Xây dựng “thương hiệu” Nhà hát Lớn Hà Nội về nghệ thuật và du lịch:

Đi sau mà vẫn phấp phỏng, vì sao?

Thứ Năm, 11/05/2017, 15:45
NSƯT Triệu Trung Kiên cũng cho rằng, cả hai chủ trương xây dựng Nhà hát Lớn Hà Nội thành điểm biểu diễn chương trình nghệ thuật chất lượng cao và mở cửa nhà hát phục vụ khách du lịch tham quan kết hợp xem biểu diễn nghệ thuật đều cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, từ chủ trương thành hiện thực có khi là khoảng cách rất dài…


Chỉ trong một thời gian không dài, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch liên tiếp đưa ra 2 chủ trương liên quan đến Nhà hát Lớn Hà Nội - công trình kiến trúc tiêu biểu của thủ đô nói riêng, cả nước nói chung.

Tuy nhiên, chủ trương "cấm cửa" chương trình nghệ thuật kém chất lượng, xây dựng nhà hát thành điểm đến thưởng thức nghệ thuật chất lượng cao được chờ đợi. Chủ trương thứ hai là đưa nhà hát vào phục vụ khách tham quan, kết hợp khai thác du lịch và biểu diễn nghệ thuật không hẳn được kỳ vọng nhiều. Thậm chí còn e ngại việc triển khai 2 chủ trương có thể sẽ "đá" nhau về mặt tiêu chí.

Lại chuyện "cũ người mới ta"

Theo kế hoạch dự kiến, từ tháng 6-2017, Nhà hát Lớn Hà Nội - "thánh đường nghệ thuật" sẽ được đưa vào khai thác phục vụ du lịch. Theo đó, du khách đến nhà hát có 2 lựa chọn: tham quan tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc của nhà hát hoặc kết hợp tham quan với thưởng thức nghệ thuật.

Nhà hát Lớn Hà Nội - Tâm điểm của 2 chủ trương gây nhiều chú ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thời gian gần đây.

Việc khai thác Nhà hát phục vụ du lịch được coi là bước tiếp theo trong thực hiện chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong khai thác Nhà hát thành điểm biểu diễn chương trình, tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao, bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Thế nhưng, cả người làm du lịch và nghệ sĩ không hẳn mặn mà. Lý do là mô hình này đã được thế giới thực hiện từ lâu. Việt Nam đi sau nhưng chưa chắc thành công.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt, người có nhiều năm liền làm chủ nhiệm câu lạc bộ hướng dẫn viên du lịch TP Hồ Chí Minh kiêm giảng viên thỉnh giảng tại nhiều trường đào tạo về du lịch và cũng là một trong số các gương mặt nổi tiếng... đi nhiều, viết nhiều về du lịch khẳng định, việc mở cửa Nhà hát Lớn Hà Nội, lẽ ra đã nên làm từ lâu.

Trên thế giới, công trình kiến trúc tiêu biểu, có lịch sử lâu đời, đồ sộ hơn Nhà hát Lớn Hà Nội nhiều lần đã đang được khai thác phục vụ du lịch rất hiệu quả. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ du lịch, các nước đã thực hiện thành công từ rất lâu. Muốn tìm hiểu, học hỏi cách làm này không khó và cũng không cần phải đi đâu quá xa vì các nước láng giềng Việt Nam đều có rất nhiều chương trình, điểm biểu diễn nghệ thuật phục vụ du lịch rất nổi tiếng.

Khán giả xem biểu diễn nghệ thuật chất lượng cao tại nhà hát.

Tại Bangkok, Thái Lan, thậm chí cả Siemreap, Campuchia hiện nay đều có những khu vực biểu diễn rộng lớn, thậm chí lên đến hơn 1ha với những chương trình biểu diễn thường xuyên, liên tục, phục vụ hàng ngàn khán giả mỗi show là chuyện rất bình thường. Vé xem những chương trình dạng này bán rất rẻ. Giá vé chỉ từ một vài USD/người nhưng nhân với con số hàng ngàn vé, mỗi chương trình mang về doanh thu rất cao. Cách làm của họ rất linh hoạt, thậm chí chiết khấu cho người đưa khách đến rất cao. Trong khi đó, Nhà hát Lớn Hà Nội là điểm đến sang trọng nhưng số ghế ngồi không nhiều, vé bán chắc chắn giá cao mới mong có thu bù chi.

Đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam thì chia sẻ rằng, là người trực tiếp làm nghệ thuật, anh không thực sự kỳ vọng nhiều vào chủ trương khai thác Nhà hát Lớn Hà Nội vào phục vụ du lịch. Dù rằng, với các nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật truyền thống được biểu diễn tại nhà hát này luôn là niềm mơ ước. So với một số bộ môn nghệ thuật truyền thống khác, nghệ sĩ cải lương, đặc biệt là nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam khá... thiệt thòi vì không có điểm biểu diễn cố định. Mỗi vở diễn được đầu tư dàn dựng, muốn đến với khán giả, nhà hát phải đi thuê. Giá thuê rẻ và được ưu ái như rạp Hồng Hà cho mỗi đêm diễn cũng mất khoảng 15 triệu đồng.

Khán giả cải lương vốn eo hẹp, doanh thu vé bán không nhiều. Đam mê gửi cả vào các đêm diễn lưu động, sân khấu tối giản với bục bệ cũ kỹ, đơn giản đến mức không thể đơn giản hơn.

Thế nên, hơn nửa năm trước, biết tin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trương xây dựng Nhà hát Lớn thành điểm biểu diễn nghệ thuật chất lượng cao, nghệ sĩ tâm huyết với nghề rất mừng. Với cơ sở vật chất của nhà hát, ít nhất, nghệ sĩ cũng có cơ hội thể hiện tài năng, thăng hoa cùng nghệ thuật hơn.

Thế nhưng, sang năm 2017, việc hiện thực hóa chủ trương này đang bộc lộ nhiều vấn đề cần được tháo gỡ. Cầu nối đến đối tượng chính cần hướng đến là khán giả chưa thực sự "thông suốt". Việc quảng bá tác phẩm trước khi công diễn đã có nhưng thông tin chưa thực sự "đập vào mắt", buộc người khác phải tìm hiểu. Đơn vị, nghệ sĩ  có tác phẩm biểu diễn tại nhà hát cũng thực hiện theo cách "có cái thì bán cái ấy", không biết sản phẩm mà khán giả thực sự cần hay không và phải điều chỉnh ra sao để phù hợp với đối tượng khán giả cần chinh phục.

Chưa kể, việc chọn tác phẩm biểu diễn chưa thực sự thỏa đáng. Tác phẩm được chọn phải là tác phẩm từng đoạt giải thưởng của liên hoan nên không thể là tác phẩm mới. Có những tác phẩm đoạt giải chưa chắc được khán giả yêu thích. Trong khi đó, không phải chỉ có tác phẩm đoạt giải mới có chất lượng cao. Vì vậy, có những chương trình, vé bán ra rất ít. Nghệ sĩ, đơn vị có tác phẩm biểu diễn phải tự chào mời người mua từng chiếc vé xem chương trình...

Chương trình biểu diễn nghệ thuật chất lượng còn như thế, với chương trình biểu diễn hướng đến đối tượng khách du lịch, người làm nghệ thuật càng không đặt nhiều hy vọng. Thực tế đã chứng minh, nhiều  quốc gia đã xây dựng được các điểm đến với các chương trình biểu diễn mang tính đặc thù. Tuy nhiên, các chương trình biểu diễn phục vụ du lịch thường đề cao yếu tố giải trí.

Lâu nay, nghệ sĩ cải lương đã quen với cách sống:  nghề chính có khi thành... nghề phụ. Nhiều nghệ sĩ gắn bó với nhà hát nhưng kiếm sống chủ yếu chạy sô làm MC, biểu diễn bên ngoài. Có thêm một vài chương trình nghiêng về yếu tố giải trí, dù là biểu diễn ở "thánh đường nghệ thuật" như Nhà hát Lớn hay không cũng không quá quan trọng...

Từ chủ trương tới... thực hiện

Thực tế, hoạt động biểu diễn nghệ thuật hướng đến đối tượng khách du lịch tại Việt Nam cũng không mới nhưng doanh thu từ các chương trình có đủ chi đầu tư, duy trì hoạt động sáng tạo cho nghệ sĩ lại là vấn đề nhiều nan giải.

Nghệ sĩ Linh Huyền, "bà bầu" của chương trình nghệ thuật "Hồn Việt" từng chia sẻ rất thật rằng, mỗi show diễn, chị đều tổ chức để khán giả đánh giá. Chương trình được cả người làm chuyên môn lẫn khán giả đánh giá cao nhưng chỉ dựa vào doanh thu bán vé sẽ không đủ bù đắp vốn đầu tư. Sở dĩ "Hồn Việt" duy trì được, dù rằng không hẳn đã đều đặn và nhiều như mong muốn thì vẫn phải trông chờ thêm vào nguồn tài trợ từ các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động ngoài lĩnh vực nghệ thuật. Nếu nhà tài trợ "buông tay" là người làm tổ chức lập tức lao đao.   

"Hừng đông" - một trong số vở cải lương được chọn ra Nhà hát Lớn Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Mỹ cũng bày tỏ e ngại rằng biểu diễn nghệ thuật hướng đến khách du lịch đã được các nước thực hiện thành công nhưng với cách thức làm của Việt Nam lâu nay thì rất khó.

Trừ Nhà hát múa rối Thăng Long tại Hà Nội, múa rối Rồng Vàng tại TP Hồ Chí Minh và À Ố Show của công ty cổ phần giải trí Làng Phố tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh, các chương trình của các đơn vị khác chưa thực sự đủ sức hấp dẫn và có sức sống bền lâu. Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Văn Mỹ, có một điểm chung của các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ du lịch thành công là họ có tính tự chủ rất cao, cách thức tổ chức linh hoạt, quyền lợi "sát sườn" nên buộc phải năng động, sáng tạo, nhập cuộc quyết liệt.

Với Nhà hát Lớn Hà Nội thì khác. Dù sao, đây vẫn là đơn vị thuộc hệ thống công lập. Việc "vận hành" chủ trương vẫn là nhiều cơ quan, đơn vị nên rất dễ vướng vào "vết xe đổ" cũ theo kiểu ai cũng có trách nhiệm nhưng không thành công thì vẫn "hòa cả làng". Chưa kể, cách làm chương trình của Việt Nam lâu nay thường quá ôm đồm. Làm du lịch cũng như làm kinh tế, cần có trọng tâm, trọng điểm. Nếu cái gì cũng là mũi nhọn, rất dễ thành kinh tế... "sầu riêng".

Với việc khai thác phục vụ du lịch của Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên giao thẳng trách nhiệm cho một đơn vị, cho cơ chế tự chủ, thậm chí mạnh dạn giao hẳn cho đơn vị tư nhân thực hiện. "Tất nhiên, đơn vị được chọn phải có uy tín, kinh nghiệm, đủ điều kiện để đưa chủ trương thành hiện thực và được cơ quan quản lý phải có cơ chế giám sát chặt chẽ" - ông Mỹ nhấn mạnh.

Đạo diễn, nghệ sĩ ưu tú Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc nhà hát Cải lương Việt Nam.

Nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn Triệu Trung Kiên cũng cho rằng, cả hai chủ trương xây dựng Nhà hát Lớn Hà Nội thành điểm biểu diễn chương trình nghệ thuật chất lượng cao và mở cửa nhà hát phục vụ khách du lịch tham quan kết hợp xem biểu diễn nghệ thuật đều cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, từ chủ trương thành hiện thực có khi là khoảng cách rất dài.

Mỗi đơn vị nghệ thuật có "thương hiệu", mỗi nghệ sĩ có tài năng luôn cần những bệ phóng đủ mạnh để tỏa sáng. Để các bệ phóng này vận hành hiệu quả, vẫn rất cần những cơ chế linh hoạt hơn. Cả người thực hiện dàn dựng tác phẩm nghệ thuật và làm công tác quảng bá chương trình cần có sự tiếp thu, lắng nghe ý kiến từ đối tượng khán giả mong muốn hướng đến...

Minh Hải
.
.