Đi lễ mùa dịch: Cầu may hay... rước họa

Thứ Ba, 23/03/2021, 15:12
Đi lễ đền, chùa đầu năm để cầu an, cầu may đã trở thành yếu tố tâm linh gắn liền với văn hóa tín ngưỡng bao đời của người Việt. Mỗi dịp đầu Xuân, hiện tượng dòng người quá tải, chen lấn lại xuất hiện ở nhiều điểm di tích, lễ hội. Nhưng, trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh COVID-19 hết sức phức tạp, hình ảnh biển người chen chúc tại các điểm du lịch tâm linh vừa qua khiến không ít người lo ngại.


Đi lễ mùa dịch - con số giật mình

Mỗi dịp đầu xuân, người Việt lại hành hương về cõi Phật. Khắp các ngôi chùa lớn nhỏ trên cả nước như chùa Hương, Yên Tử, Tây Phương, đền Trần, chùa Bái Đính... người dân trên mọi miền đổ về trẩy hội, du xuân. Người Việt đi lễ xin lộc đầu năm để cầu mong được khỏe mạnh, ước nguyện một năm mới an lành, no ấm cho gia đình và người thân. Thời điểm đi lễ là để thanh tịnh tâm hồn, gạt bỏ những muộn phiền lo âu của năm cũ. Trong không gian của đất Phật, không còn chen lấn xô bồ, chỉ có những thành tâm. Mùi khói nhang, màu sắc rực rỡ của đèn hoa hòa cùng không gian chốn linh thiêng sẽ làm lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản.

Người dân đi lễ chùa Hương ngày mở cửa 13-3-2021.

Thế nhưng, nhiều năm trở lại đây, cùng với điều kiện kinh tế phát triển, giao thông thuận lợi, mỗi dịp đầu năm, hình ảnh tràn ngập trên các phương tiện thông tin là chen lấn, quả tải, xô bồ ở các đền chùa, các điểm di tích nổi tiếng. Điều đáng ngại nhất là hình ảnh này lại xuất hiện trong năm 2021, khi tình hình dịch bệnh còn phức tạp, chúng ta mới tạm chiến thắng dịch giai đoạn 3.

Ngay từ đầu năm, từ Trung ương đến địa phương đều xác định tinh thần "chống dịch như chống giặc", đặt yếu tố an toàn của nhân dân lên hàng đầu. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi các địa phương có dịch COVID-19 bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng tạm dừng tổ chức lễ hội, các hoạt động văn hóa tập trung đông người. Đối với các địa phương chưa phát sinh dịch bệnh, phải giảm quy mô, điều chỉnh hình thức, thời gian tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của ngành y tế tại nơi tổ chức các hoạt động... để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Hàng loạt lễ hội lớn trong cả nước như lễ hội chùa Hương, chùa Bái Ðính, chùa Tam Chúc, Yên Tử, khai ấn đền Trần, chợ Viềng, lễ hội Gióng... đã tuyên bố dừng tổ chức hoặc không khai hội. Một lượng lớn chốt kiểm soát tại các địa điểm diễn ra hoạt động lễ hội, tâm linh được thành lập để nhắc nhở, xử lý những hành vi vi phạm về phòng, chống dịch. Cùng với đó là sự xuất hiện nhiều văn bản của các cấp quản lý nhà nước yêu cầu các địa phương kiểm tra, thực hiện các nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm túc các yêu cầu về phòng, chống dịch khi tới các điểm di tích, cơ sở thờ tự...

Nhưng, ở nhiều nơi, nhiều di tích ý thức của người dân cũng như tinh thần kiểm soát phòng, chống dịch chưa cao, nhiều người lơ là, chủ quan không đeo khẩu trang, không thực hiện khoảng cách theo quy định phòng, chống dịch. Con số về lượng khách du lịch những ngày tết Nguyên đán ở một số tỉnh, thành phố sở hữu nhiều lễ hội cũng khiến nhiều người phải giật mình. 

Với Hà Nội là 122 nghìn lượt khách (từ ngày 10 đến 16-2), Ninh Bình là hơn 62.000 lượt khách (từ 10 đến 15-2)... Trên mạng xã hội, không thiếu hình ảnh cả gia đình 5-7 thành viên từ người già đến trẻ nhỏ đi lễ chùa; hay những hình ảnh túm năm tụm ba khấn vái mà không chú ý khoảng cách hoặc có những người còn không đeo khẩu trang... Thậm chí, Công an Hà Nội còn phát hiện có người sẵn sàng chi tiền triệu chỉ để được vào chùa Hương khi di tích đang thực hiện đóng cửa chống dịch.

Tập trung quá đông người thiếu biện pháp đảm bảo khiến nguy cơ lây lan đại dịch.

Giữa tháng 3, ngay khi các di tích ở Hà Nội và một số địa phương lân cận được mở cửa trở lại, lượng khách đổ về càng lớn. Những thông tin như: Mở cửa 3 tiếng, chùa Hương đón 1,5 vạn du khách; ngày đầu mở cửa trở lại, chùa Hương đón gần 3 vạn du khách... thật không biết nên vui hay nên buồn! Cùng thời điểm ấy, hình ảnh biển người chen chúc tại một khu du lịch tâm linh được đưa lên mạng xã hội mấy ngày qua, nhiều người không đeo khẩu trang khiến không ít người bật thốt lên: Đây có lẽ là những người chưa từng biết trên thế giới đang có dịch COVID-19! Ban quản lý khu du lịch tâm linh này cho biết, trong ngày 14-3, ước tính khoảng 5 vạn người đã đổ về đây.

Không ai dám chắc, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp điều này không trở thành nguy cơ khiến tình hình có thể tệ hơn, gây khó khăn cho công tác truy vết, dập dịch.

 “Khát” lễ lạt đến vậy?

Lý giải về tâm lý đổ xô đi lễ, PGS. nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền cho rằng, đó là thói a dua của một bộ phận người, không hiểu văn hóa đi lễ cầu may đầu xuân ra sao chỉ đi theo phong trào.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền cho rằng thói a dua đổ xô đi lễ cần được nhận thức đầy đủ.

“Người xưa đi lễ hội là hành hương, mục đích là thanh lọc tâm hồn cho phù hợp với điều thiêng liêng mà họ tin, nên đi lễ hội là gột rửa được lòng trần, gột rửa những tham lam, giận dữ, ích kỷ. Giờ quan niệm bị lệch đi, cái tâm thế đi hội đã khác nên mới chen chúc, giẫm đạp, ẩu đả. Người hôm nay đi chùa, đi lễ hội như đi du lịch, nó không còn thiêng nên rất lộn xộn” - ông Trần Lâm Biền nhận xét.

Đi lễ đầu năm là nhu cầu tâm linh của mỗi người, không ai có quyền cấm đoán hay phán xét. Nhưng, trong bối cảnh dịch bệnh, nên chăng mỗi người cũng xem lại nhu cầu tâm linh của mình. Có cần thiết phải đổ xô đến các điểm di tích, thờ tự để chen lấn, xô đẩy, tự chuốc cho mình nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh? Trong khi, việc thực hành nghi lễ, không nhất thiết phải đến chùa, đến các điểm di tích. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa khẳng định, việc thực hiện các nghi thức tại chùa hay tại nhà cũng không khác biệt. Bản chất của các thực hành tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng là sự thể hiện niềm tin/đức tin, lòng thành kính của những người chung niềm tin tôn giáo.

Ngay từ đầu năm 2020, khi bắt đầu xuất hiện dịch COVID-19, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có hướng dẫn về việc thực hành các nghi thức lễ bằng hình thức trực tuyến. Nhiều hoạt động của Giáo hội cũng được tổ chức trực tuyến như khóa lễ cầu an, lễ Phật đản...

Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: “Trong điều kiện không cho phép người dân tới chùa chiêm bái, nhất là lúc đại dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp thì nhờ các ứng dụng trực tuyến, họ có thể tụng kinh, niệm Phật, thực hiện các nghi thức tâm linh. Nếu thực sự có tâm thành kính thì dù đến chùa hay thực hiện các nghi thức tâm linh trực tuyến thì cũng không có gì khác biệt”.

Bàn về "Phật tại tâm"

Thực tế, như trong đạo Phật từng nhấn mạnh “Phật tại tâm” - mọi sự tốt xấu đều do tâm của mình. Nếu chúng ta làm những điều tốt đẹp ngay với những người xung quanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất thì những điều tốt đẹp cũng sẽ đến với mỗi chúng ta.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, mong ước của người dân về sức khỏe, sự bình an, thậm chí tài lộc... là mơ ước chính đáng. “Tuy nhiên, đi lễ để cầu những điều này trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay thì cần phải xem lại. Chúng ta có thể cầu những điều này vào những ngày rằm, mùng 1 trước bàn thờ tổ tiên, thờ Phật ở gia đình. Đâu nhất thiết phải lên chùa mới thực hiện được nghi thức này” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho biết, người Việt có câu, “Phật tại tâm”. Muốn cầu mong những điều tốt đẹp đến với mình thì bản thân người đó phải sống đẹp, sống tốt đã. “Sống đẹp là sống vì mọi người, để từ đó chúng ta thấy tình cảm giữa người với người thật nồng ấm. Và đó cũng là triết lý sống của người Việt từ trước tới nay với những đức tính như yêu thương, đùm bọc, chia sẻ, đoàn kết. Cũng chính triết lý ấy đã tạo ra sức sống mãnh liệt cho dân tộc Việt Nam! “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, mỗi người dân luôn cần thể hiện trách nhiệm của mình trong những hoàn cảnh đất nước gặp khó khăn. Nhận thức được như vậy sẽ giúp mỗi người dân có tinh thần tốt hơn, thoải mái và nhẹ nhàng hơn trước những khó khăn như dịch bệnh hiện nay” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định.

Theo ông Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trước nhu cầu tâm linh của người dân, các địa phương cần chủ động dự báo tình hình và xây dựng kế hoạch, các cấp độ kiểm soát, chỉ có như vậy mới không bị động, không xảy ra những hiện tượng quá tải như tại khu du lịch Tam Chúc vừa qua. “Các địa phương, các nơi có di tích, danh thắng trọng điểm khác cần rút kinh nghiệm và triển khai xây dựng ngay biện pháp, kế hoạch cho mình. Mặt khác, công tác tuyên truyền về ý thức phòng chống dịch bệnh, thực hiện nếp sống văn minh tại các địa điểm di tích, danh thắng cũng cần tiếp tục được đẩy mạnh” - ông Lê Đức Trung nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo ông Lê Đức Trung, các điểm di tích cần điều chỉnh, phân chia lưu lượng khách. Thay vì cùng lúc đón một lượng khách lớn đổ tới, có thể có giải pháp để phân chia các nhóm khách, khống chế số khách vào di tích, nơi thờ tự ở từng thời điểm sao cho bảo đảm tốt nhất các nguyên tắc phòng dịch... ”Với các cá nhân có nhu cầu thực hành lễ hội cũng cần nâng cao ý thức phòng dịch. Chẳng hạn, thay vì đi vài ba gia đình như trước thì nay chỉ cần người đại diện đi lễ cho cả nhà hoặc thay vì đi lễ đầu năm thì chờ tới thời điểm khác trong năm, khi tình hình dịch ổn hơn mới tiến hành. Việc đơn giản hóa, hi sinh những nhu cầu cá nhân vì lợi ích chung của cộng đồng trong lúc này cũng chính là thể hiện ý thức, trách nhiệm công dân đối với toàn xã hội” - ông Lê Đức Trung cho biết.

Vâng, với thực tế như đã diễn ra tại một số đền, chùa đầu xuân Tân Sửu 2021, nếu chúng ta không trang bị cho mình tâm thức, ý thức, kiến thức về việc tham gia các hoạt động văn hóa, tâm linh trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay thì rất có thể, đi lễ không chắc là chúng ta đang cầu an, cầu may mà rước bệnh vào bản thân!

Thảo Nguyên
.
.