Để có một kỳ thi sạch

Thứ Tư, 03/04/2019, 07:18
Bắt đầu từ ngày 1-4 sắp tới, thí sinh cả nước sẽ chính thức tiến hành đăng ký thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2019. Mặc dù đến thời điểm hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật nhằm “bịt” các lỗ hổng trong quy trình coi thi, chấm thi để có thể hạn chế tối đa gian lận, vi phạm như đã từng xảy ra trong kỳ thi năm 2018.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, để có một kỳ thi trong sạch, cần sử dụng đồng bộ các giải pháp từ kỹ thuật, giám sát xã hội cho đến yếu tố con người.

Sai phạm dù tinh vi đến đâu cũng bị phát hiện

Với tinh thần kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, thời gian qua, cơ quan điều tra Bộ Công an đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, cử các cán bộ có trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao để điều tra, xác minh làm rõ những sai phạm xảy ra tại Hội đồng thi THPT Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình và đặc biệt là giám định các bài thi trắc nghiệm bị can thiệp.

Theo kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Sơn La và kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT cho thấy, có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi ngữ văn tại Sơn La có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây. Trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng 3 môn).

Bà Nguyễn Thị Hồng Nga (áo trắng đeo kính) - chuyên viên phòng khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Sơn La nghe lệnh bắt (Ảnh: Xuân Trường).
Cơ quan Công an đọc lệnh khởi tố Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La (Ảnh: Xuân Trường).

Trước đó, tại Hòa Bình, trên cơ sở kết luận điều tra của cơ quan An ninh điều tra- Bộ Công an và kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT cũng xác định có 140 bài thi trắc nghiệm của 56 thí sinh được can thiệp, nâng điểm ít nhất từ 0,2 điểm đến cao nhất 9,25 điểm/môn. Trong số này, có một thí sinh tổng điểm thi 3 môn được tăng lên đến 26,45 điểm.

Còn tại Hà Giang, kết quả điều tra của Bộ Công an và chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT cũng cho thấy, có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt, đã có những thí sinh có tổng điểm được tăng lên đến 29,95 điểm...

PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho rằng: Đây là sự can thiệp nghiêm trọng, làm sai lệch lớn kết quả thi và làm tổn thương niềm tin của xã hội đối với kỳ thi. Tuy vậy, sự việc xảy ra tại Sơn La, Hoà Bình đã thể hiện quyết tâm của Bộ trưởng GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ Công an rằng, không ai chấp nhận việc gian lận thi cử và không có vùng cấm trong việc xử lý gian lận.

Đặc biệt, điều này cũng cho thấy, tất cả những sai phạm trong thi cử dù bằng hình thức nào, có âm mưu, tổ chức kỹ càng đến đâu, có sử dụng thiết bị hiện đại đến mấy thì chắc chắn cũng bị phát hiện và xử lý nghiêm. Chính vì vậy Bộ GD&ĐT và Bộ Công an gửi thông điệp một cách nghiêm khắc, mạnh mẽ tới phụ huynh, học sinh và các thầy cô giáo chuẩn bị tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019 tới đây rằng, hãy bằng tinh thần trách nhiệm khuyến khích các em cố gắng ôn tập để đạt kết quả cao nhất, xứng đáng với công sức học tập của mình vì mọi gian lận sẽ bị phát hiện và sẽ không có vùng cấm trong xử lý sai phạm.

Đưa thủ phạm ra ánh sáng

Trong bê bối gian lận điểm thi tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình thời gian qua, toàn xã hội dường như mới chủ yếu tập trung sự chỉ trích vào ngành giáo dục, cụ thể là các giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đã trực tiếp can thiệp, nâng điểm cho thí sinh mà bỏ lọt một “thủ phạm” rất quan trọng khác. Đó chính là những phụ huynh của những đứa trẻ “điểm cao đột biến” - những người đã chủ động bỏ tiền (hoặc quyền) ra để “mua điểm” cho con em mình;  đoạt mất cơ hội của những đứa trẻ “học thật, thi thật”.

TS Lê Thống Nhất, người sáng lập hệ thống giáo dục Bigschool nêu quan điểm: “Xuất phát điểm của tất cả những gian lận thi cử tại các địa phương thời gian qua, trong đó có Hà Giang được khơi nguồn từ nhu cầu của phụ huynh. Ông Vũ Trọng Lương, nguyên cán bộ Sở GD&ĐT Hà Giang sẽ không tự nhiên ngồi để sửa điểm cho thí sinh. Phải có những tin nhắn, những nhờ vả, những cuộc mặc cả thì ông Lương mới có động lực để hành động.

Càng nguy hiểm hơn nếu như phụ huynh là người có chức có quyền, dùng sức ép quyền lực để đẩy những nhà giáo không giữ được bản lĩnh của mình vào con đường phạm tội. Tôi đề nghị xã hội phải giáo dục, phải có biện pháp xử lý nghiêm phụ huynh để tránh tình trạng cha mẹ học sinh bằng mọi giá, tìm đủ mọi cách để con mình phải đỗ đại học trong khi con mình không có năng lực”.

Năm 2019, sẽ chấm lại các bài thi tự luận đạt điểm cao.

TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng cho biết: Hoạt động giáo dục liên quan đến 3 chủ thể là gia đình, nhà trường và xã hội. Để hoạt động thi cử thành công phải có sự kết hợp của cả 3 yếu tố này.

Trong vụ bê bối gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, ngoài các yếu tố kỹ thuật, quản lý, cán bộ tham gia coi thi, chấm thi… thì còn một đối tượng nữa là phụ huynh. Phải có nhóm phụ huynh đề xuất, gợi ý hay mua chuộc thì các giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục mới có động cơ phạm tội. 

Đồng quan điểm này, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an cũng cho rằng:  Nếu như những thí sinh gian lận điểm tại Sơn La, Hòa Bình đã ngồi nhầm chỗ, cướp đi cơ hội của các thí sinh xứng đáng khác thì chính bố mẹ của các thí sinh này đã cướp đi cơ hội của con em người khác. Điều này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội. Do vậy, những phụ huynh chạy điểm cũng cần phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật là xử lý hình sự hoặc hành chính tùy thuộc vào mức độ vi phạm. 

Thực tế cho thấy, các đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi nâng điểm tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình vốn là cán bộ công tác trong ngành giáo dục đều đã bị pháp luật xử lý nghiêm khắc nhưng những người chạy điểm (phụ huynh học sinh) thì đến thời điểm này vẫn chưa được đưa ra ánh sáng. Do vậy, cần phải truy cứu trách nhiệm đối với các đối tượng này để tạo sự công bằng cũng như tăng tính răn đe đối với các hành vi vi phạm, tiêu cực trong thi cử.

Quan trọng vẫn là giám sát xã hội và yếu tố con người

PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT chia sẻ: “Gian lận điểm thi ở Hoà Bình, Hà Giang hay Sơn La đa ägiúp chúng tôi có những đánh giá, từ đó có thể lường trước được những sai phạm có thể xảy ra và đưa ra một số giải pháp điều chỉnh để có một kỳ thi đảm bảo công bằng, nghiêm túc”.

Theo ông Trinh, trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, các khâu kỹ thuật sẽ được cải tiến, đổi mới hơn nhằm phòng chống tối đa các hành vi gian lận. Trong đó, việc bảo quản đề thi, bài thi đã được quy định rất rõ quy trình, có công an bảo vệ 24/24 giờ, có camera giám sát.

Năm 2019, thí sinh tự do sẽ không còn được bố trí phòng thi riêng.

Ở khâu coi thi, năm nay vai trò của đồng chí Phó trưởng điểm thi (đến từ trường đại học, cao đẳng) cũng được nâng lên một bước nữa. Bên cạnh đó, thí sinh tự do năm nay cũng sẽ không còn được ngồi phòng thi riêng như năm 2018. Khâu niêm phong bài thi sẽ được điều chỉnh theo hướng dùng tem niêm phong dễ rách. Khâu chấm thi, với bài thi trắc nghiệm sẽ được giao cho các trường đại học chủ trì.

Đặc biệt, toàn bộ dữ liệu chấm thi tốt nghiệp (file ảnh) sẽ được mã hoá, tất cả những can thiệp lên quá trình chấm thi trắc nghiệm sẽ được lưu vết trong phần mềm và chỉ có người có trách nhiệm mới đọc và sử dụng được thông tin đó. Trong trường hợp, nếu dữ liệu không may lọt ra bên ngoài, cũng không thể đọc được.

Đối với bài thi chấm tự luận cũng yêu cầu khâu làm phách thực hiện 2 vòng độc lập, cách ly cán bộ làm phách. Đặc biệt, năm nay chấm kiểm tra các bài thi tự luận cùng tiến độ với vòng 1, vòng 2 có số lượng tối thiểu 5%. Những bài thi điểm cao của hội đồng thi sẽ được rút ra chấm kiểm tra ngay trong quá trình chấm để kịp thời phát hiện sớm các bất thường. Đặc biệt, công tác tập huấn về kỹ thuật và nghiệp vụ cho cán bội coi thi cũng sẽ được Bộ GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an một cách nhuần nhuyễn và kỹ lưỡng hơn.

“Trong hai cuộc tập huấn gần đây, không chỉ nội bộ của ngành giáo dục mà có sự hiện diện của cơ quan chuyên trách Bộ Công an, Công an của 63 tỉnh thành trên toàn quốc. Mục tiêu là tất cả những người tham gia vào kỳ thi THPT quốc gia 2019 hiểu được phận sự của mình” - ông Trinh nhấn mạnh.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, việc Bộ GD&ĐT điều chỉnh quy trình coi thi, chấm thi và tăng cường các giải pháp kỹ thuật nhằm chống gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 là vô cùng cần thiết. Tuy vậy, để kỳ thi thực sự khách quan, công bằng, ngoài các giải pháp kỹ thuật, con người vẫn là khâu quan trọng nhất bởi kỹ thuật hay chu trình đều do con người vận hành.

GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm: Bộ GD&ĐT nên chú ý đến yếu tố, tiêu chí lựa chọn và sử dụng cán bộ phục vụ kỳ thi. Nếu tổ chức thi và chấm thi không chú trọng yếu tố con người, chọn người lơ là thì sẽ khiến kỳ thi khó có thể thành công.

Còn TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT thì cho rằng: Dù giải pháp kỹ thuật, chu trình có chặt chẽ đến mấy cũng không thể lơ là vai trò giám sát của con người. Cụ thể ở đây là giám sát chéo, giám sát nội bộ giữa các lực lượng cùng tham gia tổ chức kỳ thi từ các Sở GD&ĐT địa phương, trường đại học, Thanh tra giáo dục, lực lượng an ninh và đặc biệt là giám sát của các lực lượng bên ngoài, các tổ chức xã hội.

Huyền Thanh
.
.