Điều trị AIDS bằng liệu pháp ghép tuỷ xương

Thứ Bảy, 26/12/2009, 10:50

Một hy vọng mới về việc điều trị căn bệnh thế kỷ AIDS lại được dấy lên. Vào trung tuần tháng 11 vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Charité (Berlin, Đức) đã tiết lộ: một bệnh nhân bị nhiễm AIDS hơn một thập kỷ dường như đã thoát khỏi virus tử thần này 20 tháng sau ca phẫu thuật ghép tủy xương để trị bệnh máu trắng.

Theo lời giải thích của Bệnh viện Charité thì đây là "một trường hợp đáng chú ý" nhưng "hy hữu", không nên hy vọng quá nhiều vì ca bệnh trên có thể chỉ là một sự may mắn. "Đây là trường hợp đáng chú ý trong công tác nghiên cứu"- nhận định của Giáo sư Rodolf Tauber trong một bản tin. "Tuy nhiên, những hứa hẹn sẽ chữa lành cho hàng triệu bệnh nhân nhiễm HIV là không đáng tin" - Giáo sư cho biết thêm. Được biết mỗi năm có 2 triệu người mới được chẩn đoán nhiễm HIV, và tổng cộng virus HIV đã lây lan cho 33 triệu người trên toàn thế giới.

Bệnh nhân được xét nghiệm dương tính HIV từ 10 năm nay là một người Mỹ, 42 tuổi, sống tại Berlin. Anh phải trải qua cuộc phẫu thuật ghép tủy để chữa bệnh bạch cầu đã hành hạ anh suốt 3 năm qua. Bác sĩ Gero Huetter, một thành viên trong nhóm điều trị, nói rằng khi ông chuẩn bị chữa bệnh máu trắng cho bệnh nhân này bằng liệu pháp ghép tủy xương, ông chợt nhớ ra rằng có những người mang một đột biến gien mà dường như nó giúp họ kháng lại việc nhiễm HIV.

Đột biến này đã được các nhà khoa học biết đến nhưng đến nay vẫn chưa giải thích được: trường hợp đặc biệt này, đột biến cơ quan thụ cảm CCR-5 của virus, chỉ hiện diện ở 1-3% dân số châu Âu và gần như hình thành ở những người này khả năng miễn dịch với virus HIV. "Tôi đọc được điều này một cách tình cờ năm 1996. Tôi vẫn nhớ và nghĩ rằng nó có thể có tác dụng" - bác sĩ Gero Huetter cho biết. Và trong số 80 người tình nguyện, ông đã tìm được 1 người có đột biến phù hợp đó.

Nhóm các nhà huyết học tại Berlin do Giáo sư Eckhard Thiel chịu trách nhiệm chữa trị cho bệnh nhân đã chọn người hiến tủy đặc biệt này "với hy vọng sau khi ghép tủy, virus HIV cũng sẽ biến mất". Trước ca phẫu thuật, bệnh nhân được trị liệu bằng thuốc và phóng xạ mạnh để giết chết các tế bào tủy xương đã nhiễm bệnh, và làm bất hoạt hệ miễn dịch, đồng thời ngừng dùng thuốc chữa AIDS để ngăn các chất diệt khuẩn có thể gây ra phản ứng thải hồi. Theo lời tóm tắt của nhóm giáo sư Thiel vào ngày 12/11 vừa qua: "Thông thường, ngưng điều trị chống virus ARN trong vài tuần sẽ làm phát triển bệnh AIDS. Nhưng cho đến nay, hơn 20 tháng sau thành công của ca phẫu thuật ghép tủy, vẫn không phát hiện được virus HIV nào trên cơ thể người bệnh".

Trường hợp này được nêu trên nhật báo Mỹ Wall Street Journal và được giật tít lớn vào ngày 12/11 trên tờ Bild, một tờ báo nổi tiếng của Đức, nhưng vẫn chưa phải là mục tiêu của các công bố khoa học. “Không nên đặt quá nhiều hy vọng vào liệu pháp này” - xác nhận trong cuộc họp báo ngày 12/11 vừa qua của bác sĩ Gero Huetter. "Phương thức này không phù hợp với việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV - cho hiện nay cũng như trong tương lai.

Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân đặc biệt này lại chỉ ra vai trò mấu chốt của gen CCR-5 trong việc truyền bệnh HIV và trong việc phát triển bệnh" - ông nhấn mạnh như vậy đồng thời chỉ rõ rằng việc điều trị HIV trong trường hợp bệnh nhân này chỉ là "một tác dụng phụ" của giải pháp trị liệu được định ra để chữa cho người bị bạch cầu.

Thật vậy, 20 tháng - điều này chẳng có nghĩa lý gì cả. Tính từ thời điểm một tế bào bị nhiễm trùng cho tới khi phát hiện ra nó đã phải mất vài năm. Do đó, thời gian 2 năm là quá ngắn để có thể đưa ra kết luận cuối cùng. Song, nếu được thừa nhận, khám phá này cho thấy giải pháp trị liệu bằng gien một ngày nào đó sẽ có thể giúp điều trị được cho những người dương tính HIV

G.K. (tổng hợp)
.
.