Doanh nhân cũng cần “sân chơi văn hoá”

Thứ Hai, 15/10/2007, 19:00
Ngay trong Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10/2007, một sự kiện lớn đang thu hút được sự quan tâm của dư luận là "Cuộc gặp gỡ tháng 10" do Trung tâm Văn hóa doanh nhân Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Đây không chỉ là nơi doanh nghiệp gặp gỡ với các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà còn là dịp để giới doanh nhân Việt Nam nhìn lại con đường đi 5 năm trên "sân chơi văn hóa" của mình.

Đêm tôn vinh “văn hóa doanh nhân”

Kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam, 19h ngày 13/10/2007, tại Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Doanh nhân sẽ tổ chức cuộc “Gặp gỡ tháng 10”. Trong buổi giao lưu này, sẽ có khoảng 40 doanh nghiệp được nhận “Biểu tượng vàng văn hóa doanh nhân”.

Đây được xem là sự tôn vinh với những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, cũng là chương trình ghi nhận 5 năm hoạt động của Trung tâm Văn hóa doanh nhân Việt Nam - sân chơi về văn hóa duy nhất của các doanh nhân, doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay.

Dự kiến đêm giao lưu này sẽ có sự tham dự của: Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ VH TT&Du lịch Hoàng Tuấn Anh.

Đêm giao lưu sẽ mang thêm ý nghĩa khi các doanh nghiệp được trực tiếp trò chuyện với một người được mệnh danh là “vừa làm lãnh đạo doanh nghiệp, vừa làm đại biểu nhân dân”: doanh nhân Phạm Thị Loan - TGĐ Tập đoàn Việt Á và hiện đang là Đại biểu Quốc hội.

Cuộc “Gặp gỡ tháng 10” còn được xem như là dịp để giới doanh nhân nhìn lại chặng đường xây dựng nền “văn hóa doanh nhân Việt Nam”.

5 năm tạo dựng “văn hóa doanh nhân”

Bây giờ, tôi thấy nhiều người vẫn còn quan niệm coi những người làm ăn buôn bán là: con buôn, con này, thằng nọ... nhưng thực tế tôi thấy có nhiều người đang làm giàu cho đất nước một cách chân chính đấy chứ.

Họ cũng cần có một sân chơi, một sân chơi văn hóa sẽ đưa họ đến gần với cộng đồng hơn” - Nhà văn Lê Lựu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa doanh nhân Việt Nam nói về ý tưởng thành lập trung tâm của ông.

Ra đời vào ngày 11/9/2002, Trung tâm Văn hóa doanh nhân Việt Nam được xem là sân chơi văn hóa đầu tiên của hàng ngàn doanh nhân, doanh nghiệp, những người làm nghề kinh doanh, buôn bán ở Việt Nam. Ý tưởng thành lập một nơi gặp gỡ, bàn luận về văn hóa cho các doanh nhân ra đời khi ông còn làm ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Từ trước năm 2002, ông đã mang báo cáo lên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xin giấy phép. Ý tưởng này của ông không được để ý, chỉ có Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp lúc đó là ông Đoàn Duy Thành mang cả bộ hồ sơ của ông về nghiên cứu, sau đó, không chỉ cấp phép, ông còn hứa sẽ giúp đỡ ông để phát triển trung tâm “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam này.

Nhận được giấy phép, nhà văn Lê Lựu một mình kiêm mọi công việc, đầu tiên là... đi xin sự trợ giúp của bạn bè. Bạn bè ông, các nhà văn, nhà báo, người ủng hộ cái bàn, người ủng hộ cái máy in, người cho bộ giá đựng tài liệu... Trụ sở của Trung tâm Văn hóa doanh nhân ngày ấy cũng là “ở nhờ” một gian phòng rộng 20m2 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội trên đường Lý Nam Đế.

Ban đầu, nhà văn Lê Lựu tổ chức vài đêm thơ nhạc, mời các bạn bè văn nghệ sĩ cùng vài người bạn làm kinh doanh đến tham dự. Qua các buổi gặp gỡ đó, nhiều nhà văn, nghệ sĩ đã bắt gặp được các nhà tài trợ in sách, xuất bản nhạc; các doanh nghiệp lại tìm thêm cơ hội kinh doanh mới trên lĩnh vực văn hóa.

Cứ thế cái trung tâm của ông trở thành điểm đến của các doanh nghiệp, nhà báo, nhà thơ. Ban đầu trung tâm của ông hoạt động chẳng có kinh phí nên chuyện thu chi cũng coi như “không có gì phải tính”. Về sau, khi càng nhiều người muốn gia nhập và cần phải tổ chức các sự kiện lớn thì các doanh nghiệp mới đứng ra tài trợ.

Nhà văn Lê Lựu cho rằng mình bắt gặp đúng lúc 2 thứ quan trọng: “Giàu thì phải sang”, người ta giàu rồi, làm kinh tế thành đạt rồi, người ta phải lên tầm sang, mà không có gì sang bằng văn hóa. Cái thứ hai là nguyên tắc “cần cái thiếu”: người ta làm ăn rồi, thành đạt rồi, người ta cần nơi để giao lưu, hoạt động văn hóa”.

“Tôi nghiệm thấy một điều, không ít người buôn bán theo kiểu chộp giật, lừa gạt đủ đường. Một sân chơi văn hóa sẽ giúp người doanh nhân nâng tầm tư duy “làm giàu có nhân cách”, điều đó sẽ kìm hãm sự lừa gạt” - nhà văn Lê Lựu tâm sự.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, đã có không ít điều tiếng về việc một số tập thể cá nhân mượn tiếng Trung tâm Văn hóa Doanh nhân để “làm ăn kinh tế”. Nhiều doanh nghiệp liên kết rồi lợi dụng danh nghĩa trung tâm để trục lợi, vậy nên, đã có lúc người ta lầm tưởng Trung tâm Văn hóa doanh nhân lập ra chỉ để đi... xin tiền.

Sau 5 năm hoạt động, Trung tâm Văn hóa doanh nhân Việt Nam thành lập được 2 viện nghiên cứu, 15 trung tâm thành viên trong đó có Trung tâm Thông tin trí tuệ, Trung tâm Văn hóa trí tuệ sinh viên, thanh niên Việt Nam, Câu lạc bộ Doanh nhân văn hóa...

Câu lạc bộ Văn hóa Doanh nhân Việt Nam hiện đã có 1.317 hội viên, mỗi năm lại có từ 250 đến 270 doanh nhân, doanh nghiệp làm đơn xin gia nhập sân chơi này.

Cũng trong 5 năm, hàng chục sự kiện lớn được tổ chức, phương châm của trung tâm là: gắn “văn hóa doanh nhân” vào các sự kiện của đất nước: ví dụ như nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, trung tâm tổ chức giao lưu: “Doanh nhân với văn nghệ sĩ và nhà báo”...

Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 thì trung tâm tổ chức chương trình “Văn hóa doanh nhân với sự trường tồn của dân tộc”... Một trong các chương trình được đánh giá cao nhất của Trung tâm Văn hóa doanh nhân Việt Nam là trao các “Cúp vàng văn hóa doanh nhân” hàng năm cho các doanh nghiệp tiêu biểu, các doanh nhân xuất sắc.

Từ một ý tưởng “không giống ai” này, nhà văn Lê Lựu có lẽ cũng đang đi đúng con đường “làm giàu đi cùng văn hóa” như ông ấp ủ suốt 5 năm qua

Hoàng Thắng
.
.