Để nghệ thuật góp phần đẩy lùi bạo lực học đường

Thứ Ba, 01/10/2013, 14:45

Hiện nay, bạo lực học đường đã trở thành vấn nạn, nếu không có biện pháp đúng cách, nạn này sẽ gia tăng theo cấp số nhân chứ không phải là theo cấp số cộng. Nhiều nghệ sĩ trong cả nước từ nhiều năm nay khắc khoải với mầm non tương lai của đất nước và không ngừng sáng tạo nghệ thuật để đưa đời sống sân khấu đến với các em nhỏ, giúp các em có một sân chơi bổ ích, có được nhận thức tích cực, góp phần đẩy lùi tệ nạn học đường.

Tuy nhiên, cuộc chơi nghệ thuật này mới chỉ dừng lại ở độ tuổi thiếu nhi, còn sân chơi sân khấu cho thiếu niên lại tuyệt nhiên không có và gần như tuyệt chủng. Và, trên hết, tất cả những câu chuyện nhân văn, những kịch bản hấp dẫn, những giờ học âm nhạc ngoại khóa sẽ chẳng có ý nghĩa khi trẻ sống trong môi trường “không khí” gia đình, lớp học, xã hội bị “ô nhiễm” nghiêm trọng. Một ai đó đã nói: “Trẻ em như tờ giấy trắng, ta vẽ hình gì vào đó thì sẽ ra đứa trẻ như vậy. Vẽ tròn ra tròn. Vẽ méo ra méo”…

Thực trạng báo động …

Bạo lực học đường gia tăng là điều không thể chối cãi, nếu không xem bảng số liệu thống kê, hằng ngày nếu mở các trang báo trên phương tiện truyền thông, người ta không khỏi giật mình vì mức độ nghiêm trọng diễn ra ở lứa tuổi học sinh cắp sách đến trường. Bạo hành lan ra và người ta không thể thờ ơ trước những hành vi phạm pháp nghiêm trọng của các học sinh áo trắng.

Có những hành vi phạm pháp với lý do chẳng đâu vào đâu. Chỉ ngứa mắt vì bị "nhìn đểu" hay "ghét cái mặt" mà học sinh nữ hay học trò nam sẵn sàng gọi hội để "đả" nhau. Nếu nhẹ thì túm tóc đánh nhau, quay clip để cho nhau xem hoặc tung lên mạng. Khủng khiếp hơn, học sinh nữ còn sẵn sàng dằn mặt kiểu anh chị, dùng dao lam rạch nát mặt bạn, hoặc lừa bạn vào nhà nghỉ và gọi hội đến để hiếp dâm tập thể. Nhiều học sinh nam trong cặp không chỉ có sách vở mà còn là nơi cất những vũ khí như  dao, tiêu…

Những câu chuyện trên cách đây hơn 10 năm hẳn vô cùng hiếm hoi hoặc gần như không có, nhưng ngày nay nó đã trở nên chẳng xa lạ nơi học đường.

Nhiều bậc phụ huynh vẫn thường than rằng con em họ không còn say mê hoạt hình như thời cha mẹ, anh chị khi xưa. Trẻ nhỏ bây giờ chỉ thích nghịch điện thoại với iPhone, iPad. Chỉ cần đưa cho con một cái máy tính bảng là cô bé, hoặc cậu bé có thể say mê mà quên ăn quên ngủ, chúi đầu vào đó chơi mê mải. Chỉ một máy tính bảng có thể cầm cả thế giới trong tầm tay,  học trò quen nhau, kết bạn trên facebook, trò chơi, và mở các trang điện tử thì ôi thôi đủ các hình ảnh uốn éo của các cô nàng khoe thân, hoặc đoạn phim, cả bộ phim cấm trẻ dưới 16 tuổi rình rang trên mạng cũng khiến bọn con trai háo hức, tò mò, con gái học đòi chuyện người lớn.

Vài năm trở lại đây, mức độ nghiêm trọng về hành vi đầy thú tính do tác hại của game gây ra những vụ án rất đau lòng. Để có tiền chơi game mà hai đứa trẻ ở bậc THCS đã đang tay sát hại một cháu nhỏ. Vì cần tiền mua quà tặng bạn gái ngày 8-3 mà cháu trai đã ra tay giết hại bà của mình. Hay rùng mình đau đớn vì câu chuyện cách đây chưa lâu hai cậu học sinh giết rồi quẳng bà xuống ao để lấy 300 nghìn đồng đi chơi game.

Trong câu chuyện đạo đức của thế hệ học trò hiện nay lỗi thuộc về ai? Tại gia đình quản lý con chưa nghiêm, hay do cả thời gian dài nhà trường buông lỏng giáo dục, rèn luyện về đạo đức? Hay do các lý do khách quan và chủ quan của xã hội? Trong khi loay hoay đi tìm lời giải đáp và các nhà giáo dục học đang soạn thảo giáo trình dạy công dân cho các trường học thì các nghệ sĩ của hai miền Nam, Bắc từ nhiều năm nay đã cặm cụi, sáng tạo không ngừng để đưa những câu chuyện đời thường đầy tính nhân văn lên sân khấu. Một loại hình nghệ thuật dễ tiếp cận được với các em nhỏ, giúp các em nhận thức, góp phần bổ trợ cho sự hình thành nhân cách. 

Bạo hành học đường, vấn nạn nhức nhối.

Đưa nghệ thuật vào tiếp cận với trẻ nhỏ - Bài học ngoại khóa bổ ích

Nữ danh hài, NSƯT Minh Vượng mặc dù vướng vào nhiều căn bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng nhưng chị vẫn không ngừng sáng tạo để diễn phục vụ cho các em thiếu nhi. Những vở kịch ngắn chị diễn cho thiếu nhi đa phần đều là một mình chị  kiêm luôn 3 vai, vừa viết vừa đạo diễn dàn dựng lại thêm nghề diễn xuất. Những câu chuyện chị viết ra giàu cảm xúc và mang tính giáo dục cao. Vở kịch thiếu nhi mới nhất, chị hóa thân vào vai con cún. Người chị đã dư thừa cân nặng vậy mà giữa mùa hạ nóng nực chị phải mặc trên người bao quần áo, phục trang để hóa thân thành chú cún nhỏ.

Chị bảo: "Phải dạy cho trẻ biết gần gũi, yêu thương động vật. Trẻ con ngay từ bé mà đã đá con chó, đánh con mèo, ngắt cây hoa thì lớn lên sẽ không biết yêu thương, nhân ái với đồng loại".

Hiện nay, giờ giáo dục công dân ở nhà trường được xem là môn học phụ và với kiểu đọc cho chép có vẻ như học sinh rất khó tiếp thu. Mớ lý thuyết giáo điều, khô cứng sẽ được thay bằng những giờ học ngoại khóa chất lượng, nghệ sĩ kết hợp với nhà trường tạo nên sân chơi  bổ ích và bài giảng về đạo đức có chất lượng hơn.

Nhiều nghệ sĩ đau đáu với vấn đề này, Giám đốc Nhà hát chèo Hà Nội, NSƯT Thúy Mùi từ nhiều năm qua đã mở sân khấu thiếu nhi diễn kín lịch tại rạp Đại Nam, (phố Huế, Hà Nội). Nhà hát nơi chị lãnh đạo kết hợp với nhà trường có những buổi sinh hoạt ngoại khóa cho trẻ em đi tham quan Viện bảo tàng rồi xem kịch thiếu nhi. NSƯT Minh Vượng chủ yếu diễn kịch thiếu nhi.

Chị kể, mỗi khi diễn xong, mồ hôi mướt mát, mặt đỏ phừng phừng nhưng vừa ra đến cửa bọn trẻ đã ào đến: "Chị Vượng ơi, em yêu chị lắm", thế là bao nhiêu mệt mỏi lại quên hết. Chị bảo, có những bậc phụ huynh gặp chị nói: "Hồi còn nhỏ, em xem chị diễn, bây giờ đến lượt các con em xem chị diễn". Chị cười vui sướng, lớn tuổi như thế này được gọi là chị thích ghê lắm. Mượn loài vật sáng tạo ra những câu chuyện nhân văn và mang tính giáo dục cao lại dễ tiếp cận với trẻ nhỏ.

Cặp đôi Xuân Bắc - Tự Long vẫn thường tung hoành khắp trên các sân khấu thiếu nhi. Hai danh hài hay diễn siêu nhân và quái thú. Xuân Bắc yêu trẻ em đến độ, khi tốt nghiệp đạo diễn Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội anh đã làm chủ đề thiếu nhi, và có nhiều nghiên cứu sâu về trẻ em.  Anh mở lòng: "Ai cũng đã từng trải qua tuổi thơ. Một tuổi thơ đầy những giấc mơ và khát vọng. Với trí tưởng tượng phong phú và tâm lý hồn nhiên, ngây thơ, các em luôn mơ ước được trở thành người lớn. Bé trai muốn trở thành siêu nhân để bảo vệ người khác. Bé gái muốn xinh đẹp như một nàng công chúa…". Kịch của anh luôn hướng trẻ đến khát vọng công bằng, cái ác sẽ bị đẩy lùi và trả giá.

Nhà hát Tuổi trẻ trên phố Ngô Thì Nhậm sáng Chủ nhật hằng tuần diễn phục vụ khán giả nhí. Ở các tỉnh phía Nam, những nhà hát khác, song song với dựng chính kịch, hài kịch, tiểu phẩm cho người lớn là thời lượng diễn xuất cho thiếu nhi như: Sân khấu nhỏ 5B, sân khấu Idecaf, sân khấu Phú Nhuận, sân khấu Lê Hay. Tuy nhiên, các nghệ sĩ yêu thiếu nhi đều đưa ra nhận định: Ở thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) có 7 nhà hát cho các cháu thiếu nhi. Ở Tokyo (Nhật Bản) cũng có 7 nhà hát cho nhi đồng. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, trẻ em có rất nhiều chỗ để vui chơi giải trí, nhiều nhà hát nghệ thuật dành riêng cho trẻ nhỏ. Còn ở Việt Nam hầu như chưa có một nhà hát nào dành riêng cho lứa tuổi thiếu nhi. 

Nghệ sĩ diễn kịch cho thiếu nhi.

Trong những ngày này, dịp Tết Trung thu, các đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc từ Nam chí Bắc đều hướng đến sân khấu thiếu nhi. Tại Đoàn kịch 1, Nhà hát Tuổi trẻ chia làm 3 tốp,  diễn "Tôn Ngộ Không" hoạt động hết công suất để phục vụ cho khán giả nhí. Ngay kể cả các tốp trong nhà hát đi diễn xa, tiền cát-xê cũng không đáng là bao. Một suất diễn với giá 100 nghìn đồng, nếu không vì yêu nghề, yêu trẻ nhỏ thì khó lòng diễn viên muốn theo nghề diễn xuất.

Không chỉ có những nghệ sĩ sân khấu, mà các nhạc sĩ khác như nhạc sĩ Chu Minh, tác giả của những ca khúc cách mạng nổi tiếng "Người là niềm tin tất thắng", "Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam"… cũng vẫn thường nói: "Trẻ em phải cho chúng biết yêu âm nhạc. Nghe và học âm nhạc. Tôi tin ai yêu âm nhạc thì không bao giờ làm điều gì độc ác cả". Nhạc sĩ Phạm Tuyên, tác giả của các ca khúc thiếu nhi: "Con kiến mà leo cành đa", "Bà còng đi chợ", "Cái cò đi đón cơn mưa"… mở lời: "Cái khó của ca khúc thiếu nhi là phải thích hợp ngay cả khi các em vui chơi".

Hiện nay, một số trường cấp II, cấp III trên phạm vi toàn quốc đã bắt đầu áp dụng đưa bộ môn nghệ thuật vào dạy thêm trong các giờ học ngoại khóa. Tại các trường THCS ở TP Bắc Ninh, hát xoan -  văn hóa phi vật thể được đưa vào trong các giờ học ngoại khóa. Tại các trường ngoại thành Hà Nội, hát xẩm một loại âm nhạc có nguy cơ bị thất truyền cũng được đưa vào giảng dạy.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong một bài phỏng vấn đã nói: "Tôi tin những ai yêu văn học và thơ ca thì không bao giờ là kẻ giết người".

Để học sinh yêu văn học, thơ ca thì cần phải có giáo viên giỏi, tài năng và đạo đức. Một người nghệ sĩ sáng tác nên một tác phẩm nhưng để tiếp cận tác phẩm đó đến học sinh cần một cầu nối là người thầy. Và trên hết, học sinh cần được sống trong một môi trường lành mạnh, được yêu thương trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội. Nếu không, tất cả những câu chuyện cổ tích do các nghệ sĩ sáng tạo vẫn mãi chỉ là những câu chuyện cổ tích mà thôi.

Cho dù câu chuyện có nhân văn đến đâu, áng văn thơ có giàu biểu cảm đến thế nào, nhưng, nếu cuộc sống bộn bề, hỗn loạn, trẻ sẽ có cái nhìn tiêu cực và sa lầy. Giáo dục trẻ không chỉ là bài học trên sách vở, lý thuyết giáo điều khô cứng mà là những gì mắt thấy, tai nghe, sinh hoạt muôn mặt đời thường…

Theo thống kê của Bộ Công an, trong năm 2012 tình hình tội phạm do người chưa thành niên (từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi) thực hiện có chiều hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 60% hành vi phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chiếm khoảng 32%, và dưới 14 tuổi chiếm khoảng 8% trong tổng số các vụ phạm tội do người chưa thành niên và trẻ em gây ra.
 
Năm 2012, cả nước xảy ra 8.820 vụ vi phạm pháp luật (tăng 231 vụ so với năm 2011) do 13.300 trẻ em, người chưa thành niên gây ra. Trong đó độ tuổi từ 14 đến 16 chiếm 31,9% và từ 16 đến 18 chiếm 61%, tập trung nhiều nhất ở bậc THCS (41,8%). THPT chiếm 31,9%. Riêng TP HCM, trong năm 2012 đã xảy ra hơn 5.000 vụ phạm pháp hình sự. Trong đó, trẻ chưa thành niên chiếm 1.223 đối tượng, tăng 11,09% so với năm 2011.

Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em thống kê năm 2012 so với 10 năm về trước, vụ bạo hành tại trường học tăng gấp 13 lần (trong khi bạo hành tại cộng đồng tăng 7 lần, bạo hành với trẻ em tại gia đình tăng gấp 3 lần).

Mỹ Trân
.
.