Đội tuyển Pháp và chuyện… ngụy quân tử

Thứ Bảy, 03/07/2010, 05:40
Đội tuyển Pháp đến Nam Phi dự World Cup 2010  bằng nỗi uất hận của đội tuyển Cộng hòa Ireland vào tháng 11/2009, một tháng đen tối của bóng đá Pháp. Danh thủ Thierry Henry bất chấp tên tuổi của một danh thủ bóng đá, đã dùng... tay chuyền bóng cho hậu vệ Gallas trong một tình huống lên tham gia tấn công và Gallas đã ghi bàn gỡ hòa 1-1.

Chính từ pha kiến tạo này của Thierry Henry, Pháp đã có mặt tại Nam Phi vào tháng 6 này. Cũng chính tại nơi đây, đội bóng từng làm mưa làm gió ở World Cup 1998 và Euro 2000 đã bị cả thế giới nhận ra họ chỉ là những kẻ... ngụy quân tử(!).

Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, bộ "Tiếu ngạo giang hồ" có nhân vật được xây dựng hình tượng rất độc đáo là Quân tử kiếm Nhạc Bất Quần, Chưởng môn phái Hoa Sơn, người được toàn thể giới giang hồ nể phục vì tài năng và đức độ. Sau nhiều biến cố, lớp vỏ quân tử được Nhạc Bất Quần dày công xây dựng bị bóc gỡ dần. Kết lại, hắn hiện nguyên hình là một tên ngụy quân tử.

Nhạc Bất Quần tệ đến mức, chối bỏ đồng môn, ám hại đệ tử, bán rẻ con gái, hủy nghĩa phu thê... Thậm chí là "dẫn đao tự cung". Mọi thứ y làm  đều nhằm mục đích là có được một thân võ công cái thế, độc tôn giang hồ. Và để có thân thủ ấy, y cần thiết phải luyện tập được bí kíp võ công của dòng họ Lâm là Tịch Tà kiếm phổ. Từ đây, Nhạc Bất Quần không từ bất cứ thủ đoạn nào để có thể có được bí kíp võ công ấy. Chính vì sự tham lam này của Nhạc Bất Quần, bằng hữu giang hồ đã nhận ra bộ mặt thật của Chưởng môn phái Hoa Sơn.

Đội tuyển Pháp có nét tương đồng nào với ngụy quân tử Nhạc Bất Quần ?!.

Pháp, đội bóng áo màu thiên thanh, được giới chuyên môn đặt cho tên gọi mỹ miều là "Những chú gà trống thành Gôloa", mỗi khi xung trận luôn được xếp vào hàng “chiếu trên”. Nhưng, Pháp đã làm cả thế giới thất vọng khi thi đấu gian lận với một đối thủ đàn em là Cộng hòa Ireland. Như đã nói, chính nhờ sự gian lận này, Pháp mới đến được Nam Phi.

Pháp, thi đấu tổng cộng 3 trận. Hòa 0-0 với Uruguay. Thua 0-2 trước Mexico, và thất thủ với tỉ số 1-2 trước nước chủ nhà Nam Phi. Nhưng, các cầu thủ Pháp đáp lại niềm tin của người hâm mộ đội tuyển như thế nào?

Với HLV Domenech, mọi thứ đã kết thúc rất tồi tệ.

Ngay sau trận thua Mexico, đối diện với nguy cơ bị loại sớm từ vòng đấu bảng (Đây là bi kịch mà người Pháp hiểu rõ hơn ai hết khi bị loại ngay vòng bảng tại World Cup 2002 - PV). Thế nhưng, các tuyển thủ Pháp không quan tâm đến điều đó. Họ vẫn bận bịu với việc cãi nhau xem số tiền các cầu thủ được thưởng là bao nhiêu? Nếu bị loại họ sẽ thu về bao nhiêu euro?

Nếu vào sâu trong giải, tổng số tiền thưởng là thế nào? Số euro tiền thưởng dành cho cầu thủ dự bị và cầu thủ đá chính được thưởng có chênh lệch nhiều không? Nghĩa là bỏ mặc sự quan tâm của những người yêu mến đội Pháp, kể cả những người lặn lội sang tận Nam Phi để cổ động cho họ. Những toan tính đầu tiên của các tuyển thủ Pháp bao giờ cũng là vì "quyền lợi của chính mình".

Đỉnh điểm của "Ngụy quân tử" Pháp, là màn cãi vã giữa tiền đạo Nicolas Anelka với Huấn luyện viên trưởng đội tuyển, ông Domenech. Chính từ "canh bạc cuối" này, Đội tuyển Pháp đã phơi bày toàn bộ sự rệu rã của nó cho cả thế giới "thưởng lãm".

Sau cuộc đụng độ giữa tiền đạo và huấn luyện viên, các cầu thủ Pháp dưới sự "cầm đầu" của ngôi sao Patrice Erva, những cầu thủ còn lại trong đội đã bỏ tập. Họ ngấm ngầm tuyên bố đây là động thái chống đối với FFF, cơ quan đầu não của bóng đá Pháp. Còn Domenech, họ xem ông ta chẳng qua chỉ là... một gã đầu bạc vô dụng(!).

Ngay trận đấu cuối, huấn luyện viên này phải gặp từng cầu thủ để hỏi "Ai thật sự muốn chơi trận hôm nay?", để ông có thể sắp xếp đội hình. Lần đầu tiên tại một giải đấu lớn như World Cup, huấn luyện viên phải năn nỉ cầu thủ đá bóng, chứ không phải là chọn lựa tuyển thủ để cho ra sân.

Về phần mình, không một lời xin lỗi hay phân bua, Nicolas Anelka lẳng lặng bay thẳng từ Nam Phi sang... London (Anh), chứ không về Pháp trình diện theo yêu cầu của FFF. Điều này cho thấy, Anelka phớt lờ toàn bộ những chỉ trích mà dư luận Pháp đang hướng đến mình. Có thể nhận định, người hâm mộ lẫn quan chức Liên đoàn Bóng đá Pháp, chẳng có một chút trọng lượng nào trong mắt Nicolas Anelka.

Toàn bộ biến cố của đội Pháp, tính cho đến thời điểm này có thể dễ dàng nhận ra rằng, họ không phải là một đội bóng lớn thật sự. Và cái áo hào hoa mà những tài năng Zinédine Zidane, Claude Mekelele, Fabien Bathez, Laurent Blanc... cố gắng khoác cho Pháp trong quá khứ giờ đã quá rộng so với một tuyển Pháp hiện tại. (Ngoại trừ, mùa World Cup 2006, khi Pháp là Á quân - PV).

Tuyển Pháp đã đóng vai một Quân tử kiếm từ suốt Euro 2000 đến nay, và họ đã mệt mỏi. Đến lúc, Đội tuyển Pháp phải được trả về với Pháp ở ngay thời điểm này, chứ không phải là một đội Pháp luôn ẩn chứa ánh hào quang của quá khứ.

Một điểm quan trọng khác, các tuyển thủ Pháp bây giờ ai cũng là triệu phú. Với hàng triệu USD gửi trong ngân hàng, với biệt thự, với những cô vợ và nhân tình thuộc hàng siêu xinh, những chiếc xe hơi đời mới, những cuộc tiệc tùng xa hoa... Họ là những triệu phú và nổi tiếng. Với họ, như vậy đã quá đủ.

Thế nên, đừng hy vọng họ sẽ chơi thứ bóng đá hết mình cho niềm vui của một cộng đồng, cho màu cờ sắc áo của một quốc gia, mà trong Đội tuyển quốc gia có mấy cầu thủ xuất thân là người gốc Pháp. Họ đá vì quyền lợi của chính họ. Và, khi họ cảm thấy quyền lợi của mình ngày càng xa dần, họ sẽ không tham gia cuộc chơi bằng mọi cách. Vậy thôi(!).

Gọi Đội tuyển Pháp là "ngụy quân tử", cũng chẳng có gì là quá đáng(!)

Ngô Nguyệt Hữu
.
.