Điều gì ám ảnh nghệ sĩ?

Thứ Bảy, 17/09/2011, 14:30

Nghệ sĩ, vốn là những người có trái tim mong manh và tâm hồn sương khói nhạy cảm. Họ dễ vui, dễ buồn, dễ cáu giận, thậm chí dễ khiếp sợ, ngán ngẩm.  Trong cuộc sống xã hội công nghiệp như hiện nay, từ ngoại cảnh tác động, mỗi người nghệ sĩ bị chi phối bởi điều gì?! Điều gì đã ám ảnh họ?!

NSND Như Quỳnh: Bây giờ quá kinh khủng, chỗ nào cũng thấy ngồi ăn…

Giờ đây, mình ít khi ra đường. Ra phố bây giờ thật vô cùng ngại bởi sự ồn ào, huyên náo, pha tạp rất là kinh khủng. Khói bụi, tắc đường, ô nhiễm. Tiếng ồn ào của động cơ. Tiếng ầm ĩ của nói to, chửi thề. Còn đâu nữa không khí Hà Nội với sự vắng vẻ, yên bình, tàu điện leng keng ngoài ngõ phố, mùa đông se lạnh gió heo may đầu mùa của những năm 60, 70… Chỉ vào ngày mồng 1, mồng 2, mồng 3 tết  thì Hà Nội mới gần như trở lại những năm 60, 70. Nó vắng vẻ, yên tĩnh, và những con phố dường như được nghỉ ngơi.

Bây giờ Hà Nội biến tướng chỗ nào cũng có thể bày bàn ra ngồi ăn, chứ Hà Nội xưa không phải như vậy. Người Hà Nội xưa có muốn ăn quà, thì một gánh bún riêu  đi qua nhà, người ta mua mang vào nhà để ăn chứ không phải ngồi ở vỉa hè ăn đâu. Có ngồi ở quán cóc cũng là uống một chén nước trà hoặc là ăn một cái kẹo lạc vào buổi sáng để ngắm phố xá, buổi chiều ngắm hoàng hôn, ngồi thư thái chứ không phải ăn uống tùm lum, bày bàn ghế ra ngoài hè như bây giờ đâu. Đấy không phải là của Hà Nội ngày xưa. Bây giờ quá kinh khủng rồi, đi đến chỗ nào cũng thấy ngồi ăn. Người ta có thể kê bàn ra vỉa hè ngồi sát ngay cạnh cống rãnh. Mặc cho xe cộ qua lại và người đi như nêm cối, người ta vẫn có thể xì xụp chan húp ngon lành.

Nhà văn Lê Lựu: Tôi không hiểu sao con người bây giờ không tốt với nhau

Trong lúc trà dư tửu hậu với bạn bè, tôi và những người bạn tâm giao nói về các vấn đề của xã hội, nghĩ về nhân tình thế thái. Tôi không hiểu sao con người bây giờ không tốt với nhau. Trong chiến tranh hy sinh nhiều, cuộc sống khổ cực, nhưng lòng mình thanh thản, lòng dân vô tư lắm. Đi chiến trường hy sinh mà lòng thanh thản, nhẹ nhàng. Bây giờ thời bình, không còn tiếng bom đạn nhưng tâm con người cứ lộn nhào hết cả. Không biết thế nào là phải, thế nào là trái. Không biết thế nào là đúng, thế nào là sai. Không biết thế nào là lim. Mỗi con người phải có một cái lim nhất định thì mới thành xã hội. Con người có nhiều tính cách thì cuộc sống mới phong phú và đa dạng. Nhưng mà phải có lim và có luật lệ.

Trong chiến tranh, tâm tính con người ta hiền lành, không mưu mô, xảo quyệt. Chứ thời nay, trong cơ chế thị trường này, luật lệ cũng lung tung. Xử lý công việc cũng lung tung. Sống nặng về vật chất, thực dụng, chụp giật. Bây giờ sáng ra đọc báo toàn những chuyện giật mình. Con kiện cha chỉ vì mươi mét vuông chỗ ở. Một đứa trẻ chưa đến tuổi vị thành niên giết mấy mạng người không ghê tay. Một đứa trẻ khác vì thiếu tiền chơi game ra tay hạ sát cả em mình, bà mình. Người ta thiếu tiền nên giết người chỉ vì vài trăm nghìn đồng. Trong làm ăn thì lừa đảo nhau nhiều lắm. Cứ lợi dụng nhau sơ hở từ cái chữ trong văn bản, thậm chí từ một cái dấu phẩy trong bản hợp đồng, một con chữ để lừa nhau hàng tỉ. Trong giới doanh nhân cũng nhiều người tốt, nhưng rồi cũng có rất nhiều người nhăm nhăm để lừa nhau.

Chính thời nay là thời loạn, chứ không phải chiến tranh là thời loạn.

Bây giờ ngay trong giới văn nghệ thôi cũng bị ảnh hưởng của cơ chế thị trường nên cũng có chuyện lừa nhau. Bản thân tôi cũng bị rất nhiều người đến lừa. Trung tâm Văn hóa Doanh nhân, chỗ tôi làm có người đến đây có vẻ chăm chỉ lắm, làm tất cả mọi việc. Nhưng đến khi tôi định xây dựng chương trình, giao cho ông ấy đi xây dựng kịch bản mình thông qua và mình phải ký tên mình. Thế là ông ấy lẻn đi đăng ký tác phẩm của ông ấy chứ không phải của trung tâm. Chính những người làm văn hóa cũng lừa lọc nhau. Có những ông đến đây, mình cần đi kêu gọi tài trợ thế là ông ấy nhận đi chỗ nào dễ. Mối quan hệ của trung tâm có từ trước thì ông ấy chõm luôn, ông đến và nói ông ấy là thủ trưởng, còn những nơi khó khăn không có quan hệ thì ông nhường cho người khác. Nói chung là nhiều màu sắc…

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn: Càng ngày tôi càng thấy bộc lộ sự chụp giật trong tiền bạc, tình yêu, mối quan hệ

Trong một buổi chiều mùa hè, gã lãng tử hào hoa của Hà Thành thổ lộ: Nhiều người hỏi tôi sống thẳng, sống thật thì có sợ bị ghét không? ô hay! Có khi người ta phải sống với cuộc sống quá giả dối đầy rẫy xung quanh. Cuộc sống càng ngày tôi càng thấy bộc lộ sự chụp giật trong tiền bạc, tình yêu, mối quan hệ… Mình rất sợ. Chính vì thế mà mình không sống với thứ ngoài mình. Mình chỉ sống với không gian của mình thôi.

NSƯT Hoàng Cúc: Tại sao mạng người lại rẻ đến thế?!

Cuộc sống bây giờ thật bất ổn, tai nạn giao thông khắp mọi nơi. Hằng ngày, xem truyền hình thấy thống kê một năm ở Việt Nam có 12.000 người chết và 20.000 người bị thương vì tai nạn giao thông. Thật là một con số khủng khiếp. Cách đây hơn một năm có một vụ tai nạn mà khi mình đọc báo xong cứ buồn suốt. Một người mẹ chở đứa con 2 tuổi đi ngoài đường, ôtô rú còi to quá, người mẹ giật mình phanh gấp lại, đứa bé ngã văng xuống đường, đúng lúc đấy xe ôtô lao tới cán phải… Em nhỏ không còn. Em chết thảm quá. Hay chuyện đau lòng xảy ra cách đây cũng chưa lâu, tại cây xăng phố Đội Cấn ngay gần nhà tôi, một xe ôtô bị kẹt số làm 2 người đi xe máy thiệt mạng khi họ đỗ mua xăng. Rồi vụ thương tâm, một ôtô đưa gia đình đi ăn cưới, hơn chục người thiệt mạng khi xe qua đường ray tàu hỏa. Mà tai nạn không chỉ xảy ra với đường bộ, ngay cả đường thủy cũng bị nhiều. Còn nhớ vụ tàu Dìn Ký, tổ chức sinh nhật cho một cháu nhỏ trên thuyền. Chỉ một cơn mưa, thuyền lật, dìm chết cả nhà. Những cái chết quá thảm khốc.

Thật vô lý. Tại sao mạng người lại rẻ đến thế. Lúc nào mình cũng có cảm giác sợ hãi mơ hồ, lo lắng cho người thân. Mình có duy nhất một con trai. Con mình mỗi lần đi ra ngoài bằng xe máy mình rất lo lắng. Đến khi mua ôtô cho con đi, mình cũng không hết lo. Con mới bảo mình: "Con đi xe máy mẹ lo đã đành, nhưng con đi ôtô mà mẹ vẫn còn lo. Thế bây giờ mẹ bảo con đi gì thì mẹ hết lo?!".

Những người thân đi ra ngoài đường, và những người bạn đến chơi bao giờ về mình cũng dặn với thêm một câu: "Đi cẩn thận nhé". Lại còn căn bệnh ung thư quái ác nữa chứ. Mà căn bệnh này có thể đến với bất kỳ ai. Bây giờ sự sống và cái chết nó có thể ập đến bất cứ lúc nào và không trừ một ai, nếu là tai nạn xảy đến với người thân thì thật kinh khủng. Mình chỉ mong muốn cuộc sống bình an, không chỉ cho riêng mình mà cả những người xung quanh. Làm sao bình yên đến với mọi người, từ trong gia đình đến ngoài xã hội thì lúc đấy thanh thản mà sống mới vui được.

Danh hài Tự Long: Một tuần không ăn cơm nhà… vì tắc đường

Thật ra với tôi đêm và ngày thì gần như nhau mất rồi. Bởi vì ban ngày tôi vẫn làm việc bình thường.  Tối đến thì tôi đi biểu diễn. Xong việc ở cơ quan đến việc nhóm ở ngoài. Mọi người ở Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần nơi tôi đang làm việc nói rằng: "Không ai khổ bằng thằng Long. Lúc mọi người được ăn uống đàng hoàng thì nó lại phải đang ở trường quay". Sau đó là tôi phải đi mua vội một hộp cơm để trên xe và khi đến nơi mọi người trang điểm, mặc quần áo biểu diễn thì lúc bấy giờ tôi mới được ăn để biểu diễn. Cho nên cái bữa ăn của mình nó cũng không được đàng hoàng lắm. Tất cả những cái đó thì nó là cái nghiệp rồi.

Thật ra, vợ tôi cũng phàn nàn bởi vì chẳng có người phụ nữ nào lại không muốn gia đình mình có những phút quây quần. Nhưng có những lúc cao điểm nhất, một tuần tôi không ăn cơm ở nhà là chuyện bình thường. Bởi vì từ nơi làm việc về đến nhà mình trong cái thời điểm hiện nay, đường đất như thế này nếu như về đến nhà ăn một bữa cơm thì đến nơi làm việc lại sẽ bị nhỡ giờ. Đường thì gần như chỗ nào cũng tắc. Cứ đi một đoạn lại tắc.  Thông được chỗ nọ thì lại phình ở chỗ kia. Đi lại quá vất vả. Biết vậy thì tốt nhất là ăn tạm đâu đấy hay là đến cái chỗ ấy bảo anh em mua cho cái gì, rồi ăn tranh thủ để còn ngủ tạm đi một tí.

Con trai tôi 4 tuổi, nhiều lúc tôi chỉ gọi được điện về cho con tôi thôi. Bởi vì mình đi thì chắc chắn là con còn đang ngủ rồi. Đi muộn lại tắc đường, đến cơ quan bị trễ giờ, mà mình là đảng viên nên phải gương mẫu. Nhiều khi muốn xong giờ làm việc ở cơ quan tranh thủ về nhà chơi với con để tối còn đi diễn. Nhưng giao thông như hiện nay, tắc đường như thế này mình kéo được cái xác về đến nhà thì cũng sắp tới giờ đi diễn tối. Lấn bấn với con có khi đến điểm diễn lại muộn. Mà diễn thì phải đúng giờ. Nên hễ có thời gian hai bố con thường lái xe đi lòng vòng. Cũng may là con tôi rất yêu bố cho nên lúc nào nó cũng thích được đi biểu diễn cùng với bố. Hoặc những lúc làm chương trình thì tôi thường cho con đến, nó rất thích. Tôi nghĩ, chỉ có mỗi cách đấy là thằng bé không quên mình. Chứ nếu không thì con sẽ quên mất bố nó là ai?

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Người ta vô tâm, ngoảnh mặt làm ngơ…

Tôi có thái độ nhiều khi rất cực đoan khi nhìn thấy những người đi trên những cái xe quá sang trọng, hay họ ăn những bữa ăn quá tốn kém. Xe hàng vài tỉ, chục tỉ, vài chục tỉ. ăn sáng thôi mà phở bò tây. Bò được uống sữa, tắm bia. Một bát phở thôi mà có giá cả năm, bảy trăm nghìn đồng. Những bữa ăn xa hoa, một bát súp cả triệu bạc. Họ ăn những bữa tiệc tốn kém như vậy, nhưng chỉ bớt đi một tí thôi thì đã giúp được cho bao nhiêu người thiếu đói. Mình cứ nói thẳng ra rằng đứa trẻ không may bị mắc bệnh cần từng này tiền là thoát chết, mà bằng ấy tiền thì anh có thể bớt một bữa ăn xa hoa để giúp cho nó. Thế nhưng không?! Người ta vẫn vô tâm, và ngoảnh mặt làm ngơ…

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.