Đi xem công nghệ nấu dầu… thải

Thứ Bảy, 13/06/2009, 13:35
Một năm trở lại đây, người dân ở xã An Thượng (Hoài Đức, Hà Nội) phải sống trong bầu không khí ngột ngạt, khó chịu, buồn nôn do những đụn khói tuôn ra từ hoạt động nấu dầu thải gây ra. Vào những ngày thời tiết nắng ráo, đặc biệt là khi nằm trong hướng gió, cả làng bị bao trùm bởi những đụn khói ngùn ngụt, đen kịt...

Công nghệ 100% thủ công

Nhìn từ xa, lò nấu dầu của anh Nguyễn Chí Lưu chỉ là một chiếc lán nhỏ, bé tí nằm ở ngoài rìa đê, trên một khoảnh ruộng, cách khu dân cư của xã An Thượng chừng 1km. Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đặt chân đến lò nấu dầu của anh Lưu là sự hoang tàn, hỗn độn. Hàng trăm chiếc thùng phuy nằm chỏng chơ, một đống củi to tướng, một đầu máy nổ, mặt đất bị phủ một lớp dầu đen xì hòa cùng với cặn dầu lâu ngày tích tụ thành một lớp màng.

Chiếc lò nấu dầu - bộ phận chính trong cả quá trình nấu dầu, gọi là lò chứ thực ra nó chỉ như một chiếc bếp củi cỡ lớn, phía trên là một chiếc nồi lớn. Bên cạnh chiếc lò có hai chiếc téc lớn, một chiếc dùng để đựng dầu cặn đã được lọc qua và một chiếc dùng để chứa sản phẩm.

Đầu giờ chiều, tôi gặp được ông Nguyễn Chí Lộc, bố của anh Lưu. Ông Lộc cho tôi biết: "Hôm nay Lưu đi... tiếp thị để tiêu thụ sản phẩm". Ông cười rồi nói tiếp: "Giờ nó là giám đốc nên phải đi suốt ngày". Hỏi ra thì mới biết tên công ty do anh Lưu làm giám đốc có tên giao dịch là: Công ty TNHH Việt Linh. Ông Lộc cho biết, hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở nấu dầu do con trai ông làm chủ có đầy đủ mọi giấy tờ hợp pháp và đã được Sở Tài nguyên - Môi trường (Hà Tây cũ) cho phép nấu dầu tái chế.

Qua câu chuyện với ông Lộc, được biết, nguyên liệu chính của hoạt động nấu dầu là dầu cặn, dầu thải,  dầu đã qua sử dụng của xe máy, ôtô... Sau khi cho vào lò "luyện" khoảng 20 giờ sẽ cho sản phẩm dầu FO - là nhiên liệu chạy một số loại máy công nghiệp như đầm, búa máy, máy đóng cọc... hoặc dùng trong việc đốt lò, đun bếp...

Nếu nấu tái sẽ cho sản phẩm là dầu luyn hoặc mỡ bôi trơn cho các động cơ, máy móc. Hiện nay, một lít dầu cặn, dầu thải được thu mua tại các cửa hàng sửa chữa xe máy, gara ôtô... với giá từ 2.500 - 3.000 đồng/lít. Gia đình ông Lộc thu mua tại chỗ với giá từ 4.000 - 4.200 đồng/lít. Sau khi luyện xong thu được sản phẩm là dầu FO sẽ được bán với giá khoảng 7.000 - 8.000 đồng/lít.

Theo những gì ông Lộc nói thì quy trình sơ chế dầu của gia đình ông không khác gì mấy quy trình nấu rượu gạo, nó trải qua 2 chu kỳ là bốc hơi và ngưng tụ. Ban đầu, dầu cặn sau khi được lọc qua một tấm lưới sắt vào bể sẽ được bơm vào nồi kín đun sôi. Dầu bốc hơi theo một ống dẫn vào những thùng phuy kín mít, ở đây hơi dầu được làm lạnh, ngưng tụ và cho sản phẩm là dầu FO. Thời gian hoàn thành hai quá trình này mất khoảng 20 giờ. Mỗi một lần nấu sử dụng khoảng 2.000 - 2.500 lít dầu cặn, và thu được 60 - 70% là dầu FO.

Ngoài sản phẩm là dầu FO, mỗi mẻ dầu còn có khoảng 50 - 60 kg cặn bã. Và số cặn bã này được ông Lộc xử lý bằng cách... chôn lấp hoàn toàn thủ công ở ngoài bãi Nòi của xã An Thượng.

Qua lời mô tả của ông Lộc thì có thể thấy toàn bộ quá trình sơ chế dầu thải của gia đình ông được làm hoàn toàn thủ công, không có sự can thiệp của bất kỳ một loại máy móc hay thiết bị nào cả,  ngoài mấy chiếc khẩu trang và găng tay vải.--PageBreak--

Chính quyền thiếu quyết liệt - Dân kêu trời 

Ông Lộc khẳng định: "Hoạt động sản xuất của chúng tôi hoàn toàn khép kín nên không ảnh hưởng đến môi trường" (!). Tuy nhiên, buổi sáng hôm tôi về, mưa ngớt, trong khuôn viên khu lò nấu dầu từng dòng nước đen xì, loang loáng một lớp váng dầu cứ thế vô tư chảy vào hệ thống kênh mương của cánh đồng.

Trao đổi với ông Lê Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã An Thượng, chúng tôi được biết, trước kia trong xã có 3 cơ sở sơ chế dầu thải, dầu cặn của Nguyễn Thế Thảo, Nguyễn Thế Vĩnh (ở xã An Khánh, Hoài Đức) và của anh Nguyễn Chí Lưu. Tháng 6-2008, xã đưa lực lượng gồm Công an xã, Phòng địa chính và một số ban, ngành liên quan xuống thanh kiểm tra và đã tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ cả 3 lò nấu dầu trên. Nhưng sau một thời gian "án binh bất động" lò của anh Lưu đã “đỏ lửa” trở lại.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trước kia, hai lò nấu dầu thải của anh Thảo và Vĩnh đóng đô bên An Khánh, nhưng vì đặt giữa khu dân cư, lại thải ra quá nhiều khói nên bị người dân phản đối quyết liệt. Hai chủ này đã tìm cách sang xóm bãi, giữa cánh đồng của An Thượng hoạt động. Các chủ lò nấu dầu thải thuê lại những khoảnh ruộng này, cho san lấp lấy mặt bằng và làm trụ sở. Riêng gia đình ông Lộc còn cho xây dựng một ngôi nhà tạm hai gian ăn ngủ tại chỗ để tiện cho việc sơ chế.

Ông Vinh cũng cho biết thêm, chính quyền xã biết hoạt động sơ chế dầu thải gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của người dân, không chỉ người dân cảm thấy bất bình mà chính quyền xã cũng thấy rất... bức xúc trước hoạt động nấu dầu của gia đình ông Lộc nhưng vì không có chuyên môn về thẩm định khí thải, không nắm được nồng độ khí thải cho phép trong không khí là bao nhiêu nên xã chỉ có thể lập biên bản xử lý hành chính lò nấu dầu của anh Lực về việc sử dụng đất nông nghiệp với số tiền là 500 nghìn đồng.

Những chiếc thùng phuy đựng dầu thải xếp ngổn ngang trong khuôn viên khu nấu dầu thải của gia đình ông Lộc.

Nhưng cứ xử lý, cứ cưỡng chế thì chỉ một thời gian ngắn chuyện đâu lại vào đó. Đã gần 9 tháng trôi qua, kể từ ngày hộ gia đình ông Lộc tái hoạt động lò nấu dầu thải, chính quyền xã vẫn không có biện pháp triệt để nào mà chỉ dừng ở mức độ nhắc nhở, cảnh cáo.

Theo ông Lê Danh Trường - cán bộ chuyên trách của Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hoài Đức thì: Bất kỳ hoạt động sản xuất, sơ chế hay kinh doanh nào đều thải ra môi trường các loại khí độc hại. Muốn đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường của hoạt động nấu dầu ở An Thượng phải cần các cơ quan chuyên môn về tiến hành thực nghiệm thì mới biết.

Trong khi chờ những giải pháp triệt để của chính quyền địa phương, người dân xã An Thượng đang phải sống chung với bầu không khí ô nhiễm trầm trọng.

Gia đình anh Hùng, nhà ở sát sườn đê, gần lò nấu dầu của gia đình ông Lộc cho biết, mặc dù bây giờ chỉ còn duy nhất lò của gia đình ông Lộc hoạt động nhưng vào những ngày trời nổi gió, một thứ khói đen xì, với mùi nồng nồng, ngai ngái, khen khét của dầu cháy cứ cuồn cuộn bay vào làng khiến nhiều người nôn nao khó chịu. 

Còn theo bác Nghiêm đang làm ruộng cạnh đó thì, vào những ngày hanh khô, cái thứ mùi đó theo những con gió nóng hầm hập chạy suốt cánh đồng khiến cỏ cây... còi cọc, không phát triển được. Nói rồi bác chỉ về phía cánh đồng lúa đang thì rồi bảo: Mấy hôm nay, trời mưa suốt nên lò của ông Lộc ngừng hoạt động thì ruộng lúa quanh đó mới được xanh tươi như thế kia chứ...

Như vậy có thể khẳng định: Chính quyền xã An Thượng hoàn toàn ý thức được nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của hoạt động nấu dầu thải nhưng vì lý do... chuyên môn hay gì đó nên đến giờ vẫn để lò dầu của gia đình ông Lộc hàng ngày hoạt động và làm hại môi trường mà không đưa ra được bất kỳ một giải pháp nào

Thanh Ngọc
.
.