Dày đặc vũ khí công nghệ bảo đảm an ninh cho World Cup

Thứ Ba, 08/07/2014, 19:55

Để bảo đảm an ninh tuyệt đối cho mùa bóng đá World Cup 2014, Brazil đầu tư 900 triệu USD không chỉ cho 170.000 nhân lực tăng cường gìn giữ an ninh mà còn để trang bị những loại "vũ khí công nghệ" cực kỳ hiện đại -30 robot PackBot (dò tìm bom và các mối đe dọa sinh học - hóa học, phóng xạ) của Mỹ, những chiếc máy bay không người lái (drone) do Israel sản xuất, thiết bị scanner di động của Anh có khả năng phát hiện khẩu súng ngắn in 3D bằng chất dẻo giấu trong quần áo ở khoảng cách 25m và hệ thống kiểm tra an ninh bằng tia X-90 X-Ray Inspection - của Trung Quốc.

Ngoài ra, còn phải kể đến những chiếc kính theo kiểu "Robocop" nhận diện được 400 gương mặt trong 1 giây, máy bay trực thăng do thám công nghệ cao, các trung tâm chỉ huy kỹ thuật số v.v…

Tuy nhiên, cuộc chạy đua vũ trang công nghệ cho sự kiện quốc tế lớn như World Cup còn có tác động lâu dài đến cuộc sống riêng tư của công dân nước chủ nhà. Trong khi bạn đang xem cầu thủ Cristiano Ronaldo của Bồ Đào Nha thi thố tài năng thì có lẽ có một chiếc drone đang âm thầm quan sát bạn!

Những vũ khí an ninh công nghệ cao trang bị bên trong và bên ngoài các sân vận động không chỉ được triển khai tại Brazil trong mùa World Cup 2014. Trong sự kiện thể thao mùa Đông Thế vận hội Sochi mới đây ở Nga cũng xuất hiện công cụ gọi là VibraImage, có khả năng dò tìm "những vị khách kích động" bằng kỹ thuật đo các rung động trên cơ bắp và gương mặt.

Trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội London 2012, Cảnh sát Anh có thể quan sát từng góc phố London bằng hệ thống camera an ninh CCTV được triển khai dày đặc trong thành phố. Còn tại sự kiện World Cup 2010 diễn ra ở Nam Phi, hệ thống mật mã lượng tử có hiệu quả đối phó với bọn hacker.

Lịch sử đã cho thấy an ninh là yếu tố cực kỳ quan trọng để bảo đảm sự thành công của một sự kiện thể thao cũng như giữ gìn bộ mặt của quốc gia chủ nhà. Đầu tiên phải kể đến Thế vận hội Munich năm 1972 ở Đức, một nhóm khủng bố người Palestine có biệt danh "Tháng 9 Đen" gồm 8 tên đã giết chết 11 vận động viên Israel và 1 sĩ quan cảnh sát Đức. Sau vụ khủng bố đẫm máu này, những thành phố đăng cai các sự kiện thể thao khác bắt đầu thấy lo ngại về vấn đề giữ an ninh tuyệt đối cho các sự kiện thể thao quốc tế như World Cup.

Theo Malcolm Tarbitt, phụ trách Trung tâm An ninh Thể thao Quốc tế (ICSS), vụ khủng bố năm 1972 đã tạo nên một bước ngoặt lịch sử về an ninh trong lĩnh vực thể thao thế giới.

Lực lượng an ninh tăng cường trong sự kiện World Cup ở Brazil.

Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ, mối đe dọa khủng bố càng được coi là yếu tố chủ đạo trong việc chuẩn bị cho các sự kiện thể thao lớn. Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (FIFA) luôn gia tăng sức ép đến các quốc gia đăng cai để bảo đảm an ninh cho sự kiện. Ngay đến chính quyền các quốc gia tham dự sự kiện cũng có các yêu cầu đặc biệt về biện pháp an ninh tăng cường, tùy thuộc vào những gì mà họ nhận thức là mối đe dọa cho vận động viên và cổ động viên của họ.

Ví dụ như Thế vận hội Hy Lạp năm 2004, lần đầu tiên sau ngày 11/9/2001, chính phủ nước này chấp nhận sự giám sát an ninh từ nhiều phía - bao gồm Mỹ, Anh, Đức, Israel, Australia, Pháp và Tây Ban Nha cùng với sự có mặt của các lực lượng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), Cơ quan Phản gián Anh MI-6 và Cơ quan Tình báo Mossad của Israel.

Cảnh sát Brazil sử dụng kính nhận diện gương mặt ở World Cup 2014.

Toàn bộ hệ thống giám sát an ninh khổng lồ như thế dĩ nhiên đòi hỏi chi phí vô cùng tốn kém. Ngân sách dành cho an ninh World Cup 2014 của Brazil nhiều hơn World Cup 2010 tại Nam Phi gấp 5 lần! Khi công nghệ càng phát triển, mức độ đe dọa cũng tăng thêm và số tiền chi ra để đối phó lại càng cao ngất ngưởng! Mặc dù rất tốn kém, song các sự kiện thể thao quốc tế được coi là cơ hội cho nước chủ nhà quảng bá hình ảnh đất nước ra toàn cầu đồng thời cải thiện bộ máy an ninh trong nước.

Như người đứng đầu lực lượng Cảnh sát Quốc gia Nam Phi từng phát biểu về World Cup 2010: "Việc đầu tư tiền bạc không chỉ có ý nghĩa cho sự kiện mà còn trợ giúp cảnh sát trong những sáng kiến chống tội phạm sau khi World Cup kết thúc".

Thiết bị scanner di động của Anh.

Với World Cup 2014, Brazil cũng có những cố gắng đáng kể về mặt giữ gìn an ninh. Ngoài những chiếc drone và robot, các chuyên gia an ninh cũng đồng thuận một điều - sự phát triển đáng kể nhất trong lĩnh vực an ninh là các trung tâm chỉ huy kỹ thuật số tích hợp đầu não (CEIC) được xây dựng trong 12 thành phố diễn ra sự kiện thể thao, với hai trung tâm lớn nhất ở Rio de Janeiro và Sao Paulo.

Rafael Salies, người chịu trách nhiệm về các dự án Brazil cho Công ty Tư vấn chiến lược Southern Pulse, cho biết mỗi trung tâm chỉ huy được kết nối với một mạng lưới camera - có thể lên đến 4.000 camera tùy thuộc thành phố - thu thập thông tin hình ảnh và dữ liệu cho các lực lượng cảnh sát, quân đội và tình báo. Mặc dù, mạng lưới camera thu thập thông tin hỗ trợ hiệu quả công tác bảo đảm an ninh cho sự kiện World Cup, song nó cũng có vấn đề đáng lo ngại khác.

Malcolm Tarbitt nhận định: "Cuộc sống riêng tư của công dân bị xâm phạm nghiêm trọng trong những sự kiện quốc tế như thế này. Nhưng sau khi sự kiện kết thúc, không ai quan tâm xem cơ sở hạ tầng gián điệp có được tháo dỡ hay không".

Hệ thống kiểm tra an ninh bằng tia X - 90 X-Ray Inspection - của Trung Quốc được triển khai tại sân vận động Arena de Sao Paulo - nơi diễn ra trận đấu mở màn World Cup 2014.
Tại Trung tâm chỉ huy kỹ thuật số tích hợp đầu não ở thành phố Porto Alegre, các chuyên gia đang giám sát 300 camera an ninh lắp trong khắp thành phố.

Một trong nhiều ví dụ là 1.600 camera an ninh CCTV được lắp đặt trong sự kiện Thế vận hội Hy Lạp năm 2004 ở thành phố Athens hiện vẫn còn được sử dụng! Mặc dù những công nghệ giám sát an ninh hiện đại rất hữu ích cho các quốc gia có vấn đề về tội phạm nhưng lại gây mối lo không nhỏ về tài chính và quyền riêng tư công dân. Điển hình như những cuộc biểu tình lan rộng chống lại quyết định đầu tư quá nhiều tiền vào sự kiện World Cup ở Brazil đã gây nhức đầu cho FIFA và chính quyền nước này.

Trong khi đó, các chuyên gia an ninh nhận định, tình trạng náo loạn trong dân chúng cũng cần được coi là mối đe dọa tiềm ẩn lớn nhất cho các sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế

Diên San (tổng hợp)
.
.