Từ vụ Kobe Steel giả mạo dữ liệu về chất lượng sản phẩm:

Điều gì đang xảy ra với các thương hiệu Nhật Bản?

Thứ Năm, 09/11/2017, 15:31
Thượng tuần tháng 10-2017, công ty sản xuất thép hàng đầu thế giới Kobe Steel của Nhật Bản thừa nhận đã giả mạo dữ liệu về chất lượng sản phẩm, từ đó châm ngòi cho một vụ bê bối tại đất nước được cả thế giới ngưỡng mộ về quản lý chất lượng. Ngoài Kobe Steel, hàng loạt thương hiệu khác của Nhật Bản cũng xảy ra những vụ việc tương tự. Đây là điều chưa từng có trước đây.

Cái sảy nảy cái ung

Vụ bê bối Kobe Steel được báo chí Nhật Bản và thế giới đưa tin rộng rãi từ ngày 8-10, sau khi đại diện công ty thông báo với báo chí và xin lỗi khách hàng vì đã giả mạo dữ liệu về chất lượng sản phẩm nhôm và đồng cung ứng cho thị trường. Đại diện Kobe Steel thừa nhận rằng nhân viên tại 4 nhà máy của công ty đã sửa đổi dữ liệu trên phiếu chứng nhận kiểm tra các sản phẩm kim loại nhôm và đồng từ tháng 9-2016 đến tháng 8-2017.

Những sửa đổi đó nhằm mục đích làm cho sản phẩm đáp ứng các quy cách theo yêu cầu của khách hàng, bao gồm những chỉ tiêu chất lượng quan trọng như sức căng, độ cứng, bền, trong khi sản phẩm chưa đạt các chỉ tiêu này. Ngày 11-10, công ty đã bắt đầu điều tra để xác định có hay không việc làm giả dữ liệu đối với một sản phẩm khác của công ty là thép nén (thép bột nén) thường dùng trong chế tạo bánh răng vì có độ cứng, độ bền, và độ chính xác rất cao.

Lãnh đạo Kobe Steel cúi đầu xin lỗi khách hàng sau khi thừa nhận giả mạo dữ liệu chất lượng sản phẩm.

Đồng thời, công ty cũng đang kiểm tra những nghi vấn giả mạo dữ liệu khác có thể đã được thực hiện từ 10 năm trước.

Một trong những sản phẩm đang dính bê bối là nhôm cuộn. Đây là sản phẩm được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp giao thông vận tải vì trọng lượng nhẹ của nó. Các phương tiện giao thông như ôtô, tàu hỏa, máy bay có trọng lượng càng nhẹ thì mức tiêu hao nhiên liệu để chúng di chuyển càng ít.

Các chuyên gia đánh giá, bê bối của Kobe Steel có thể ảnh hưởng đến hàng trăm công ty khác, thuộc các ngành sản xuất tàu hỏa, ôtô, máy bay, trong đó có nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia khổng lồ như Toyota Motor, General Motors, Ford, các nhà sản xuất máy bay như Boeing, Mitsubishi Heavy Industries,...

Riêng Kobe Steel xác nhận đã giao các sản phẩm bị giả mạo dữ liệu cho khoảng 200 công ty. Các công ty sản xuất ôtô, máy bay trên thế giới đang tiến hành điều tra nội bộ để xác định mình có sử dụng sản phẩm của Kobe Steel hay không, và nếu có thì ước lượng mức độ ảnh hưởng hoặc thiệt hại (nếu có) như thế nào đối với sản phẩm xuất xưởng của công ty.

Một công ty đa quốc gia khổng lồ như General Motors mua hàng triệu tấn sắt thép một năm từ hàng chục nhà cung cấp, với độ cứng và hình dạng khác nhau. Chẳng hạn, General Motors có 12 nhà máy lắp ráp xe ôtô và 6 nhà máy dập khuôn thép chỉ riêng ở Mỹ. Tất cả đều lấy thép nguyên liệu, từ nhiều nguồn cung ứng khác nhau.

Ông Yasuyuki Yoshinaga - Tổng Giám đốc hãng xe Subaru - cúi đầu xin lỗi khách hàng vì sự cố KCS.

Cũng như General Motors, các hãng sản xuất xe ôtô lớn của Nhật Bản như Honda, Mazda, Mitsubishi, Nissan, Subaru, Suzuki và Toyota... đều đang kiểm tra việc sử dụng thép nguyên liệu của Kobe Steel. Toyota gọi vụ bê bối giả mạo dữ liệu sản phẩm là một “vấn đề nghiêm trọng” và nghiên cứu vấn đề để có phản ứng thích hợp. Kawasaki Heavy Industries, nhà sản xuất trang thiết bị cho tàu hỏa cao tốc Shinkansen của Nhật Bản cũng đang điều tra việc sử dụng thép nguyên liệu của Kobe Steel.

Mitsubishi Heavy Industries sử dụng sản phẩm nhôm cuộn của Kobe Steel trong sản phẩm máy bay cỡ trung Mitsubishi Regional Jet, hiện đang trong quá trình sản xuất, cũng như các bộ phận máy bay để cung cấp cho hãng Boeing. Mitsubishi hiện đang tiến hành điều tra về chất lượng an toàn của sản phẩm sử dụng nhôm Kobe Steel.

Đại diện hãng Boeing cho rằng vấn đề của Kobe Steel không phải là điều đáng bận tâm về độ an toàn sản phẩm của hãng, và hãng sẽ hợp tác với nhà cung cấp linh kiện, bộ phận Mitsubishi trong quá trình điều tra để làm rõ mọi vấn đề liên quan.

Kể từ khi vụ bê bối giả mạo dữ liệu bùng nổ, Kobe Steel đã gặp một số khó khăn và sẽ đối mặt với một tương lai đầy thách thức. Bộ Tư pháp Mỹ hiện đang thu thập, nghiên cứu tài liệu liên quan đến sản phẩm mà Kobe Steel đã xuất bán tại Mỹ. Còn cơ quan quản lý hàng không dân dụng châu Âu thì khuyên các nhà sản xuất máy bay dừng sử dụng sản phẩm thép nguyên liệu của Kobe Steel cho đến khi xác định được chất lượng sản phẩm.

Sau khi thanh tra Công ty Kobelco and Materials Copper Tube Co, (KMCT), công ty con chuyên sản xuất sản phẩm đồng của Kobe Steel, Tổ chức Bảo đảm chất lượng Nhật Bản (JQA) đã rút giấy chứng nhận Tiêu chuẩn Công nghiệp Nhật Bản (JIS) đối với các sản phẩm đồng và hợp kim đồng của Kobe Steel.

Được biết, JQA là tổ chức thẩm định và đánh giá các sản phẩm công nghiệp có đạt các tiêu chuẩn quốc gia Nhật Bản về chất lượng sản phẩm hay không. Tuy không mang tính ràng buộc pháp lý, nhưng chứng nhận JIS của JQA được xem như “giấy thông hành” để sản phẩm công nghiệp của các công ty như Kobe Steel được khách hàng an tâm sử dụng. JIS là một lợi thế cạnh tranh rất lớn, nếu bị rút lại sẽ làm mất đi khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thương trường.

Tuy rằng nếu không có chứng nhận JIS, Kobe Steel vẫn có thể sản xuất ra các sản phẩm thép đạt tiêu chuẩn như các đối thủ, như tuyên bố của Chủ tịch Công ty Hiroya Kawasaki, nhưng thực tế cho thấy Kobe Steel đã mất một số khách hàng về tay các đối thủ cạnh tranh kể từ khi những bê bối về giả mạo dữ liệu chất lượng bắt đầu xuất hiện từ cách đây nhiều năm.

Đó là vì sự bảo đảm chất lượng của sản phẩm công nghiệp nặng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các ngành sản xuất công nghiệp đòi hỏi độ bền vững và chính xác cao như ôtô, máy bay, tàu hỏa.

Đòn giáng mạnh vào uy tín thương hiệu

Tuy chưa có báo cáo nào từ khách hàng về thiệt hại do chất lượng nhôm, thép, nhưng vụ việc cũng đã làm cho niềm tin trên thị trường chứng khoán đối với thương hiệu Kobe Steel giảm sút nghiêm trọng, với giá cổ phiếu giảm một phần ba chỉ trong vòng 1 tuần lễ sau khi công ty thừa nhận việc giả mạo dữ liệu sản phẩm. Bên cạnh đó là những thiệt hại trực tiếp mà công ty phải gánh chịu vì sản phẩm không đạt chất lượng không thể giao cho khách hàng.

Theo thông báo mới nhất, công ty cho biết đã xác định được khối lượng sản phẩm thiệt hại, bao gồm 19.300 tấn nhôm lá cuộn, 19.400 tấn nhôm đúc khuôn và 2.200 tấn sản phẩm đồng. Khối lượng sản phẩm này tương đương với 4% tổng sản lượng xuất xưởng của công ty trong giai đoạn từ tháng 9-2016 đến tháng 8-2017. Đó là chưa kể những khoản nợ và nghĩa vụ tài chính Kobe Steel sẽ phải thực hiện từ nay đến năm 2018.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trước mắt thì Kobe Steel chưa đến mức phải gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính do công ty vẫn còn một khoản tiền mặt khá lớn (3,3 tỉ USD), nhưng các khoản nợ đáo hạn khoảng 1,1 tỉ USD, kèm theo đó là những khoản bồi thường theo thỏa thuận với khách hàng, tiền phạt bởi cơ quan chức năng vì gian dối dữ liệu sản phẩm cũng có thể trở thành gánh nặng đối với Kobe Steel.

Một dây chuyền sản xuất ôtô của hãng Nissan ở Yokohama.

Nền kinh tế Nhật Bản vốn dựa chủ yếu vào uy tín chất lượng sản phẩm công nghiệp, lấy đó làm thế mạnh cạnh tranh với hàng giá rẻ từ Trung Quốc và nhiều nước khác. Ngay cả khi không còn dẫn đầu thế giới trong một số lĩnh vực công nghệ, như truyền hình, điện thoại di động và máy tính, Nhật Bản vẫn giữ được vị thế số một trong các sản phẩm công nghiệp nặng có giá trị cao làm nguyên liệu sản xuất máy móc chính xác, hóa chất đặc dụng, cảm biến, camera.

Chất lượng giúp Nhật Bản giữ vững thị trường ngoại quốc bất chấp sự cạnh tranh quyết liệt. Mặc dù Trung Quốc đã nổi lên là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, Nhật Bản vẫn có thể xuất sang Trung Quốc một lượng lớn sắt thép.

Nhưng gần đây, thế mạnh về uy tín chất lượng hàng hóa của Nhật Bản đã bị ảnh hưởng bởi một loạt vụ việc bê bối tại các thương hiệu hàng đầu. Theo đánh giá của giới chuyên gia, vụ việc của Kobe Steel có tầm ảnh hưởng rộng khắp ngành công nghiệp nặng của thế giới, là một “cú đấm” mạnh vào uy tín thương hiệu Nhật Bản. Ngoài Kobe Steel còn có một số thương hiệu khác cũng đang “có vấn đề” về uy tín, chất lượng.

Đầu tháng 10-2017, Nissan Motor - một thương hiệu ôtô nổi tiếng của Nhật Bản - cũng thừa nhận đã để cho những nhân viên không đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện việc kiểm tra chất lượng sản phẩm tại các nhà máy của công ty. Từ đó, dù chưa biết chắc việc này có ảnh hưởng gì đến chất lượng xe xuất xưởng hay không, nhưng Nissan vẫn buộc phải triệu hồi 1,2 triệu chiếc xe đã sản xuất trong 3 năm qua.

Trước Nissan, 2 thương hiệu ôtô lừng lẫy khác của Nhật Bản là Mitsubishi Motors và Suzuki Motor cũng thừa nhận năm ngoái (2016) đã thổi phồng mức tiết kiệm nhiên liệu của các dòng xe bằng cách gian lận trong kiểm tra, sát hạch. Sau khi vụ việc của Kobe Steel bùng phát, và sự thừa nhận sai sót của các thương hiệu lớn khác, đến lượt hãng xe lớn thứ bảy Nhật Bản là Subaru cũng thừa nhận rằng trong 30 năm qua đã giao cho những nhân viên tập sự, không đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ làm công tác kiểm định chất lượng sản phẩm trước khi xuất xưởng. Liên quan đến sự cố này, Subaru tuyên bố sẽ thu hồi 225.000 chiếc xe đã xuất xưởng bán ra thị trường trong nước.

Đòn giáng mạnh nhất vào uy tín thương hiệu Nhật Bản có lẽ là từ Công ty Takata, nhà cung cấp túi khí trên xe ôtô hàng đầu thế giới. Takata là tâm điểm của vụ bê bối an toàn trên ôtô lớn nhất thế giới. Sự cố bắt đầu xảy ra rải rác từ năm 2008 với các dòng xe của Honda và Toyota, nhưng các hãng xe này đã kịp thời sửa chữa, thay túi khí thương hiệu khác và buộc Takata phải thu hồi sản phẩm của mình, đồng thời bồi thường thiệt hại do sự cố túi khí gây ra.

Đến năm 2013, bê bối bùng nổ trên phạm vi toàn cầu, với nhiều sự cố túi khí của Takata đã gây ra cái chết cho ít nhất 16 người và làm bị thương hàng trăm người dùng ôtô khắp thế giới. Từ đó dẫn đến vụ bê bối an toàn trên ôtô lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp ôtô thế giới, với hơn chục triệu chiếc xe bị thu hồi để thay túi khí. Riêng số lượng túi khí Takata phải thu hồi là hơn 100 triệu chiếc.

Trong khi việc kinh doanh bị đình trệ vì sự cố chất lượng sản phẩm, Takata còn phải chịu thiệt hại nặng nề cả về tài chính, với các khoản tiền bồi thường và nộp phạt lên đến hàng tỉ USD, hạn chót phải hoàn tất là đầu năm 2018. Ngày 18-6-2017, Công ty Takata nộp đơn xin phá sản.

Điều gì đang xảy ra với thương hiệu Nhật Bản? Đi tìm lời đáp cho câu hỏi này không dễ. Toshiaki Oguchi, Giám đốc Tổ chức Giám sát quản trị giới chủ Nhật Bản (GOJ) cho rằng nói chung các công ty Nhật Bản rất chăm chút vấn đề chất lượng sản phẩm, nhưng quy trình quản trị chất lượng của công ty có kẽ hở lớn là không giám sát chất lượng trực tiếp ngay khi sự cố gian lận xảy ra, lãnh đạo doanh nghiệp không chấp nhận việc nhân viên hay người bên ngoài thực hiện việc kiểm tra toàn diện hoặc phê bình, phản biện đối với chất lượng sản phẩm, từ đó khiến cho các sai sót, sự cố dễ dàng lọt qua sự kiểm soát của công ty.

Đến khi bê bối xảy ra mới đi thuê các đơn vị kiểm định độc lập bên ngoài vào điều tra, đánh giá. Ông Oguchi giải thích thêm rằng, cạnh tranh thị trường đã tạo sức ép quá lớn lên các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản, từ đó khiến họ không còn đủ thời gian và chú tâm bảo đảm chất lượng như truyền thống trước đây.

An Châu (tổng hợp)
.
.