Đô thị hóa nông thôn: Kiến trúc nông thôn đang đổi đẹp lấy xấu

Thứ Bảy, 17/09/2011, 14:35

Trong những năm gần đây, nông thôn đang bị mối đe dọa lớn của cuộc "xâm lăng" đô thị hóa. Tình trạng phổ biến ở nhiều nơi của vùng quê, cánh đồng mọc lên nhà xưởng, ngôi nhà nhỏ nhắn nương nép hòa mình vào thiên nhiên dần biến mất mà thay vào đó nhà cao tầng kiến trúc tự phát, màu sắc, kiểu dáng xa lạ.

Ngay cả những hình ảnh quen thuộc như bờ tre, bụi chuối, đống rơm, ao làng, giếng làng… cũng không còn mấy nữa. Người ta không khỏi lo lắng, xót xa bức tranh nông thôn Việt Nam, cái làng Việt ngàn năm sẽ bị xóa sổ.

Nuối tiếc hình bóng xưa

Cảnh đẹp làng quê bao đời luôn có sức cuốn hút người đi, kẻ ở. Ai xa quê cũng nhớ đến nao lòng hình ảnh xóm làng thân thương, những hình ảnh yêu dấu ấy đã đi vào thơ ca như một sự tri kỷ, tri ân với mảnh đất ruột thịt của mình. Biết bao nhiêu tác phẩm văn học nghệ thuật về làng quê ra đời. Ca khúc nổi tiếng "Làng tôi" nhạc sĩ Văn Cao trải lòng "Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung. Đời đang vui đồng quê yêu dấu, bóng cau với con thuyền một dòng sông…". Còn với ca khúc "Làng tôi" Hồ Bắc tâm tình: "Làng tôi sau lũy tre mờ xa. Tình quê yêu thương những nếp nhà… Làng tôi bát ngát cánh đồng, mỗi khi thu sang nắng vàng bông lúa chín". Khắc khoải và thổn thức trong ca khúc "Làng tôi", nhạc sĩ Chung Quân viết "Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh. Có sông sâu lờ lững vờn quanh êm xuôi về Nam. Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau. Bóng tre ru mấy hàng cau. Đồng quê mơ màng…".

Sau này, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã lột tả vẻ đẹp giản dị, mang màu sắc gợi mở của vùng quê Kinh Bắc qua ca khúc "Làng Quan họ quê tôi", Trần Đăng Khoa lại ru độc giả bằng những câu thơ thấm đẫm hồn của làng quê Việt qua hình ảnh giản dị, trong bài "Hạt gạo làng ta". Nhà văn Kim Lân cũng đưa đến cho bạn đọc không khí rõ nét của chốn quê với người dân lành hiền, chất phác khi viết truyện ngắn nổi tiếng "Làng". Chỉ mới cách đây mấy năm, chàng trai trẻ Nguyễn Vĩnh Tiến đã làm dậy sóng người yêu nhạc bằng cách thu nhỏ không gian sống làng quê vào ống kính đầy mê đắm và nhiệt huyết của mình khi viết ca khúc "Bà tôi" với hình ảnh người bà nhỏ bé đội cả trời nắng to, rồi gió cuốn, nào mây trôi, tiếp bóng nắng liêu xiêu, và sợi rơm khô…

Ai cũng có quê. Và quê là mạch nguồn cảm xúc tuôn chảy vô ngừng, vô tận. Dường như khi viết về quê ai cũng nặng lòng hơn, bịn rịn, khắc khoải hơn và cũng chính vì thế sự đồng cảm được nhân lên gấp bội. "Quê tôi là bao nguồn yêu thương. Quê tôi là bao nhớ nhung se buồn, là bao vấn vương tâm hồn người bốn phương" lời của Chung Quân đã nói hộ tâm trạng của bao người xa quê. Ai nặng lòng với thôn quê hẳn không nguôi xót xa, nuối tiếc hình ảnh đang dần đổi thay của chốn yên bình làng mạc, thôn xóm để bắt kịp với đời sống đô thị hiện đại.

Từ làng ra phố, hay từ phố về làng là khoảng cách xa lắm. Nếp ăn, nếp ở, đời sống sinh hoạt, cũng như phong tục tập quán của chốn thôn quê khác xa với đời sống ồn ào nơi phố thị. Chất của người ở quê và thành phố cũng rất khác nhau. Người xưa có câu: "Phép vua thua lệ làng". Làng luôn có một vị trí độc tôn và quan trọng trong đời sống tinh thần người Việt. Nơi đó là tuổi thơ, là giấc mơ êm đềm với bờ tre, ruộng mật, bãi mía, nương dâu. Những đêm trăng sáng vằng vặc ngoài vườn, từng mái nhà tranh đơn sơ ẩn mình trong thôn xóm. Không gian sinh động mà miền quê nào ta cũng bắt gặp, đó là tiếng gà gáy sáng, tiếng chó sủa đêm, tiếng côn trùng rả rích, ếch nhái râm ran và những con đom đóm lập lòe bay ngoài vườn. Miền quê là cây cầu tre nhỏ vắt trên sông, là con đò nhỏ giăng mờ buổi sớm. Là cảnh quan quen thuộc mái đình, giếng nước, gốc đa. Là triền đê lộng gió nơi đàn bò thong dong gặm cỏ. Là những chú trâu trầm mình dưới vũng bùn tắm mát. Những đứa trẻ quê cưỡi trên lưng trâu thổi sáo, thả diều. Là mái nhà tranh đơn sơ, với cây cột gỗ như một chứng tích thời gian trải qua bao năm tháng nhọc nhằn. Là ánh lửa hồng bập bùng trong bếp. Là đàn chim sẻ sà xuống sân gạch mỗi trưa nắng hè.

Làng quê đẹp tự nhiên và gần gũi. Mỗi lần về quê, con người ta như cởi bỏ được tấm áo khoác nặng nề, mệt mỏi chật hẹp nơi phố thị để hòa mình vào thiên nhiên đất trời, vạn vật. Để rồi ngửi mùi thơm lúa chín, mùi rơm rạ, mùi ngai ngái từ những thân cây xù xì chảy nhựa. Cảm nhận được không khí tươi vui, nô nức của ngày mùa.

Bức tranh nông thôn Việt Nam đang dần bị xóa sổ

Đó là câu nói của họa sĩ, Lương Xuân Đoàn khi tôi hỏi ông về việc nông thôn đang ngày bị đô thị hóa.

Ông Đoàn cho biết: Hiện nay có độ vênh rất lớn về văn hóa, kể cả văn hóa của người quản lý ở địa phương, họ đã tự định ra một cái chuẩn không giống ai. Hình ảnh làng quê Việt Nam,  đặc biệt là kiến trúc nông thôn đang bị mối đe dọa lớn của cuộc xâm lăng đô thị. Và đời sống tinh thần, văn hóa làng xã đã dần có những bước biến đổi.

Tình trạng Đô thị hóa nông thôn như thế này đang xảy ra tại các làng quê Việt Nam.

Người dân đi làm đồng bằng xe máy, trai gái trong thôn không còn thích màu tóc đen truyền thống, lại tập tành học đòi theo người thành phố để nhuộm tóc màu, ảnh hưởng của phim truyền hình dài tập Hàn Quốc. Trẻ em đa phần không còn thích trò chơi dân gian như đánh khăng, trốn tìm, bịt mắt bắt dê mà mê mải vùi đầu hàng giờ trong những quán game, cafe Internet. Từ ngay đầu làng, thi thoảng lại xuất hiện ánh đèn nhấp nháy xanh đỏ từ một cửa hiệu karaoke. Biển hiệu nhà nghỉ bình dân, cửa hàng mát xa, cắt tóc máy lạnh giá rẻ mọc xin xít trên những con đường liên tỉnh, liên xã. Vài cô gái quê mắt xanh môi đỏ, váy ngắn, áo trễ cổ mời chào. Dăm cái ao làng bị lấp đất để xây nhà. Những quả đồi cắt ra, san phẳng để định giá bán cho tư nhân. Người thành phố thi nhau về quê mua đất xây trang trại, hay quây hàng rào để chờ ngày lên giá. Người quê lại đổ xô ra phố kiếm việc làm.

Về làng quê nhà cửa san sát không khác gì ở phố. Hình ảnh cánh đồng thẳng cánh cò bay trong ca dao khi xưa nay bị che chắn tầm mắt, đâu đó mọc lên nhà xưởng. Đường lớn, ngõ nhỏ ở làng quê ồn ào, bụi bặm bởi tiếng động cơ xe tải chạy, cày như nát đường. Người ta chở gạch đến để xây khu công nghiệp. Giờ, đi qua xã nào đa phần cũng thấy nhiều nơi phá vườn để xây nhà theo kiểu phố thị hiện đại. Căn nhà mái ngói rêu phong được đổ mái bằng và xây nhà tầng. Nền đất nhà cổ khi xưa giờ được đổi đời bằng gạch tráng men bóng loáng. Đâu đó bắt gặp những biệt thự nửa tây, nửa ta như người đàn bà đẹp kỳ dị, lòe loẹt ngang nhiên khoe sắc.

Đã có một thực tế trong một gia đình nhiều thế hệ, các con nhường cho cha mẹ già ở trung thành với kiến trúc truyền thống, tổ tiên để lại còn các con xin đất vườn, xây lên nhà ống theo kiểu phố thị vài ba tầng, màu sắc sặc sỡ. Tự nhiên kiến trúc nông thôn bị khập khiễng. Chúng ta càng đi xa đến các địa phương thì càng buồn vì khung cảnh nông thôn xóm làng bây giờ xê dịch quá nhiều, biến đổi không phanh.

Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Người dân thôn quê có quyền được sống  một cách đàng hoàng. Người nông dân không cần phải giữ lại mái tranh, tường đất để chúng ta tìm về, ngắm nghía những giá trị di sản kiến trúc của cha ông làm nên làng Việt. Nhưng thật đáng buồn kiến trúc nông thôn Việt Nam bây giờ tự phát và không theo một kiến trúc gì. Làng quê đang ngày càng phá dần nét đẹp cổ truyền để nhét kiến trúc đô thị. Nhà ống đô thị đã lắp vào  nhiều làng làm nên cảnh quan lổn nhổn, bát nháo. Đi bên ngoài quốc lộ nhìn vào khung cảnh quê trông mà ngao ngán. Nhà nào cũng nhô ra được mặt tiền trông chả khác gì hình ảnh phố thị loại xoàng ấn ra.

Ông Đoàn nhấn mạnh: Cơ quan quản lý cần nhanh chóng kiểm soát khắt khe kiến trúc nông thôn, đồng thời phải hướng dẫn về thẩm mỹ kiến trúc, chứ không thể để tùy tiện như hiện nay được. Đây là bài học trả giá lớn

NHÀ PHÊ BÌNH MỸ THUẬT PHAN CẨM THƯỢNG:

Đô thị hóa không có gì hay nhưng là một quá trình tất yếu không cưỡng lại được.

PV: Lý do nào dẫn đến tình hình đô thị hóa nông thôn, thưa ông?

NPB Mỹ thuật Phan Cẩm Thượng: Vấn đề đô thị hóa nông thôn không thể chỉ đánh giá đơn giản là người nông dân thích sống ở nhà bê tông và gạch xây cao tầng hơn là ngôi nhà tre gỗ truyền thống. Việc tăng dân số, việc không có quyền chủ động với đất canh tác nông nghiệp, lối sống đại gia đình truyền thống không còn được duy trì, chuyển đổi ngành nghề chứ không làm ruộng thuần túy như trước và cuối cùng là ngôi nhà cũ không còn đáp ứng được cuộc sống của con người hiện tại, tất cả mới làm nên lý do của sự đô thị hóa nông thôn.

Khi ngôi nhà truyền thống tre gỗ và đất trở nên quá nhỏ bé, thì sự thay đổi không chỉ diễn ra ở một vài gia đình mà là cả một làng xã. Tất nhiên quá trình này ban đầu hoàn toàn tự phát, không có những quy hoạch kiến trúc làng xã cụ thể, mà chỉ có quy hoạch đất đai nói chung, không ai hướng dẫn người nông dân xây ngôi nhà hiện đại như thế nào. Kết quả là cả làng và cả nước bắt chước nhau xây dựng một lối nhà ống bê tông cao tầng và trang trí lòe loẹt theo nhiều kiểu, cũng như tất cả dồn ra mặt đường làng mới để tiện bán hàng. Hình ảnh làng xã cổ xưa nghèo, nhưng đẹp đẽ và có thẩm mỹ, thậm chí có thể nói có tư tưởng kiến trúc bị phá vỡ hoàn toàn. Đó thật là điều đáng tiếc, mà chúng tôi từng nhắc đến là kiến trúc nông thôn đang đổi đẹp lấy xấu. Khi làng xã cổ truyền thay đổi, văn hóa, tập tục, quan hệ nhân văn thay đổi theo. Cái tốt có, nhưng cái xấu không ít và nhiều mặt rất đáng buồn. Trong đó ô nhiễm môi trường sống và suy thoái đạo đức là mặt chính.

PV: Người xa quê mỗi lần trở về đã mất rất nhiều cảm xúc vì ở đó họ không còn tìm thấy tuổi thơ của mình vì hình ảnh thân quen ngày xưa không còn là mấy nữa…Kiến trúc tự phát này đang dần phá hỏng không gian của làng quê, và đồng thời đập vỡ những ký ức của những gì đã từng gắn bó với không gian làng quê…

NPB Mỹ thuật Phan Cẩm Thượng: Khi dân số trong làng tăng lên gấp 3-4, thậm chí đến 6-7 lần so với đầu thế kỷ XX, các hộ gia đình cũng tăng lên đáng kể. Nhưng các gia đình nông thôn không còn duy trì xu hướng đại gia đình với nhiều thế hệ như trước, mà ở theo từng gia đình nhỏ, mỗi gia đình một ngôi nhà. Do đó người ta phải xây dựng rất nhiều nhà cửa. Nhà gỗ bây giờ còn đắt hơn nhà bê tông và không thích ứng với thanh niên nữa. Người miền núi thì từ bỏ ngôi nhà sàn, người miền xuôi thì từ bỏ ngôi nhà đất và gỗ vì kèo. Ao hồ, gò đồi bị san lấp, một số đình đền chùa vốn đã bị phá hủy trong chiến tranh và những đợt bài trừ mê tín dị đoan, nay được phục hồi nhưng rất thiếu kiến thức và thẩm mỹ, đồng ruộng thu hẹp, các bãi sông bị khai thác, những con đường đầy bụi và luôn xuống cấp…Sự nên thơ trước kia của làng xã Việt Nam đã biến mất dần và thay thế bởi những tiểu đô thị rất lộn xộn với chất lượng sống rất kém.

PV: Việc đô thị hóa nông thôn đã diễn ra ở khắp các tỉnh thành cả nước ở tình trạng báo động, điều này ảnh hưởng và có tác động như thế nào với đời sống tinh thần của người dân, thưa ông?

NPB Mỹ thuật Phan Cẩm Thượng: Đô thị hóa nông thôn có nhiều nguyên nhân. Các nhà quản lý và xã hội cần phân tích rõ điều này. Tuy nhiên kèm theo đó là thực trạng rất nhiều làng xã âm thầm tự bỏ dần canh tác nông nghiệp, cho con em theo học những ngành nghề mới, bởi vì họ không biết lúc nào thì ruộng của họ phải chuyển đổi cho các tổ hợp công nghiệp hay công việc nào khác, cũng như sản xuất nông nghiệp bây giờ, nước, phân, giống, cày cấy đều phải thuê mua, lãi suất rất thấp. Người nông dân cũng nhận thấy đô thị hóa không có gì hay nhưng là một quá trình tất yếu không cưỡng lại được.

Trần Mỹ Hiền
.
.