng thắng lợi, Người đã nghĩ đến sức mạnh của văn hóa mà sau này Người đã nói tới tầm lớn lao "Văn hóa soi đường quốc dân đi"?

Trong đoạn văn cuối tập thơ, Hồ Chủ tịch đề cập khái niệm và những nội dung của văn hóa theo nghĩa rộng nhất, nghĩa là toàn bộ các giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra. Trong 5 nội dung của văn hóa mà Người đề cập có hai nội dung đầu tiên về xây dựng văn hóa tinh thần. Đó là "Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập, tự cường" và "Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình làm lợi cho quần chúng".

Hai nội dung quan trọng đầu tiên này, tuy còn ở dạng sơ khai nhưng theo tôi nghĩ là những nội dung cốt lõi nhất về tinh thần độc lập, ý chí tự cường, ý thức hy sinh vì cộng đồng, vì nhân dân, vì đất nước mà sau đây đã được Người phát triển trong những hoàn cảnh cụ thể của cuộc chiến đấu và xây dựng.

Vẽ chữ ngày tết ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Trang Dũng.

Sau khi khởi nghĩa Tháng Tám thành công, giành được chính quyền về tay nhân dân, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/1946 chỉ cách ngày Toàn quốc kháng chiến khoảng một tháng trong không khí rất căng thẳng của các cuộc khiêu khích của quân đội xâm lược Pháp, đứng trước tình thế khó tránh khỏi cuộc kháng chiến kéo dài, Người đã nói rõ hơn về văn hóa tinh thần cần xây dựng khi phân tích "văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do", "đồng thời văn hóa phải làm cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình". Rồi khi không thể giữ được hòa bình theo mong muốn của nhân dân và của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hô hào toàn dân tỏ rõ quyết tâm "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ" trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến 19/12/1946.

Trong quan niệm của Người, độc lập dân tộc phải gắn liền với thống nhất đất nước, kiên quyết chống lại âm mưu, thủ đoạn chia rẽ, chia cắt của kẻ thù, khi Người nói: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn xong chân lý đó không bao giờ thay đổi", quyết tâm sắt đá đó của Người thể hiện ý chí của toàn dân.

Ý chí độc lập, thống nhất lại được gắn với triết lý "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết" của Người. Khi triển vọng thống nhất đất nước bằng phương pháp hòa bình bị phá hoại, không có khả năng thực hiện theo mong muốn của Người và Hiệp định Genève 1954 đồng thời kẻ thù lộ rõ ý đồ đe dọa tiến công miền Bắc, Người triệu tập và chủ trì Hội nghị chính trị đặc biệt ngày 29/3/1964 bao gồm 525 đại biểu đại diện các đảng phái, đoàn thể, dân tộc, tôn giáo và 500 đại biểu đại diện các tầng lớp nam, phụ, lão, ấu cùng tham dự như một Hội nghị Diên Hồng thời kỳ mới, nêu khẩu hiệu nổi tiếng "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt", tỏ rõ quyết tâm bảo vệ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ra sức chi viện cho cuộc chiến đấu của đồng bào, chiến sĩ miền Nam, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cuộc chiến đấu của đồng bào và chiến sĩ miền Nam rất ác liệt đồng thời đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Ngày 15/7/1966, Mỹ bắt đầu cuộc leo thang chiến tranh mới rất ác liệt, ném bom bắn phá Hải Phòng, Hà Nội, thì ngày 17/7/1966 trên Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi của Người, nêu rõ "Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Không có gì quý hơn độc lập, tự do là biểu thị tập trung nhất ý chí mà Người truyền cho toàn dân tộc theo tinh thần "độc lập, tự chủ" từ năm 1943 mà Người viết ở cuối tập thơ "Nhật ký trong tù", gắn độc lập với thống nhất, trở thành lý tưởng sống và chiến đấu của người Việt Nam.

Tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập tự do" đã hình thành trong thực tiễn các phong trào quần chúng rộng lớn với rất nhiều sự sáng tạo phong phú:

Ở tiền tuyến lớn miền Nam là ý chí "Một tấc không đi, một ly không rời", quyết tâm "Bám thắt lưng địch mà đánh", phong trào "Ba xung phong" của tuổi trẻ, phong trào Đồng Khởi diệt ác phá kìm, phong trào thi đua Ấp Bắc giành danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ", là phong trào "Nối vòng tay lớn", "Hát cho đồng bào tôi nghe" ở các đô thị…

Ở hậu phương lớn miền Bắc là các phong trào "Ba sẵn sàng" của thanh niên, “Ba đảm đang” của phụ nữ, các phong trào thi đua "Ba nhất" trong quân đội, Đại Phong, Duyên Hải, thành công trong hoạt động kinh tế, các phong trào "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "Chiếc gậy Trường Sơn lên đường đánh Mỹ", "Xe không qua nhà không tiếc" trong việc bảo đảm giao thông quyết tâm chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Đọc nhật ký của các liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Thi… mới thấy tư tưởng "Không có gì quý hơn độc lập tự do" đã tác động mạnh mẽ tới các hành vi anh hùng của họ và Việt Nam trở thành đất nước "Ra ngõ gặp anh hùng".

Chợ hoa xuân Hà Nội.

Trong lịch sử của mình, dân tộc ta đã trải qua hơn mười cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, cuộc nào thì khi khởi đầu tương quan lực lượng vũ trang cũng kém xa kẻ thù nhưng nhờ ý chí, tài thao lược của các vị minh quân, các nhà lãnh đạo, các vị tướng tài, đặc biệt là sức mạnh tinh thần của toàn dân đã biến yếu thành mạnh và cuối cùng đã chiến thắng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát huy mạnh mẽ truyền thống văn hóa tốt đẹp đó hình thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, một nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, ý chí "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" và phương châm chiến lược "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công" là nét văn hóa đặc sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển truyền thống văn hóa dân tộc, đã phát huy ý chí, sức mạnh của từng cá nhân, của mỗi cộng đồng và của toàn dân tộc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, theo tôi nghĩ đã vượt qua biên giới nước ta trở thành triết lý thời đại.

Trong hồi ký "Nhìn lại quá khứ - từ thảm kịch và những bài học về Việt Nam" xuất bản năm 1995 của McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới đời các Tổng thống John Kennedy, Lyndon Johnson, kiến trúc sư của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã rút ra 11 nguyên nhân dẫn đến thất bại trong đó có nguyên nhân thứ 2 là: "Chúng ta đã nhìn thấy ở họ nỗi khát khao và quyết tâm chiến đấu giành tự do và dân chủ"; và nguyên nhân thứ 3 là: "Chúng ta đánh giá quá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc (trong trường hợp này là Bắc Việt và Việt cộng) đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó".

Sự thừa nhận của McNamara về hai nguyên nhân hàng đầu trong một loạt các nguyên nhân dẫn đến thất bại thảm hại của họ với đội quân hùng mạnh được trang bị vũ khí tối tân trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam chính là những nguyên nhân về văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh từ ý chí "Độc lập, tự cường" năm 1943 cho đến "Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước" năm 1946 và "Không có gì quý hơn độc lập tự do" năm 1966, phát huy truyền thống của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã góp phần rất quan trọng trong cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhắc lại những chuyện đã qua trong mùa Xuân này cũng là để nhớ tới sức mạnh văn hóa - tinh thần dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và kinh tế tri thức theo định hướng xã hội chủ nghĩa vì Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh

H.T.
.
.