Diễn biến mới về sự kiện "sữa sạn thận" ở Trung Quốc

Thứ Sáu, 26/09/2008, 13:45
Dư luận trong và ngoài Trung Quốc đang tiếp tục theo dõi những diễn biến xung quanh vụ “sữa sạn thận” bởi vấn đề này đã được đặt lên bàn nghị sự của Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Hơn nữa, số trẻ bị chết và mắc bệnh “sữa sạn thận” sau khi sử dụng sữa trộn hóa chất độc hại melamine của Tập đoàn Tam Lộc và những công ty sản xuất sữa khác đang gia tăng từng ngày.

Sự vào cuộc quyết liệt của chính phủ

Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã thông qua 7 nghị quyết sau khi triệu tập phiên họp bất thường của Thường vụ Quốc vụ viện sáng 17/9. Đây được coi là hành động thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của chính phủ sau “sự kiện sữa sạn thận” đang gây chú ý đặc biệt của dư luận trong và ngoài Trung Quốc.

Hội nghị quyết định tổng kiểm tra toàn diện đối với các chế phẩm sữa, cũng như chỉnh đốn công tác sản xuất chế phẩm sữa trên phạm vi toàn quốc; dốc toàn lực cứu chữa, điều trị những người mắc bệnh, thực hiện nghiêm túc chính sách chữa trị miễn phí, đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra, chữa trị đối với các cháu mắc bệnh tại vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Thứ hai, phải nhanh chóng thu hồi, niêm phong và tiêu hủy đối với tất cả những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn. Hội nghị cũng chú trọng  đến chính sách hỗ trợ đối với sữa nông trường, ủng hộ phát triển sản xuất đối với những sản phẩm chất lượng tốt, đảm bảo sự cung ứng của thị trường.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 17/9, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát, kiểm tra và kiểm duyệt chất lượng Lý Trường Giang thuộc Tổng cục Kiểm tra chất lượng nhà nước  thông báo, cơ quan chức năng đã điều 1.400 tổ, nhóm công tác đặc biệt cùng 5.000 nhân viên tới tất cả các công ty sản xuất sữa trẻ em để giám sát quy trình sản xuất.

Thủ đoạn đơn giản, hậu quả nghiêm trọng

Sữa bột Tam Lộc bị dỡ xuống khỏi quầy hàng.

Sáng 18/9, cơ quan chức năng đã giam giữ thêm 12 nghi can, nâng tổng số người bị bắt lên con số 18. Ngoài ra, Cơ quan công an cũng ra quyết định tạm giam đối với bà Điền Văn Hoa, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tam Lộc. Bà Điền Văn Hoa đã bị cách chức Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tam Lộc hôm 16/9.

Tại cuộc họp báo chiều 17/9, người phát ngôn Công an tỉnh Hà Bắc Sử Quý Trung cho biết, họ vừa bắt giữ 2 nghi can có liên quan tới “sự kiện sữa sạn thận”. Đó là chủ trang trại họ Hồ ở thôn Dương Gia Trại, xã Bắc Chính, huyện Nguyên Thị, tỉnh Hà Bắc và bác sĩ thú y họ Hạ, Phó giám đốc Công ty nuôi bò sữa thị trấn Đại Hà, TP Lộc Tuyền, tỉnh Hà Bắc. Qua xác minh được biết, tháng 4/2008, nghi can họ Hồ đã bán cho Giám đốc Công ty nuôi bò sữa thị trấn Đại Hà (đã bị bắt trước đó) 80 kg hóa chất melamine. Và nghi can họ Hạ đã pha số hóa chất melamine kể trên vào sữa bán cho Tập đoàn Tam Lộc. Mục đích của 2 nghi can kể trên trong việc “trộn melamine vào sữa” cũng giống như những nghi can khác bị bắt trước đó - tăng “độ đạm” của sữa trước khi bán cho Tập đoàn Tam Lộc nhằm thu lời bất chính.

Khi được hỏi về lương tâm, trách nhiệm đối với việc “trộn melamine vào sữa”, đa số các nghi can đều ý thức rằng: không có lợi cho sức khỏe. Theo con số thống kê mới nhất (tính đến hết ngày 17/9), đã có 3 trẻ tử vong và khoảng  6.300 trẻ mắc bệnh “sữa sạn thận” sau khi sử dụng sữa trộn melamine của Tập đoàn Tam Lộc. Con số tử vong và người mắc bệnh “sữa sạn thận” chắc chắn sẽ còn gia tăng bởi người ta vẫn chưa thống kê đầy đủ các trường hợp từng sử dụng sữa trộn melamine của Tập đoàn Tam Lộc.

Tại cuộc họp báo hôm 17/9, Bộ trưởng Y tế Trần Trúc cho biết, số trẻ mắc bệnh “sữa sạn thận” đang trong tình trạng nguy kịch đã lên tới gần 160 cháu, do đó con số tử vong sẽ gia tăng cho dù cơ quan chức năng đã và đang dốc toàn lực để chữa trị. Bộ trưởng Trần Trúc cũng nhấn mạnh, chính phủ đặc biệt quan tâm tới vụ “sữa sạn thận” - là vụ vi phạm an toàn thực phẩm cấp độ một - mức cao nhất, đồng thời đã thành lập gấp một đội phản ứng nhanh để kiểm soát tình hình, cũng như khắc phục sớm hậu quả xảy ra. Thứ trưởng Y tế Mã Hiểu Vỹ cho biết, những cháu mắc bệnh “sữa sạn thận” được điều trị miễn phí và sẽ sớm bình phục vì phương pháp điều trị khoa học, kịp thời và hiệu quả do cơ quan này đang tiến hành.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Cường cho biết, sữa bột Tam Lộc chưa xuất khẩu ra nước ngoài hoặc vùng lãnh thổ nào khác, trừ khu vực Đài Loan bởi sản phẩm này chủ yếu tiêu thụ trong nội địa Trung Quốc. Ông Cao Cường cũng thừa nhận, đây là một vụ vi phạm nghiêm trọng về an toàn chất lượng thực phẩm nên Trung Quốc đã thông báo cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và một số nước cũng như vùng lãnh thổ hữu quan. Theo thông báo của Bộ Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc phải báo cáo hàng ngày số trẻ bị nhiễm bệnh sau khi sử dụng loại sữa bột Tam Lộc.

Nạn nhân của sữa bột Tam Lộc.

Những trách nhiệm liên đới

Tất cả những cán bộ lãnh đạo của TP Thạch Gia Trang có liên quan tới “sự kiện sữa sạn thận” đều đã và đang bị xử lý theo trách nhiệm được giao. Thị trưởng Tề Xuân Đường, Phó thị trưởng Trương Phát Vượng, Cục trưởng Chăn nuôi thủy sản Tôn Nhậm Hổ, Giám đốc Sở quản lý Dược-Thực phẩm Trương Nghị và Giám đốc Sở Giám sát kỹ thuật, chất lượng sản phẩm Lý Chí Quốc đều bị bãi nhiệm vì không hoàn thành nhiệm vụ.

Tập đoàn Tam Lộc có một hệ thống cung cấp sữa tươi trên phạm vi toàn quốc, trong đó có khoảng 60.000 nông trại gia đình và là nhà sản xuất sữa bột lớn nhất Trung Quốc có trụ sở chính đặt tại tỉnh Hà Bắc. Nhưng sau “sự cố” của Tập đoàn Tam Lộc, một số công ty sữa như Mãnh Ngưu, Á Tư Lợi và Suncare cũng đã và đang tiến hành thu hồi những sản phẩm không hợp tiêu chuẩn. Tập đoàn sữa Fonterra cũng vừa tự nguyện thu hồi một lô sữa bà bầu nhãn Anmum Materna tại chi nhánh của họ ở Trung Quốc. Sở dĩ phải làm như vậy vì số sản phẩm kể trên được sản xuất và phân phối theo giấy phép của Tập đoàn Tam Lộc.

Theo giới truyền thông, Tập đoàn Tam Lộc có tiến hành thu hồi những lô hàng “kém chất lượng” sau khi nhận được sự phản ứng của người tiêu dùng từ hồi tháng 3, nhưng không báo với nhà chức trách địa phương, cũng như thông báo cho dư luận biết vấn đề này. Thậm chí Tập đoàn sữa Fonterra của New Zealand, (công ty mẹ của Tập đoàn Tam Lộc) mãi tới hôm 2/8 mới nhận được báo cáo về vấn đề này. Ngay sau khi nhận được tin, Tập đoàn sữa Fonterra đã lập tức yêu cầu Tập đoàn Tam Lộc thu hồi những lô hàng không đạt tiêu chuẩn. Nhưng việc này được thực hiện rất chậm trễ và mang tính nhỏ lẻ. Người tiêu dùng chỉ biết thông tin sau khi Thủ tướng New Zealand Helen Clark thông báo vấn đề này hôm 8-9. Nhưng việc thu hồi “sữa sạn thận” chỉ thực sự được tiến hành khẩn trương sau khi cơ quan chức năng Trung Quốc vào cuộc khoảng 1 tuần sau đó.

Điều khiến dư luận bức xúc nhất hiện nay là sự chậm trễ trong việc thông báo “sự kiện sữa sạn thận”. Chính phủ Trung Quốc chỉ biết vụ việc sau khi được Chính phủ New Zealand thông báo hồi đầu tháng 9, mặc dù vấn đề này từng được người tiêu dùng phản ánh với Tập đoàn Tam Lộc từ tháng 3/2008. Những người kéo tới phản đối bên ngoài trụ sở của Tập đoàn Tam Lộc ở thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc không những yêu cầu giải thích, mà còn phẫn nộ cho rằng, mặc dù có bồi thường tiền thì họ cũng không thể hoàn trả sức khỏe cho con em các gia đình bị hại. Theo nhận xét của giới chuyên môn, melamine có thể hủy hoại hệ thống miễn dịch ở con người.

Những trẻ sử dụng sữa bột Tam Lộc đều có triệu chứng giống như - mắc bệnh sạn thận, vôi hóa cơ quan tiết niệu. Các bác sĩ khuyến cáo, sỏi thận không chỉ gây hại cho thận, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đối với não, tim, phổi và gan của trẻ. Chuyên gia y tế khuyến cáo, những gia đình đã mua hoặc đang sử dụng sữa bột Tam Lộc phải theo dõi chặt chẽ mọi biểu hiện bất thường của trẻ. Trước mắt cho trẻ uống nhiều nước để tăng khả năng bài tiết chất độc hại. Nếu thấy trẻ có những hiện tượng khác thường như quấy khóc không rõ nguyên nhân, sốt, nôn, bí tiểu tiện, tiểu tiện ít, hoặc trong nước tiểu có những hạt nhỏ màu vàng nhạt thì phải đưa đi bệnh viện kịp thời

Nguyễn Thị Lân (tổng hợp)
.
.