Dị ứng, chuyện không nhỏ

Thứ Năm, 04/09/2014, 20:20

Vừa qua, tại hội thảo khoa học với chuyên đề "Cập nhật điều trị bệnh lý mề đay vô căn mãn tính và viêm mũi dị ứng", các chuyên gia cho biết hiện nay ở Việt Nam, khoảng 20% dân số mắc các bệnh dị ứng. Bệnh thường bắt đầu trước 20 tuổi, chiếm 80% các trường hợp, tuổi khởi phát trung bình từ 8 đến 11 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở khoảng 12 đến 15 tuổi, đồng thời bệnh xuất hiện ở thành thị nhiều hơn ở nông thôn.

Tuy nhiên, khá nhiều người vẫn xem thường bệnh dị ứng vì họ cho rằng chẳng có gì nguy hiểm, chưa kể họ còn chữa dị ứng bằng những phương pháp truyền miệng như tắm nước lá cây, khoán bùa, bôi vôi hoặc cắt lể…

Dị ứng là gì?

Nói một cách đơn giản thì "dị ứng là một phản ứng của cơ thể con người chống lại những chất lạ xâm nhập, đặc biệt là qua đường hô hấp". Những phản ứng ấy có thể là nổi chàm, nổi ban ở một vùng nào đó trên da hoặc nổi toàn thân, ngứa, lên cơn hen suyễn, khó thở…

Bác sĩ Sơn, chuyên khoa Da liễu, công tác tại Phòng khám liên chuyên khoa Lao, Da liễu, Tâm thần quận 5 TP HCM cho biết: "Tùy theo cơ địa của từng người, các chất gây dị ứng có thể là phấn hoa, bụi, nấm mốc, lông thú, một vài loại thực phẩm, hoặc bị ong, kiến đốt...".

Bên cạnh đó, cũng có người khi tiếp xúc với mùi nước hoa, với khói xe, với vòng đeo tay bằng kim loại thì bị dị ứng trong lúc những người khác thì không.

Anh Nguyễn Văn Đạt, ở xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, người đã phải nằm điều trị tại Bệnh viện Da liễu TP HCM suốt 1 tuần vì dị ứng kể: "Tôi cùng 3 người bạn đi lấy mật ong ở khu rừng giáp ranh Nông trường Lê Minh Xuân. Lúc đi ngang qua mấy cây sơn, chẳng ai bị gì hết nhưng tôi tự nhiên ngứa ngáy khắp người, da nổi lên từng mảng đỏ. Ngực tôi như bị ép, thở không nổi. Mấy người bạn thấy vậy bèn dìu tôi ra xe, đưa vào trạm y tế. Sau khi sơ cứu, trạm chuyển tôi lên đây…".

Bác sĩ Sơn cho biết: "Ngày nay, dị ứng được coi là bệnh của cuộc sống hiện đại. Sự biến đổi khí hậu, tình trạng ô nhiễm môi trường, mật độ dân cư đông đúc, việc sử dụng tràn lan các chất hóa học trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm đã khiến các tác nhân gây dị ứng ngày càng gia tăng".

Khi bị dị ứng và nếu bị ở mức độ nhẹ, nó chỉ gây ra những hiện tượng như viêm kết mạc, ngứa, hắt hơi và chảy nước mũi. Những hiện tượng ấy thường tự khỏi trong vài giờ đồng hồ hoặc một vài ngày nếu không bị bội nhiễm. Bác sĩ Sơn cho biết nhiều người chịu không nổi những cơn ngứa nên đã gãi đến chảy máu. Hậu quả là da bị nhiễm trùng, làm mủ. Có người còn… lấy vôi bôi vào khiến da lở loét từng mảng.

Bà Thịnh, nhà ở cư xá Phú Lâm A, quận 6, thấy đứa cháu 8 tuổi trong khi chơi đùa, đã cậy hộp véc-ni dùng để đánh bóng đồ gỗ ra nghịch và bị dị ứng thì thay vì đưa cháu đến bác sĩ hoặc vào bệnh viện, bà đã áp dụng "phương thuốc dân gian" để chữa cho cháu bằng cách lấy một nắm lá trầu không, giã nát, bôi vào da nhưng chẳng may, cháu bà lại bị "dị ứng kép" - nghĩa là vừa dị ứng với véc-ni, lại vừa dị ứng với lá trầu nên chỉ sau vài phút, người nó tím tái, thở khò khè. Cũng may mẹ bé đi làm về đúng lúc, đưa con vào bệnh viên nên qua khỏi.

Ở mức độ trung bình, dị ứng làm nghẹt mũi, sung huyết mũi, nhức đầu, giảm khứu giác, khó thở, ho, thở khò khè… Nếu nặng, nó gây sốc phản vệ, trụy tim mạch, phù nề, tụt huyết áp mà nếu không được xử trí kịp thời, nạn nhân sẽ tử vong.

Theo khảo sát của các chuyên gia về dị ứng thì đa số những ca tử vong đều nằm trong trường hợp uống - hoặc tiêm những loại thuốc chữa bệnh, hoặc ăn những loại thức ăn có chứa các chất gây dị ứng. Thế nhưng, điều oái oăm nhất là chúng ta không ai biết là mình sẽ bị dị ứng với thứ gì để đề phòng - ngoại trừ nếu đã từng bị trước đó.

Một trong những loại dị ứng da  phổ biến nhất là nổi mề đay, biểu hiện bằng những mẩn có quầng đỏ xung quanh do phản ứng của mạch máu trên da với tác nhân gây dị ứng. Mề đay cấp tính thường xảy ra đột ngột và biến mất nhanh sau vài giờ hoặc vài ngày, còn mề đay mãn tính có thể nổi trên da hơn 6 tuần.

Thông thường, mề đay không gây chết người nhưng nếu nổi mề đay cấp tính thể nặng thì  rất dễ bị phù thanh quản, khó thở, choáng váng, ngất xỉu do tụt huyết áp mà nếu không được cấp cứu kịp thời, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Với mề đay mãn tính, người bệnh thường rối loạn giấc ngủ, rất khó chịu với cảm giác ngứa ngáy khiến cuộc sống bị ảnh hưởng, chưa kể nó còn kèm theo những triệu chứng toàn thân như sốt, đau khớp, nhức đầu…

Phòng ngừa dị ứng như thế nào?

Như chúng tôi vừa nêu, không ai biết được mình sẽ bị dị ứng với thứ gì để mà phòng tránh. Theo bác sĩ Sơn thì: "Nguyên nhân gây ra hiện tượng dị ứng bao gồm những vấn đề về di truyền, giới tính, chủng tộc và độ tuổi, trong đó yếu tố di truyền được xem là nguyên nhân chủ yếu nhưng thời gian gần đây, tỷ lệ người bị dị ứng mà không thể giải thích được bằng yếu tố di truyền đang có chiều hướng gia tăng do những lý do, chẳng hạn như thời thơ ấu đã từng bị các bệnh truyền nhiễm, sống trong môi trường bị ô nhiễm và chế độ ăn uống thay đổi".

Bên cạnh đó, một số thực phẩm, vật chất có khả năng gây dị ứng cao, và 87% những người bị dị ứng đều do ăn hoặc tiếp xúc với những loại này, chẳng hạn như đậu phộng (lạc), sữa bò, dê, cừu, pho mát. Các loại thực phẩm có chứa các protein gây dị ứng như đậu nành, lúa mì, cá ngừ, cua, ghẹ, tôm, sò, ốc..., các loại trái cây như bơ, sầu riêng..., gia vị như bột ngọt, hồ tiêu, các loại màu tổng hợp và tự nhiên, hóa chất phụ gia, nhựa cao su.

Các nước công nghiệp có tỷ lệ người bị dị ứng nhiều hơn so với các nước nông nghiệp. Tại các thành phố, đô thị, tỷ lệ người bị dị ứng cao hơn so với nông thôn. Một nghiên cứu gần đây đã cho thấy một số ký sinh trùng, chẳng hạn như giun, sán có thể tiết ra chất hóa học vào thành ruột rồi sau đó thẩm thấu vào mạch máu để đàn áp hệ miễn dịch và ngăn chặn cơ thể tấn công chúng... Điều này dẫn đến hiện tượng cơ thể dễ bị dị ứng.

Vì thế, khi đã bị dị ứng với một chất nào đó rồi thì không nên sử dụng hay tiếp xúc với chúng nữa. Nếu bị dị ứng, nên đến bác sĩ hoặc bệnh viện chứ đừng tự chữa theo lối "truyền miệng" hoặc chữa theo kinh nghiệm dân gian vì nếu bị dị ứng nặng mà không được xử trí kịp thời thì rất dễ nguy hiểm đến tính mạng

V.C.
.
.