Đi XKLĐ sang Nga: Cẩn thận kẻo tiền mất nợ mang!

Thứ Năm, 26/03/2009, 14:45
Trong hợp đồng, người lao động được chủ sử dụng cam kết trong 3 năm làm thợ may công nghiệp sẽ tính lương theo sản phẩm nhưng đảm bảo thu nhập tối thiểu 4.400 USD/năm, làm việc không quá 10 tiếng/ngày họ phải nộp 2.250USD, trong đó 1.200USD nộp trước khi đi và 1.050USD trừ vào những tháng lương đầu tiên...

Ký hợp đồng 4.400 USD/năm, đi làm được... 50.000đ/ngày

Đó là tình cảnh bi đát của các chị Phạm Thị Minh Hải, ở Thị Cầu, Bắc Ninh; Nguyễn Thị Đào, ở Giang Sơn, Đô Lương, Nghệ An và Hồ Thị Hoa, ở  xã Đức Giang, huyện Yên Dũng, Bắc Giang.

Tháng 1/2009, Trung tâm Đào tạo và Xuất khẩu lao động (XKLĐ) Viglacera (thuộc Tổng Công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng - Viglacera) đưa các chị sang Nga làm việc. Trước khi đi, người lao động được ký 2 bản hợp đồng, một bản với chủ sử dụng là Công ty TNHH Milateks do ông Hồ Văn Thanh là đại diện, và một bản với Viglacera do ông Trần Quốc Thái, Phó tổng giám đốc làm đại diện.

Tại hợp đồng ký với chủ sử dụng lao động tại Nga, 3 chị được chủ sử dụng cam kết trong 3 năm làm thợ may công nghiệp sẽ tính lương theo sản phẩm nhưng đảm bảo thu nhập tối thiểu 4.400 USD/năm, làm việc không quá 10 tiếng/ngày; người lao động phải nộp 2.250USD, trong đó 1.200USD nộp trước khi đi và 1.050USD trừ vào những tháng lương đầu tiên của người lao động.

Ngoài ra hàng tháng người lao động phải nộp 140USD/tháng trong năm đầu tiên (40USD tiền thuế lao động, 60USD tiền ăn, 15USD tiền nhà ở, điện, nước, gas, 10USD tiền xà phòng, dầu gội và phục vụ giặt, 15USD tiền phục vụ nấu ăn). Từ năm thứ 2, thứ 3 số tiền này là 170USD.

Nhưng, chỉ sau hơn 20 ngày làm việc tại Công ty TNHH Milateks, ngày 12/2/2009, chị Đào và chị Hải đã phải về nước. Hiện tại, chị Hoa vẫn đang tiếp tục làm việc do không có người bảo lãnh khoản tiền 1.000USD để về.

Trong lá đơn gửi báo chí, chị Hải ghi rõ: Khi sang, chị được đưa đến trụ sở công ty là một trường học bỏ hoang. Chủ sử dụng lao động không sắp xếp chỗ ăn, ở cho lao động mà người lao động tự phải đi kiếm từng tấm gỗ dưới trời tuyết và các mảnh vải cũ để về tự đóng dát giường nằm và làm chăn đắp.

Ngay những ngày đầu tiên làm việc, chị đã phải làm 15-16 tiếng/ngày. Mỗi bộ quần áo may hoàn chỉnh, các chị nhận được 20.000đ tiền công (tính tiền Việt Nam). Một ngày làm việc cật lực cũng chỉ may được 3 bộ quần áo, nghĩa là cùng lắm cũng chỉ được 60.000đ/ngày.

Thực tế với mức tiền công được trả là 20.000đ/bộ quần áo thì cho dù mỗi ngày may được đến 5 bộ, người lao động cũng chỉ thu nhập chưa đến 200 USD/tháng, thấp hơn nhiều so với mức thu nhập tối thiểu Công ty TNHH Milateks ký với người lao động qua sự môi giới của Trung tâm Đào tạo và XKLĐ Viglacera.

Nước Nga không phải “thiên đường” xuất khẩu lao động?

Từ vài tháng nay, không ít lao động của các công ty Sovilaco, Sông Hồng, Airseco đã phải về nước trước hạn do không có việc làm...

Dù chưa có văn bản, nhưng Bộ LĐ-TB&XH đã không ít lần cảnh báo các doanh nghiệp XKLĐ không nên đưa lao động sang làm việc cho các chủ sử dụng người Việt tại Nga.

Cục trưởng Cục QLLĐNN Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết: trong số 5.000 lao động Việt Nam làm việc hợp pháp tại Nga hiện nay, có 1.600 lao động do các doanh nghiệp XKLĐ đưa sang. Cũng như nhiều nước, khủng hoảng kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp ở Nga gặp khó khăn, vì vậy thời gian tới tìm việc làm ở Nga sẽ càng khó.

Ông Quỳnh cũng cảnh báo các doanh nghiệp XKLĐ cần cẩn trọng trong việc tìm đối tác bởi tại Nga hiện không ít những “doanh nghiệp một ngày”, thu được tiền của đối tác rồi biến mất.

Là một trong những người trực tiếp khảo sát và đưa lao động sang làm may nhưng chỉ được một thời gian rất ngắn đã phải đưa về, ông Nguyễn Xuân Vui, TGĐ Công ty Airseco cho biết dù trước khi ký hợp đồng, ông đã khảo sát rất kỹ, nhưng tác động của suy thoái kinh tế đến các doanh nghiệp ở Nga quá nhanh nên doanh nghiệp của ông đành chấp nhận thiệt hại đưa lao động về nước, trả lại toàn bộ chi phí kèm theo lãi suất ngân hàng.

Từ kinh nghiệm “xương máu” của mình, ông Vui cho rằng với thị trường Nga, doanh nghiệp XKLĐ nên ký hợp đồng trực tiếp với chủ sử dụng lao động là người Nga.

Ngay cả khi ký hợp đồng với công ty sử dụng lao động tại Nga cũng phải rất thận trọng ở giấy phép lao động (quota). “Tuy nhiên, để tránh rủi ro cho cả lao động và doanh nghiệp, tốt nhất là nên tạm ngừng các hợp đồng, bởi vào thời điểm này không thể nói chắc được điều gì”.

Hãy cảnh giác trước lời mời đi Nga

Trong khi nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng đưa lao động sang Nga bởi thị trường khó khăn như vậy thì những ngày qua, nhiều lao động tại Thanh Hóa đã được Công ty Cổ phần Cung ứng dịch vụ Hàng không mời chào đi lao động ở Nga với mức lương hấp dẫn (từ 600USD - 1.000USD/tháng).

Tại Văn phòng đại diện của công ty này ở số 468A đường Nguyễn Trãi, TP Thanh Hóa, chúng tôi được nhân viên của công ty đưa cho hàng loạt đơn tuyển lao động đi Nga do ông Nguyễn Văn Thuật, Giám đốc Trung tâm XKLĐ ký.

Sáng 12/3, chúng tôi tiếp tục tìm tới Trung tâm XKLĐ của công ty này ở số 14, tổ 53 Trung Kính, Cầu Giấy (Hà Nội), tiếp tục được Phó giám đốc Trung tâm Bùi Sĩ Duẩn khẳng định công ty đang tuyển lao động đi Nga làm nghề cơ khí. Ngoài tuyển lao động đi Nga, trung tâm này còn tuyển lao động đi Cộng hòa Síp và Macau.

Nhưng, điều bất ngờ là qua xác minh thông tin tại Cục QLLĐNN chúng tôi được biết Cục chưa hề thẩm định đơn hàng nào của Công ty Cổ phần Cung ứng dịch vụ Hàng không cho các thị trường này.

Cục trưởng Cục QLLĐNN Nguyễn Ngọc Quỳnh khẳng định Công ty Cổ phần Cung ứng dịch vụ Hàng không chưa được Cục cho phép thực hiện hợp đồng nào đưa lao động sang Nga.

Cho tới thời điểm này, hệ lụy từ “cơn lốc” đi Séc cách đây hơn một năm vẫn còn rất nặng nề với cả doanh nghiệp và người lao động. Rất nhiều người đã chấp nhận chi cả chục ngàn USD để kiếm một suất đi Séc nhưng cuối cùng vẫn phải ở nhà mà tiền thì cũng không đòi được.

Vì vậy, để tránh cho người lao động không lặp lại bi kịch này, đã đến lúc Cục QLLĐNN cần có biện pháp xử lý mạnh với những doanh nghiệp vi phạm và sớm công bố thông tin về thực tế các thị trường cho người dân biết

Nguyễn Thiêm - Phương Anh
.
.