Độc đáo sắc màu dân tộc Lô Lô

Thứ Tư, 15/05/2019, 07:23
Trên dải đất Việt Nam, 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, đoàn kết qua hàng ngàn năm lịch sử để tạo nên một cộng đồng gắn bó như ngày hôm nay. Trong đó, người Lô Lô là một dân tộc có mặt sớm, góp công vào quá trình khai khẩn và lập nên mảnh đất Đồng Văn, Mèo Vạc ở tỉnh Hà Giang và Bảo Lâm, Bảo Lạc ở tỉnh Cao Bằng.

Dân tộc Lô Lô ở Việt Nam gồm hai nhóm là Lô Lô đen và Lô Lô hoa. Tuy là một dân tộc thiểu số nhưng di sản văn hóa của người Lô Lô hết sức độc đáo, từ bao đời nay vẫn tỏa sáng và điểm tô cho bức tranh đa màu sắc của vùng cao nguyên địa đầu Tổ quốc.

Làng Lô Lô Chải nhìn từ trên cao.

Tín ngưỡng và văn hóa dân gian độc đáo

Là một tộc người có số dân khiêm tốn nhưng dân tộc Lô Lô lại có bề dày lịch sử và tín ngưỡng, văn hóa dân gian độc đáo. Trên mảnh đất núi non hùng vĩ, ngàn đời nay, người Lô Lô vẫn gìn giữ và lưu truyền những vốn cổ quý báu của cha ông với những phong tục tập quán, lễ hội, những điệu múa, truyện kể dân gian... Dù được chia ra làm hai nhóm Lô Lô đen và Lô Lô hoa nhưng họ chỉ khác nhau về trang phục còn tín ngưỡng và văn hóa dân gian thì không phân biệt.

Bên nhịp trống đồng trầm hùng giữa trùng điệp núi non và những vách đá tai mèo, điệu múa, tiếng hát của người Lô Lô còn quá đỗi nguyên sơ: “Hỡi những người Lô Lô cổ/ Và Cờ Lao già ở đất này/ Đã phát rẫy làm nương/ Đã khai thiên lập địa/ Sinh ra mảnh đất đầu tiên/ Sinh ra các hang/ Đẻ ra các động...”. Những câu hát ấy đưa ta về thuở sơ khai gắn liền với những tín ngưỡng dân gian có tự ngàn xưa.

Người Lô Lô quan niệm vạn vật hữu linh, nghĩa là vạn vật đều có linh hồn, từ con người đến núi sông, cây cỏ, thú vật. Tín ngưỡng này bắt nguồn từ một thực tại là trước thiên nhiên bao la đầy bí ẩn và hiểm họa, con người đã thần thánh hóa các lực lượng tự nhiên thành siêu nhiên với sức mạnh thần linh và thờ cúng, cầu khẩn để được che chở. Linh hồn biết tất cả những gì con người đang làm và có thể giúp con người mọi việc ở mọi lúc, mọi nơi, nhất là trong những tình thế nguy nan. Vì vậy, thờ cúng các linh hồn được coi là bổn phận của con người. Tục thờ cúng tổ tiên hay cúng ma bắt nguồn từ quan niệm này.

Người Lô Lô cũng cho rằng, con người khi mới sinh ra có hình hài như một bầy khỉ. Khi trời lạnh, bầy khỉ bóc vỏ cây quấn vào người. Khi chết đi, con người sẽ bay về với tổ tiên, trời đất. Nên khi làm lễ cúng tổ tiên và trong đám ma, các chàng trai phải mặc trang phục bằng lá cây, lấy vỏ cây làm mặt nạ như cha ông xưa kia để tổ tiên nhận ra con cháu mình. Đây là nghi lễ hết sức độc đáo, cho thấy sự gắn bó và hòa hợp giữa con người với tự nhiên.

Họa tiết trang trí gấu áo của người Lô Lô hoa.

Các gia đình Lô Lô thường lập bàn thờ ở sát vách của gian giữa, đối diện cửa chính, có những hình nhân bằng gỗ, được cắm hoặc cài ở phía vách bàn thờ để tượng trưng cho linh hồn tổ tiên. Lễ cúng tổ tiên thường diễn ra vào ngày 14-7 âm lịch hằng năm tại nhà trưởng họ với 3 nghi lễ chính gồm lễ hiến tế, lễ tưởng nhớ và lễ tiễn đưa.

Với không khí trang nghiêm, thành kính, họ cầu khấn cho tổ tiên về nhận mặt để chứng giám và phù hộ cho con cháu. Đây là một trong những sinh hoạt thuộc các nghi lễ vòng đời của người Lô Lô, mang tính giáo dục cộng đồng hướng về nguồn cội, biết ơn tổ tiên, giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự cố kết cộng đồng làng bản, dòng họ và gia đình.

Bên cạnh lễ cúng tổ tiên, phong tục tang ma của người Lô Lô không chỉ mang tính chất tín ngưỡng mà còn hàm chứa giá trị văn hóa, thể hiện đạo hiếu của con cái đối với cha mẹ và tinh thần cộng đồng làng bản. Trong các bài ca tang lễ có đoạn mở đầu: “Lứa tuổi nào qua đời/ Hồn được múa tiễn đưa/ Múa tiễn hồn người già/ Tiễn hồn người đứng tuổi...”.

Với quan niệm người chết sẽ bắt đầu một cuộc sống mới ở thế giới khác nên người Lô Lô không quá đau buồn mà trong đám ma sẽ có nhiều lễ thức độc đáo, như hóa trang, nhảy múa, nhào lộn... Phụ nữ nhảy múa trong đám tang mặc những bộ trang phục và trang sức đẹp nhất để đưa tiễn người quá cố về với tổ tiên.

Không chỉ có tín ngưỡng vạn vật hữu linh, tín ngưỡng phồn thực cũng được người Lô Lô giữ gìn qua lễ cầu mưa. Người dân cầu khấn, ước ao năm nay có nhiều hạt mưa rơi xuống tưới cho nương rẫy ngày càng xanh tốt, cho dân bản được mùa, đời đời no ấm. Người Lô Lô thường tổ chức lễ cầu mưa vào đầu tháng 3 âm lịch tại một khu đất rộng do người cao tuổi có uy tín làm lễ.

Đồ cúng trong nghi lễ thường phải có 1 con gà trống, 2 con chó, 1 bát nước, 4 chén rượu, 4 ống hương bằng tre tượng trưng cho 4 phương trời, 1 thanh kiếm bằng gỗ hoặc sắt cùng hương vàng giấy bạc. Tiếng khấn vái của thầy cúng đậm chất kì bí, đầy sắc màu huyền thoại, lên bổng xuống trầm, hòa vào tiếng trống đồng, tiếng nhị réo rắt, nỉ non, là cầu nối giữa con người với các đấng thần linh, là khát vọng ngàn đời của cư dân nông nghiệp về một tự nhiên mưa thuận gió hòa.

Lễ cầu mưa có 2 phần là phần lễ và phần hội. Thế nên, nó không chỉ là dịp để người ta cầu may mắn, tỏ lòng thành với đất trời mà còn là dịp để mọi gặp gỡ nhau, bàn chuyện làm ăn, chuyện gia đình, con cái, đặc biệt còn là dịp để trai gái trao duyên, hò hẹn. Những nàng thiếu nữ miền sơn cước với đôi má ửng hồng, e ấp và tình tứ trong những điệu múa, tiếng hát cổ truyền làm say lòng biết bao người trai. Cả đất trời như cùng hòa nhịp với lòng người trong sắc xuân phơi phới.

Cảnh hành lễ trong Lễ hội cầu mưa của người Lô Lô ở Mèo Vạc.

Trong những nghi lễ mang tính tâm linh, trống đồng là một linh vật không thể thiếu. Nó gắn với huyền thoại về sự sinh sôi, nảy nở của con người và vạn vật, là cầu nối giữa cõi người với cõi thiêng. Có tiếng trống đồng thì hồn người chết mới tìm được đường về nơi sinh tụ đầu tiên của tổ tiên. Có tiếng trống đồng thì trời đất, âm dương mới giao hòa, nam thanh nữ tú mới gắn kết bên nhau. Tiếng trống đồng trầm hùng, vang vọng khắp núi rừng ngàn đời là một biểu tượng cho sức sống bất diệt của dân tộc.

Trang phục rực rỡ sắc màu

Trên địa đầu Tổ quốc, nổi bật giữa bạt ngàn xanh thẳm của núi rừng là những trang phục rực rỡ sắc màu. Đâu đó, ta bắt gặp những cô gái Lô Lô xúng xính trong bộ váy áo truyền thống mà như thấy một mùa xuân đang bừng nở. Cũng là loại trang phục nhấn vào các họa tiết trang trí và những gam màu sặc sỡ, tươi tắn như của người Mông, Dao đỏ hay Cờ Lao đỏ nhưng trang phục của người Lô Lô hoa ở Hà Giang thực sự khác biệt. Nó được tạo ra từ kỹ thuật khâu các mảnh vải màu tam giác lên trang phục với họa tiết vô cùng tinh xảo và đẹp mắt, mang đặc trưng riêng của người Lô Lô không giống bất cứ dân tộc nào.

Một bộ trang phục truyền thống của người Lô Lô hoa gồm áo, quần, váy, khăn. Khăn đội đầu làm bằng vải tự dệt màu đen hoặc xanh chàm, ở đầu có tua màu sắc sặc sỡ như màu đỏ, cam, vàng hoặc đính cườm. Những họa tiết cầu kỳ được thêu dày đặc trên trang phục. Để bộ trang phục hoàn thiện hơn họ dùng thắt lưng, khi thắt để thõng 2 đầu ra phía trước tạo vẻ duyên dáng.

Sự tinh tế của trang phục do khiếu thẩm mỹ của cô gái khi chọn phối màu sắc giữa áo, quần, khăn, thắt lưng nhằm tạo một tổng thể hài hòa, xinh xắn. Điều đó cũng thể hiện những quan niệm thẩm mỹ và đời sống tinh thần phong phú của dân tộc Lô Lô.

Hai nhóm Lô Lô hoa và Lô Lô đen đều sử dụng phối hợp kỹ thuật chắp vải màu có thêu khá tinh tế trong những khuôn thức bố cục chặt chẽ, có hòa sắc rực rỡ sáng tươi của các màu nguyên sắc được bố trí bên nhau làm rõ, làm tăng độ tương phản vốn có. Tuy nhiên, người Lô Lô hoa sử dụng kỹ thuật trang trí chắp hình vải màu nhiều hơn còn người Lô Lô đen sử dụng kỹ thuật thêu nhiều hơn, dùng xen kẽ với chắp hình vải màu, bố cục trang trí trang phục thoáng, nhẹ hơn.

Người Lô Lô thêu trang phục ở Mèo Vạc.

Phụ nữ Lô Lô đen mặc áo ngắn tay kiểu xẻ ngực, hai ống tay chùng và rộng, váy kín khá dài. Dây lưng 2 đầu thêu và buộc thêm những sợi chỉ xanh đỏ sặc sỡ. Cũng giống người Lô Lô hoa, khăn đội đầu thường bằng vải chàm và được đính nhiều hạt cườm, cúc nhựa, buông những chỉ tua nhiều màu.

Với khăn đội đầu là nền đen, các hạt cườm ngũ sắc, các tua xanh đỏ dính viền mép khăn, người Lô Lô muốn thể hiện bầu trời cùng các vị tinh tú. Đường diềm trang trí bổ ô thể hiện họa tiết biểu trưng cho sự tuần hoàn của mặt trời, mặt trăng, của không gian, thời gian. Bên cạnh đó, họa tiết trang trí hình bông lúa cho thấy rõ đặc trưng của nền văn minh nông nghiệp. Trên những tấm vải của người Lô Lô đen còn trang trí hình chim Ngó Bá - một loài chim huyền thoại, gắn liền với tín ngưỡng thờ thần của người Lô Lô.

Để làm ra một bộ trang phục như vậy, những người phụ nữ phải mất khoảng 4 năm. Khoảng thời gian ấy cho thấy sự kiên trì, vất vả và đôi bàn tay khéo léo của họ. Đó còn là nơi họ gửi gắm trọn vẹn khát vọng hạnh phúc tình yêu qua những mũi kim, sợi chỉ. Bởi người con gái Lô Lô nào khi về nhà chồng cũng phải may được một bộ váy áo để mang theo.

Giữ gìn và lan tỏa

Là một dân tộc thiểu số, lại sống quần cư và hòa nhập với nhiều cộng đồng dân tộc khác, người Lô Lô đang nỗ lực từng ngày bảo tồn những giá trị quý báu mà cha ông để lại. Những nghi thức tâm linh gắn liền với tín ngưỡng và văn hóa dân gian tốt đẹp như lễ cúng tổ tiên hay lễ cầu mưa, những bài dân ca, truyện cổ, những điệu múa, trống đồng... là những nét đặc sắc mà người dân gìn giữ và phục dựng.

Ngày nay, khi xã hội đã phát triển hơn thì việc người con gái của dân tộc này phải khéo tay trồng bông, dệt vải vẫn là một trong những yêu cầu quan trọng nhất để các ông bố, bà mẹ chọn dâu và những chàng trai Lô Lô kén vợ.

Hẳn vì thế mà dẫu cho phiên chợ Đồng Văn họp vào sáng Chủ nhật có bán nhiều phẩm màu cao cấp nhưng những phụ nữ Lô Lô vẫn chuộng loại vải do chính tay mình dệt nên và nhuộm từ những loại củ, loại lá kiếm được trong rừng để tạo thành những bộ váy áo đẹp hơn sắc hoa rừng buổi sớm. Chính vì phải dụng công, dụng tâm như thế nên những cô gái Lô Lô hết sức tự hào về nét duyên độc đáo trên khăn áo của dân tộc mình.

Cũng vì vậy, với phụ nữ Lô Lô, ngay từ khi còn nhỏ, họ đã được bà và mẹ dạy thêu và khâu vá trang phục để khi về nhà chồng phải có ít nhất một bộ váy áo mang theo. Việc làm này không chỉ giúp lưu giữ nghề khâu vá, thêu thùa mà còn giữ được những nét văn hóa truyền thống trên trang phục của dân tộc Lô Lô.

Như thế, với một nền văn hóa rực rỡ sắc màu, dù ở cheo leo nơi địa đầu Tổ quốc, những người Lô Lô vẫn ngày ngày tô điểm cho bức tranh đẹp đẽ của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Những điệu múa, lời ca bay qua thung sâu, núi cao, tiếng trống đồng vẫn vang lên hào sảng như nhịp đập trường tồn của trái tim người Lô Lô qua thời gian.

Nhật Minh
.
.