Đề án học sinh lớp 1,2,3 học qua máy tính bảng: Cực sốc!

Thứ Tư, 03/09/2014, 17:45

Không phải sốc, mà là cực sốc khi mà Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM đang thể hiện quyết tâm rất lớn với đề án “Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP HCM năm học 2014-2015” với nội dung trọng yếu là học sinh bậc tiểu học các lớp 1, 2 và 3 phải sử dụng máy tính bảng để phục vụ cho học tập.

Theo đó, toàn bộ sách giáo khoa (SGK) truyền thống được đưa vào sách điện tử dưới dạng 3D kết hợp với âm thanh, hình ảnh được cài đặt vào máy tính bảng. Có giá từ 3 đến 5 triệu đồng do phụ huynh học sinh tự trang bị cho con em. Cũng theo đề án, kinh phí thực hiện là khoảng 4.000 tỉ đồng.

Chuyện gì không thể hiểu đang xảy ra đối với những nhà tham mưu cho Sở GD&ĐT TP HCM xoay quanh cái đề án cực sốc này(?).

Sự kỳ lạ của một đề án

Về con số 4.000 tỉ dành cho đề án thí điểm đổi mới này, lãnh đạo Sở GD&ĐT TP HCM phân tích: "Trang thiết bị, phần mềm cho 6.874 phòng học với khoảng 262 triệu đồng cho mỗi phòng; trang bị máy tính bảng cho 327.127 học sinh và 10.398 giáo viên. Đặc biệt, mỗi trường sẽ được đầu tư một phòng chuyên môn; một phòng họp trực tuyến với kinh phí 1,1 tỉ đồng, ước tính toàn thành phố sẽ cần gần 497 tỉ đồng. Số chi phí còn lại là để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Trong đó, các hiệu trưởng sẽ chọn học ở một số trường nước ngoài với kinh phí 250 triệu đồng/người, còn giáo viên sẽ được đào tạo tại chỗ.

Ngoài ra, đề án cũng dự trù kinh phí khảo sát thực hiện tại các cơ sở, kinh phí xây dựng tiêu chuẩn trường tiểu học theo mô hình mới, xây dựng các chương trình SGK điện tử và chương trình đào tạo".

Có thể hiểu, mô hình đào tạo này diễn ra theo phương thức, học sinh được tương tác với máy tính bảng (được xem như là tấm bảng thông minh), mỗi em sử dụng một máy tính bảng để học, làm bài tập, bài kiểm tra, giáo viên điều khiển lớp học qua máy tính, SGK được số hóa với khả năng hiển thị hình ảnh động và âm thanh cho mỗi bài học.

Không thể kích thích được sự sáng tạo của học sinh tiểu học nếu ép các em phụ thuộc vào máy tính bảng. Ảnh minh họa.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP HCM cũng khẳng định rằng: "Đây là đề án đúng đắn và cần thiết vì Sở đang thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT trong công tác triển khai thí điểm một số giải pháp nhằm đổi mới toàn diện công tác giáo dục đào tạo. Tiếp đến, Hội đồng nhân dân TP HCM từng ghi nhận ý kiến của học sinh rằng các em muốn được triển khai lớp học thông minh, ứng dụng SGK điện tử, máy tính bảng, thay vì SGK phải cầm theo nặng nề".

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, lãnh đạo Bộ vẫn chưa nhận được Đề án của Sở GD&ĐT TP HCM, nên Bộ chưa thể đưa ra ý kiến cụ thể. Hiện tại, rất nhiều hiệu trưởng trường tiểu học và lãnh đạo Phòng Giáo dục quận, huyện trực thuộc TP HCM đang tỏ ra quan ngại vì tính thiết thực cũng như hiệu quả do đề án mang lại.

Trong đó, câu hỏi khiến mọi người lấn cấn nhất vẫn là "Nếu như đề án được thông qua và triển khai thì sau khi học xong lớp 3, lên đến lớp 4 không còn học theo chương trình máy tính bảng nữa, các học sinh sẽ xoay sở ra sao?", chưa có câu trả lời.

Điều rất khó ngờ là đơn vị tư vấn cho một đề án lớn như vậy lại là một công ty tư nhân, Công ty Cổ phần Tiến Bộ Quốc tế AIC (gọi tắt là Công ty AIC). Theo giới thiệu của công ty này mà chúng tôi tìm được tại website của công ty thì, "Công ty AIC hiện là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, khoa học công nghệ, môi trường, y tế, đầu tư, xuất khẩu lao động, tài chính ngân hàng. AIC hiện có  số nhân viên hơn 700 người, với 10 công ty thành viên, có mạng lưới kinh doanh trên hầu hết các tỉnh, thành tại Việt Nam và hơn 30 nước trên thế giới" (Thư ngỏ của công ty được viết vào năm 2012).

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Tổng giám Công ty AIC tự tin nói với giới truyền thông rằng: "Chúng tôi nghe nhiều câu hỏi: Mong muốn, mục tiêu của công ty khi triển khai, xây dựng đề án này là gì? TP HCM là thành phố tiên phong trong việc đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục. Thành phố muốn tìm một mô hình đổi mới mà các nước tiên tiến đang áp dụng. Vì thế chúng tôi đã tìm đến các nước để tư vấn triển khai chương trình này. Chúng tôi đưa ra 5 đến 7 mô hình. Có rất nhiều hãng khác nhau trên thế giới sản xuất, chúng tôi chỉ đưa ra để tham khảo.

Chất lượng của trang thiết bị rất quan trọng. Nên hướng tới những trang thiết bị phải có thời gian dùng bền (tối thiểu 5 năm), nên yêu cầu công ty có trách nhiệm bảo hành trong 5 năm. Chương trình lớn, đối tác nào đủ điều kiện thì tham gia. Chúng ta làm thế nào tìm nhà cung cấp tốt nhất với giá rẻ nhất. Thành phố có thể làm việc trực tiếp với các đơn vị cung cấp mà không cần thông qua chúng tôi”.

Đề án học sinh lớp 1 - 2 - 3 phải học qua máy tính bảng của Sở GD&ĐT TP HCM là quá kỳ lạ.

Không cần phải có quá nhiều kinh nghiệm kinh doanh, cũng thừa sức hiểu là bà Nhàn nói vậy nhưng không phải vậy. Đơn giản là không đơn vị tư vấn nào lại để sổng "miếng mồi" lớn như cái đề án vĩ đại này của Sở GD&ĐT TP HCM. Nhất là khi, họ lại là đơn vị tư vấn của đề án.

Quá nhiều sự hồ nghi?

Giới truyền thông đang phản ứng rất dữ dội đề án này của Sở GD&ĐT TP HCM. Những title báo nặng nề đã xuất hiện để chỉ về đề án trên, như: "Trẻ con lại thành bình phong cho một đề án phản khoa học", "Đề án SGK điện tử: Đưa trẻ nhỏ vào nguy hiểm nhiều mặt", hay "Một đề án sặc mùi tiền, thiếu tính người"…

Truyền thông sốt ruột, phụ huynh cũng sốt ruột không kém, bởi không ai có thể nghĩ được rằng những người đang nhân danh giáo dục lại có thể đưa ra một đề án vừa phản khoa học, vừa phản giáo dục lại vừa phản cảm đối với dư luận đến vậy.

Nếu lấy lý do, để học sinh tiểu học đỡ còng lưng vì mang sách vở đến trường thay vào đó các em có thể đến trường với một chiếc máy tính bảng gọn nhẹ. Chúng tôi cho rằng, đây là sự ngụy biện đến mức phi lý của những người làm giáo dục tại Sở GD&ĐT TP HCM. Vấn đề học sinh tiểu học phải mang sách còng lưng, cần có một giải pháp khoa học để giảm tải chứ không phải là một trang thiết bị điện tử rồi hy vọng sẽ giải quyết được tất cả. Chương trình đổi mới giáo dục cứ thay đổi xoành xoạch mà hiệu quả không thấy đâu? SGK cũng cải biên hay bổ sung liên tục, mà chất lượng cũng không thấy đâu?... Để rồi bây giờ, những nhà làm giáo dục lại nảy ra cái phát kiến kỳ dị này.

Nếu lấy lý do, đề án này nhằm đổi mới toàn diện công tác giáo dục đào tạo thì lại càng vô lý hơn. Không ai đổi mới công tác giáo dục theo kiểu đưa những học sinh vừa chớm bước vào con đường học vấn ngay lập tức phải phụ thuộc vào một thiết bị điện tử.

Nếu lấy lý do, đề án thể theo nguyện vọng các em muốn được triển khai lớp học thông minh, ứng dụng SGK điện tử, máy tính bảng, thì lại càng hồ đồ. Điều cơ bản nhất là ai cũng biết nếu nắm vững các kiến thức về cấu trúc cơ sở hạ tầng cơ bản là "các em đã đủ khả năng nhận thức hay chưa". Không phải ngẫu nhiên là luật định dưới 14 tuổi thì cá nhân không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Dưới 16 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hành chính…

Lắng nghe các em là điều cần thiết, nhưng lắng nghe phải đi cùng với định hướng và sự phân tích đúng sai. Không thể nào bảo rằng, vì các em muốn một cánh cửa thần kỳ để đi khắp nơi như cánh cửa thần kỳ của Đôrêmon thì các nhà làm giáo dục của Sở GD&ĐT TP HCM lại vội vàng đưa ra đề án "Mua sắm cánh cửa thần kỳ của Đôrêmon cho bậc tiểu học" được(?!). Quan trọng hơn, không thể lấy ý chí chủ quan của mình nhằm muốn thực hiện điều gì đó để rồi đổ thừa rằng "Chúng tôi chiều theo nguyện vọng của bọn trẻ".

Đó là chưa kể đến sự nguy hại của máy tính bảng - một thiết bị điện tử đối với học sinh lớp 1, 2 và 3.

Không thể chấp nhận hy sinh một thế hệ vì những phương pháp đổi mới phản khoa học.

Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, càng tiếp xúc với thiết bị điện tử nhiều, trí não sẽ càng trở nên thụ động, dễ cáu gắt, mất dần cảm xúc thật, não bộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đó là đối với người lớn. Còn đối với trẻ em, thì tác hại đó còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Dưới đây là tổng hợp về tác hại khi tiếp xúc với thiết bị điện tử quá nhiều được tác giả Mai Lan tổng hợp lại in trên một tờ nhật báo: "Theo bản khuyến nghị được trình lên Chính phủ Úc: Các trung tâm chăm sóc trẻ em chỉ cho trẻ 2-5 tuổi xem tivi không quá 1 giờ/ngày.

Trong khi đó, Tổ chức Truyền thông trẻ của Úc đưa ra những hướng dẫn cụ thể: Trẻ dưới 2 tuổi hạn chế xem tivi; trẻ mẫu giáo xem tivi 1 giờ/ngày là nhiều (một quan điểm khác của Liên minh Trẻ em Úc là nên để các em mẫu giáo tránh xa các loại máy tính), còn trẻ 5 - 7 - 8 tuổi thì xem 1giờ/ngày là nhiều.

Tại Pháp, Bộ Y tế Pháp khuyến cáo không nên cho trẻ dưới 3 tuổi xem màn hình điện tử, bởi sẽ gây tác hại xấu cho sức khỏe trẻ, đặc biệt gây tổn thương cho não. Tổ chức Nhi khoa Canada quy định: Không được đưa tivi, máy tính, thiết bị chơi game vào phòng ngủ trẻ em. Bộ Y tế và Dịch vụ con người Mỹ đã nhấn mạnh: Giảm thời gian ngồi trước màn hình là một ưu tiên bảo vệ sức khỏe".

Các nhà tâm lý học của Anh cũng đã đưa ra lời kêu gọi khống chế thời gian ngồi trước màn hình mỗi ngày của thiếu niên, nhi đồng bởi 4 nguyên do sau: Sự phát triển của đại não và hệ thần kinh bị tổn thương; ngủ không ngon giấc, cơ thể không phát triển; dễ mắc các bệnh tim mạch; tính cách nóng nảy, khó kết bạn. Chương trình khảo sát của Hiệp hội Nghiên cứu sự phát triển của trẻ tại Quebec (Canada) đưa một báo động: Xem màn hình điện tử nhiều sẽ dẫn đến giảm 7% sức tập trung trong lớp, giảm 9% trong hoạt động thể chất.

Cựu Bộ trưởng Bộ Thiếu niên và Nhi đồng Anh Tim Loughton đã cảnh báo trên trang Daily Mail, trẻ dán mắt vào màn hình máy tính hoặc tivi sẽ gây ra những thay đổi trong não trẻ, có hại như người nghiện ma túy hay nghiện rượu, và hàng loạt vấn đề về sức khỏe: Lượng cholesterol cao, nhồi máu cơ tim, mất tập trung hay suy giảm khả năng làm toán, đọc, rối loạn giấc ngủ và tự kỷ. Cũng theo báo này, tiến sĩ Aric Sigman đã công bố một kết quả điều tra với trẻ từ 12-15 tuổi xem màn hình điện tử nhiều: Một thế hệ trẻ em sẽ bị tổn thương sức khỏe và bộ não nghiêm trọng...".

Thậm chí, ở Hàn Quốc đang xuất hiện ngày càng nhiều những trung tâm cai nghiện các thiết bị điện tử. Còn các quốc gia khác đang vô cùng lo lắng trước tình trạng trẻ em tiếp xúc với thiết bị điện tử thì những nhà làm giáo dục tại Sở GD&ĐT TP HCM lại có một "âm mưu" đi ngược lại với xu thế chung.

Làm sao có thể kích thích được sự sáng tạo của trẻ khi các em được biến thành một thế hệ phụ phuộc vào thiết bị điện tử. Làm sao có thể cho rằng máy tính bảng là điều tốt cho các em khi mà cả thế giới đang cố sức chống lại sự tác hại của nó đối với trẻ em…

Đổi mới giáo dục là cần thiết và cấp thiết, nhưng không vì sự nhân danh này mà chúng ta lại đồng lõa với những toan tính thương mại đến từ một công ty kinh doanh hay tập đoàn kinh tế nào đó.

Quan trọng hơn, sự đổi mới phải phù hợp với tình hình thực tế tại nước ta, cả tình hình tài chính của những bậc phụ huynh đang có con em trong độ tuổi đến trường

Ngô Kinh Luân
.
.