Doanh nhân trẻ mang sức sống đến những vùng ngoại ô nghèo khó

Thứ Bảy, 20/08/2016, 13:15
Lance Petersen, 25 tuổi, ngồi trong radio studio của mình và trò chuyện với mọi người bằng microphone. Trong khi phần đông DJ ở độ tuổi Lance Petersen để cho âm nhạc lên tiếng thì anh thích làm điều ngược lại.

Lance là người thành lập và sở hữu Vibe Radio SA, một trạm phát thanh đặt tại vùng ngoại ô Athlone của Cape Town. Thành lập năm 2011, Vibe đặt ra mục đích phục vụ thanh thiếu niên Nam Phi.

Trò chuyện với thính giả trẻ tuổi trên khắp đất nước Nam Phi, Vibe đề cập đến mọi vấn đề mà giới trẻ hiện nay quan tâm - từ chuyện chế nhạo trên Internet cho đến HIV/AIDS, thời trang và đưa ra lời khuyên thiết thực để trở thành doanh nhân.

Vibe Radio của Lance Petersen.

Lance Petersen khẳng định trạm phát thanh của anh ra đời từ sự nhận thức rằng chính quyền Nam Phi thiếu ủng hộ giới trẻ cũng như thiếu lắng nghe tâm tư của họ. Lance tự giới thiệu: “Mục đích của Vibe Radio là cung cấp một nền tảng chỉ tập trung vào tiếng nói của giới trẻ và mở ra cho họ cơ hội nói lên suy nghĩ sâu xa của mình và được lắng nghe”.

Trước đây là nhà sản xuất chương trình truyền hình, Lance Petersen sử dụng khoản tiền tiết kiệm của mình để thành lập Vibe Radio và nhận được sự hỗ trợ từ Viện Tái thiết cuộc sống (RLabs) - doanh nghiệp xã hội Nam Phi đặt trụ sở tại một vùng ngoại ô Cape Town, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để ủng hộ các cộng đồng và nhất là cung cấp chương trình huấn luyện cũng như hỗ trợ những doanh nhân hoạt động trong những vùng này.

Vibe Radio sử dụng 16 nhân viên và kiếm tiền từ các hợp đồng quảng cáo. Nam Phi có tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ (từ 15 đến 34) là 37,5% cho nên Vibe tập trung bàn luận về cách thức thành lập và điều hành doanh nghiệp.

Andisiwe Nyavula, một nữ doanh nhân khác cũng chỉ mới 25 tuổi và hoạt động tại một vùng ngoại ô Cape Town, có quan điểm rằng giới trẻ trong cộng đồng của cô cần được tiếp cận với các dịch vụ cơ bản nếu họ muốn tạo ra các công ty tự lập cho riêng mình. Thế nên từ năm 2012, Andisiwe thành lập Nzum Nzum - chuỗi 3 trung tâm doanh nghiệp bao gồm các tiệm cà phê Internet cung cấp nhiều loại hình dịch vụ như là photocopy, in ấn, fax, đăng ký công ty và truy cập web cho những người đang cố gắng phát triển khởi nghiệp.

Andisiwe Nyavula.

Giá các dịch vụ của Nzum Nzum từ 5 rand Nam Phi (khoảng 25 cent) cho 30 phút truy cập Internet, 1 rand cho 1 trang photocopy và 80 rand in ấn thẻ doanh nghiệp. Trong một tháng có khoảng 3.000 người sử dụng các trung tâm của Andisiwe đặt tại 3 khu ngoại ô Cape Town là Nyanga, Phillipi và Gugulethu. Do cố gắng tạo ra sự khác biệt cho nên Andisiwe gặp rất nhiều thách thức mà các doanh nhân vùng ngoại ô thường đối mặt như là: tỷ lệ tội phạm cao, những chủ đất nham hiểm và các nhà cung cấp dịch vụ không hiệu quả.

Andisiwe kể: “Phải mất hơn 3 tháng để tạo lập được kết nối chắc chắn cho tiệm cà phê Internet mới của chúng tôi. Và, nếu có vấn đề trục trặc thì phải mất hơn 2 tuần mới khắc phục được. Đó là lý do mà các doanh nghiệp lớn từ lâu đều lảng tránh các vùng ngoại ô”.

Bên trong một tiệm cà phê Internet của Nzum Nzum.

World Bank (WB) đánh giá có hơn một nửa trong số 53 triệu dân Nam Phi sinh sống trong những vùng ngoại ô nghèo khó và những khu định cư không chính thức khác. Nhưng với nhiều khách hàng tiềm năng, những vùng ngoại ô mặc dù hỗn độn của Nam Phi có triển vọng trở thành những điểm nóng kinh doanh trong tương lai.

Craig Dumont, thành viên bộ phận quản lý ở Rlabs, nhận định: “Có những cá nhân ấp ủ những ý tưởng thú vị muốn điều hành doanh nghiệp trong các vùng ngoại ô”.

Từ năm 2008, RLabs được coi là cái nôi cho hơn 50 công ty khởi nghiệp và giúp cho hàng ngàn doanh nhân - trong đó bao gồm Lance Petersen của Vibe Radio - thành đạt.

Doanh nhân nuôi ong Loyiso Mbete.

Craig Dumont đánh giá: “Các doanh nhân ở vùng ngoại ô hiểu biết sâu sắc môi trường hoạt động của họ, những thách thức và đối tượng mục tiêu phục vụ của họ”. Hoạt động tại vùng ngoại ô Kayamandi nằm cách Cape Town khoảng 50km về phía đông, Loyiso Mbete là doanh nhân nuôi ong được Dumont cho là đáng tin cậy hơn hết. Mbete, 36 tuổi, sở hữu hơn 400 tổ ong và chỉ sử dụng 3 nhân viên. Mbete cho biết nhu cầu mua mật ong và những dịch vụ liên quan cao đến mức anh cố hết sức để duy trì doanh nghiệp.

Mbete tâm sự: “Tôi vốn xuất thân từ gia đình nghèo khó cùng cực. Điều quan trọng mà các doanh nghiệp hoạt động trong vùng ngoại ô phải nắm rõ là cố gắng nuôi sống người nghèo đồng thời giúp họ thoát nghèo. Các doanh nghiệp cũng tạo ra những việc làm mới cho nên họ đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế Nam Phi”.

An Di (tổng hợp)
.
.