Đi lễ thời suy thoái

Thứ Hai, 17/02/2014, 18:30

Như thường lệ, những ngày đầu tháng giêng mọi người đi lễ chùa cầu an, hY vọng bước sang năm mới một năm an lành và may mắn. Người Hà Nội đi Tứ trấn, đi chùa gần nhà, đi những ngôi chùa, đình, đền, phủ nức tiếng của thủ đô. Người ở quê ai nấy cũng đi lễ chùa làng, chùa xã, chùa huyện, chùa tỉnh.

Năm nay, năm Giáp Ngọ những chuyện mắt thấy, tai nghe ở chốn tâm linh thật có nhiều biến động khác với mọi năm. Kinh tế lạm phát. Trước tết phố Hàng Buồm (con phố cổ nổi tiếng của Hà Thành chuyên cung cấp các loại bánh kẹo) vắng hoe. Siêu thị những ngày giáp Tết cũng thưa thớt, èo uột người sắm sanh, hàng hóa ê hề có cung nhưng thiếu cầu. Và giờ những ngày đầu năm mới Giáp Ngọ người ta đến chốn tâm linh với một phong thái khác, rất khác mọi năm…

Phủ Tây Hồ tọa trên một ụ đất sát mép Hồ Tây, sông nước mênh mang, nơi thờ Bà chúa Liễu Hạnh, một trong tứ bất tử của Việt Nam (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Công chúa Liễu Hạnh, Chử Đồng Tử) ngay từ những ngày đầu năm đã chật kín người đến lễ. Nơi đây được coi là một trong những chốn linh thiêng bậc nhất Hà thành. Người cầu duyên, cầu tài, cầu văn chương chữ nghĩa đều cúi mình thành kính trước tam tòa thánh mẫu. Người năng nhang khói ở khắp nơi mà ra Thủ đô chưa đến được Phủ Tây Hồ coi như là vô vị.

Năm nay, ngay từ bãi trông xe vào đến cửa Phủ cách cả hàng trăm mét, chả hiểu sao lại lắm ông đồ nho đến thế. Dễ đến hơn trăm ông. Gọi là ông đồ nho cho oai, chứ thực ra không biết khả năng đến đâu. Có ông phong thái nho nhã, cử chỉ thanh tao. Có ông lại to béo bụng phệ, quần ống thấp ống cao, khăn xếp đội lệch trên đầu, bộ dạng thảm hại. Có ông lại gầy guộc, nhỏ bé, da xanh sạm như người thiếu ăn, vẻ mặt rầu rĩ, ngơ ngác giữa dòng người đổ vào lễ, tấp nập qua lại. Các ông đồ mặc áo vàng, áo đỏ; đầu đội khăn xếp màu vàng, màu đỏ.

Ồ thì ra, các "ông đồ" viết sớ dâng sao giải hạn nên họ mặc áo và khăn cùng màu với tờ sớ. Một ông đồ bảo: "Đầu năm mặc màu đỏ cho xuân, mặc màu vàng cho thịnh". Chả biết xuân - thịnh cỡ nào nhưng các "ông đồ" cứ cả ngày dài ế ẩm. Khác với mọi năm, mỗi bàn ông đồ ngồi viết sớ chật hẹp, đông đúc, khách xếp hàng đợi chờ thì năm nay, mặc dù, khách thập phương ra vào tấp nập, hầu như rất ít người viết sớ, những ngày đầu năm mới, họa hoằn mới có một vài ông đồ có khách còn lại thì "ông đồ" ngồi một mình ngắm phố phường qua lại.

Một "ông đồ" buột miệng than: "Ế quá, từ sáng đến giờ chưa thấy ai viết sớ", ông đồ bên cạnh bảo: "Tôi từ sáng đến giữa trưa mới có một bác viết ba tờ sớ. Thời buổi đói kém, người ta lễ lạt cũng ít đi". Rỗi việc, các ông đồ lại ngồi bàn chuyện rôm rả xảy ra hôm tết đăng trên báo chồng bắn chết vợ trước đêm 30, hay chuyện ngay trước giao thừa một chị phụ nữ mất luôn hai người con, hay chuyện tai nạn giao thông tăng vọt trong dịp tết…

“Viết sớ chữ nho” ông đồ ế ẩm.

Trong dòng người đông đúc nêm cối ấy, người hành hương đi lễ họ vừa đi vừa nói với nhau đủ chuyện. Một gia đình đi gần cạnh chúng tôi nói đủ to, người con gái hỏi: "Có viết sớ không nhỉ?", một bác đứng tuổi chắc là mẹ cô gái bảo: "Có chứ, nhưng chọn ông đồ nào mặt thông minh, nghiêm túc thì lại ngồi viết chứ ông đồ nào nhố nhăng thì xin kiếu". Cô gái bảo: "Lắm ông đồ thế này thì biết đồ nào là đồ thật, đồ nào là đồ rởm đây". Bà mẹ nói: "Cứ chọn cụ già đứng tuổi ấy, thời buổi kinh tế khó khăn có khi đói quá thì mang cái bàn, cái ghế ra ngồi chứ thực chất biết gì về chữ mà đòi viết sớ".

Năm nay, Ngân hàng Nhà nước hạn chế in tiền có mệnh giá thấp tiền 2.000, 1.000, 500 vô cùng khan hiếm. Tưởng các hàng đổi tiền lẻ đi lễ sẽ ăn nên làm ra không ngờ họ cũng ế ẩm  chả kém gì mấy cửa hàng viết sớ dâng sao giải hạn. Một chị đổi tiền lẻ ở gần cửa Phủ Tây Hồ bảo: "Chả năm nào thất thu như năm nay. Suốt từ trước tết đến giờ ế dài".

Một chị khác bán bánh kẹo bảo: "Dân tình làm gì có tiền đâu mà đổi, tiền ăn còn khó nói chi là dâng tiền cho Thánh. Đến như hoa quả bánh kẹo của tôi mà vẫn ê hề ra đây. Dân tình mua chậm lắm. Túc tắc mãi, mòn cả mắt mới bán được vài ba đĩa hoa quả, trầu thuốc". Chị đổi tiền lẻ nói: "Thế mà bãi để xe ôtô đến bạt ngàn ra, đầy xe đẹp". Chị bán hoa quả bảo: "Ối giời! Cố gắng lắm đấy. Dân mình ưa sĩ hão mà. Có cái xe để oai thôi chứ ối ông bà đi xe sang hay siêu xe thì cũng sắp vỡ nợ đến nơi. Trông giàu có xênh xang thế nhưng đói rã họng. Diễn cả đấy". Rồi chị đổi tiền và chị bán hoa quả lại nói chuyện về các doanh nghiệp phá sản, vỡ nợ.

Phủ Tây Hồ càng vào sâu cửa Phủ càng đông đúc từ ngày mồng 4 tết để lễ bái các đấng bề trên, khách thập phương đã phải chen chúc chật chội. Mọi năm, vào những ngày này tại các nơi bày đồ cúng ở ban Công đồng, ban Mẫu, ban Sơn Trang đã mâm này quả nọ, khay cúng linh đình hoành tráng, năm nay các khay bày ít hơn hẳn. Lễ vật cũng nghèo nàn ít nhiều tùng tiệm hơn. Khay đặt tiền lễ tại các bàn đặt lễ toàn tiền lẻ mệnh giá 1.000, 2.000 họa hoằn lắm mới thấy tờ mệnh giá 10.000. Chứ mọi năm tiền 20.000, tiền 50.000, tiền 100.000, tiền 200.000 thả xuống là chuyện thường. Ngoài sân phủ, đoàn người sau khi hành lễ tụ tập ngắm cảnh chuyện trò. Họ nói nhiều, nói to, họ vui mừng vì vô tình gặp nhau.

Câu chuyện của họ rôm rả, một anh trung tuổi bảo: "Em đứng ngoài này đợi nhà em và hai gia đình nữa. Đoàn em vừa sang Bà Chúa Kho rồi vòng về đây, lát lại đi một tua mấy nơi nữa". Người kia bảo: "Đi đông mấy gia đình cơ à" . Anh trung tuổi trả lời: "Hai gia đình kia làm ăn thua lỗ vừa bán ôtô giữa năm. Đi chung ba gia đình cho vui lại đỡ tốn kém tiền taxi…".

Lễ xong Phủ Tây Hồ, chúng tôi qua cầu Chương Dương sang đền Ghềnh, Gia Lâm. Đền Ghềnh ngày đầu năm khách thập phương đông nhưng không quá chật chội. Đặc sản ở đây là khế ngọt và bánh đa nước, trầu têm cánh phượng. Quán xá hàng ăn vặt cũng ríu rít bên cửa đền. Có điều ngạc nhiên, cứ ngỡ ngày đầu năm người ta dâng hương, hoa, oản quả ngùn ngụt nhưng thật ra khách đến lễ bái thì nhiều nhưng bày lễ lại rất ít. Khác hẳn mọi năm, để tìm được một ô nhỏ để bày khay lễ là rất khó.--PageBreak--

Còn một điều khác nữa, mọi năm chắc có lẽ dư giả tiền lẻ, người ta "hối lộ" thánh thần bằng cách nhét tiền vào các kẽ tay, kẽ chân, trên đùi trên bụng các ông hoàng bà chúa, các cô các cậu, năm nay người ta thành kính để vào mâm hoặc cài trên các lọ hoa. Các năm về trước cứ nhìn thấy các pho tượng bị người đời đem sự ô tạp văn hóa vật chất vào chốn tâm linh bằng cách cứ dúi tiền vào các tượng thánh thần.

Nhìn những bức tượng đang uy nghi nghiêm ngắn lại bị người phàm cài cắm tiền vào khe bàn chân, kẽ tay, trên bụng, kẽ tai, thậm chí có người còn phạm thượng đặt cả vào miệng bức tượng. Sự bất kính của người hành hương đến lễ, có tội mà không biết mình mắc tội gì. Lại chỉ nghĩ rằng đó là điều thành kính thì thật là tai hại.

Nhiều năm liền hiện tượng này phổ biến ở nhiều nơi. Ngó nhìn những bức tượng tâm linh bị người đời bóp méo, tô vẽ thành ra méo mó mà thấy xen kẽ trạng thái vừa buồn cười, vừa bực dọc. Năm nay, hiện tượng ấy giảm hẳn ở nhiều nơi.

Đền Ghềnh, những ngày đầu xuân năm mới, tiếng hát văn các giá chầu ngọt ngào đưa đẩy, tiếng kèn tiếng sáo vi vu, mùi nhang khói, tiếng lầm rầm khấn vái, chốn tâm linh đượm màu linh thiêng huyền bí. Ngoài cửa đền mấy bác bán hàng nước nói chuyện với khách thập phương loanh quanh cũng chỉ chuyện kinh tế lạm phát, năm nay chả mấy ai sắm sanh gì nhiều. Mọi chi phí cho việc mua bán đồ thờ cúng ở chốn tâm linh giảm mạnh. Những người làm hàng mã cũng bị thất thu.

Ở quầy bán đồ lễ rộn ràng, một cô bảo: "Lấy về nhiều hàng bây giờ chỉ có chết. Mấy ai mua nhiều nữa đâu. Bánh kẹo còn để lại túc tắc bán chứ  hoa quả ế ẩm, không cẩn thận là hỏng hết cả"…

Hàng đổi tiền lẻ vắng khách ngày xuân

Bất giác, tôi nhớ hôm rồi đi lễ tại một ngôi đền, một bác bên cạnh khấn vái nói rõ to: "Lạy thánh, thánh thương, thánh độ cho, năm trước nhà con làm ăn khấm khá dư giả nên con lễ mặn mâm xôi, oản, quả linh đình dâng thánh, năm nay nhà con sa cơ lỡ vận túng bấn, nên không hầu thánh như trước được. Năm nay, thánh thương, thánh gia ân cho gia họ chúng con làm ăn phát đạt, con lại đến để hầu hạ thánh chu đáo…". Hay những lời lầm rầm khấn vái: "Thánh thương, Mẫu thương cho con trúng mánh con mua ôtô, thì cả năm con hương hoa đi hầu thánh, hầu mẫu…".

Phàm người trần mắt thịt ai mà chẳng có mong muốn ước mơ. Mong cầu về sức khỏe, danh vọng, tiền tài, tình duyên. Một khi con người thôi không ước mong thì xã hội sẽ không phát triển, thậm chí sẽ thụt lùi. Nhưng có cần sòng phẳng đến thế?! Con người ta chỉ cần có đức tin.

Khi có đức tin trong tâm, sự giao thoa trong tâm, chỉ là thành kính ngay trong suy nghĩ, "thánh thần" đã động lòng trắc ẩn. Không phải mâm cao cỗ đầy, không phải của cải vật chất dồn đẩy đổ vào nhiều sẽ được chứng nhiều, người dâng ít sẽ được chứng ít, tất cả là do tâm hướng đến. Chỉ cần mình với trước mặt là một pho tượng, tượng to tượng nhỏ chẳng quan trọng, tượng hay không tượng cũng không quan trọng, chỉ cần tâm hướng đến, một lòng thành kính, "thánh thần", Phật pháp tọa trên 9 tầng mây cũng hỉ xả và dang tay cứu giúp khổ nạn chúng sinh

Mỹ Trân
.
.