Từ vụ một phụ nữ bị tai nạn trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ:

Để đường cao tốc được… cao tốc

Thứ Tư, 03/09/2014, 16:35

Vụ tai nạn thương tâm tại Km 208 cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ khiến một phụ nữ tử vong tại chỗ đã gây nhiều thương cảm và bàng hoàng. Không thương cảm sao được bởi theo nhận định ban đầu, tại quãng đường vắng, không đèn đường chiếu sáng, người phụ nữ có thể đã bị không chỉ một mà nhiều xe lưu thông trên đường cán phải. Bàng hoàng là bởi sau vụ tai nạn, người ta mới giật mình mà nhận ra rằng, bấy lâu nay, việc đảm bảo an toàn hành lang giao thông trên các tuyến đường cao tốc đã bị buông lỏng?

Thông tin từ Đội CSGT số 8, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho hay đã bước đầu xác định được danh tính của người phụ nữ xấu số. Nạn nhân là bà Cao Thị Hậu, 43 tuổi, người xã Phù Yên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Người nhà nạn nhân đã nhận dạng thông qua quần áo trên người nạn nhân thu được tại hiện trường đồng thời cho biết bà Hậu bị tâm thần, bỏ nhà đi vài ngày trước đó.

Lực lượng chức năng đang tích cực điều tra để tìm ra chiếc xe gây tai nạn song được biết đây là việc không hề dễ dàng bởi đoạn đường xảy ra tai nạn hai bên đồng không mông quạnh, không người chứng kiến. Ngoài ra, thời điểm xảy ra tai nạn được xác định là vào khoảng 3 hoặc 4 giờ sáng, đoạn đường xảy ra tai nạn không đèn chiếu sáng và như nhận định ban đầu, có thể không chỉ một chiếc xe đã cán qua thi thể nạn nhân?

Tai nạn giao thông luôn là bi kịch. Tai nạn giao thông xảy ra trên đường cao tốc, mức độ lại còn tăng lên gấp nhiều lần. Hẳn nhiều người chưa quên vụ tai nạn kinh hoàng trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương xảy ra hồi tháng 4 vừa qua làm nhiều người chết và bị thương. Chiếc xe khách 30 chỗ ngồi chạy trên đường cao tốc hướng từ TP Mỹ Tho đi TP HCM, trên xe chở 13 người, trong đó có một số hành khách là người nước ngoài.

Đến đoạn km45+200 thuộc ấp Tân Quới, xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang thì tông thẳng vào chướng ngại vật là chiếc xe bồn đang tưới cây trên đường. Cú tông quá mạnh khiến tài xế và 2 hành khách chết ngay tại chỗ. Hai người khác tử vong khi đưa đến bệnh viện. Những người trong xe khách đều bị thương. Chiếc xe khách 30 chỗ ngồi biến dạng hoàn toàn bởi cú tông quá mạnh. Vụ tai nạn xảy ra vào lúc  9 giờ 20 phút.

Nhiều người dân đi xe gắn máy bất chấp biển cấm lưu thông trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Minh Trí - Chụp lúc 10 giờ 30 phút ngày 18/8/2014.

Trở lại với vụ tai nạn nghiêm trọng trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ngay sau khi sự việc xảy ra, nhiều người đã băn khoăn đặt câu hỏi: Vì sao trên đường cao tốc lại có người đi bộ? Trên đường cao tốc, người đi bộ, xe gắn máy, xe thô sơ không thể được phép lưu thông. Thế nhưng thực tế hiện nay, thật không khó để bắt gặp những trường hợp người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy trên những cung đường chỉ dành cho xe ôtô. Người đi bộ, đi xe đạp bất ngờ xuất hiện từ dải phân cách giữa; xe máy, xe ba gác đón khách, đón hàng bất chấp lệnh cấm lượn vèo vèo gần các khu vực điểm nút giao, nút thoát.

Dư luận đặt câu hỏi: Chỉ cần người tham gia giao thông, qua các cung đường này đều có thể bắt gặp, vậy sao các lực lượng chức năng không thấy? Phải chăng công tác đảm bảo hành lang an toàn đường cao tốc của chúng ta đang bị coi nhẹ?

Tai nạn giao thông xảy ra, dù có làm rõ được ai đúng ai sai, đều là điều không mong muốn. Hiển nhiên là vậy! Nhưng cũng chính vì thế, cần loại bỏ tới mức cao nhất những nguyên nhân mà người tham gia giao thông không hề mong muốn ấy. Đó phải là trách nhiệm của những người được giao quyền.

Một chiếc xe bồn tưới cây, giữa buổi sáng thanh thiên bạch nhật rõ ràng là chênh lệch hẳn so với một người phụ nữ nhỏ bé, giữa đêm hôm khuya khoắt. Nhưng hậu quả thì đều như nhau, đều rất nghiêm trọng. Vậy thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu vì tránh những chướng ngại vật bất thình lình không - hề - mong - muốn ấy mà xảy ra lật xe, tông xe liên hoàn?

Trên một diễn đàn khá nổi tiếng về giao thông có lượng thành viên đông đảo, người ta từng tổ chức một cuộc tham khảo quan điểm và kinh nghiệm của người tham gia giao thông khi gặp tình huống bất ngờ trên đường cao tốc.

Câu hỏi đại loại như sau: Nếu anh/chị đang đi trên đường cao tốc với tốc độ trên 80km/giờ, bất ngờ có người xuất hiện giữa đường, anh/chị sẽ xử lý như thế nào? Cùng với đó là 3 lựa chọn: 1. Ghì chặt vô-lăng, mắt nhìn thẳng, chân rà phanh giữ thẳng lái. 2. Bẻ lái vòng tránh. 3. Phanh gấp.

Sau những phân tích về sự nguy hiểm của hai phương án 2 và 3 với những nguy cơ tai nạn lật xe cho chính người điều khiển phương tiện đi đúng luật cũng như khả năng gây ra tai nạn liên hoàn với mức thiệt hại lên cả trăm lần, đa số đều chọn xử lý tình huống theo phương án 1.

Mai Khuê
.
.