Đi tìm gốc tích bùa lèo: Thánh địa Wat Phou

Thứ Tư, 05/02/2014, 16:05

Ượi Kheng cho biết, Phou Kao là ngọn núi linh thiêng, bởi vậy hàng ngàn năm trước, người Chân Lạp đã chọn nơi đây là kinh đô đầu tiên trước khi đi dần xuống phía nam lục địa. Kinh đô cổ ấy nằm dưới chân núi Phou Kao, bây giờ là quần thể di tích Wat Phou. Một số vị cao tăng Phật giáo Lào cũng thừa nhận, bùa lèo xuất phát từ di tích này.

Vì sao Phou Kao trở thành Thánh địa Pháp sư Lào?

Phú (một phiên dịch người Lào gốc Việt) đưa chúng tôi vào Wat Phou bằng cổng chính với giá vé 35.000 kip cho 1 người đi bộ và 50.000 kip cho 1 người được đi xe điện quãng đường khoảng 2km vào tận chân đền cổ. Vì có chủ đích, chúng tôi chấp nhận đi bộ.

Điểm đầu tiên để ghé của tất cả các du khách là bảo tàng - nơi trưng bày những hiện vật cổ thu hoạch từ những lần khai quật di chỉ. Nhân viên bảo vệ vui vẻ, hòa nhã nhưng rất kiên quyết không cho chúng tôi chụp ảnh. Lý do cơ bản anh ta đưa ra là: "Quý khách cần ảnh các di vật thì hãy mua bộ sách ảnh chúng tôi đang bày bán. Quý khách tự chụp, bảo tàng chúng tôi sẽ… thất thu".

Rất nhiều tượng cổ được trưng bày tại đây, đặc biệt có một đầu tượng Phật được trưng bày trang trọng nhất. Đó là tượng đầu Phật bị dân buôn cổ vật đánh cắp khỏi Wat Phou đi vòng quanh thế giới rồi cuối cùng lọt vào tay một nhà sưu tầm người Nhật. Khi sở hữu được đầu tượng Phật, nhà sưu tầm người Nhật trở nên mất ăn mất ngủ vì chứng kiến nhiều chuyện lạ xảy ra trong nhà mình. Thế là cuối năm 2009, ông quyết định trả lại đầu tượng về với đền Wat Phou thông qua Đại sứ quán 2 nước Nhật - Lào.

Để đón nhận di tích hoàn nguyên, Chính phủ Lào tổ chức lễ đón rước trọng thể tại Wat Phou vào đầu năm 2010 với 4.000 ngọn đèn dầu thắp sáng liên tục từ chân đền lên đến đỉnh núi Phou Kao suốt 3 ngày đêm.

Chúng tôi đi xuyên qua con đường có hàng trăm trụ linga bằng đá trồng 2 bên, leo lên hàng trăm bậc thang đá dựng đứng để vào ngôi đền chính có đặt những  tượng Phật mang nét đặc trưng của triều đại Chân Lạp cổ.

Tài liệu lịch sử Lào được bày bán trong Bảo tàng Wat Phou cho biết, UNESCO đã công nhận quần thể di tích cổ này là Di sản Thế giới vào năm 2001 và là nơi lưu giữ các giá trị về lịch sử và văn hóa Lào.

Các tài liệu này xác định, Wat Phou là một đền thờ cổ của người Chân Lạp được xây dựng từ thế kỷ thứ V sau Công nguyên. Trong đống đổ nát do thời gian, thành Crethapura, kinh đô đầu tiên của vương quốc Chân Lạp vẫn còn hiện hữu khá rõ nét và đang được các nhà khảo cổ học thế giới bắt tay tôn tạo dần. Ở phía sau ngôi đền, một dòng suối chảy ra từ yoni đá vẫn được bảo quản nguyên vẹn. Ở cạnh sườn núi, nhiều di chỉ lạ vẫn còn nguyên vẹn trên các khối đá lớn như: hình Phật hiện, dấu bàn chân Phật, dấu hình voi…

Các nhà khảo cổ học phát hiện rằng, cánh cổng phía nam của di tích chiếu thẳng đến đền cổ Angkor Wat của Campuchia và đền cổ Prehvihia. 3 di tích cổ này cùng với ngôi đền cổ ở Myanmar tạo thành một đường thẳng trên mặt lục địa. Thuở xưa, có một con đường thẳng tắp, nối liền Wat Phou với Angkor Wat dài khoảng 100km. Con đường đó, bây giờ đã bị gãy khúc do thời gian và sự phát triển của các đô thị dân cư.

Những tàn tích còn lại cho thấy, tín ngưỡng Hindu và thuyết Vật linh đã xuất hiện tại đây. Theo các nhà sử học, Wat Phou là đền thờ xưa nhất ở Lào, từng là trung tâm thờ thần Shiva. Đến thế kỷ XIII, khi Phật giáo từ Thái Lan và Myanmar tràn sang rồi trở thành quốc giáo trên đất nước Vạn Tượng thì Wat Phou biến dần thành ngôi chùa Phật. Khi Wat Phou được các nhà sư đến gìn giữ, thì những thầy tế rời đền lùi sâu vào rừng tìm những hang đá tu luyện. Những thầy tế này là những vị tổ của giới pháp sư Lào ngày nay.

Khi Phật giáo chưa ảnh hưởng đến ngôi đền Wat Phou, hằng năm tại đây diễn ra nhiều nghi lễ tế thần rùng rợn.

Bàn chân Phật và phù điêu voi trên vách núi Phou Kao được cho là thiên nhiên tạo tác.

Tương truyền rằng mỗi năm một đêm, vua Chân Lạp vượt qua những sườn núi hiểm trở, đột nhập vào trong đền, nơi có lính canh giữ, hạ sát một nhân mạng lấy máu hiến tế thần linh để cầu mong cho đất nước được bình yên, thịnh vượng

Sau này, Kumantha - người kế thừa Wat Phou tiếp tục duy trì tập tục bằng việc đích thân mình cắt cổ một đôi nam nữ trinh trắng để lấy máu hiến tế thần.

Khi Phật giáo xuất hiện, tục hiến tế nhân mạng được thay thế bằng lễ hiến tế trâu song song với lễ hội cầu mưa.

Trong dân gian Lào vẫn còn một truyền thuyết khác về lễ hiến tế ở Wat Phou. Truyền thuyết kể rằng, lãnh chúa Champa Nakhon có một người con gái tên Nàng Phăn đã bị một chàng trai quyến rũ dẫn đến có thai. Một ngày, chàng trai sực tỉnh nhận ra thân phận thấp kém của mình không xứng với Nàng Phăn.

Lo sợ bị lãnh chúa trừng phạt, chàng trai bỏ đi mất xứ. Nàng Phăn si tình căm giận chàng trai đã tuyên một lời nguyền: Người con gái nào bị con trai quyến rũ mà chửa hoang như nàng thì phải cúng thần một con trâu để giải tội. Nếu không thì lúa trên rẫy sẽ chết khi thành bông, lúa trên đồng sẽ khô héo, tàn lụi.

Thế nhưng ở đâu cũng có những cô gái lầm lỡ. Vì vậy để cứu mùa màng, hằng năm người dân đều phải dùng trâu làm lễ giải tội. Thế nhưng mỗi dịp hội lễ giải tội là nam thanh nữ tú lại vui vẻ hẹn hò. Sau đó họ lại "ăn cơm trước kẻng" và lời nguyền vẫn cứ tồn tại.

Ngày nay, lễ Wat Phou là lễ hội Phật giáo lớn nhất ở Lào, được tổ chức liên tục trong 3 ngày vào dịp rằm tháng 3 âm lịch. Mỗi dịp lễ hội, không những người dân khắp đất nước Lào mà người dân ở các tỉnh láng giềng vùng đông bắc Thái và Nam Myanmar cũng nô nức hành hương về đây. Trong lễ hội, ngoài các vị sư Phật giáo làm vai trò chủ lễ, còn có những thầy mó "hiệp sĩ" của 3 nước láng giềng Campuchia, Thái Lan và Myanmar cùng làm vai trò chăm sóc "ma" cho người hành hương.

Như vậy là đã rõ, giao thoa văn hóa tín ngưỡng giữa Hindu giáo (thờ linh vật) và Nam tông Phật giáo đã sản sinh ra nhiều thế hệ tu sĩ tự do tức các pháp sư Lào ngày nay.

Giống như những tu sĩ người Việt ẩn cư ở núi Tà Lơn (núi Bokor, Campuchia), những thế hệ tu sĩ này truyền thừa những phương pháp tu tiên tại thế.--PageBreak--

Xuất phát từ tín ngưỡng thờ linh vật

Sư Thích Thanh Tịnh trụ trì chùa Luang Van (tức chùa Long Vân) ở xóm Nhà Đèn, Pakse cho biết: "Ở Lào đa số các chùa đều theo hệ phái Nam Tông. Hầu hết các sư chùa Lào đều biết làm bùa chú để phát cho tín đồ. Vì vậy, việc hành nghề của các pháp sư không được xem là mê tín dị đoan mà là tín ngưỡng".

Các nhà nghiên cứu gọi các pháp sư là tín đồ của thuyết Vật linh. Đó là một tôn giáo bản địa của hầu hết những người Môn Khmer (người Khmer cổ) xuất xứ từ giai đoạn phôi thai của kinh đô cổ Wat Phou. Tín ngưỡng này lan sang một số sắc tộc Mông, Myanmar, Tây Tạng và Thái cho đến tận ngày nay.

Tín ngưỡng này cho rằng, tất cả mọi vật đều có linh hồn. Tảng đá, gốc cây, hang động, con suối, nanh heo, sừng trâu… Nếu con người biết cách "kêu gọi" bằng "mật khẩu" sẽ đánh thức linh hồn trong vật. "Mật khẩu" chính là câu chú mà các pháp sư hay dùng.

Những pháp sư theo tín ngưỡng Vật linh có thể biến một vật bình thường như nanh heo, móng cọp thành kà thá (bùa phòng thân) để ban phát cho tín đồ. Họ tin rằng, khi đeo kà thá, ma quỉ không dám đến gần làm hại, tai ương tránh xa. Hầu hết các tướng lĩnh, sỹ quan quân đội Lào đều có một kà thá trong người để tránh đạn.

Ngoài ra pháp sư còn dùng da trâu, móng ngựa, máu người để tạo thành những vũ khí tấn công đối phương (thư ếm). Họ tin rằng, pháp sư có thể dùng bùa phép biến miếng da trâu thành "sái nắn" nằm trong bụng đối phương gây nên chứng… xơ gan. Nếu không nhờ một pháp sư cao tay ấn trục "sái nắn" ra khỏi người, nạn nhân sẽ chết dần mòn trong đau đớn.

Một chiếc móng ngựa sẽ được pháp sư mài nhỏ thành một miếng hình tròn, dẹp rồi "tôm" bùa vào để biến thành "lẹp mà". Các võ sĩ đeo "lẹp mà" sẽ có cú đá hậu dũng mãnh như… ngựa.

Trong những câu chuyện trà dư tửu hậu, người dân Lào thường truyền tụng nhiều câu chuyện đến các nhân vật lịch sử của đất nước họ sử dụng bùa.

Chuyện kể rằng, Hoàng thân Boun Oum Na Champassak (người thừa kế vương triều Champassak, Nam Lào) có bùa tàng hình nên nhiều lần hiến binh Nhật bao vây nhưng ông vẫn trốn thoát được. Chuyện cũng kể rằng, Hoàng thân Phetsarath Rattanavongsa (anh cùng cha khác mẹ với Hoàng thân Souphanouvong) có "nuôi" bùa "hái tùa" nên lặn xuống nước nửa ngày vẫn không bị ngộp thở. Và Hoàng thân Souphanouvong có bùa tránh đạn nên nhiều lần thoát chết trong những ngày kháng chiến.

Con đường linga được cho là chiếu thẳng trục đến Angkor Wat và đền Prehvihia.

Hầu hết các pháp sư Lào đều biết y thuật. Trong thuật Đông y của pháp sư Lào đều có ngải. Phương pháp luyện ngải của các pháp sư Lào và pháp sư Việt khá giống nhau từ câu chú cho đến chữ bùa.

Những khả năng huyền bí của bùa Lèo có thật hay không, khoa học hiện đại đã và đang chứng minh. Sư Thích Thanh Tịnh nêu quan điểm: "Niềm tin cũng có thể giúp con người vượt qua rất nhiều thứ. Nếu niềm tin vô hại thì đừng phủ nhận nó". 

Có một điều khá nguy hiểm đối với các pháp sư Lào là ngày nay họ đã quá lạm dụng loại chì lá thay vàng lá để làm kà thá và sử dụng một số ngải độc để trị bệnh. Những yếu tố độc hại này không sát thương người sử dụng ngay mà ngấm dần vào cơ thể. Hàng chục năm sau, khi tích tụ đủ liều lượng, những chất độc này sẽ bộc phát giết người.

Người Việt “chơi” bùa lèo

Có thể nói, bùa Lèo nguyên thủy lan sang khu vực miền Trung nước ta, trở thành bùa Mường, bùa Mán. Khi đi vòng sang Thái Lan, Campuchia pha trộn với tà thuật bản địa và Myanmar rồi truyền sang nước ta trở thành những trường phái Trà Kha, Pà Li, Năm Ông… Bằng chứng là những chữ bùa và ngôn ngữ (câu chú) có mặt tại Việt Nam đều sử dụng ngôn ngữ Phạn, Pà Li, Thái và ngôn ngữ Lang Xang mà các pháp sư Lào vẫn dùng.

Một số thư tịch cổ của Lào ghi nhận rằng, từ thế kỷ XVIII - XIX những pháp sư Lào đã lang thang sang miền Tây Nam Bộ nước ta bắt ma. Trên bước đường hành hiệp, họ đã để lại một luồng tín ngưỡng Vật linh pha trộn với văn hóa tín ngưỡng bản địa Khmer tạo thành tín ngưỡng bùa chú ở khu vực phía Nam nước ta.

Có một dạo, rất nhiều pháp sư Việt cũng khăn gói sang Wat Phou "du học" bùa Lèo.

Trước năm 1975, ông Tám T. ở Thuận Hưng (Thốt Nốt, Cần Thơ) đã từng sang Wat Phou thọ giáo bùa Lèo hơn 3 năm. Khi trở về, ông trở thành một pháp sư nổi tiếng ở khu vực. Sau này, không hiểu vì lý do gì, ông bỏ bàn thờ không luyện bùa chú nữa. Sau khi bỏ bàn thờ, ông trở nên điên loạn. Trong số 5 người con của ông thì có 3 người cũng đột ngột bị bệnh thần kinh. Xóm giềng tin rằng, ông bị tổ bùa Lèo hành vì… tội phản đồ.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu cách thức "luyện bùa" của ông, chúng tôi phát hiện ông sử dụng quá nhiều chì lá và ngải độc. Có lẽ, chất độc trong chì và ngải đã ngấm vào người ông và những đứa con trong một thời gian dài, tạo nên chứng bệnh.

Hiện nay, tại TP HCM, một số người có bệnh vẫn sang Pakse để tìm pháp sư xin bùa, ngải trị bệnh. Một số doanh nghiệp cũng sang Lào xin kà thá hoặc bùa may mắn.

Bà Vân - một Việt kiều sinh sống tại Pakse hơn 20 năm với nghề sản xuất kem tại bản Luang (Km số 2) kể: "Ở bản tôi có một mó rất nổi tiếng. Mó k'lăm (kiêng cữ) nêu tên. Rất nhiều người từ TP HCM sang gặp mó xin bùa. Có cả Việt kiều Mỹ nữa. Mó không lấy tiền nhưng trở thành thông lệ, cứ một lần xin bùa, người ta tự cúng tổ cho mó 300.000 kip (khoảng 800.000 tiền Việt Nam)"

Nông Huyền Sơn
.
.