Đời làm thuê rẻ rúng trên tàu cá đại dương

Thứ Bảy, 22/01/2011, 15:45
Một cuộc điều tra tận ngoài khơi Tây Phi của Tổ chức Hòa bình Xanh và Tổ chức Tư pháp về môi trường đã phát hiện các tàu đánh cá "dù" (không bến đỗ) lang thang khắp các đại dương và hoạt động trái luật pháp quốc tế.

Theo ông Rossen Karavatchev thuộc Liên đoàn Công nhân vận tải quốc tế (ITF), các tàu đánh cá này không chỉ đánh cắp nguồn cá đại dương mà còn sử dụng đội ngũ làm thuê không qua đào tạo nghề. Đội ngũ này ăn ở và làm việc tại chỗ, trên những con tàu không an toàn và điều kiện sống vô cùng bẩn thỉu!

Khi bắt đầu theo dõi một tàu kéo cá công nghệ cao Hàn Quốc ngoài khơi bờ biển Tây Phi, các nhà bảo vệ môi trường không những tìm thấy bằng chứng về nạn đánh bắt cá bất hợp pháp khiến nguồn cá châu Phi suy giảm đến mức báo động, họ còn phát hiện ra những “nô lệ” của thời hiện đại.

Ông Duncan Copeland, một nhà vận động kỳ cựu của Tổ chức Tư pháp về môi trường (EJF), người bước lên tàu kéo cá Hàn Quốc vào cuối năm 2008 cùng lực lượng hải quân từ Sierra Leone, cho biết: "Thật kinh khủng. Những người bạn chài làm việc trên tàu cá không có lỗ thông gió, trong cái nóng 40-45 độ! Quanh họ toàn mùi gỉ sét, dầu mỡ, cái nóng và mồ hôi ngột ngạt. Gián ở khắp mọi nơi trong các con tàu buồm chèo này, trong khi thức ăn của họ chứa trong những cái hộp dơ bẩn. Họ chỉ có thể giặt rửa bằng nước biển được một máy bơm đưa lên. Nói thì đau lòng, nhưng họ hôi hám vì chưa tắm rửa từ lâu lắm rồi".

Trong khi cuộc điều tra còn tiếp tục, EJF thấy hết tàu này đến tàu khác, có tàu "đã 40 năm tuổi", bị gỉ sét và gần như nát bét mà vẫn tham gia vào đánh bắt cá trộm - một việc làm bất hợp pháp gây tổn hại cho trữ lượng cá biển đang bị cạn kiệt. 36 thuyền viên trên các tàu đến từ Trung Quốc, Indonesia và Sierra Leone. 8 người chia nhau nghỉ ngơi trên "giường" làm bằng thùng các tông chắp vá trong khu trữ cá bé xíu không cửa sổ. 4 người làm việc trong khâu phân loại và đóng gói cá cho thị trường châu Âu, trong khi bốn người còn lại ngủ và sẽ thay ca cho 4 người kia sau 12 tiếng.

EJF tin rằng, nạn đánh bắt trái phép hầu hết được thực hiện bởi tàu treo cờ "mua lại". Theo Luật Hàng hải quốc tế, quốc gia nơi con tàu đăng kiểm phải chịu trách nhiệm về hoạt động của con tàu đó. Một số nước cho phép tàu thuyền của các quốc gia khác đăng kiểm với giá vài trăm USD và hành vi phạm pháp bắt đầu từ đây.

Tàu cướp biển có thể đổi cờ nhiều lần trong mùa đánh bắt và thường xuyên thay đổi tên đăng kiểm. Chúng thường được hỗ trợ bởi các công ty vỏ bọc, làm cho chủ sở hữu thực sự của chúng khó có thể theo dõi và đặc biệt khó thực thi pháp luật. Tiền phạt tối đa đối với đánh bắt trái phép là khoảng 100.000USD, thường là ít hơn so với lợi nhuận đánh bắt cá trong 2 tuần, theo EJF.

Các thuyền viên Sierra Leone nói rằng, họ không được trả lương mà được trả bằng những hộp cá "rác" - những mẻ cá bị các thị trường châu Âu từ chối - để họ bán tại địa phương. Nếu bất cứ ai phàn nàn hay chống đối, thuyền trưởng sẽ bỏ người đó lại trên bãi biển gần nhất. "Điều kiện sống và làm việc không ra gì, nhưng chúng tôi không thể làm gì khác", một bạn chài trên một tàu đăng kiểm Hàn Quốc nói với các nhà điều tra. "Chúng tôi sống cùng nó, bởi vì chúng tôi không dễ tìm việc khác. Nếu có ai đó đề nghị trả 200 USD hỗ trợ gia đình bạn, dù biết số tiền đó không cao, nhưng chúng tôi không còn cách nào khác".

Những người đánh bắt cá thuê thường ngủ trên những tấm bìa các tông, làm việc nặng suốt 18 giờ, và nhận tiền lương bằng... cá bị thị trường EU từ chối nhập khẩu.

Hồi tháng 5/2010, khoảng 150 người Senegal được tìm thấy lao động cực khổ trên một con tàu ngoài khơi Sierra Leone. Họ bị buộc làm việc tới 18 giờ/ngày và vào ban đêm, ăn uống và ngủ trong không gian chưa đầy 1m2. Con tàu này mang số được cấp phép nhập khẩu cá vào EU, cho thấy dường như nó đã bị bỏ qua khâu kiểm tra vệ sinh tiêu chuẩn nghiêm ngặt. EJF cũng tìm thấy một số tàu cào cá có rất đông bạn chài trên tàu, một số người đã ở trên đó làm việc hơn một năm mà không được trang bị thiết bị an toàn hoặc thiết bị vô tuyến nào.

Quyết định xem con cá chúng ta ăn có đến từ một mẻ lưới cào bất hợp pháp thuộc vùng biển Tây Phi hay không là việc khó, nhưng mọi việc rõ ràng hơn trong vài tháng gần đây sau một cuộc đột kích của các viên chức hữu quan thuộc Anh và châu Âu.

Theo một quy định của EU có hiệu lực trong năm nay, không được phép nhập khẩu cá vào các nước thành viên châu Âu, trừ khi có chứng nhận hợp pháp của quốc gia có cờ treo trên con tàu cá đó. Điều đó có nghĩa là nếu một tàu buồm treo cờ Tây Ban Nha, Tây Ban Nha phải xác nhận việc đánh bắt là hợp pháp. Các nhà vận động tin rằng vấn đề là một số quốc gia, bao gồm cả Hàn Quốc và Trung Quốc, quản lý không hiệu quả những tàu cá sử dụng cờ của họ

Lệ Đào (theo Guardian)
.
.