Điểm nóng Syria

Thứ Năm, 14/02/2013, 21:25

Ngay trong tháng đầu tiên của năm mới 2013, những bản tin thời sự quốc tế vẫn có rất nhiều dòng nói về các vụ đánh bom khủng bố hay xung đột vũ trang. Cũng như bất cứ năm nào, năm 2013 này, bên cạnh những điểm nóng trường niên, thế giới đang tiềm ẩn những giông bão mới có nguy cơ trở thành những cuộc chiến tranh thực sự đẫm máu với những hệ lụy không thể lường trước hết được. Đây thực sự là mối đe dọa to lớn đối với an ninh và ổn định trên quy mô toàn cầu. Và trong danh sách những điểm nóng như thế, Syria với tư cách một chiến trường đang được nhắc tới nhiều nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Con đường đã định

Trung Đông trong năm nay chắc chắn sẽ trở thành tâm điểm của những biến đổi thể chế tại không chỉ một quốc gia. Một kịch bản không phải là mới sẽ được tiếp tục thực thi ở Syria, nơi từ tháng 3/2011 đã bùng phát những chống đối và xung đột vũ trang giữa chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad với các lực lượng đối lập được sự hỗ trợ rất năng nổ và nhiều mặt từ các nước phương Tây.

Tổng lực trên các mặt trận chính trị, ngoại giao và truyền thông  phương Tây đã tới rất gần mục tiêu của họ, tương tự như những gì họ đã thành công trong trường hợp đối với Iraq dưới thời cố Tổng thống Saddam Hussein. Tổng thống Assad, xuất thân từ cộng đồng người Alawite thiểu số ở Syria, hiện nay cũng đã trở thành một đối tượng bài xích hàng đầu  trong con mắt của cả một liên minh rộng lớn khắp năm châu, mặc dầu  những điều mà báo chí phương Tây viết về ông trong rất nhiều trường hợp khác xa với sự thật, thậm chí còn ngược lại.

Và trong con mắt thị dân thông thường ở phương Tây, ông đã trở thành đối tượng phải bị lật đổ để bảo vệ cái gọi là những giá trị dân chủ phổ quát nào đó. Không ngẫu nhiên mà có nhà quan sát đã nhận định ở những ngày cuối năm 2012 rằng, số phận của ông Assad đã được định đoạt, ngay cả nếu như người ta chẳng tìm ra chứng cớ gì về việc Damascus đang sở hữu vũ khí hóa học hay vũ khí hạt nhân...

Hẳn là nhiều người còn nhớ, lý do mà Washington từng viện ra để khởi xướng cuộc chiến tranh xâm lược Iraq hơn 10 năm trước về sau đã được xác định chỉ là tin vịt. Thế nhưng, chờ được vạ thì má đã sưng, lúc đó ông Hussein đã bị tử hình một cách tức tưởi, còn những nhà lãnh đạo quốc gia ở phương Tây từng nhúng tay vào việc ngụy tạo cơn cớ làm cho Iraq lâm cảnh can qua như cựu Tổng thống Mỹ George Bush hay cựu Thủ tướng Anh Tony Blair thì đã hạ cánh an toàn rồi…

Bao giờ Syria mới chấm dứt cảnh huynh đệ tương tàn?

Ở thời điểm hiện nay, xem ra niềm tin vào sự sống sót của chế độ do Tổng thống Assad lãnh đạo đang ngày càng suy giảm cả trên trường quốc tế lẫn ở trong nước. Nói theo cách của Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Lakhdar al-Brahimi, Syria đang ngày càng "chìm sâu xuống địa ngục". Đã có hơn 60 nghìn người Syria bị thiệt mạng kể từ khi bùng nổ xung đột ở đây. Nhiều đồng minh thân cận của ông đang bỏ của chạy lấy người và đào tẩu sang phía bên kia chiến tuyến. Trong khi đó, ưu thế quân sự của các lực lượng đối lập, được hà hơi tiếp sức cả bí mật lẫn công khai từ các cường quốc phương Tây, đang không ngừng gia tăng.

Nhìn chung, phương Tây hiện nay không muốn chấp nhận bất cứ một sáng kiến hòa bình nào  từ phía Tổng thống Assad. Chính vì thế nên kế hoạch vãn hồi trật tự mà ông Assad đã đưa ra ngày 6/1/2013 đã vấp phải thái độ phủ nhận của hầu hết các nước phương Tây. Ngay Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-mon cũng đã tỏ ra thất vọng với kế hoạch này. Theo những gì mà Tổng thống Assad trình bày, sẽ phải đưa ra một lệnh ngừng bắn để tiếp đó tiến hành đối thoại dân tộc toàn diện  và xây dựng một chính phủ, quốc hội mở rộng…

Thế nhưng, cũng ngay trong ngày 6/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã khẳng định rằng, Washington đánh giá lộ trình kết thúc cuộc nội chiến đang tàn phá Syria của Tổng thống Assad là "xa rời thực tế". Bà Nuland cũng cho rằng, ông  Assad nên từ chức vì đã đánh mất hết tính hợp pháp… Ngay Đặc phái viên chung của Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Arập về Syria, Lakhdar Brahimi, ngày 9/1 cũng tiết lộ rằng, ông không nghĩ Tổng thống Assad sẽ là một phần của chính phủ chuyển tiếp được dự trù thành lập theo kế hoạch hòa bình mà các cường quốc nhất trí hồi năm 2012...

Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy rằng, rất không dễ dàng xóa bỏ được một thể chế đã ăn sâu vào lòng đất nước như ở Syria. Tổng thống Assad hiểu rất rõ rằng, ông có thể có cơ hội thoát hiểm nếu khôi phục lại được một khối đoàn kết quốc gia và tranh thủ thêm thời gian trụ lại để chờ những vận hội mới vì lực lượng đối lập chỉ có thể là mạnh khi được hà hơi tiếp sức từ bên ngoài.

Và không ngẫu nhiên mà  trong bài phát biểu kéo dài gần một giờ ngày 6/1 vừa qua, ông Assad đã kêu gọi: "Syria sẽ không thể vượt qua khủng hoảng nếu không huy động được sức mạnh toàn dân tộc. Đây là cuộc cách mạng của người dân Syria chứ không phải của các thế lực bên ngoài…".

Xung đột đẫm máu hơn một năm qua đã khiến hàng chục ngàn người chết, hàng trăm ngàn người Syria tháo chạy khỏi đất nước.

Hệ lụy trầm kha

Thế nhưng, xem ra các thế lực bên ngoài vẫn không chịu để cho người dân Syria tự định đoạt số phận của mình. Ngay ngày 7/1/2013, Lầu Năm Góc đã bắt đầu điều động lực lượng tới quốc gia láng giềng với Syria là Thổ Nhĩ kỳ để triển khai tên lửa Patriot gần biên giới với Syria… Quyết định này đã thêm phần khích lệ các lực lượng đối lập ở Syria và càng củng cố thêm quyết tâm chiến đấu của họ…

Không còn hoài nghi gì nữa, trong tương lai gần, chiến sự  ở Syria sẽ càng ngày càng trở nên tàn bạo hơn… Theo đánh giá của Andrew Tabler, một nhà phân tích thuộc Viện Chính sách Cận Đông tại Washington, Tổng thống Assad "vẫn có thể nắm quyền kiểm soát Damascus trong vài tháng trước khi xem xét tới sự lựa chọn về vùng Alawite - cứ điểm của người Alawite nằm dọc bờ biển". Thậm chí có dự đoán rằng, sẽ có nhiều thế lực bị sa lầy trong cuộc chiến ở Syria. Không ai có thể nói trước được những gì sẽ có thể đến với người dân ở Syria một khi chiến sự vẫn dai dẳng mở rộng quy mô và gia tăng sự ác liệt như thế…

Tình hình tại Syria còn trở nên mối đe dọa lớn hơn ngay cả nếu Tổng thống Assad bị bắt buộc phải từ chức hoặc bị lật đổ với số phận có lẽ cũng khó có thể khả quan hơn so với những gì từng xảy ra với Tổng thống Hussein ở Iraq hay nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi ở Libya… Hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng, tình trạng hỗn loạn sẽ đến sau khi chính quyền của Tổng thống Assad bị xóa bỏ và đây là nguy cơ cực kỳ lớn không chỉ cho Syria mà còn cho cả khu vực Trung Đông.

Có ý kiến cho rằng, khi ra sức ủng hộ các lực lượng đối lập lật đổ chính thể của Tổng thống Assad, phương Tây thực chất đã nuôi ong tay áo vì tạo thêm điều kiện cho những thế lực ác cảm với chính họ phát triển. Một khi ông Assad không còn ngồi trên cương vị Tổng thống, những mâu thuẫn tôn giáo ở Syria sẽ thừa cơ phát tán năng lượng phá hủy mù quáng của mình, tạo cơ hội cho những phần tử cực đoan nhất hoành hành. Trong số này có lẽ lợi thế sẽ lại thuộc về những phần tử cực đoan Hồi giáo dòng Sunni, giúp lực lượng này tập trung lại quanh mình thêm nhiều tầng lớp vốn mang sẵn trong lòng những sự thất vọng lớn lao vào nền văn minh phương Tây…

Trong thời gian gần đây trên mạng Internet, viết về Syria, một số tác giả đã cảnh báo rằng, trong trường hợp chế độ của Tổng thống Assad bị lật đổ, có thể sẽ diễn ra những vụ thanh trừng sắc tộc mang tính diệt chủng mà những nạn nhân đầu tiên sẽ là người Alawite và các tín đồ Thiên Chúa giáo…

Cuộc xung đột hiện nay ở Syria còn nguy hiểm đối với cộng đồng quốc tế nói chung vì nó sẽ không giới hạn trong lãnh thổ quốc gia này mà sẽ lan tỏa sang cả các nước láng giềng, đặc biệt là Liban, và trở thành một cuộc chiến giữa các nhánh tôn giáo. Đúng như nhà báo Mỹ Louise Arbour  đã viết trên tờ Foreign Policy, những kinh nghiệm lịch sử ở khu vực này không dự báo bất cứ một điều gì hay ho trong tình huống mà chúng ta đang xem xét.

Không chỉ bây giờ mà từ lâu lắm rồi Beirut luôn nằm dưới ảnh hưởng mạnh mẽ tới từ Damascus. Trong những điều kiện đó, chính quyền Liban sẽ không dễ dàng để tự cải thiện cơ chế và bộ máy quản lý vốn rất nhiều bất cập của mình để trở nên ít bị "cháy thành vạ lây" từ tình trạng hỗn quân hỗn quan có thể hình thành ở Syria sau khi ông Assad bị lật đổ…

Nguy hiểm hơn nữa là, những khủng hoảng ở khu vực này dưới tác động  mang tính phá hoại nhiều hơn là xây dựng tới từ phương Tây chắc chắn sẽ không kết thúc sau khi cuộc khủng hoảng ở Syria được coi như là đã giải quyết xong nếu xóa bỏ được chế độ của Tổng thống Assad. Nhiều nhà quan sát đã nói thẳng ra rằng, mục tiêu tiếp theo của phương Tây ở khu vực này sẽ là Iran. Và khi đó sẽ nảy nòi một điểm nóng còn nguy hiểm hơn cả Syria…

Phạm Huy Dũng
.
.