Đi tìm nguyên nhân trẻ tử vong sau khi tiêm vắcxin ngừa viêm gan B

Thứ Sáu, 09/08/2013, 17:50

Sáng 20/7 vừa qua, tại Khoa Sản của Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị có 3 trẻ sơ sinh lần lượt bị tử vong sau khi được tiêm vắcxin ngừa viêm gan B. Biến cố này đã làm cho người thân của các bé cùng với cán bộ, nhân viên đang công tác tại Bệnh viện Hướng Hóa hết sức bàng hoàng.

Sau khi thông tin về cái chết của 3 trẻ sơ sinh do tiêm chủng vắcxin ngừa viêm gan B được phát đi, đích thân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo một đoàn công tác khẩn cấp do GS.TS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương dẫn đầu cùng với lãnh đạo các ngành liên quan nhanh chóng có mặt tại Hướng Hóa để phối hợp cùng với chính quyền địa phương họp bàn, tìm phương án giải quyết và xác định nguyên nhân dẫn đến trường hợp tử vong trên.

Theo hồ sơ lưu tại Khoa Sản của Bệnh viện Hướng Hóa thì 3 trẻ sơ sinh xấu số này là con của 3 gia đình gồm: vợ chồng anh Nguyễn Đình Đạo (35 tuổi) và chị Nguyễn Thị Nga (30 tuổi), trú tại khóm Đông Chính, Thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa; Vợ chồng anh Nguyễn Minh Tiến (41 tuổi) và chị Trần Thị Hà (40 tuổi), trú khóm 3B, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa; vợ chồng anh Hồ Văn Hang (20 tuổi) và chị Hồ Thị Du (18 tuổi), trú Bản 7, xã Thuận, huyện Hướng Hóa. Theo ghi nhận thì cả 3 sản phụ Nga, Hà và Du đều nhập viện trong ngày 19/7 với tình trạng sức khỏe bình thường.

Cả 3 trẻ sơ sinh đều được chào đời trong đêm 19/7 bằng phương pháp sinh thường, sau khi sinh các cháu đều rất khỏe mạnh, bú tốt và có cân nặng từ 3,1 đến 3,4kg. Khoảng 8 giờ sáng ngày 20/7, y tá trực Nguyễn Thị Thuận - một cán bộ có thâm niên 20 năm công tác tại Khoa Sản của Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa tiến hành tiêm vắcxin phòng ngừa viêm gan B cho các cháu. Sau khi tiêm được chừng 10 phút, các cháu có triệu chứng tím tái, khó thở và tử vong ngay sau đó trong sự xót xa, bàng hoàng của cả người thân lẫn các nhân viên của bệnh viện.

Anh Nguyễn Đình Đạo, bố của 1 trong 3 đứa trẻ sơ sinh xấu số kể lại rằng: Đứa con thứ 2 của vợ chồng anh được ra đời sau 12 năm chờ đợi, cháu lọt lòng mẹ lúc 23 giờ 15 phút đêm 19/7 và sau đó được bố trí về nằm chung phòng cùng với sản phụ Hà và Du. Tất cả người thân của 3 gia đình có sản phụ nằm chung phòng hôm đó rất vui vì những người thân của họ đều vượt cạn an toàn, các cháu được sinh ra rất khỏe mạnh… Thế nhưng, không ai có thể ngờ được, chỉ sau khi chào đời có mấy giờ đồng hồ các cháu đều đã tử vong sau khi được tiêm chủng vắcxin ngừa viêm gan B.

Tại hiện trường nơi xảy ra sự cố đáng tiếc này, ông Trần Văn Thành - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết: "Số vắcxin viêm gan B dành cho trẻ sơ sinh tiêm cho các cháu nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia, sản xuất năm 2012 và hạn dùng là năm 2015, do Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị cấp cho Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa. Sau khi xảy ra sự việc, chúng tôi đã thông tin đến các đơn vị trong ngành, đồng thời đã niêm phong lô vắcxin này và gửi cho các cơ quan liên quan điều tra làm rõ".

Ngay sau khi sự cố quan trọng này xảy ra, thân nhân của những gia đình có con bị tử vong và rất nhiều người hiếu kỳ đã tập trung tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa để nghe ngóng thông tin từ cơ quan hữu trách. Đầu giờ chiều cùng ngày, Đội pháp y của Công an tỉnh Quảng Trị đã có mặt tại Bệnh viện huyện Hướng Hóa để tiến hành thủ tục khám nghiệm tử thi các cháu. Đến khoảng 16 giờ, mọi công việc khám nghiệm, lấy mẫu đã hoàn tất, thi thể các cháu bé được chuyển giao cho gia đình đem về mai táng…

Trả lời câu hỏi của báo giới về nguồn gốc của lô vắcxin đã được Bệnh viện Hướng Hóa sử dụng này, bác sĩ Lâm Chí Đức - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Huyện Hướng Hóa cho biết: Ngay sau sự cố đáng tiếc này, chúng tôi đã nhận chỉ thị của lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Trị là tạm ngừng việc tiêm chủng vắcxin ngừa viêm gan B cho trẻ sơ sinh trên địa bàn.

Ngoài việc niêm phong lọ vắcxin đã tiêm cho 3 trẻ nói trên và 29 lọ vắcxin còn lại tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Quảng Trị) còn tiếp tục niêm phong toàn bộ 107 lọ vắcxin (cùng nằm trong lô vắcxin V-GB 020812E và lô V-GB 030812E được sản xuất tháng 9/2012, có hạn sử dụng đến năm 2015, do Công ty Vắcxin sinh phẩm số 1 cung cấp) đang tồn kho tại trung tâm, để phục vụ điều tra.      

Có mặt tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, ông Nguyễn Đức Chính - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Ngày 21/7, Đoàn công tác của Bộ Y tế cùng với Viện Pasteur Nha Trang… sẽ có mặt tại Quảng Trị để trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, đồng thời điều tra nguyên nhân dẫn đến sự cố nói trên. Nếu đội ngũ y, bác sĩ trực của bệnh viện làm đúng quy trình, nguyên nhân tử vong do vắcxin viêm gan B thì Bộ Y tế phải làm rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp số vắcxin và nguồn gốc lô vắcxin này. Ngược lại, nếu đội ngũ y, bác sĩ trực tiêm vắcxin viêm gan B không thực hiện đúng theo quy trình, thì chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Chúng tôi đã giao cơ quan chức năng kiểm tra lại toàn bộ quy trình chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ trực để xem có sai sót gì không.

Trong cuộc họp khẩn cấp giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, lãnh đạo ngành Y tế với lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa, các nhân viên y tế cho biết: Trong ngày tiêm vắcxin cho 3 trẻ sơ sinh và xảy ra sự cố, khu vực Bệnh viện Hướng Hóa bị mất điện từ 5 giờ đến 12 giờ. Như vậy, trong khoảng thời gian đó những lọ vắcxin được dùng để tiêm chủng cho 3 trẻ sơ sinh xấu số được lưu giữ trong tình trạng tủ lạnh không hoạt động.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, giải thích về vấn đề này rằng: Việc mất điện không ảnh hưởng đến quá trình bảo quản vắcxin. Vì vắcxin trong nhiệt độ bảo quản từ 2-8OC thì thuốc bền vững tới 4 năm, nhiệt độ 37OC trong 4 tuần, trên 45OC trong vài ngày…

Nhằm làm dịu đi nỗi đau mất mát của những gia đình có trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm chủng vắcxin ngừa viêm gan B tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, ông Nguyễn Đức Chính đã cử các đoàn cán bộ từ cấp tỉnh, huyện, ngành đến thăm hỏi, động viên và chia sẻ nỗi đau cùng với những gia đình có trẻ sơ sinh tử vong, đồng thời hỗ trợ mỗi gia đình 8 triệu đồng để chi dùng trong việc mai táng.

Lãnh đạo ngành Y tế Quảng Trị họp bàn về vụ việc.

Sau khi có mặt tại Hướng Hóa, GS.TS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương; ông Đỗ Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang; Bộ Y tế đã có một cuộc họp kín (không cho báo chí tham dự) với lãnh đạo địa phương và ngành Y tế tỉnh Quảng Trị về việc 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắcxin ngừa viêm gan B.

Sau phiên họp, ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, cho biết các thành viên trong hội đồng xác định đây là chùm ca bệnh. Cả 3 trẻ sơ sinh tử vong về lâm sàng đều diễn biến nhanh giống nhau: tím tái khó thở, lịm đi trong vòng 10 phút sau khi tiêm. Kết quả đại thể, có biểu hiện xuất tiết, xung huyết, xuất huyết đa phủ tạng. Nguyên nhân tử vong là sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân. Hội đồng bác bỏ yếu tố bệnh lý của trẻ vì tiền sử thai nghén bình thường, đẻ thường, khỏe mạnh, bú tốt, cân nặng  từ 3,1 đến 3,4kg.

Cũng trong cuộc họp này, Hội đồng khẳng định ít nghĩ đến nguyên nhân do vắcxin, tuy nhiên không loại trừ trường hợp này. Cả nước có khoảng 600.000 liều thuốc thuộc hai lô này đã được sử dụng mà không có trường hợp phản ứng nào. Vắcxin được kiểm định có giấy phép xuất xứ từ Viện Kiểm định quốc gia vắcxin và Sinh phẩm y tế. Tuy nhiên, Hội đồng cũng khẳng định việc bảo quản vắcxin tại Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa chưa đúng theo quy định, ghi chép quản lý hằng ngày không lưu vỏ theo quy định. Không triển khai tiêm vắcxin tại phòng tiêm riêng mà tiêm ngay tại phòng bệnh. Trên cơ sở đó, Hội đồng thống nhất gửi mẫu vắcxin, mẫu nghiệm não, phổi, gan, thận đến phòng thí nghiệm quốc gia, quốc tế để xét nghiệm kiểm định chất lượng vắcxin và các chất lạ có trong mẫu nghiệm.

Được biết, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị còn hơn 1.000 liều vắcxin viêm gan B do viện Pasteur Nha Trang cung cấp từ chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Còn trên địa bàn 11 tỉnh miền Trung, Viện Pasteur Nha Trang đã cung cấp 112.000 liều. Số vắcxin này vẫn tiếp tục được tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh.

Có thể nói rằng, sau sự cố 3 trẻ sơ sinh bị tử vong sau khi được tiêm vắcxin, người dân đều lo lắng bởi không biết có nên tiếp tục tiêm vắcxin viêm gan B cho trẻ sau khi sinh hay không. Vào thời điểm này thì Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã phát Văn bản khẩn cấp số 11571/ QLD-CL đề nghị tạm ngừng sử dụng trên toàn quốc số lô vắcxin có ký hiệu V-GB020812E và V-GB030812E, HSD: 7/2015, SĐK: QLVX-0376-11 do Công ty TNHH MTV Vắcxin và Sinh phẩm y tế số 1 (Vabiotech) sản xuất vì liên quan đến việc 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm chủng ở Hướng Hóa, Quảng Trị.

Những lô vắcxin khác vẫn được tiêm chủng cho trẻ sơ sinh bình thường. Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương - Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia thì việc tiêm chủng vắcxin ngừa viêm gan B sau sinh 24 giờ là rất quan trọng. Bởi nó phòng ngừa được đến 90% khả năng lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con. Tiêm càng muộn thì tỉ lệ phòng ngừa càng giảm đi và đương nhiên là khả năng lây nhiễm cho trẻ sơ sinh sẽ rất lớn.

Người thân đau xót khi trẻ sơ sinh qua đời.

Nói thêm về việc tiêm chủng vắcxin viêm gan B trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, TS Nguyễn văn Cường - Phó trưởng ban điều hành Dự án tiêm chủng mở rộng, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết: vắcxin viêm gan B được đưa vào triển khai thí điểm trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1997. Đến năm 2003, vắcxin viêm gan B được triển khai tiêm chủng cho tất cả trẻ em dưới 1 tuổi trong toàn quốc. Lịch tiêm vắcxin viêm gan B cho trẻ dưới 1 tuổi là 3 mũi. Mũi đầu tiên vắcxin viêm gan B còn gọi là liều tiêm viêm gan B sơ sinh.

Việc tiêm viêm gan B sơ sinh trong vòng 24 giờ được thực hiện trong tiêm chủng mở rộng từ năm 2006. Vắcxin tiêm viêm gan B được đánh giá là một trong những vắcxin an toàn nhất. Tất cả các lô vắcxin viêm gan B đều được kiểm định đảm bảo an toàn đạt tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam cũng như của Tổ chức Y tế thế giới trước khi phân phối để sử dụng…

Đối với trường hợp 3 trẻ sơ sinh tử vong vào thời điểm này kết luận ban đầu đã được đưa ra. Tuy nhiên, một số chuyên gia của ngành Y tế vẫn còn đưa ra nhiều ý kiến khác nhau về việc có nên hay không nên tiêm phòng viêm gan B mũi 24 giờ sau khi sinh.

Giáo sư Nguyễn Đình Bảng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm định vắcxin và Sinh phẩm y tế quốc gia, thành viên Hội đồng Tư vấn vắcxin sinh phẩm Bộ Y tế rất băn khoăn với việc các cơ sở y tế thực hiện tiêm vắcxin viêm gan B cho trẻ ngay sau khi sinh. Giáo sư Nguyễn Đình Bảng cho biết, chỉ nên tiêm sớm cho các cháu có mẹ bị nhiễm viêm gan B, thay vì tiêm vắcxin viêm gan B đại trà cho các cháu ngay sau khi sinh như hiện nay.

Khi mà các chuyên gia y tế đang nóng lòng chờ đợi kết quả xét nghiệm từ những mẫu đã lấy được qua vụ 3 trẻ sơ sinh bị tử vong ở Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa, Quảng Trị thì ngày 22/7, ngành Y tế tỉnh Bình Thuận đã thông báo trên địa bàn của họ có 1 trẻ sơ sinh đã tử vong sau khi tiêm chủng vắcxin ngừa viêm gan B.

Rõ ràng, những thông tin buồn từ những vụ trẻ sơ sinh tử vong ngay sau khi được tiêm chủng vắcxin ngừa viêm gan B đã làm cho mọi người dân, đặc biệt là các sản phụ đang vào kỳ sinh nở trên toàn quốc lo lắng…

Hy vọng rằng, các kết quả xét nghiệm từ vụ Hướng Hóa sẽ sớm hóa giải được nguyên nhân dẫn đến những cái chết đau lòng của trẻ sơ sinh. Hơn thế nữa, những kết luận mang tính khoa học sẽ mang lại sự bình an cho nhiều sản phụ và giúp họ yên tâm hơn khi đưa con mình đến tham gia vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia…

Phan Bùi Thục Anh
.
.