Đổi mới quản lý dữ liệu quốc gia về dân cư: Vẹn cả đôi đường

Thứ Hai, 26/10/2020, 21:40
Những ngày này, cán bộ, chiến sĩ Trung tâm dữ liệu Quốc gia về dân cư "chạy nước rút để chuẩn bị cho việc vận hành hệ thống dữ liệu đúng thời điểm 1-7-2021, khi dự án Luật Cư trú có hiệu lực. Tất cả cán bộ, chiến sĩ làm ngày làm đêm bởi không chỉ nhập toàn bộ dữ liệu của dân cư cả nước mà còn so sánh, đối chiếu và phải "làm sạch" bởi đây là kho tài nguyên quốc gia trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về dân cư...

Tích hợp n trong 1 các loại giấy tờ

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa giúp công dân tự do cư trú và làm việc, vừa qua Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chức năng do Bộ Công an chủ trì, khẩn trương xây dựng dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Trong đó, đưa các nội dung đăng ký cư trú bằng nền tảng công nghệ số, quản lý thông qua mã số định danh cá nhân và được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cư trú để thay thế hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú.

Việc sử dụng mã số định danh cá nhân để quản lý dân cư thông qua việc cập nhật, kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ mang lại những lợi ích thiết thực trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, giảm những chi phí hiện nay của người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả.

Được biết, hiện nay, công dân khi đi lại, giao dịch phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ như chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phéo lái xe... Tuy nhiên, khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn thành và đi vào hoạt động, công dân không cần mang theo các loại giấy tờ nêu trên, không phải công chứng, chứng thực các loại giấy tờ này mà chỉ mang theo thẻ căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cho các cơ quan chức năng để thực hiện thủ tục hành chính bảo đảm nhanh chóng, chính xác, hiệu quả, giảm chi phí.

Cán bộ Công an nhập dữ liệu quốc gia về dân cư.

Sử dụng số định danh cá nhân vào quản lý dân cư sẽ là nền tảng để phát triển và sử dụng thẻ căn cước công dân điện tử, mở rộng các ứng dụng để tích hợp thông tin của nhiều ngành trên một thẻ. Thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu chuyên ngành được cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ làm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, hạn chế tối đa trùng lặp thông tin, giảm chi phí đầu tư ngân sách nhà nước đối với hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Bên cạnh đó, việc quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân sẽ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và giảm thiểu chi phí cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc khai thác dữ liệu (không cần tổ chức các đợt kiểm tra, tổng điều tra), giảm nguồn lực, chi phí để thực hiện nhập các trường thông tin trùng lặp về công dân và giảm chi phí để lưu trữ khối lượng hồ sơ, giấy tờ tại cơ quan hành chính nhà nước.

Tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho nhà nước và người dân

Là người hay phải giao dịch với ngân hàng và các cơ quan, tổ chức, chị Nguyễn Thị Yến ở Đống Đa, Hà Nội mỗi năm phải mất cả triệu bạc tiền phô tô, công chứng các loại giấy tờ, nào là bằng cấp, chứng minh nhân dân, đăng ký kết hôn, thẻ bảo hiểm y tế đến hàng chục loại giấy tờ khác. Điều đáng nói, mỗi lần công chứng cũng không làm được nhiều vì giá trị của giấy tờ công chứng chỉ trong vòng 6 tháng nên nếu công chứng nhiều cũng phải bỏ đi.

Không chỉ mất tiền, chị Yến còn mất rất nhiều thời gian đi lại, chờ đợi. Chính vì vậy, khi biết Bộ Công an kiến nghị tích hợp các loại giấy tờ vào mã số định danh cá nhân, chị Yến vui lắm, mong chờ ngày được Quốc hội thông qua luật để chị đỡ phải "lằng nhằng" với đống giấy tờ phải mang theo và "vác" đi công chứng mỗi khi có việc cần dùng.

Theo tính toán của Bộ Công an, khi ứng dụng công nghệ thông tin (cập nhật thông tin cá nhân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) vào giải quyết thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, ngành có yêu cầu cung cấp thông tin của công dân sẽ giúp giảm chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính cho người dân ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng/năm từ việc không phải thực hiện sao, chụp, chứng thực hoặc không phải kê khai nhiều lần các thông tin cơ bản của mình, tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền.

Cán bộ Công an nhập dữ liệu quốc gia về dân cư.

"Có thể lấy ví dụ trong công tác quản lý về bảo hiểm xã hội như hiện nay; theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang quản lý thông tin của khoảng 72% dân số cả nước, nếu hoàn thiện việc triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thực hiện quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân thì sẽ giảm chi phí trong quản lý về bảo hiểm xã hội; theo đó, mỗi năm có khoảng 1 triệu trẻ em sinh ra, cơ quan bảo hiểm xã hội phải chi trả khoảng 10 tỷ đồng để cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Nếu có số định danh cá nhân thì bảo hiểm xã hội lấy số đó làm căn cứ để cấp luôn. Hiện nay, việc nhập dữ liệu mới phải trả 10.000 đồng/tờ khai. Nếu 30 triệu người phải cấp mới thì sẽ tiêu tốn khoảng 300 tỷ đồng, gây lãng phí rất lớn" - Đại tá Vũ Huy Khánh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, Tư pháp, Bộ Công an cho biết. 

Không chỉ thế, việc cấp mã số định danh cá nhân sẽ bảo đảm tiết kiệm chi phí cho người dân khi thực hiện thủ tục đăng ký cư trú với trình tự, thủ tục đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng trên cơ sở áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong việc thực hiện đăng ký, quản lý cư trú. Giảm thiểu đáng kể chi phí cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới đăng ký cư trú.

"Có thể lấy ví dụ như trong đăng ký thường trú, nếu thay thế bản khai nhân khẩu, phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, bỏ giấy chuyển hộ khẩu, bỏ giấy tờ chứng minh về mối quan hệ gia đình khi làm thủ tục đăng ký thường trú thì sẽ tiết kiệm được khoảng 76,464 tỷ đồng mỗi năm" - Đại tá Vũ Huy Khánh nhấn mạnh.

Tạo mọi thuận lợi cho người dân

Sống ở Hà Nội đã hơn 10 năm nhưng gia đình anh Mạc Anh Tuấn, quê ở Cao Bằng vẫn chưa nhập được hộ khẩu vì chưa có nhà riêng. Cả gia đình anh 7 người gồm bố mẹ già, hai vợ chồng, 2 đứa con và 1 đứa cháu phải thuê nhà để đi làm thuê kiếm sống. 3 đứa trẻ đi học thì được mua bảo hiểm y tế theo trường nhưng 4 người lớn lại phải mua bảo hiểm ở quê, mỗi khi ốm đau, bệnh nạn phải về quê chữa bệnh hoặc "chạy chọt" được chuyển tuyến lên Hà Nội.

Khó khăn nhất là việc xin học cho con, vì không có sổ hộ khẩu nên các cháu đều phải học trái tuyến. Thêm vào đó, mỗi đầu năm học, anh lại phải đi hơn 700km để về quê xác nhận hộ khẩu, xin xác nhận tạm trú... rồi quay về Hà Nội. Điều gia đình anh mong chờ nhất, đó là khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn thành, anh sẽ không phải đi xác nhận các loại giấy tờ nữa. Theo đó, mỗi khi đến trọ ở địa bàn nào, anh chỉ việc ra công an phường khai báo là xong.

Công an huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa làm căn cước công dân cho người cao tuổi.

"Tôi nghe nói còn có thể được khai báo qua mạng Internet. Nếu như vậy sẽ quá thuận lợi cho tôi vì không phải nghỉ làm để ra phường - anh Tuấn cho biết.

Theo đó, khi thực hiện quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân sẽ dẫn đến việc bãi bỏ một số thủ tục hành chính liên quan đến thủ tục đăng ký cư trú do các thông tin liên quan đến nơi thường trú, nơi tạm trú, điều chỉnh thông tin liên quan của công dân đã được cập nhật và khai thác sử dụng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cụ thể, bãi bỏ 13 nhóm thủ tục hành chính gồm:  Tách sổ hộ khẩu; cấp đổi sổ hộ khẩu; cấp lại sổ hộ khẩu; điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu; xóa đăng ký thường trú; xác nhận việc trước đây đã đăng ký thường trú; hủy bỏ kết quả đăng ký thường trú trái pháp luật; cấp giấy chuyển hộ khẩu; cấp đổi sổ tạm trú; cấp lại sổ tạm trú; điều chỉnh những thay đổi trong sổ tạm trú; gia hạn tạm trú; hủy bỏ đăng ký tạm trú trái pháp luật.

Góp phần từng bước hoàn thiện các quy định của pháp luật về cư trú bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong việc quy định về trình tự, thủ tục đăng ký cư trú; hạn chế đến mức thấp nhất việc phải ban hành văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục đăng ký cư trú; qua đó, bảo đảm kịp thời việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân cũng như bảo đảm hiệu lực pháp lý của văn bản quy định về quy trình đăng ký cư trú có liên quan trực tiếp đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân mà theo quy định của Hiến pháp phải do luật định.

Thu Thủy
.
.