Để giảm bớt nỗi đau từ hỏa hoạn

Thứ Ba, 06/04/2021, 08:00
Trong một tuần đã có 2 vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại TP Hồ Chí Minh khiến 9 người thiệt mạng (trong đó có 3 cháu nhỏ). Cả 2 vụ cháy đều xảy ra vào lúc rạng sáng, thời điểm mọi người đang say giấc. Một đặc điểm là những căn nhà bị cháy này đều chỉ có một cửa ra vào duy nhất, nhưng lối thoát hiểm lại bị chắn bởi các vật dụng, nhiều nhất là xe gắn máy.


Cháy xảy ra trong thời điểm nạn nhân không ý thức được, điện cúp, khói độc tỏa khắp căn nhà kín mít, nạn nhân trong cơn hoảng loạn khó thoát, ngạt khí tử vong. Từ thực tế của 2 vụ cháy nghiêm trọng này cho thấy, công tác PCCC của người dân còn quá lơ là.

Tột cùng nỗi đau

Rạng sáng 30-3, vụ cháy tại phường Cát Lái, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh đã để lại hậu quả vô cùng đau xót. Sáu nạn nhân trong vụ cháy gồm vợ, con gái, con trai, con dâu và 2 đứa cháu nội ngoại của ông Lưu Chấn Tâm (sinh năm 1967). Ai cũng quặn lòng khi nhìn là tấm ảnh của đứa bé 2 tháng tuổi, cháu nội ông Tâm. Người nhà chụp cho bé tấm ảnh này trong dịp đầy tháng, giờ trở thành tấm di ảnh!

Nỗi đau người ở lại sau mỗi vụ hỏa hoạn.

Ông Tâm, người sống sót duy nhất trong vụ cháy bị bỏng 9% độ 2 vùng tay, ngực, lưng, tinh thần hoảng loạn. Suốt cả ngày 30/3 khi công an và bác sĩ theo dõi hỏi gì ông cũng chỉ khóc và im lặng. Những vết phỏng trên người ông sao đau bằng sự mất mát cả 6 người ruột thịt chỉ trong chốc lát. Bởi vậy, ngoài việc chữa trị, các bác sĩ và cán bộ chiến sĩ Công an phải túc trực bên giường bệnh của ông để đề phòng ông bị kích động mạnh dẫn đến làm điều dại dột. Trong câu chuyện ngắt quãng, ông Tâm bật khóc.

Lúc đó khoảng hơn 1h sáng, trời nóng bức, ông nằm dưới sàn nhà trong phòng khách ngủ thì nghe tiếng nổ nhỏ. Lửa bùng phát từ 1 trong 5 chiếc xe gắn máy dựng trong nhà. Bên trong bà Loan vợ ông cùng con gái và đứa cháu ngoại ngủ, phòng kế bên là con trai, con dâu và đứa cháu nội 2 tháng tuổi. Lửa bén vào 4 xe gắn máy, vào ti vi, tủ lạnh.

Ông Tâm cầm chìa khóa chạy ra mở cửa chính và định quay vào lôi những người trong nhà ra. Nhưng lửa bùng phát mạnh bịt kín lối vào. Ông vừa khóc, vừa gào thét vừa kêu gọi những người xung quanh giúp mình đập tường để cứu mọi người. Người dân trong xóm phát hiện hô hào nhau chạy ra giúp và gọi PCCC. Những xô nước chuyền tay nhau tạt qua các lỗ thủng trên tường, qua cửa sổ chỉ như muối bỏ biển. Khi PCCC xuống, đám cháy được dập tắt nhưng 6 người trong nhà đã không còn.

Vụ cháy tại căn nhà trong con hẻm nhỏ trên đường Phạm Thế Hiển, phường 4, quận 8 khiến vợ chồng và đứa con gái tử vong cũng tương tự. Nhà cấp 4, bên trong chất nhiều đồ đạc. Phía trước cửa chính (lối thoát hiểm duy nhất) bị bít bởi xe gắn máy.

Khu vực này chủ yếu sử dụng nước giếng khoan. Đám cháy bùng phát, cả khu cúp điện, không thể sử dụng máy bơm bơm nước. Mọi người hô hào nhau xin nước từ các hộ dân sử dụng nước máy chuyền tay nhau từng xô dập lửa. Khi đám cháy được dập tắt, gác gỗ bên trong đổ sập đè cả 3 người tử vong. Người cha đã chết vẫn ôm đứa con gái trong lòng!

Thời tiết nắng nóng, chỉ cần lơ là thì hỏa hoạn sẽ xảy ra

Bài học phải trả giá quá đắt

Thiệt hại trong các vụ cháy, đặc biệt là thiệt hại về con người như hai vụ gần đây ở TP Hồ Chí Minh là vô cùng nghiêm trọng. Các chuyên gia về phòng cháy chữa cháy đã phân tích, việc để xảy ra hậu quả như vậy là có một nguyên nhân lớn do chủ nhà không quan tâm đến phòng cháy mà chỉ lo chống trộm.

Căn nhà cấp 4 trong vụ cháy rạng sáng 30-3 khiến 6 người tử vong ở phường Cát Lái, TP Thủ Đức rộng khoảng 60m2, phía trước và bên hông bị chắn bởi dãy phòng trọ, phía sau là con rạch, bên cạnh là bãi đất trống. Để có lối đi, cửa chính của căn nhà được đặt bên hông. Cửa chính này hẹp, chỉ đủ dẫn một chiếc xe vào, xập xệ. Bên trong chia làm 3 phần, 2 phòng ngủ cho 6 thành viên trong gia đình. Phần phía trước làm phòng khách nhưng 5 chiếc xe máy dựng chật kín lối đi. Lối thoát hiểm bị bít kín. Đám cháy không quá lớn nhưng 6 người không thoát khỏi bàn tay tử thần.

 Rạng sáng 20/3, một đám cháy bùng phát tại căn nhà 1 trệt, 2 tầng trên đường Tạ Uyên, phường 12, quận 5, nơi vừa là chỗ ở của 2 vợ chồng và 2 đứa con, vừa là cửa hàng kinh doanh phụ tùng. Ngọn lửa bùng phát từ tầng trệt, 4 người mắc kẹt bên trong không lối thoát bởi tầng trên cùng được chủ nhà bịt kín để… chống trộm. May mắn là lực lượng PCCC chuyên nghiệp đến kịp, triển khai đội hình chữa cháy, làm mát các căn hộ xung quanh (cũng là nhà ở vừa kết hợp kinh doanh) để chống cháy lan, vào hiện trường đưa 4 người ra ngoài an toàn.

Tài liệu từ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ  Chí Minh có khoảng 300 ngàn căn nhà vừa là nơi ở kết hợp với kinh doanh. Tại các khu đô thị chủ yếu là dạng nhà ống, xây dựng liền vách nhau và đều chỉ có một lối thoát hiểm duy nhất. Cháy nổ tại các hộ vừa làm nhà ở vừa kết hợp kinh doanh chiếm khoảng 50% trong các vụ cháy. Ở những ngôi nhà ống, phần lớn chỉ có lối thoát hiểm là phần mặt trước căn nhà. Để chống trộm, nhiều căn nhà còn thiết kế hàn gắn thêm những lồng sắt.

Nhiều căn hộ được cơi nới, kết hợp với kinh doanh, nên bỏ qua phòng cháy.

Bên cạnh đó, đa phần những nhà dân có mặt tiền thường tận dụng cho thuê gắn biển quảng cáo. Nhà nào tự kinh doanh thì gắn kín các khoảng trống bằng các lồng sắt để đề phòng trộm cắp. Tại khu vực các "lồng sắt" này, người kinh doanh còn tận dụng chứa đồ đạc. Xảy ra cháy, nạn nhân chỉ có thể cầu cứu trong tuyệt vọng.

Theo quy chuẩn của ngành xây dựng, giữa các nhà dân phải có khoảng trống để thoát hiểm và để đối lưu gió, thông khí. Tuy nhiên các nhà phố đều xây san sát nhau, ít ai nghĩ đến việc... nhà mình sẽ bị cháy. Tại các khu đô thị mới, khi xây dựng đều có khoảng trống này nhưng dần dà theo thời gian các khoảng trống này bị lấn chiếm, cơi nới, bịt kín.

Theo Đại tá Huỳnh Quang Tâm - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH-Công an TP Hồ Chí Minh, pháp luật đã quy định, cơ quan quản lý nhà nước về PCCC có nhiệm vụ thẩm duyệt, kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC của chủ đầu tư, chủ phương tiện đối với các dự án, công trình xây dựng. Tuy nhiên, thực tế, tại TP Hồ Chí Minh, cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn tình trạng lơ là giám sát, kiểm soát PCCC tại nhiều khu dân cư, chung cư, nhà cao tầng. Thậm chí nhiều nơi chưa qua thẩm duyệt, chưa đủ điều kiện PCCC nhưng dân cư đã đến ở đông đúc.

Lo ngại tình trạng trộm cắp, nhà dù có cửa hậu, ban công, lối thoát hiểm nhưng gia chủ còn hàn kín bằng khung sắt sử dụng thêm 2,3 lớp khóa rồi tận dụng khu vực này làm kho chứa đồ, cho thuê mặt tiền nhà để gắn biển quảng cáo.

Nhiều vụ cháy vào ban đêm gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản bởi vì khi xảy ra cháy thời điểm này người dân không thể kiểm soát, phát hiện cháy chậm dẫn đến cháy nhanh và tỏa ra khí độc dẫn đến bị mắc kẹt, tử vong do ngạt khí. Không có lối thoát hiểm, không trang bị các dụng cụ PCCC khiến người dân bị động trong chữa cháy, cứu người thân trong gia đình.

Nhiều nhà phố lắp thêm các khung sắt chống trộm làm mất lối thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn

Đại tá Tâm lưu ý: "Việc chống trộm là cần thiết nhưng hỏa hoạn có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi. Mỗi gia đình nên trang bị sẵn bình chữa cháy trong nhà để chủ động trong các tình huống, tự cứu mình và người thân trong khi chờ ứng cứu từ bên ngoài. Để ngừa trộm cắp, thay vì bịt kín bằng khung sắt, có thể gắn thêm bản lề có khóa để mở khi cần thiết. Nếu cửa thoát hiểm làm bằng kính thì nên trang bị búa, khóa và chốt mở cửa. Căn nhà chưa có lối thoát hiểm có thể mở cửa hậu, trổ cửa sổ, làm cầu thang lên mái, sân thượng.!"

Thượng tá Nguyễn Mạnh Thường - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH -  Công an TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Cần phải chủ động phòng ngừa nguy cơ cháy nổ. Nếu xảy ra cháy, trong thời điểm phát hiện lửa còn nhỏ thì cần hô hoán, báo động cho những người trong nhà và để người xung quanh kịp thời hỗ trợ.

Cần bình tĩnh sử dụng bình chữa cháy để kiểm soát đám cháy, tìm các lối thoát hiểm (cửa sổ, cửa ra ban công, cửa ra sân thượng). Khi cháy lớn thì mọi người cần bình tĩnh, không phải để dập lửa mà để tìm cách thoát nạn. Nếu mất bình tĩnh, nạn nhân dễ bị ngạt khí dễ dẫn đến thiệt mạng. Lúc này chữa cháy chuyên nghiệp có đến cũng khó cứu được tính mạng nạn nhân".

"Theo tôi nghĩ, người dân cần cập nhật kiến thức PCCC. Nếu là hộ kinh doanh thì cần biết sắp xếp hàng hóa ngay ngắn, không chắn lối thoát hiểm, kiểm tra các nguồn điện, nguồn lửa, các thiết bị điện trong nhà thường xuyên, trang bị các dụng cụ PCCC, dụng cụ phá cửa, để chìa khóa nơi cả nhà dễ nhìn thấy" - ông Bùi Tấn Thành, một người sống ở quận 5, kinh doanh buôn bán quần áo chia sẻ.

Huyền Đức - Đức Cương
.
.