Để lại “con giống” sau khi qua đời

Thứ Tư, 05/03/2014, 17:25

Một ngày đầu tháng 2/2014, Tiến sĩ Lê Vương Văn Vệ, Giám đốc Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, gọi điện cho tôi nói rằng ông vừa được các đồng nghiệp thông báo có một trường hợp nam thanh niên bị tai nạn giao thông, dù được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Việt - Đức nhưng không qua khỏi, gia đình người này muốn hiến tạng. Theo kế hoạch thì các bác sĩ sẽ lấy tim, gan, thận để tiến hành ghép cho các bệnh nhân đang chờ được ghép tạng. Để phục vụ cho việc nghiên cứu về sinh sản, Tiến sĩ Vệ sẽ mổ lấy tinh hoàn, "nếu nhà báo quan tâm thì khi nào vào bệnh viện tôi sẽ gọi…".

1- Sở dĩ bác sĩ Vệ được mời tham gia vào việc lấy tạng, bởi sau thành công từ ca thụ tinh nhân tạo từ tinh trùng của người chồng đã mất cách đây 4 năm cho ra đời 2 bé trai kháu khỉnh vào cuối năm 2013, đã có một số gia đình sau khi có thân nhân qua đời do tai nạn giao thông đã tìm đến nhờ Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội lưu trữ tinh trùng.

Trong số đó có một trường hợp ở tận Bình Dương. Đầu năm 2014, người thanh niên này chết vì tai nạn giao thông. Biết bác sĩ Vệ qua báo chí nên ngay sau khi tai nạn xảy ra vào buổi chiều, gia đình đã liên hệ nhờ lưu trữ tinh trùng.

Qua điện thoại, bác sĩ Vệ hướng dẫn bác sĩ pháp y mổ lấy hai tinh hoàn, sau đó lưu trữ bằng cách bọc hai tinh hoàn trong găng tay cao su rồi đặt trong một thùng đá. Người nhà tức tốc lên TP HCM bay ra Hà Nội. 12 giờ đêm hôm đó, người nhà nạn nhân mới đến bệnh viện. Ngay lập tức bác sĩ Vệ cùng các đồng nghiệp tiến hành mổ tinh hoàn lấy tinh trùng ra lọc rửa. Kết quả là tinh trùng vẫn sống.  

Bác sĩ Lê Vương Văn Vệ và đồng nghiệp mổ lấy tinh hoàn từ người vừa chết tại bệnh viện.

Mới sau Tết Nguyên đán, một gia đình ở Hà Đông lại tìm đến bác sĩ Vệ nhờ. Theo gia đình thì con trai họ 29 tuổi, chưa có vợ, sau một thời gian điều trị bệnh viêm gan nhưng không qua khỏi, hiện đang nằm trong bệnh viện và đã hôn mê 3 ngày. Gia đình muốn nhờ bệnh viện lưu trữ tinh trùng sau khi anh này qua đời. Sau 4 ngày hôn mê, người thanh niên này qua đời. Nhận tin báo, bác sĩ Vệ lập tức tới bệnh viện vào ngay trong phòng bệnh tiến hành mổ lấy hai tinh hoàn. Lúc này, bệnh nhân đã chết khoảng 1 giờ.

Bác sĩ Vệ kể rằng khi biết tiền sử bệnh tật của bệnh nhân, ông không hy vọng nhiều bởi người bệnh đã trải qua một thời gian dài điều trị bệnh gan nên dùng khá nhiều thuốc; đã thế lại trải qua 4 ngày hôn mê nên có thể cơ thể đã bị nhiễm độc toàn thân. Tuy nhiên, về tới bệnh viện sau khi mổ tinh hoàn lấy hết tinh dịch ra kiểm tra thì may mắn là còn rất nhiều tinh trùng vẫn sống khỏe mạnh.

"Để gia đình yên tâm, trước khi đưa vào tủ lạnh chuyên dụng để lưu trữ, tôi đã cho người thân của anh này xem trực tiếp những con "nòng nọc" đang bơi rất khỏe mạnh. Quả thực đó cũng là điều kỳ diệu của cuộc sống, bởi chủ nhân đã hôn mê sâu tới 4 ngày trước đó, vậy mà "con giống" vẫn rất khỏe mạnh. Trước mắt bệnh viện sẽ lưu trữ, còn chưa biết gia đình sẽ có ý định thế nào. Chúng tôi đang chờ gia đình qua lúc tang gia bối rối mới bàn bạc cụ thể".

Theo bác sĩ Lê Vương Văn Vệ, ngoài hai trường hợp đó, ông đã tiếp khoảng gần 10 gia đình đến đặt vấn đề nhờ lưu trữ tinh trùng sau khi người thân qua đời. Tuy nhiên, khi họ đến đặt vấn đề, ông cũng phải tư vấn hết mọi chuyện, nhất là về vấn đề kinh tế. Hiện nay, kinh phí lưu trữ thì không đáng kể, nhưng vấn đề quan trọng nhất mà ông nhấn mạnh là chi phí làm thụ tinh nhân tạo sẽ là 60 - 80 triệu đồng/ lần, nhưng không phải cứ làm một lần là thành công ngay mà có thể phải làm vài lần mới được. Rồi ngay cả khi đã thành công thì cũng phải tính tới tương lai của đứa trẻ sau này, ai sẽ là người nuôi dạy cho nó nên người mới là điều cần phải đặc biệt quan tâm vì đó là tương lai, số phận của một con người, nên ông luôn nói gia đình phải cân nhắc thật kỹ rồi hãy quyết định.

"Tôi phải nói hết mọi chuyện cho họ thấy được những khó khăn sẽ phải trải qua để họ quyết định có làm hay không. Vì thế nhiều gia đình sau khi nghe tôi tư vấn đã quyết định không lưu trữ nữa".        

2- Trở lại với trường hợp bệnh nhân ở Bệnh viện Việt - Đức. Đây có lẽ là một trong số rất ít gia đình tự nguyện hiến tạng của thân nhân cho y học. Bởi trong khi số người hiến xác phục vụ cho giảng dạy và học môn giải phẫu ở các trường y thì đã có khá nhiều, nhưng hiến tạng thì mới có rất ít vì phần đông vẫn quan niệm hiến tạng như vậy là "chết không toàn thây". Vì thế, dù ở Việt Nam mỗi năm có cả chục ngàn người chết não vì nhiều nguyên nhân, trong đó nhiều nhất là do tai nạn giao thông, nhưng rất ít người tự nguyện hiến tạng.

Theo một thống kê của ngành Y tế, từ ca ghép thận đầu tiên thành công tại Bệnh viện 103 vào năm 1992, đến nay cả nước đã có 12 cơ sở y tế làm chủ được kỹ thuật ghép tạng như Bệnh viện Việt - Đức, Bệnh viện 103, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện TW Huế, Bệnh viện Nhân dân Gia Định), Bệnh viện 115, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 198 ….

Không những thế, từ việc chỉ thực hiện ghép tạng trên người cho sống, Việt Nam đã thực hiện thành công ca ghép tim đầu tiên ngày 17/6/2010 tại Học viện Quân y. Đặc biệt, ngày 14/3/2011, Bệnh viện Việt - Đức đã lấy đa tạng của một bệnh nhân chết não và cùng một lúc tiến hành độc lập 3 ca ghép: tim, gan, thận cho 4 bệnh nhân.

Bác sĩ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội kiểm tra "con giống" trước khi đưa vào trữ lạnh.

Tuy nhiên, do khan hiếm nguồn tạng nên sau hơn 20 năm kể từ ca đầu tiên, đến nay cả nước mới có gần 900 người được ghép tạng, trong đó hơn 800 người được ghép thận từ người cho sống và 46 người được ghép thận từ người cho chết não, vài chục trường hợp được ghép gan, tim.

Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nhu cầu ghép tạng của người dân rất lớn, với khoảng 6.000 người suy thận có nhu cầu ghép thận, 1.500 người có chỉ định cần ghép gan và hơn 5.000 người có nhu cầu ghép giác mạc.

Trình độ kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam hiện nay không thua kém các nước trên thế giới. Một ca ghép gan tại Bệnh viện Việt - Đức chỉ mất 4 giờ và người ghép không mất nhiều máu. Chi phí cũng rẻ hơn rất nhiều so với nước ngoài. Dự kiến, đến năm 2015 Việt Nam sẽ thực hiện được các kỹ thuật khác của ghép tạng như ghép đa tạng (ghép thận đồng thời với ghép tụy, ghép tim đồng thời với ghép phổi).

Tháng 6/2013, Bộ Y tế đã thành lập Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cả nước đã có 13 cơ sở y tế đủ điều kiện để thực hiện các kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người. Mục tiêu mà ngành y tế đặt ra trong lĩnh vực ghép tạng là từ nay đến năm 2020 sẽ có 20-30 ca ghép tim, 1.000 ghép thận, 2.000 ca ghép giác mạc, 10-20 ca ghép phổi, 80 - 100 ca ghép gan …

Vì thế, với trường hợp này, ngoài tim, gan, thận, giác mạc sẽ được lấy để ghép cho các bệnh nhân có chỉ định phải ghép tạng đang chờ được ghép, Tiến sĩ Vệ sẽ mổ lấy tinh hoàn để phục vụ cho việc nghiên cứu chuyên sâu về sinh sản. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, các bác sĩ phát hiện người này đã bị bệnh gan một thời gian dài, vì vậy gan, thận, tim đều đã bị bệnh nên không thể lấy để ghép được nữa.

"Quả thực đó là điều rất đáng tiếc nhưng trong trường hợp này chúng tôi đành phải chịu" - Bác sĩ Vệ chia sẻ

Nguyễn Thiêm
.
.