Đầu xuân về thăm "làng vua" ở Gia Lai.

Thứ Sáu, 07/03/2008, 14:15
Trong căn nhà sàn của Già làng Rơ mah Ên, lũ con cháu trong làng tụ tập về đây liên hoan. Lửa củi cháy bập bùng, những nam nữ thanh niên quây quần bên ghè rượu cần rồi gõ chiêng nhảy múa... Chúng tôi thực hiện chuyến du xuân đầu tiên về thăm một làng quê độc nhất vô nhị này ở Gia Lai... và lần đầu tiên được nghe câu chuyện về làng Plei Ơi "làng vua" (thuộc xã Ia Ke, huyện Phú Thiện)...

"Làng vua" - Chiếc nôi của nền văn hóa cộng đồng

...Vào một ngày xuân đã lâu lắm rồi, theo bao con trăng lẩn trốn, bao lần mặt trời mọc rồi lặn... Bỗng một hôm nắng đẹp, đánh thức những nhánh lan rừng chớm nở thơm ngát. Ở dưới chân núi Ba Hòn, người dân xung quanh nhìn thấy mọc lên 5 nóc nhà: Một là nhà "vua Lửa", hai là nhà phụ tá vua và nhà của họ hàng nhà "vua ("vua Lửa" có tên thật là Pơ Tao Pui Sui Lăk, người Jơ Rai.

Vào đầu năm Minh Mạng thứ 10 (1824) "vua Lửa" còn được triều đình nhà Nguyễn ban cho tên là Ma Lâm). Không biết họ đến từ đâu. Chỉ biết rằng khi dừng chân ở đây, thấy thổ nhưỡng, địa hình trù phú rất thích hợp cho việc trồng cây lương thực nuôi sống con người, thế là chẳng ai bảo ai, họ tự dựng nhà và chung sức làm ăn sinh sống.

Gọi là "vua" nhưng cuộc sống của "vua" cũng như bao bà con sống quanh vùng, cũng "phát, đốt, chọc, tỉa", sống du canh, du cư, chỉ có vai trò của "vua" là quan trọng nhất, giống như già làng ở các địa phương Tây Nguyên bây giờ.

Khi "vua" đến vùng đất này, dân làng làm ăn khá giả và trở nên trù phú, người dân quanh vùng gặp chuyện khó khăn do mất mùa đói kém hoặc bất đồng trong cuộc sống gia đình, làng bản đều đến đây nhờ “vua” cho tá túc và dần dần họ cùng nhau lập thành làng. Rồi cái tên Plei Ơi xuất hiện từ đó. "Plei" tiếng Kinh có nghĩa là làng, còn "Ơi" là vua (làng vua).

Tiếng lành đồn xa, đồng bào Jrai - Ba Nar ở Krông Pa, Phú Yên, Kon Tum, Đắk Lắk... mỗi khi gặp chuyện không may thì cả làng kéo nhau đến tận Plei Ơi nhờ "vua" cúng Yang để cho cuộc sống gặp chuyện tốt lành. Cũng từ đây, phong trào văn hóa cộng đồng xuất hiện và phát triển, nhà nào ăn nên làm ra cũng đều tích góp mua sắm thật nhiều chiêng ghè, có những bộ chiêng trước đây có nhà phải đổi đến vài chục con trâu, bò, thậm chí cả 5-7 con voi.

Hiện nay, trong làng còn có gia đình "vua Lửa", gia đình Rơ Mah Ên, Kso Hvim... mỗi gia đình có tới ba bộ chiêng quý: Chiêng để đánh ngoài cộng đồng, chiêng đánh trong gia đình, chiêng đánh trong mùa lễ hội...

Đến nay, Plei Ơi là làng duy nhất ở Tây Nguyên còn nhiều chiêng, ghè cổ. Vì chính giá trị văn hóa tinh thần sâu sắc như thế, nên đã có một làng Plei Ơi mang bao điều bí ẩn từ thuở lập làng và cho tới tận bây giờ vẻ nguyên sơ của làng chưa bị pha trộn văn hóa “hiện đại”. Chính điều đó đã có một Plei Ơi mang đậm giá trị văn hóa truyền thống và là khu di tích Plei Ơi bây giờ. Nhưng cuộc sống "du canh, du cư của người dân Plei Ơi ngày càng khó khăn, do rừng núi hoang tàn, đất đai bạc màu, dân cư đông đúc, Nhà nước đã tính đến việc dời dân, xây dựng cuộc sống mới.

Làng Plei Ơi - Ngôi nhà đại đoàn kết

...Plei Ơi là làng tập hợp nhiều cộng đồng dân tộc sinh sống, hiện có 97 hộ, 574 khẩu, 65% người Jrai, còn lại là người Thái, Ba Nar, Xê Đăng và Kinh. Bước ra từ rừng núi hoang vu, nên ngày đầu đời sống nhân dân còn có nhiều khó khăn, vất vả. Nhưng được sự quan tâm chỉ đạo và của cấp ủy, chính quyền địa phương..., Plei Ơi hôm nay khác trước nhiều lắm mà trước hết là nhận thức về xã hội, làm ăn kinh tế... Bởi vậy, khi nghe vận động, dân làng đã đồng loạt nhất trí rời làng ra gần đường lập nghiệp, để thuận lợi cho việc sản xuất, giao lưu hàng hóa...

Không giấu được niềm vui, Sui Ghem, trưởng thôn nói như khoe với chúng tôi: "Mình đã làm nhiều, nói nhiều để dân Plei Ơi hiểu rằng ở đời này chỉ có Bác Hồ, chỉ có Đảng lãnh đạo thì dân mình mới luôn có nồi cơm đầy, hạt thóc, hạt ngô đầy nương, con cái được đi học, được làm cán bộ của Đảng, có điện sinh hoạt, mọi vật dụng trong gia đình như tivi, xe máy... ngày càng có nhiều, điều mà trước đây cha ông ta bao đời làm cũng chưa có được (hiện nay trong làng 97% số hộ đã có tivi, hơn 90% có xe máy, 35% có xe công nông, máy xay xát lúa, ngô...).

Nhưng cái đầu dân làng còn ít chữ vì thế một số bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo làm những điều sai trái. Biết được, cái bụng mình buồn lắm, cùng với già làng Ên và một số cán bộ thôn, cứ đi hết nhà này, qua nhà khác nói vào cái tai cho nó hiểu. Do đó, hơn 2 năm nay ở làng Plei Ơi không một ai bị kẻ xấu kích động, lôi kéo làm điều sai nữa. Giờ đây, họ đã hướng về Đảng, về Bác như cây rừng trên núi Ba Hòn hướng về mặt trời vậy...

Nếu trước đây cuộc sống của bà con cứ “chặt, đốt, chọc, tỉa”, rừng rú ngày càng bị tàn phá, đất đai không còn màu mỡ nên người dân vẫn cứ nghèo khổ. Nay, nhờ vào thủy lợi Ayun Hạ, chỗ nào cũng trồng được cây lúa nước hai vụ, cùng những cây trồng cho năng suất cao.

Còn về chăn nuôi cũng đã thay đổi các giống “địa phương” không năng suất bằng giống lai hiệu quả... Đặc biệt là làng còn thành lập hợp tác xã nông nghiệp Thanh Sơn để vừa là cầu nối giúp bà con áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất, trồng trọt, vừa tiêu thụ sản phẩm khi bà con làm ra...".

Bên cạnh sự thay đổi về kinh tế, đời sống văn hóa, tinh thần của bà con đồng bào các dân tộc ở đây cũng thay đổi rất nhiều. Chuyện học hành của con cháu đã được cả làng quan tâm. 100% trẻ em được đi học, có nhiều em đã học hết cấp 2, cấp 3. Năm 2000, Plei Ơi đã được công nhận là làng Thanh niên theo tiêu chí mới, làng văn hóa cộng đồng.

Nằm gần khu du lịch A Yun Hạ, với khu di tích Plei Ơi và núi Ba Hòn, hồ thủy lợi A Yun Hạ sẽ tạo nên một điểm du lịch sinh thái mang nhiều dấu ấn về vẻ đẹp kỳ thú và đậm đà bản sắc cội nguồn văn hóa truyền thống, địa phương...

Tây Nguyên vào xuân, khắp các bản làng mừng vui trong những ngày hội lịch sử của dân tộc, Plei Ơi cũng đang hòa vào những niềm vui lớn đó, đặc biệt là sự đổi thay nhiều mặt của một làng quê giàu truyền thống văn hóa, cộng đồng

Lê Quang Hồi
.
.