De Tijd – Báo giấy điện tử đầu tiên trên thế giới

Thứ Năm, 21/04/2011, 02:45
Tháng này, De Tijd, một tờ báo về tài chính của Bỉ, bắt đầu phát hành một số phiên bản báo giấy điện tử đầu tiên. Công nghệ này hứa hẹn mở ra nhiều triển vọng cho báo chí quốc tế vốn đang bị lao đao.

Chậm rãi mở tờ báo và nhâm nhi tách cà phê luôn là khoảng thời gian thú vị vào mỗi buổi sáng, nhưng với một số nhà xuất bản, báo giấy phải tốn một khoảng thời gian để đưa tin tức đến độc giả. Họ mơ về một tờ nhật báo mà họ có thể cập nhật thông tin một cách nhanh nhất, những hình ảnh động sẽ thay thế cho những bức ảnh chụp thông thường và độc giả còn có thể nghe thay vì đọc các bài phỏng vấn. Tất cả những điều này đã trở thành hiện thực tại Bỉ trong tháng 3 này: độc giả của tờ De Tijd sẽ có thể theo dõi những số báo ưa thích của mình trên giấy điện tử.

Công nghệ này kết hợp những ưu điểm của giấy in thông thường và của màn hình phẳng. Trong 2 tháng, 200 độc giả được chọn sẽ được dùng thử phiên bản điện tử của tờ báo này. Và nếu thử nghiệm thành công, De Tijd sẽ trở thành tờ báo điện tử cầm tay đầu tiên trên thế giới. Những dự án tương tự cũng đang được thử nghiệm tại các nước như Mỹ, Thuỵ Điển và Vương quốc Anh.

Mỗi trang của tờ báo sẽ được hiển thị lên một màn hình phẳng có kích thước 16x22cm, với cùng một cỡ chữ như phiên bản báo in và chỉ cần chạm nhẹ, độc giả đã có thể sang trang. Ta cũng có thể dễ dàng kết nối Internet để cập nhật thông tin mới. Đã 2 năm nay, Công ty iRex-Technologies của Hà Lan nghiên cứu về việc phát triển công nghệ báo giấy điện tử dựa trên những kỹ thuật hiển thị được phát triển bởi E-Ink, một doanh nghiệp Mỹ có trụ sở tại bang Massachusetts.

Thiết bị giấy điện tử hiển thị hình ảnh nhờ vào khoảng 500 tinh thể và mỗi tinh thể lại có các hạt điện tích đen và trắng. Khi ta khởi động nguồn điện, những hạt đen và trắng này có thể di chuyển lên bề mặt tinh thể tùy theo tính phân cực, nhờ đó, mỗi tinh thể, có kích thước khoảng 100 micromètre, sẽ có màu đen hoặc trắng và tương ứng với một điểm trên trang báo. Và như thế, chữ hoặc hình ảnh có thể hiển thị một cách dễ dàng. Sự hiển thị hình ảnh sẽ kéo dài vài phút sau khi ngắt nguồn điện.

Để các tinh thể có thể vận hành độc lập, các kỹ sư của E-Ink đã đề xuất sử dụng các khớp nối siêu nhẹ với các bóng bán dẫn nhờ vào hiệu ứng trường đàn hồi được đặt trên một tấm nhựa. Tấm nhựa này được dán lên một lá thép siêu mỏng có chứa các tinh thể và có nhiệm vụ dẫn điện. Tất cả được bao phủ bởi một tấm phim trong suốt bằng indium oxit kẽm có vai trò như một điện cực. Chỉ cần một điện áp vài volt là đủ cho các tinh thể đổi màu và thế là một văn bản hay một hình ảnh xuất hiện. Khác với màn hình tinh thể lỏng, công nghệ này không cần một nguồn sáng tích hợp, đó là lợi thế lớn nhất. Ngoài ra, văn bản hiển thị có thể đọc được từ mọi góc độ.

Độc giả của tờ De Tijd sẽ có thể theo dõi những số báo ưa thích của mình trên giấy điện tử.

Báo điện tử có 16 tông màu và khoảng 400 điểm ảnh trên 1cm2, hệ thống này cho phép báo giấy điện tử có độ phân giải gần giống như báo in. Tuy nhiên, với độ dày chỉ 0,3mm, giấy điện tử có vẻ mảnh hơn so với giấy bình thường. Sở dĩ giấy điện tử mỏng như vậy là để có thể cuộn tròn trong một ống dày 4mm. Tuy nhiên, hiện tại, ta không thể gấp hay làm nhàu "tờ giấy" này vì do các bộ phận cấu thành nên sản phẩm, trong đó có một ổ cứng dày 2cm.

Ngoài những bộ phận như con chip, bộ vi xử lý, loa và pin, ổ cứng này còn bao gồm nhiều cổng và một card mạng để kết nối với máy tính. Thiết bị này cũng có thể đọc được 3 định dạng chính của văn bản nên ngoài báo, ta cũng có thể xem được sách điện tử và các loại tài liệu. Ngoài ra, ta cũng có thể viết lên màn hình nhờ vào lớp cảm ứng rất nhạy. Báo điện tử còn có khả năng lưu trữ những bài viết trong vòng một tháng cộng thêm khoảng 30 cuốn sách, như thế, bạn đọc có thể yên tâm rằng mình không bỏ lỡ số báo nào nếu có đi du lịch vài ngày.

Dù sự quyến rũ của báo điện tử là không thể phủ nhận nhưng người ta vẫn chưa biết liệu sản phẩm này có được chào đón như những gì các nhà phát minh dự đoán hay không vì một tờ báo trên màn hình cũng có những yếu điểm: truy cập vào Internet chậm, màn hình lớn khiến cho việc đọc trở nên mệt mỏi. Đối với những trang báo lớn, vì phải thu nhỏ khổ báo cho vừa với màn hình nên sẽ khó đọc hơn. Thêm nữa, người đọc cũng sẽ phải thay đổi cách đọc của mình vì rõ ràng là trên màn hình, sẽ khó có thể đọc một cách bao quát cả trang báo, đọc các tiêu đề, đề mục như mọi người vẫn làm đối với một tờ báo bình thường.

Đã từ lâu, nhiều công ty nghiên cứu về việc phát triển giấy điện tử với cùng một tiến trình như E-Ink. Tuy nhiên, trước khi giấy điện tử có thể thực sự cạnh tranh với giấy thông thường, những cuộc nghiên cứu tiếp theo là rất cần thiết, ví dụ như việc hiển thị ảnh động và ảnh màu vẫn chưa nhanh. E-Ink hy vọng sẽ có thể khắc phục những trở ngại này từ nay cho đến cuối năm 2016 để giới thiệu một sản phẩm thành công hơn. Và có thể, vào một ngày nào đó, ta có thể đọc tờ báo buổi sáng trên một màn hình có thể gấp được, xem được video và cập nhật tin tức hàng giờ

G.K. (tổng hợp)
.
.