“Đề án 119”: Tham vọng bí mật về thể thao của Trung Quốc

Thứ Ba, 26/08/2008, 10:00
Mục tiêu không nói ra của Trung Quốc tại Thế vận hội Bắc Kinh là lật đổ Mỹ để giành ngôi vị đứng đầu nền thể thao thế giới. Tuần san  VSD của Pháp số 1615 ra ngày 8/8 vừa qua đã tiết lộ một kế hoạch bí mật mang tên “Đề án 119” của Trung Quốc nhằm thực hiện khát vọng nói trên.

VSD cho biết, bên cạnh mục tiêu biểu dương thành công  kinh tế, Thế vận hội Bắc Kinh còn là một dịp để Trung Quốc chứng tỏ mình là cường quốc thể thao số một thế giới. Để thực hiện giấc mơ này, Trung Quốc đã chuẩn bị từ hơn 20 năm qua.

Với Olympic Bắc Kinh, nước chủ nhà đã không tiếc sức người và tiền bạc với mong muốn làm nên một Thế vận hội ghi dấu ấn trong lịch sử phong trào Olympic hiện đại. Thế vận hội Bắc Kinh còn là một dịp may hiếm có để Trung Quốc thực hiện đề án trên.

Những môn thể thao mạnh của Trung Quốc tại Olypic lần này.

Nếu như người Trung Quốc chỉ thực sự bắt tay vào chuẩn bị xây dựng cơ sở hạ tầng cho Thế vận hội từ sau năm 2001, khi Bắc Kinh chính thức được trao quyền đăng cai Thế vận hội Olympic mùa hè lần thứ 29, thì công cuộc chuẩn bị để vươn lên dẫn đầu thế giới trong thể thao Trung Quốc đã được phát động từ trước khi nước này tham dự lần đầu tiên Thế vận hội Olympic tại Los Angeles 1984. 

Tại  Olympic Bắc Kinh 2008 lần này với 639 vận động viên tham gia, đoàn Trung Quốc đông gấp hơn ba lần so với ở Athène 2004. Ngoài ra, với lợi thế nước chủ nhà, Trung Quốc hy vọng lần này sẽ đạt được mục tiêu chiến lược phát triển thể thao thành tích cao để giành vị trí dẫn đầu thế giới. Một mục tiêu đã được người Trung Quốc ấp ủ từ bao lâu nay.

Tuần báo VSD cho biết, “Đề án 119” được khởi động từ năm 2000 là một chương trình vừa thể thao vừa tình báo với mục tiêu tổng cộng 119 huy chương mà Trung Quốc nhắm tới tại Olympic Bắc Kinh. Theo VSD, đây là một kế hoạch hết sức khoa học, chẳng khác gì một chiến dịch quân sự do chính Tổng cục Thể thao Quốc gia Trung Quốc hình thành bao gồm ba vế chủ chốt.

Trước hết là thu thập thông tin liên quan đến các đối thủ. Đặc biệt các đội tuyển nữ ở các quốc gia đến tham dự Olympic Bắc Kinh vì phái nữ thường ít được ưu tiên. Theo ý Bắc Kinh, đây là thế yếu của các đối thủ mà họ có thể khai thác để dễ dàng giành nhiều huy chương hơn.

Vế thứ hai có phần thuyết phục hơn, đó là tạo ra những vận động viên đóng vai các vận động viên nổi tiếng của thế giới sẽ tới tranh tài tại Bắc Kinh lần này. Điều này để giúp đỡ các vận động viên Trung Quốc thấy được đối thủ thực sự của họ trong khi tập luyện.

Để thực hiện điều này, Trung Quốc đã nghiên cứu kỹ lưỡng thể trạng, từ chiều cao, sức nặng... của các vận động viên nước ngoài, cho đến điểm mạnh, điểm yếu. Căn cứ vào các dữ liệu đó, Trung Quốc tuyển lựa những người có các đặc điểm tương tự rồi dùng họ làm người đóng vai đối thủ để cho các nhà vô địch Trung Quốc luyện tập trong điều kiện thực tế.

Chương trình này đặc biệt được thực hiện trong các bộ môn như bơi lội, thể dục dụng cụ, cử tạ, nhưng cũng được áp dụng cho các bộ môn khác. Tuy nhiên, vế bí mật nhất trong đề án 119 là chương trình tăng cường thể lực cho các vận động viên. Song theo tuần báo VSD, chương trình này hiện vẫn còn nằm trong vòng bí mật.

Hai đặc phái viên của L’Express đã ghé thăm một trung tâm huấn luyện thể thao ngay tại trung tâm thủ đô Bắc Kinh, nổi tiếng là nơi đã cung cấp cho Trung Quốc rất nhiều tuyển thủ giành được huy chương tại các kỳ thế vận hội trong thời gian qua.

Tại đây, các nhà báo đã phải ngỡ ngàng khi thấy hàng trăm thiếu niên hăng say luyện tập. Các em đã được tuyển chọn để trở thành các vận động viên tương lai trong các bộ môn đa dạng, từ bóng bàn, thể dục dụng cụ, cho đến bóng chuyền, võ thuật ...

Theo báo L’Express, các trung tâm đào tạo vô địch thể thao tại Bắc Kinh hầu như hiện diện khắp nơi ở Trung Quốc. Với một chính sách như kể trên, khoảng 200 triệu trẻ em tại nước này là nguồn cung cấp tài năng tiềm tàng cho nền thể thao Trung Quốc

Đan Kô (tổng hợp)
.
.